Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

ĐẾN HẸN LẠI VỀ

16:56, 28/08/2020BQTTruyện - Ký
(1 Đánh giá)
Bút ký của Bùi Quang Thanh

 ĐẾN HẸN LẠI VỀ

                      Bút ký

Tôi đang ngồi trước họ, 13 cựu binh trong tổng số 351 chiến sĩ của huyện Cẩm Xuyên nhập ngũ ngày 27.7.1968. Bên cạnh họ, trên chiếu rượu chiều nay còn có năm bà vợ lính và hai vị khách là tôi và anh bạn viết văn Phan Cao Toại vừa từ Nha Trang về. Ngô Hồng - chủ nhân ngôi nhà sum họp này, người trẻ nhất, người có thâm niên lính cao nhất trong số họ đã ra tận thị xã Hà Tĩnh bắt tôi phải về bằng được để vừa làm khách, vừa làm phó nháy

Lớp chúng tôi, lớp những người có cái tuổi khai sinh chia thế kỷ hai mươi làm hai mảnh, lớn lên trong hậu phương chống Pháp, chưa kịp học xong mặt chữ đã vội giã quê cầm súng lên đường đánh Mỹ. Chẳng biết bạn bè nằm lại trên khắp nẻo chiến trường để trở thành bất tử may hơn hay những người sót lại sau bom đạn để mà đau đáu nhớ thương may hơn, nhưng khi đốt nén hương trước vong linh các liệt sĩ, chẳng mấy ai cầm nổi nước mắt. Bình minh tuổi trẻ trong ngần những ước mơ, dự định của các chàng trai, cô gái chân đất chưa kịp buông dây cho cánh diều của mình bay bổng thì tiếng lòng đã thôi thúc đón chờ buổi lao vào binh lửa chiến trường. Những đôi môi chưa biết nói lời yêu, những ánh mắt chưa tan hết ngu ngơ của tuổi thơ đồng nội; Những giọt nước mắt nhớ nhà chưa biết lặn vào trong mà nóng hổi lăn tròn trên những đôi má phúng phính lông tơ. Họ ra đi từ miền quê nghèo khó nhưng tuyệt đẹp về truyền thống ông cha, lòng vẫn thầm ước mong sớm được trở về dưới những mái nhà tranh để xây đời mở nghiệp…

Nắng tháng bảy chói vàng rót xuống khu vườn cây xanh đầy hoa trái. Cái nóng dai dẳng hàng tháng qua với những đợt gió Lào không dọa nổi mảnh vườn được bàn tay người chăm chút, nâng niu. Những gốc bưởi lai sum suê, quả lớp lớp trĩu cành; những cây roi ngửa tán lá lên trời che chở cho muôn nghìn nụ hoa, núm quả. Chao ôi! Cũng ngày này ba mươi năm về trước, tôi đứng dưới hàng tre cháy nắng gió và khét lẹt khói bom vẫy chào bạn bè lên đường nhập ngũ. Ba trăm năm mươi mốt chàng trai hồ hởi ra đi. Ba mươi năm sau, số còn lại chỉ đếm được hơn một lần số đốt ngón tay trên một bàn tay đầy đặn. Người già nhất trong số những người có mặt hôm nay là bác Dương, một nông dân ven biển Liên Hương. Có lẽ cái tiểu đoàn tân binh năm ấy bác là người anh cả. Nhập ngũ năm 37 tuổi, gia đình bác có sáu anh em ra đi, chỉ duy nhất mình bác trở về. Anh Nụng từ Cẩm Lĩnh ra, anh mừng rỡ báo cho mọi người biết: sắp tới đây cây cầu mơ ước của nhân dân xã anh sẽ nối đôi bờ sông Rác. Sự xa cách bạn bè, làng xóm sẽ giảm đi nhiều. Cái xã côi cút nằm leo lắt bờ nam con sông nhỏ, ba bề là núi chắn đồi che, không một con đường nối với các xã bạn ngoài mấy cánh đò ngang mỏng manh. Mà núi cũng là núi còi, núi cọc; đất sỏi bạc màu, cây chẳng nên rừng, đá xám gan trâu. Cuộc sống ở đây như cách rời sự phát triển đến chóng mặt của xã hội thời mở cửa. Tận đến bây giờ chưa có điện thắp sáng, chưa có công trình nước sạch sinh hoạt. Các em học sinh tiểu học, trung học cơ sở mỗi buổi đi học còn lồng cồng vác theo nào liềm, quang gánh để khi tan trường tranh thủ cắt thêm gánh lá, mót thêm bòn củi về giúp gia đình. Anh Nụng khoe: “Sắp có cả rồi. Cầu tám nhịp đã được hai, điện thì trạm đã xong, cột đã chôn, chỉ còn thiếu dây, thiếu bóng.”

Anh Đặng Xuân Lộc, thương binh hỏng một mắt quê ở chợ Mới Cẩm Huy đếm từng người, rót rượu đầy li, đoạn anh đứng dậy, giọng xúc động: “Kính mời các vị khách, các đồng đội cũ, các bà vợ của chúng ta. Đây là chén rượu gặp mặt của những anh em còn sót lại của mùa đầu quân cách đây đúng 30 năm ở huyện ta. Theo con số thống kê của Ban liên lạc tạm thời, đơn vị chúng ta nhập ngũ ngày ấy có 351 người, trừ một đào ngũ trên đường hành quân vào Nam, hiện còn 18. Về họp mặt hôm nay có 13. Năm người còn lại đều có lời nhắn đến mừng. Nào! Mời quý vị nâng chén.”

Vị rượu quê cay nồng đầu lưỡi và xông lên tận mắt ngần ấy con người. Những cặp mắt dồn vào nhau, trao gửi, khơi gợi về dĩ vãng. Ngô Hồng chỉ anh Hải, một người đàn ông nhỏ thó đen đúa ngồi sát góc chiếu phía trong: “Lẽ ra chúng ta tổ chức gặp nhau được sớm hơn thì tốt quá. Như anh Hải đây, nhà quá nghèo, khi chúng tôi vào thăm không cầm được nước mắt. Người nào đó trong đoàn đã xuất khẩu: Một túp lều tranh một cái can vàng. Đúng vậy. Anh chị chỉ đủ vốn mua một cái can nhựa vàng và 5 lít rượu để chị bán lại kiếm lời. Đồng ruộng Cẩm Minh bên sông, bên núi, chắc các anh chẳng lạ gì. Anh Hải từ khi bị thương trong một trận pháo bầy của Mỹ chụp xuống đội hình hành quân trên đất An Khê, mặc dầu vết thương khá nặng nhưng ở trại điều dưỡng người ta chỉ kết luận mất sức 18%, đã trả cho mấy đồng “tiền máu” nên anh không giữ lại chút giấy tờ gì liên quan đến vết thương. Anh trở về xó núi hẻo lánh không ai mách bảo việc “kê khai danh dự” để làm thẻ thương binh. Con 5 đứa đã thất học mất 3 đứa. Để tương trợ nhau, tôi đề nghị từ nay hàng năm chúng ta nên có lịch hội ngộ và có kế hoạch thăm viếng khi bạn bè có đại sự.” Nhiều người vỗ tay tán đồng. Tôi ngồi nghe chuyện họ mà cứ như nghe chuyện của ai: chuyện anh Lộc bị bỏng vì một quả đạn M72 nổ gần, mặt mũi cháy đen đến nỗi khi vào bệnh viện tiền phương, các cô y tá cứ một bác, hai bác. Sau khi bình phục thấy anh còn trẻ quá, lại đẹp trai mới đấm lưng nhau thùm thụp, tuy vậy “bác” Lộc phải bỏ mất một con mắt vì trận tử thương này. Lộc kể: trong 351 người nhập ngũ ngày ấy, trừ 8 đứa được gọi đi học hạ sĩ quan khi ra đến đất Quỳnh Lưu, còn lại tập trung về Trung đoàn 12 thuộc Sư 3 quân khu V, Sư đoàn còn có biệt danh “Sao Vàng”. Đối chọi với ta trên địa bàn Bình Định - Quảng Ngãi hồi ấy là Sư đoàn “Mãnh hổ” Pak Chung Hy. Những chàng trai quê non trẻ chưa được huấn luyện kỹ càng về binh nghiệp, vừa xáp trận là đụng ngay với sự tàn bạo, ác liệt tinh nhuệ và hiện đại của kẻ thù. Biết bao máu đổ để trụ vững, để chiến thắng… “Chúng tôi tổn thất từng ngày anh ạ. Có những cái chết thật thương tâm, giờ đã 30 năm cách xa mà nghĩ đến còn như mới chiều qua, sáng này vậy”. Anh hỏi tôi còn nhớ Nguyễn Xuân Long người ở Cẩm Huy không? Long học lớp 5B hồi còn chung trường huyện. Tôi không nhớ. Lộc bùi ngùi: “Long ăn trọn một quả cối cá nhân vào đầu. Đó là một ngày tháng 3 năm 1970, đại đội 61 thuộc Tiểu đoàn 6 chúng tôi từ hang đá Bình Tường hành quân ra đường 19 để đánh chặn giao thông, đến ấp Hoài Sơn thì đụng bọn “Mãnh hổ” Nam Hàn phục. Ác chiến xảy ra, rồi bọn tôi cũng đẩy được chúng ra khỏi ấp, làm chủ trận địa nhưng Long đã hi sinh. Tôi và y tá Tiên tìm được xác Long ở một bờ ruộng lúa. Cõng Long trên lưng đi tìm nơi mai táng, cái xác đẫm máu không còn đầu cứ dính chặt vào lưng. Tôi phải tìm bằng được Long đem về quê anh ạ. Bao đêm nằm mơ thấy nó. Nếu như bom đạn không làm tan hai hòn đá mồ côi bên góc ruộng, nhất định tôi tìm được mộ Long”.

Chủ tịch thị trấn Cẩm Xuyên Nguyễn Văn Phán bảo tôi: “Thằng Tịnh về chiều qua rồi, hôm nay địa phương làm lễ rước nó lên rú Hội. Mày về muộn nhưng lát nữa phải đến thắp hương chào nó”.

Đón chúng tôi tại nhà Hà - em gái Trần Thanh Tịnh là Trung tá Trần Thanh Hải, kỹ sư hóa học đang công tác ở Bộ quốc phòng. Mặt mày Hải còn phờ phạc sau một tuần vào Bình Định tìm hài cốt của người anh trai. Gặp những người đồng đội cùng chiến đấu với anh mình ngày xưa, Hải mừng lắm. Anh kể lại khi vào nghĩa trang liệt sĩ Bình Tường không thấy có mộ nào ghi tên anh ấy cả. Lần theo sơ đồ của anh Ngô Hồng chỉ dẫn, các cán bộ địa phương dẫn Hải và người nhà đến một vườn mít cổ bên đường 19, tại đây có ba ngôi mộ liệt sĩ. Một trong ba ngôi ghi: Trần Thanh Tình, Sinh 1938, quê: Cẩm Giang, Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh. Sai tên, sai quê, sai cả năm sinh. Các anh quay về phòng thương binh huyện tìm trong hồ sơ trích lục thấy cũng ghi đúng như bia mộ, còn ghi thêm: Khi cần báo tin cho bố Trần Sơn Tịnh. Thế là rõ rồi. Gia đình ông Trần Sơn Tịnh vốn gốc thị trấn Cẩm Xuyên, sơ tán sang Cẩm Quan những năm đầu cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ. Có thể do tiếng Bình Định phát âm mà người ta ghi sai “Quan” thành “Giang”. Huyện Cẩm Xuyên không có xã Cẩm Giang mà chỉ có xã Cẩm Quan – quê hương Anh hùng Liệt sĩ Phan Đình Giót. Năm sinh của Tịnh là 1948 cũng dễ dàng nhầm lẫn thành 1938. Ngày nhập ngũ, ngày hi sinh đúng như giấy báo tử. Sau khi xin phép cơ quan quản lý nghĩa trang, anh Hải xin được bốc để chuyển về quê. Ngô Hồng hỏi: “Còn những gì trong mộ?”. “Nói chung hài cốt còn khá đủ. Có một đôi tất chỉ còn dạng của sợi ni lông, một dây điện lõi đồng”. “Đúng quá. Tự tay tôi chôn cất và bỏ cái dây đó vào huyệt. Hồi ấy bọn Nam Hàn hung ác và xảo quyệt lắm. Chúng thường cài mìn dưới xác tử sĩ của ta để bẫy đồng đội đến lấy xác. Chúng tôi phải dùng dây buộc vào tay chân các liệt sĩ kéo động trước đề phòng mìn của chúng”. Hồng cho biết có lần trinh sát ta theo dõi 9 thằng Nam Hàn khệ nệ mang vác gì rất nặng đi trong mưa đến điểm phục kích, người và hàng trùm kín ni lông. Lúc quay về cũng đủ cả 9 thằng. Khi yên chí không còn địch mật phục thì anh em mình lại rơi ngay ổ lót của 9 thằng nằm lại. Hóa ra chúng nó cõng nhau để đánh lừa ta. Chín thằng cõng chin thằng đi rroif chin thằng quay về, chin thằng nằm lại mật phục. Trần Thanh Tịnh hi sinh vì một trận đón lõng bằng mìn định hướng của bọn Pak Chung Hy cùng hai đồng đội nữa. Tôi nhớ lại thằng bạn người cao, da trắng, mày rậm, thật tươi nhưng cũng thật hiền những ngày còn đi học. Đường đến trường phải qua con sông Hội không rộng nhưng rất sâu và đầy hiểm họa của bom đạn Mỹ vì đây là con đường giao thông thủy của ta từ Cửa Nhượng nối vào đường mòn Hồ Chí Minh ở vùng Kẻ Gỗ. Đò ngang không dám chèo ngày, mỗi sáng tinh mơ, những thằng bạn học tuổi mười lăm, mười bảy qua sông bằng cách cởi áo quần gói lại cùng sách vở rồi một tay cầm gói áo quần giơ cao, tay kia bơi thí mạng, qua được sông rồi cứ tồng ngồng chui vào gốc bần còn sót lại giữa những bụi cây quốc lá chi chít gai, xỏ vội quần áo, lại chạy bạt mạng qua vùng trọng điểm thị trấn, chạy 6 - 7 cây số nữa xuống lán sơ tán ở Cẩm Yên. Ngày hai tráo như vậy, đi về. Tôi cũng còn nhớ đã có lần Trần Thanh Hải kể tôi nghe những ngày vất vả của gia đình anh, của anh Tịnh trước ngày nhập ngũ: nhà sơ tán sang vùng động (núi) Nhọc xã Cẩm Quan, bố mẹ vốn từ nghề tiểu thương buôn bán lặt vặt ở chợ Hội, giờ tay trắng giữa vùng đồi trọc, mẹ yếu hèn bệnh tật, bố mắt bị mờ, năm anh em đang tuổi ăn học, trâu ruộng không có cày bừa… Mấy đứa lớn buổi đi học, buổi lại ra đồng mót lúa mót khoai, đi củi, cắt lá sim lá muồng bán kiếm tiền giúp mẹ, cơn đói triền miên hành hạ gia đình. Có lần máy bay Mỹ ném bom chìm một con thuyền chở gạo ở bến Hội, Tịnh cùng thanh niên, dân quân địa phương ra bốc vớt cứu thuyền, cứu hàng. Đêm sau, một mình anh ra tìm cá chết bom nơi thuyền chìm thì vớt được một bao gạo ngâm dưới sông. Tịnh hì hục vác bao gạo đã mủn đang bốc mùi chua về khoe với mẹ. Bà mẹ giục con mang nộp cho xã đội, nhưng chưa kịp mang đi thì có người vu cho anh ăn trộm hàng quốc phòng. Những ngày đó Tịnh rất buồn và xấu hổ với bạn bè chòm xóm. Buổi tối trước ngày anh lên đường nhập ngũ, bà mẹ Tịnh chạy sang nhà hàng xóm vay được một con gà mái già về làm cho các con bữa cơm chia tay. Quýnh quáng thế nào mà chỉ vài chục bước chân, khi bà về đến nhà thì con gà đã chết ngoẻo trong tay. Điềm rủi rồi. Bà nén những giọt nước mắt lo lắng vào lòng không cho chồng và các con biết. Mãi về sau, khi vật vã than khóc trong cơn đau đớn khôn cùng của cái tin đứa con trai đầu lòng hy sinh, bà mới kể lể với vong linh đứa con ra đi không hề có một tấm ảnh lưu lại cho người thân tưởng nhớ.

Mấy ngày trước đây, Thượng tá - nghệ sĩ nhiếp ảnh kiêm phóng viên báo Quân đội nhân dân Trần Hồng về Hà Tĩnh, anh khoe với tôi: “Bọn tôi về kỷ niệm ba mươi năm ngày nhập ngũ”. Tôi hỏi: “Anh cũng vào lính hồi còn ở quê à?”, “Anh còn nhớ chứ? Thời kỳ này của năm sáu tám, bọn Mỹ ném bom hạn chế miền Bắc. Nghĩa là chúng chỉ hạn chế phạm vi oanh kích, còn mật độ đánh phá lại tăng lên rất nhiều lần. Hà Tĩnh trở thành trọng điểm của chúng. Ngã ba Đồng Lộc là một ví dụ. Chúng tôi gồm sáu chục học sinh cuối lớp mười loại ưu tú của tỉnh được tuyển thẳng vào học Trường sĩ quan chính trị để bổ sung cho mặt trận. Ra trường, một số chuyển sang làm báo như tôi, như đại tá Lê Liên... Chẳng hiểu sao mà số phận hầu hết anh em được ưu ái trong chiến tranh. Ba chục năm qua, sáu mươi người lăn lộn qua bao điểm chết vậy mà chỉ sứt mất ba. Hôm nay về đủ 57 người, ai cũng oai ra phết”. Tôi chạnh lòng liên tưởng hai sự may, rủi xảy ra vào cùng một thời khắc kia. Hơn ba trăm năm mươi chiến sĩ bạn bè của tôi ngày ấy ra đi cũng đa phần là học sinh cuối cấp ba, nhiều người chỉ chờ giấy gọi là vào thẳng các giảng đường đại học mà chẳng phải qua những kỳ thi tuyển gắt gao như bây giờ. Vậy mà giờ đây chỉ còn một nhóm người, chưa đủ ngồi chật hai gian nhà gỗ nhỏ nhoi. Mà đâu chỉ có chừng ấy người trở về trên chừng ấy kẻ ra đi. Mùa hè năm ấy riêng gì một Ngã ba Đồng Lộc rung trời. Những yết hầu giao thông thuỷ bộ như cầu Họ, cầu Cày, cầu Rác, Khe Giao, Linh Cảm, Đèo Ngang... giặc Mỹ đã trút xuống bao chết chóc đau thương. Lúc ấy, các đơn vị phòng không phải di chuyển từng ngày, từng giờ không theo một quy luật nào để tránh nằm trong toạ độ của máy bay và pháo hạm Mỹ. Trên những cánh đồng làng, cả những bãi cỏ chăn trâu của tuổi thơ chúng tôi, đêm đêm rậm rịch tiếng người kéo pháo di chuyển, đào công sự, chặt lá nguỵ trang... chẳng một người dân nào ngủ yên giấc trong căn hầm chữ A, chữ Z nhà mình. Trưa ngày 26 tháng 6 năm 1968, tiểu đoàn pháo cao xạ Bình - Hà bị trúng bom toạ độ. Hai mốt chàng trai vĩnh viễn nằm lại. Thịt xương họ một phần tan vào bụi đất, một phần được đồng đội, nhân dân gom nhặt nâng niu trong nước mắt đau thương để đưa về nghĩa trang. Họ mang giọng nói trăm miền, về đây cùng chúng tôi bảo vệ xóm làng và những trọng điểm yết hầu của con đường giải phóng. Tôi cũng còn nhớ rõ, khi tôi băng qua cánh đồng lúa vừa gieo đến trận địa pháo bị oanh tạc ở Mặt Bù, những pháo thủ còn sống sót cứ như những bức tượng đồng vẫn ngồi yên trên mâm pháo, mắt dõi lên bầu trời xanh vợi vừa tan lớp khói bom. Họ ngồi như không có ai trên cõi đời này còn sống, mặt sắt lại dưới vành mũ sắt sơn xanh, như chẳng nghe hàng ngàn tiếng kêu gào than khóc của nhân dân bốn phía đang lao về phía họ. Bây giờ, nơi trận địa pháo năm xưa bị trúng bom, một con đường nhựa xuyên thị trấn băng qua, phố xá đã rậm rì nhà cửa. Hai mươi mốt liệt sĩ hy sinh ngày ấy từng yên nghỉ trên đỉnh rú Hội cùng hàng trăm liệt sĩ khác lần lượt chia tay nhau về với gia đình quê hương. Thay chỗ họ nằm, những chàng trai quê tôi ra đi và ngã xuống khắp mọi miền cũng rải rác tìm về. Họ đang đứng sát nhau, thành hàng, thành lối, thành đội ngũ điệp trùng như ngày họ lên đường. Và hôm nay, sau ba mươi năm im tiếng súng, sau những vất vả hạt thóc củ khoai, những chiến binh còn lại mới có dịp tụ về với nhau, tìm về quá khứ đầy đau thương và oanh liệt...

Tôi đã định dừng bài viết này ở đây, đoạn bạn bè họ gặp gỡ, chia tay, hứa hẹn. Nhưng sẽ không ổn nếu tôi chỉ nói được có thế: kể lể rông dài những mất mát hi sinh, thiệt thòi, thương tiếc.

Gần một năm sau ngày hội ngộ, tôi cùng một người bạn đồng niên, đồng ngũ với họ tìm về nhà anh thương binh hỏng một mắt Đặng Xuân Lộc, tôi hỏi chủ nhà: “Anh vào Bình Định tìm mộ Long có thuận lợi không?”. “Thuận lắm. Đi về trót lọt, địa phương họ giúp đỡ nhiệt tình. Tội nghiệp thằng Long thế mà còn son anh ạ”. Trời đất! Chết mất đầu mà vẫn còn son? Nghĩa là còn hơn nhiều đồng đội khác chẳng lưu lại được chút cốt nhục gì. “Có chính xác là mộ Long không anh?”. “Mặc dầu khu vực mộ không còn như cũ, những viên đá làm mốc bị đào phá nhưng tự nhiên có một lão nông chỉ cho. Ông bảo rằng sau khi chúng tôi chôn cất, ngụy trang, bọn Nam Hàn đến đào lên phơi xác trên mặt ruộng. Nhân dân chôn lại và từ đó đến nay vẫn hương khói ngay chỗ ấy. Đúng là mộ Long, không có đầu, trong mộ có một cái ví đựng mỗi một con tem quân đội, sau con tem có chữ: “Nhớ mãi ngày 3/8”. Anh Lộc quay sang tôi: “Đó là ngày chúng tôi rời Cẩm Xuyên hành quân ra trận”. Tôi hỏi anh: “Mấy ông bạn người Cẩm Minh, Cẩm Lĩnh giờ sống ra sao?”. Anh Lộc cười: “Sau lần gặp gỡ ấy, vợ chồng anh Phán, chị Liên nhận đỡ đầu hai cháu con anh Hải, các cháu đang cố gắng theo bạn, theo bè. Quê ông Nụng giờ có điện rồi, vui hơn rồi. Vừa qua xã đã xây dựng một công trình tưởng niệm các liệt sĩ hắc lắm. Cái xã côi cút ấy lại có nhiều liệt sĩ vào loại nhất nhì huyện anh ạ. Sắp đến ngày 27.7 rồi, ngày hẹn hò hội ngộ của chúng tôi, phải kiếm gì để mừng cho quê ông ấy đổi đời. Anh vào với chúng tôi chứ?”
Cẩm Xuyên, 8/2007