Bùi Quang Thanh
ĐÊM RỪNG GIÀ ĐƠN LẠNH
Hồi ức
Tháng 10 năm 1972 tại chiến trường Tây Nguyên, tôi lại bị sốt rét quật ngã. Lúc này tôi đang được Phòng Hậu cần mặt trận tăng cường cho tổng kho K13 - một kho hàng dã chiến " lộ thiên" ngay sát mặt trận phía tây Kon Tum giáp Gia Lai (Cánh Trung). Đây là kho hàng tổng hợp vừa được hình thành, không có nhà cửa hầm hang gì che chắn; hàng hóa, xăng dầu, vũ khí, quân trang, thực phẩm... được chuyển từ Cam Pu Chia qua đường bộ, đường sông rồi tập kết ở đây, ngay dưới các con suối cạn được che đậy bởi rừng cây le, cây lau khô cháy vì nắng lửa và hanh hao; các đơn vị từ tiền tuyến về nhận hàng chỉ mất mấy giờ đi bộ.
Tôi bị sốt, bỏ ăn gần 3 tuần thì kiệt sức, nằm bẹp trong cái giường bằng liếp vừa đủ cho cái màn cá nhân phủ kín xung quanh. Mỗi khi mở mắt nhìn ra trời đất cứ tối sẫm lại vì bên ngoài chiếc mà tuyn màu xanh là những lớp muỗi vằn bu dày đặc. Chỉ cần rung nhẹ tấm màn là lớp muỗi đói bay vù, là ánh sáng lại lọt vào trong chiếc giường liếp có thằng tôi thoi thóp. Cũng vì muỗi, vì dịn (một loại côn trùng bằng hạt tấm, màu đen, hút máu lính thì nhanh vô kể) mà tôi không dám thò chân ló mặt ra ngoài màn.
Kho K13 có vài chục anh em trông coi và cấp hàng cho bộ đội. Tôi và một anh bạn quê Cao Bằng đảm trách một "nhánh" toàn xăng dầu, quân trang nhưng tôi ốm cả tuần nên anh chàng Cao Bằng bận túi bụi suốt ngày lẫn đêm. Đói thì lương khô, nước suối, tuyệt đối khong được nổi lửa cơm nước vì sợ lộ mục tiêu, cũng sợ cháy rừng, cháy cả kho hàng nữa. Được "dịp" tôi nhịn ăn cả tuần cho đến nỗi một hôm hốt hoảng thấy chân mình không cất nổi bước để ra suối lấy nước uống.
Hôm đó, khát nước quá, tôi dậy ra suối. Vừa rời khỏi cái màn tuyn chui ra ngoài, chợt 2 đầu gối khuỵu xuống. Tôi dùng tay bò, trườn, kéo theo khẩu AK bên mình. Được mươi mét thì tai ù, mắt hoa, toàn thân run rẩy. Tôi nằm thở, thấy đất trời xoay đảo, tối sầm rồi tôi lịm đi. Cơn khát làm tôi tỉnh dậy, lại quyết tâm bò ra suối. Cơ thể bủn rủn, bụng dạ xôn xao. Chợt tôi nghĩ đến thèm một chút gì đó chua chua, ngọt ngọt trong đầu lưỡi. Nước miếng tứa ra từ cái miệng cả tuần lười nhác ăn uống. Tôi nghĩ đến gói đường trắng nhỏ trong túi cóc. Phải quay vào ngậm tý đường cho đỡ khát vì quãng ra suối còn xa. Tôi lê lết bò vào trong cái ổ đặt ba lô, run rẩy mở gói đường vốc một ít cho vào miệng. Tôi muốn bắn ba phát súng cấp cứu để mong anh em ai đó đến giúp mình nhưng nghĩ nhỡ ra bọn biệt kích, thám báo quanh quẩn đâu đây phát hiện ra khu kho thì vô cùng nguy hiểm. Rừng cây khô khốc, hàng hóa la liệt này, chỉ cần một loạt bom cháy là tiêu rụi. Tôi nằm thở giốc, nghe cơ thể dần có sự hồi sinh từ vị ngọt của những hạt đường tan ra, trôi dần xuống cổ họng. Sau một hồi nằm ngửa nhìn trời, tôi quyết định bò lại suối. Trườn bò một lúc thì tôi thấy đầu gối vững hơn và tự đứng dậy được, vin vào những cây le nhỏ lần đi.
Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được tác dụng của những hạt đường với sức khỏe con người. Ngẫm lại phút hồi sinh kỳ diệu ấy, tôi tự kết luận được mình không thể buông thả cho số phận, không thể lười nhác ăn uống để cơ thể tự suy kiệt làm mồi cho tử thần. Cũng vì thế, mấy ngày hôm sau anh em trong kho K13 bắt được một tổ ong đất khá to, rủ nhau nấu kẹo lạc bằng mật ong, anh Sáu Kho trưởng đích thân đưa ra võng cho tôi một miếng, tôi không ăn mà nhét vào đáy túi cóc ba lô.
Khi cơn sốt dai dẳng thêm mấy ngày, anh Sáu yêu cầu y tá Tiến đưa tôi đi về Đội điều trị 25 cách chỗ chúng tôi ở 2 ngày đường về phía tây thuộc đất tỉnh Na Ta Ki Ri của Cam Pu Chia. Tôi thất thểu mang ba lô, súng đạn lên đường, thằng Tiến y tá dặn cứ theo đường giao liên hướng phía mặt trời lặn mà đi, nó lấy thêm gạo, thuốc rồi sẽ rảo theo sau.
Gần trưa, tôi nghe tiếng bước chân huỳnh huỵch phía sau, quay lại thì thấy hai đồng đội cùng kho K13 cáng một cái võng chạy tới, phía sau là y tá Tiến. Tiến nói trong hơi thở gấp gáp: "Mày cứ theo đường này mà đi, tao sẽ quay lại đón. Thằng Hùng bị ác tính phải cấp cứu nó đã. Lát nữa có Sơn "Bò vàng" và thằng Tân cũng đi viện, bám chúng nó mà đi'. Thoáng, cả bọn khuất xa phía trước, tôi như chẳng có gì phải vội vàng, chặt một cây hèo già làm gậy chống rồi lẫm chẫm theo đường mòn mà bước tới. Cơn đói không hoành hành tôi, chỉ khát nước và thèm của chua. Tôi vừa đi vừa tìm những lá cây chua, đọt mầm chua gọi là lá ngốt mà tôi rất quen thuộc từ thuở chăn bò, hái củi trên núi Hội ở quê để nhấm nháp. Rất may những lá cây này lại thỉnh thoảng hiện ra bên đường và tôi có thêm chút sức lực tiến lên. Trưa hôm ấy thằng Sơn "Bò vàng" và thằng Tân đuổi kịp tôi ở một con suối đá. Dòng suối trong mát đã níu chân tôi lại khá lâu. Hai đồng đội mà tôi vừa đi vừa mong ấy thấy tôi với chiếc ba lô to kềnh thì cười hỏi: " Mày mang được những gì mà ba lô căng thế?" Tôi bảo: "Toàn áo quần tăng võng thôi." "Bố láo! Mày giấu ai chứ giấu bọn tao sao được. Ở giữa tổng kho hậu cần mà không thủ gì đi ăn có mà hâm!" Tôi ngạc nhiên: "Thì đúng vậy mà. Cả mấy tuần tôi có ăn uống được gì đâu. Thằng Tiến bảo nó sẽ mang cho cả hai thằng nhưng giờ nó phải theo thằng Hùng đi trước rồi. Tôi ngồi đợi các ông cùng đi." Thằng Sơn "Bò vàng" - cả kho gọi nó thế vì nó quê Sơn Tây nên mọi người hay chế hắn vậy, tiến lại xách ba lô của tôi, lôi lên bờ suối và mở nắp túi phao chống mưa, lôi ra chăn màn tăng võng, cả cuốn tiểu thuyết Gu Li A mà tôi mang theo từ miền Bắc vào; nó lột cả các túi cóc ra rồi nhìn tôi vừa ngạc nhiên vừa chế diễu: "Thằng hâm! Đúng là không có gì ăn được. Xem chúng tao đây này, có ra đến nửa đường giao liên vẫn còn đường sữa nhé. Nhưng giờ thì ông con "cá gỗ - áo tơi” tự mình sống cùng suối trong và khí trời đi nhé. Bọn tao không mang theo để chia cho thằng lười đâu." Hai thằng cười ha hả rồi rất nhanh chúng biến mất trước con đường mà tôi cũng sẽ đi qua.
Sắp lại đồ đạc bị thằng Sơn "Bò vàng" quẳng ra vào lại ba lô, tôi lững thững, lẫm chẫm cất bước. Tối ngủ lại bên một con suối nhỏ có dấu vết than củi của những người đã nghỉ lại ở đây. Tôi trùm tăng, mắc võng rồi chui vào trong cái "kén" đó, ôm khẩu AK 47 đã lên đạn, ngủ vùi. ...
Ngày thứ hai của cuộc hành quân, tôi cũng cô đơn và buồn tủi. Sức càng ngày càng yếu, chân càng lúc càng run. Cả thân hình, cả ba lô, cả khẩu súng và 3 băng đạn đủ cơ số như tì hết lên cái gậy. Vừa đi vừa lê lết, vừa hy vọng... Tối đó tôi lại tìm một con suối để nghỉ lai. Con suối này to hơn, nước chảy ầm ĩ hơn như xua đi mọi âm thanh lạnh lẽo và sự ghê rợn của rừng già. Tôi không thể mắc mái tăng mà buộc luôn võng vào hai cây gỗ vừa tầm rồi chui luôn vào đó. Một cảm giác rã rời, bất lực trước cuộc sống quá mịt mờ. Thằng Tiến không quay lại đón; thằng Sơn "Bò vàng" và thằng Tân tạo cho tôi nỗi thất vọng, đớn đau về tình đồng đội, tình người lúc hoạn nạn tối lửa tắt đèn có nhau. Tiếng cười hô hố và lời phán "thằng hâm" của nó kéo tôi về một thực tại là tôi sẽ chết đói trên đường trước khi tới được Đội điều trị 25 trong mơ ước bởi tôi không mang theo bất kỳ thứ gì ăn được. Ừ nhỉ, tại kho K13, không thiếu một thứ gì, vậy vì sao mình không chuẩn bị cho mình một ít thực phẩm, chí ít cân đường, hộp sữa chẳng hạn. Bởi cơn sốt dai dẳng làm mất cảm giác ăn uống một phần; cũng bởi mình không dám đụng tới bất cứ một thứ gì của tổng kho vì tính kỷ luật, sự hồn nhiên trong trẻo của một người lính và cả sự trông cậy vào y tá Tiến cùng đi... Mà đường từ kho K13 tới Đội ĐT 25 nghe nói chỉ 2 ngày đi bộ, mình đã trọn 2 ngày rồi, chắc không còn xa nữa. Sẽ cố gắng đến cùng, phải đến được ĐT25 để còn cơ hội trở về với mẹ.
Đêm đó, tôi gần như bất động trong tấm võng. Trước khi rời Tiểu đoàn xe để đi biệt phái tháp tùng anh Măng - Thượng úy trợ lý Ban Xăng xe mặt trận ra kiểm tra công tác chuẩn bị cho kế hoạch tiếp quản xe máy của địch nếu chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh toàn thắng, thằng Nhiên - bạn cùng tiểu đội tôi quê ở Đa Tốn, Gia Lâm lo tôi mang cái võng đôi vải Tô châu sẽ rất nặng nề nên đổi cho tôi cái võng dù có cả bọc võng cũng bằng dù rất gọn nhẹ. Bộ võng dù và bọc võng của Nhiên cũng được một đồng hương Hà Nôi trên đường trở ra bắc dưỡng thương đổi lại cho Nhiên vì thấy hắn gầy yếu khẳng khiu mà đường vào mặt trận thì vời vợi. Bộ võng dù thời ấy là mơ ước của lính B3 bởi nó nhẹ và ấm, không sợ ướt, không cần màn chăn gì cũng có thể chọi được với muỗi, dịn, ruồi vàng và cái lạnh thấu thịt xương khi đêm về sương xuống. Cũng nhờ vậy mà mấy tháng qua tôi đỡ bao sức lực cho mang vác hành trang cá nhân khi theo chân mấy thủ trưởng Ban Xăng xe dọc ngang "Cánh Bắc", "Cánh Trung" Tây Nguyên, đặc biệt những ngày ốm đau bệnh tật. Đêm đó, cái bọc võng đã che cho tôi nỗi cô độc, sự sợ hãi về thú rừng, biệt kích thám báo, sự huyền bí thâm u của rừng núi xa lạ mịt mùng vô tận ấy.
Khi đi cùng các anh ở Tiểu đoàn Một vận tải xe thồ của mặt trận, tôi được nghe kể về loài hổ dữ ở "Cánh Trung" (Gia Lai) và "Cánh Nam" (Đăk Lăk, Đăk Nông bây giờ). Chuyện rằng hổ ở khu vực này nhiều và dạn người bởi khu vực này có nhiều trận càn của địch, nhiều trận vây lấn và đánh giao thông của quân ta. Hầu hết sau chiến sự, xác người nằm lại là thức ăn khoái khẩu của bọn lãnh chúa núi rừng này. Do vậy cứ nghe súng nổ ở đâu là sau đó chúa sơn lâm mò đến hôi xác. Lâu thành quen ăn thịt người, lũ cọp ra đường giao liên rình bắt các chiến sĩ đi lẻ một mình hoặc các nhóm chiến binh mất cảnh giác. Thông thường chúng rình bắt người đi sau cùng, người nằm trong lán, võng mà dậy đi ra ngoài tiểu đêm; cả những đoàn vận tải xe đạp thồ cũng thường xuyên mất người vì hổ. Các anh có kinh nghiệm cũng cho tôi biết, loài hổ dữ dằn, ác hiểm nhưng đa nghi. Nếu đêm về mắc màn hay võng có bọc võng trùm kín thì chúng chỉ ngồi rình chơ cơ hội chứ nhất định không dám vồ cả màn, cả võng vì chúng sợ dính bẫy của con người. Cũng vì vây mà đêm ngủ một mình, tôi ôm súng trong lòng mà không dám ho he ra khỏi võng.
Đêm nay, tôi suy kiệt hơn những đêm trước. Nằm nhìn lên bầu trời qua chỗ không có tán cây, qua lỗ thủng nhỏ trên bọc võng tôi thấy những ngôi sao xa xanh mờ và tôi lơ mơ thấy hình dáng mẹ. " Cơn sốt bất ngờ bắt con nằm lại. Đêm lạc rừng khắc khoải tiếng từ quy. Cánh võng Tô châu quây tròn tổ kén ủ con tằm chống những cơn run.... Mấy quả dâu rừng chiều nao đồng đội hái tê tê đầu lưỡi, mềm lại bờ môi. Lỗ thủng vô tình trên bọc võng xanh xanh một đốm sao trời. Là mắt mẹ dõi tìm con chăng mẹ? Giọt mắt khô hút bóng con về. Đồng tử tia hình sao năm cánh, chập chờn cơn tỉnh cơn mê.
Đêm rừng già đơn lạnh, gió ngàn ru lời mẹ xa đưa. Đồng đội ơi! Sau giòn giã tiểu liên, trầm hùng đại bác, lộc xuân xanh chồi có khuất nẻo mòn xưa?
Và Bình minh, khi nhịp cầu nối lại gương mặt Người sẽ rực rỡ nhường bao. Đừng dồn hết hào quang soi mắt mẹ, sau rạng ngời là diệu vợi niềm đau..." (Bài thơ Lời hương khói được viết lại sau này từ ký ức của cuộc hành trinh đi qua cái chết của Bùi Quang Thanh)
Những ý nghĩ trăng trối đó cứ bám lấy đầu óc tôi, ru tôi bay bổng trên cánh võng, trong gió đưa và suối chảy. Tôi thấy cánh võng đưa mình lên cao dần theo chiều cao và thời gian của hai cây rừng tôi mắc võng, y như những cánh võng Trường Sơn của đồng đội tôi đi trước nằm lại trên đường hành quân mà bao năm sau bất ngờ anh em gặp phải trên cao vút cây rừng, chỉ còn lại cánh võng dù và bộ xương khô đung đưa... Và tôi thấy mình trở về quê nhà trong dáng hình không ảnh, thấy mẹ tôi đăm đăm dưới bụi tre vườn ngó ra cánh đồng Mặt Bù cạnh nhà tôi đang mịt mù bụi trắng của những đường bừa đạp mùa gieo vãi. Tôi thấy mẹ sao mẹ chẳng thấy tôi? Mẹ đứng như bức tượng mà hút vào miền xa xăm vô định. “Sừng sững tượng đài Chiến thắng/ Đìu hiu dáng mẹ lung còng! Sao con la ráng mây hun hút cuối tầm - Là ngọn buốt thổi phơ thêm mái tóc?”…
Tôi mơ màng tỉnh dậy vì cảm thấy cơ thể có vấn đề: y chang hôm khát nước bò ra suối. Tôi mơ hồ nghĩ đế những hạt đường ngòn ngọt đầu lưỡi. Phải rồi, lại đói; lại mất sức vì đói. Cần phải có chút đường giải cứu. Tôi lần mò kéo bọc võng xuống, lật người nằm nghiêng lại rồi thò tay xuống lần mò túi cóc ba lô. Lôi hết mọi thứ trong đó ra: bàn chải, kem đánh răng, gói thuốc sát trùng, gói muối...Sao chẳng còn gói đường hôm nọ đang ăn dở? Nó ở đâu? Cả hai cóc nhỏ hai bên đều không có. Lần mò nữa, tôi lôi ra được vật vuông vuông, cưng cứng. Trong đêm tối, dùng tay nắn mà nghĩ mãi không biết vật gì. Ngửi xem phải mẩu lương khô chăng? Ôi, thơm mùi mật ong, mùi lạc nữa. Cái đầu mụ mẫm chưa kịp nhớ ra vật chi thì cái mồm đã giục cái tay ấn vào cho lưỡi thử. Một cảm giác ngọt ngào, thơm nức nở làm tôi trào nước mắt. Miếng kẹo lạc nấu mật ong của anh Sáu Trưởng kho. Chao ơi! Quý hóa vô cùng, hơn cả báu vật lúc này với tôi. Miếng kẹo mật ong - đấng cứu tinh của thằng lính sắp hụt hơi vì đói....
Tôi nha nhẩn gặm, mút từng tí một, càng lâu càng tốt, cho cái vị cuộc sống kia kéo dài, cho nhịp trái tim dần lấy lại bình thường, cho đêm đen ngắn lại và mặt trời sẽ ló sau màn sương... Chỉ cần cầm cự đến sớm mai, tôi sẽ gặp những đồng đội khác, dù xa lạ nhưng chắc chắn không phải là loại thằng Sơn "Bò vàng" hôm qua...
Gần trưa ngày thứ ba, một con dốc cao và dài làm tôi kiệt sức. Chẳng còn suối để lấy nước, không có lá cây chua để bỏ mồm, chút sinh lực từ mẩu kẹo lạc mật ong như cũng tiêu đi đâu chóng vánh. Tôi lại vừa đi vừa bò ngược núi về hướng tây. Chợt có ba người lính trẻ măng, quân phục mới tinh, ba lô mới tinh vừa trên dốc xuống vừa ăn một loại trái cây gì đó. Tôi ngồi bệt lên một phiến đá, mừng rỡ đón ba anh chàng trẻ măng mà tôi đoán lính mới ở Bắc vào. Thấy tôi bộ dạng thất thần, họ dừng lại hỏi tôi vì sao đến nỗi này. Tôi bảo bị sốt rét, tìm về ĐT25. Ba anh chàng không biết ĐT 25 ở đâu, một anh giốc bi đông còn mấy giọt nước cho tôi uống; một chàng đưa cho tôi mấy quả gì lông lông, mịn mịn, tròn tròn và bé bằng đầu ngón tay rồi bảo tôi: "Bọn em vừa chặt một cành trên đỉnh dốc, anh cố gắng lên đó mà hái. Quả gì ăn chua chua rất thích. Bọn em phải đi cho kịp đơn vị". Tôi nhai vội mấy quả chua chát đó rồi cố hết bình sinh trườn bò lên đỉnh dốc.
Tìm được cái cành mấy anh lính vừa đẵn xuống, tôi quẳng cả gậy, súng, ba lô xuống, nằm xoài trên đám lá xanh mát có những quả nhỏ chua chua chát chắt mà măm rồi tôi thiếp đi lúc nào không biết nữa.
Tỉnh dậy vì một cú lay và giọng con gái Bắc: "Đồng chí gì ơi! Lính tráng gì mà nhếch nhác thế này?" Tôi mở mắt, phều phào: "Tôi chết mất! Cho tôi về Đội Điều trị 25". Cô gái cúi xuống đỡ tôi ngồi dậy: "Đồng chí bị sao vậy? Sốt rét ác tính à?" "Vâng! Tôi không đi nổi nữa". Rồi tôi lờ mờ thấy một cô bộ đội quân phục cũng còn mới, to khỏe, lưng đeo cái gùi bằng tre, bụng thắt bộ xanh tuya rông có dao găm, túi thuốc và bi đông nước. Cô gái - lính ấy bảo tôi: "Tôi ở Đội Điều trị 25 đây. Anh nằm đây nghỉ, đợi tôi lấy xong gùi lá sắn rồi tôi đưa anh về Đội." Tôi lơ đãng gật đầu. Cô gái để lại bi đông nước bên cạnh tôi, dặn khát thì hãy uống nhưng không được uống nhiều rồi cô quay lưng. Chỉ mấy bước chận, cô ta quay lại bảo: "Anh dậy đi, tôi dìu anh về phòng cấp cứu đã." Rồi cô đặt ba lô của tôi lên cái gùi không, khoác khẩu AK của tôi lên vai, cô xốc tôi dậy vừa dìu vừa đỡ tôi về phòng cấp cứu ĐT25.
Mấy ngày sau tôi tỉnh dậy trong tình trạng đang chuyền nước muối, các y bác sĩ, các hộ lý mừng rỡ báo cho tôi biết đã bất tỉnh 3 ngày trời và một cô chạy đi kéo tay một cô gái vạm vỡ, nét mặt xinh với làn da bánh mật đến bên giường tôi: "Anh phải cảm ơn Y sĩ Hồng quê Ba Vì đi nhé. Cô ấy lôi anh từ cửa thần chết trở về đấy" !
Hà Tĩnh, 27/02/2024