Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

ẤN TƯỢNG BÙI QUANG THANH

21:55, 24/02/2021bqtTrong mắt bạn đọc
(0 Đánh giá)
Cảm nhận khi đọc tập thơ "Mật ong vàng lũng núi" NXB Hội Nhà văn 2007

ẤN TƯỢNG BÙI QUANG THANH

                     Nhà thơ Vương Trọng

 

Hơn ba mươi năm công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một trong  những niềm vui của tôi là được đọc, biên tập và giới thiệu tác phẩm đầu tay của những cây bút trẻ mà sau này họ trở thành nhà thơ như Đinh Thị Thu Vân, Phạm Quốc Ca, Đặng Huy Giang, Vũ Toàn… Bùi Quang Thanh cũng thế. Tôi nhớ, sau ngày giải phóng miền Nam được vài năm, trong chồng bản thảo dày dặn của cộng tác viên cả nước gửi về Tạp chí có một bài thơ khá dài, đầu đề cũng dài hơn bình thường, bên cạnh sự vụng về của người mới tập viết là tình cảm chân thành của tác giả, khiến người đọc xúc động. Sau này tôi biết được, bài thơ đó tác giả viết để kính tặng hương hồn người chú ruột đã vào Nam chiến đấu và hy sinh không biết ở vùng nào. Bởi thế, khi tác giả trở thành người lính, lại vào Nam chiến đấu, đến đâu cũng hỏi tìm tung tích chú:

... Bãi khách nào cháu cũng tìm những gốc cây

Mong thấy chú một tin gì gửi lại

Ngàn vạn tên người, tên quê khắc trên ấy

Cháu chỉ thấy điệp trùng đội ngũ Xưa – Nay

 

Trường Sơn ơi núi rộng sông dài

Cho ta hỏi: Quãng sông nào chú tắm

Cho ta hỏi: Hỡi nàng mây áo trắng

Đỉnh đèo nào cánh võng chú từng đưa?...

         Đây không phải là bài thơ hay của Bùi Quang Thanh nhưng cái quý là xúc động chân thành. Tôi vốn dị ứng với loại thơ tình cảm giả tạo, trong bài xuất hiện bao nhiêu từ khóc, nức nở, nước mắt… nhưng sự thật tác giả vừa cười vừa sáng tác! Bùi Quang Thanh không thế. Anh chỉ nói điều mình nghĩ. Đó là lý do dù bài thơ chưa hay nhưng tôi vẫn biên tập và giới thiệu, đặt cái mốc đầu tiên trong hành trình thơ của anh. Thực ra đây không phải là bài thơ đầu tay của anh vì anh đã làm thơ từ những năm 1971, thậm chí trước đó - khi vừa nhập ngũ, nhưng bài thơ này được giới thiệu đầu tiên trên báo chí trung ương, nên trở thành cái mốc. Từ cái mốc này, Bùi Quang Thanh cộng tác thường xuyên với trang thơ của Tạp chí VNQĐ, nhưng khi đó thơ anh chỉ nằm trong dàn đồng ca, đợi đến ngày bài thơ Hạt đắng xuất hiện, con mắt những người biên tập và bạn thơ nhìn anh mới khác. Với Hạt đắng, Bùi Quang Thanh không chỉ vượt lên, và theo tôi, anh đã ghi một dấu ấn thật đậm trong sự nghiệp viết về người lính của mình. Bài thơ kể lại một kỷ niệm đau, niềm ân hận không nguôi của một người lính. Bài thơ là một câu chuyện có thể tóm tắt như sau: ba người lính trẻ ở chiến trường ra, đóng quân trong nhà một bà mẹ buôn lạc giống. Thời ấy, quan niệm xã hội coi việc buôn bán là không lương thiện, ba chàng lính tự cho mình là không có tội khi trộm lạc để rang, làm ẩm mốc cả ba chum lạc giống của mẹ, cả làng mất mùa lạc, nghi ngờ coi rẻ mẹ làm bà mẹ phải bỏ nghề buôn lạc,tức kế sinh nhai, và mej nghi ngờ cả ... chính mình cho đến ngày mất. Tác giả (một trong ba người lính) thuật lại câu chuyện và bộc bạch niềm ân hận của mình. Nếu như làm thơ là lặng lẽ tham gia cuộc thi giữa mình với “phần còn lại của thế giới” mà đầu đề bài thi do mình tự chọn, thì với Hạt đắng, Bùi Quang Thanh đã đạt giải thật cao trong cuộc thi ấy. Bài thơ gồm sáu khổ, khổ nào cũng khá, tác giả khéo léo dồn hết tính dẫn chuyện vào khổ thứ tư, năm khổ còn lại dành phần cho chất thơ. Đây là khổ kết: 

Chết trong mẹ niềm tin gieo hạt giống

 Sống trong con hạt đắng chẳng nguôi tàn

Bao mùa lạc đời vẫn dâng sức sống

Con cúi đầu hồn trắng một vành tang.

           Trong cuộc thi thơ năm 1998 – 1999, tôi chú ý bài thơ  Lời hương khói của anh từ khi mới hoàn thành ở trại viết đến in báo và khi xét giải. Bùi Quang Thanh là người thành công ở nhiều bài viết về mẹ, ở bài thơ này, những đoạn diễn tả ý nghĩ về người mẹ của đứa con liệt sĩ thật xúc động:

“Mắt mẹ mờ sau bụi bặm thời gian.

Khói thành mây, nắng thành sương, lá vàng rưng rưng vườn cũ.

 Nón lá, áo tơi treo chùng vách nhớ.

 Vòi hái cong, lưỡi liềm cong ngoéo một thuở ruộng đồng”.

          Đây là bài thơ văn xuôi đầu tiên của anh, vốn là người quen viết bút ký và phóng sự, anh khéo léo đưa vào những chi tiết rất văn xuôi và cũng nên thơ: “Con đi. No tròn ba lô con cóc sau lưng. Hoa cỏ may găm đầy quần bộ binh đũng chấm ngang đầu gối…”. Bài thơ đã đoạt giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ghi nhận một bước trưởng thành trong "nghề" thơ của anh.

          Với tôi, ba bài kể trên đã để lại ấn tượng thơ Bùi Quang Thanh, ấn tượng đó một phần do kỷ niệm với tác giả hoặc hoàn cảnh lần đầu tiếp xúc với tác phẩm. Khi đọc tuyển tập thơ dày dặn này, rất có thể bạn đọc lại có ấn tượng từ những bài thơ khác và không coi Hạt đắngLời hương khói là những bài thơ hay nhất của anh. Điều đó cũng thật dễ hiểu vì mỗi người có một sở thích và một cách lĩnh hội riêng, hơn nữa cái hay của thơ cũng nhiều vẻ. Bạn đọc có thể chỉ ra rất nhiều câu, đoạn mình thích mà chất lượng không hề thua kém những gì tôi đã trích. Ví như trong bài Dáng mẹ, có những câu thật đắt, được viết bằng cái nhìn, cái nghĩ của người từng trải:

 “Cha độc mộc ngược sông Hồng, sông Mã

 Mẹ nhớ thương đâu bến đợi, bến chờ

Bình minh lên từ những gọng vó bè

 Hoàng hôn rớt cuối lửa nương, khói rẫy”.

          Với bạn đọc trẻ, có thể lại thích những bài thơ tình yêu trong tuyển tập này. Nhà thơ thường đa tình, Bùi Quang Thanh đồng hương với cụ Nguyễn Công Trứ, khoản này cũng khá, ít ra là thể hiện trong thơ. Tình cảm đối với người ở cõi tục là chuyện thường, có khi anh còn dành cho người ở cõi thiền như nhà sư trẻ Hạnh Thuyền, có lẽ một phần vì nhà sư trẻ này đã ở cõi thiền lâu rồi mà khó xa cõi tục:

Mười năm lên núi tu hành

Vẫn chưa nắn nổi một vành môi cong

Nâu sồng mà thắt lưng ong

Làm sao ngăn nổi nhớ mong hỡi người?

          Rồi anh kết bài thơ bằng cách biện minh cho ý nghĩ và tình cảm của mình và cho cả nhà sư trẻ kia:

Cửa thiền ai cấm xinh tươi

Thi nhân ai cấm nói lời trái tim.

(Gửi Hạnh Thuyền)

         Hay như khi đi tàu hỏa, ngồi cạnh một cô gái đẹp, mới gặp lần đầu. Chuyện đó bao người đã trải, có gì đáng nói. Nhưng đối với nhà thơ Bùi Quang Thanh thì không đơn giản như thế, bởi trời cho trái tim và con mắt của thi ỡi, nên khi được cô gái kia vô tình tựa vào anh mà ngủ, anh ao ước:

Nhà tàu đèn tắt đi thôi                                 

Để người ngon giấc, để tôi khỏi nhìn

Và rồi anh "ghen ngược" với người xung quanh:

Nhà tàu đèn tắt đi thôi

Bao nhiêu cặp mắt săm soi kia kìa!

         Nhưng nhà tàu không chiều nguyện vọng vô lý của anh nên đèn vẫn sáng, như vậy ngủ đi thì phí quá, nhà thơ của chúng ta thức để được nhìn, nhưng ra bộ tự nguyện thức canh cho giấc ngủ của người đẹp:

Con tàu lao suốt đêm khuya

Và tôi hóa đá làm bia cạnh người.

(Đi tàu cùng người đẹp)

          Khi cho ra mắt tuyển tập thơ này, Bùi Quang Thanh muốn tự nhìn lại mình, đồng thời để bạn đọc có điều kiện đọc thơ anh một cách đầy đủ và hệ thống hơn. Có thể bạn đọc sẽ tìm được những câu, những bài mình thích, và cũng rất có thể, sẽ mỉm cười lướt qua một số bài nào đó. Vậy thì ta ghi nhận những gì mình có ấn tượng, còn với những bài chưa thích thì nên rộng lòng thông cảm bởi tuyển tập thơ còn phải mang thêm một chức năng là lưu giữ, để khỏi thất lạc những đứa con tinh thần của nhà

                                        

Hà Nội, 12/2007                                                               VT