Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

Đi trên những nhịp cầu buồn

08:50, 01/07/2011AdminTruyện - Ký
(0 Đánh giá)
 
 
 
;   Đi trên những nhịp cầu buồn
   Bút ký
 
Đường về Hương Giang.
Một tấm biển to tướng, ngay ngã ba Thủy Lâm thuộc đất Chu Lễ cũ ghi rõ: “Cầu hỏng. Cấm các loại xe!”
Chiếc cầu treo như chiếc đàn Tơ Rưng của đồng bào Tây Nguyên, khổng lồ, cũ kỹ, ọp ẹp, vắt qua đôi bờ dòng sông Ngàn Sâu thăm thẳm. Trong những gợn gió thu, chiếc cầu- chiếc đàn dây ấy - như đung đưa, như run lên nhè nhẹ. Cái run của một kẻ ốm yếu bị căng ra nơi đầu gió hay cái run chợt bật ra từ bụng, từ chân tôi, một thằng lính đã từng vượt qua bao nhịp cầu mây, cầu gió, cầu cáp trượt ở Trường Sơn. Cái run của sự bất ngờ, sự không hình dung nổi rằng: lúc này, ở đây, lại tồn tại một chiếc cầu quá đáng như vậy.
Tôi ngần ngại ngó quanh. Dòng Ngàn Sâu ngoằn nghoèo uốn lượn. Đứng từ mố câu phía tây có thể nhìn thấy hai đầu thượng, hạ nguồn vì cầu bắc trên một mỏm đồi ăn nhoai ra ngoài mép nước. Không bóng dáng một bến đò ngang. Cô Hà Thanh, người thân của tôi từ Sài Gòn về thăm quê - một làng dân Đức Thọ đi làm “kinh tế mới” từ trước thời Mỹ chưa đánh phá miền Bắc, nằm trong xã Hương Giang - chỉ tay về đoàn người gồng gánh phía bên kia sông, nơi con đường đất đỏ gò lưng lách tránh một triền sông lớn: “Người ta vẫn qua lại được đấy. Cháu ạ.” Tôi mạnh bạo đặt chân lên những tấm ván cầu. Gió như chợt mạnh lên. Chẳng biết vì gió lay hay vì trọng lượng của cô cháu tôi và chiếc xe máy mà “tấm đàn Tơ Rưng” oằn xuống, các sợi dây cáp chủ rỉ sét, xơ tướp rung rung, mỗi bước đi phát ra những tiếng rền rĩ kẽo kẹt. Chúng tôi dò từng bước, chọn những tấm ván ngang có vẻ còn tốt, nhón nhén đặt chân. Dòng sông cuồn cuộn, hút hắt loáng thoáng trôi qua kẻ hở các tấm ván xa đến chóng mặt. Cô Hà Thanh như nín thở, tay dò theo thanh sắt góc làm lan can cầu. Đoạn giữa dòng sông, những thanh lan can gãy đứt đoạn đến hàng mét, tôi phải dừng lại để cô bám vào yên xe máy đi cho vững. Những tấm ván cầu mỏng tang, chẳng có gì đảm bảo giữa trời nước chênh vênh. Cảm giác như dưới lòng sông hoăm hoắm kia, cặp nanh thủy thần đang nhe ra, chờ một vật gì rơi tõm xuống...
Chỉ có một con đường bộ duy nhất nối xã Hương Giang với trung tâm của huyện Hương Khê. Con đường được tạo bằng đất đá, rộng 5m, dài 7.000m từ phía nam Chu Lễ, xuyên qua đồng ruộng, làng mạc đến tận dãy Trà Sơn. Con đường ngoằn nghèo, chốc chốc bị đứt đoạn từng khúc như da rắn cạp nong bởi vô số sông suối. Nối những quãng đứt đoạn ấy là những chiếc cầu bằng gỗ đơn sơ. Xã Hương Giang có thế sơn thuỷ thật hữu tình: núi xanh điệp trùng án ngữ sau lưng, dân cư phân bố theo chiều dãy núi như thế “tựa sơn”. Dòng Ngàn Sâu song song với núi Trà Sơn tạo thành vách ngăn phía tây, cung cấp cho ruộng đồng dòng nước mát lành và những hạt phù sa khan hiếm. Với 1.500 hộ dân, trên 6.000 nhân khẩu (trong đó 1/3 là đồng bào giáo dân, 135 hộ dân đi kinh tế mới, xã còn có đội trồng rừng của Lâm trường Hà Đông. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hương Giang là hậu cứ của Đoàn 559 và Sư đoàn 308. Rừng núi xóm làng rợp bóng ngàn cây đã che chở cho Bệnh viện tiền phương của bộ đội Trường Sơn và nhiều đơn vị huấn luyện của Sư đoàn Quân Tiên Phong. Sản phẩm ở đây là lúa, ngô, khoai, sắn, đậu, lạc, mía, vừng và những vườn cây ăn quả. Nông sản từ đây ra đi bốn phương, hàng hoá từ bốn phương về đây phục vụ nhu cầu cuộc sống, tất cả chỉ một con đường độc đạo đã nói ở trên.
Thế mà đã 3 năm nay xe vận tải (kể cả loại bé nhất là công nông) không vào được Hương Giang. Cửa ngõ đầu tiên, cũng là yết hầu của xứ này- chiếc cầu treo ấy - bị hỏng nặng. Mọi việc sửa cầu hầu như đình lại. Người ta chờ một chiếc cầu mới. Nghe đâu sẽ có nay mai... Nhưng ai chờ thì cứ chờ. Ai đợi cũng chẳng thể ngồi đợi mãi. Mưa nắng, lũ lụt cứ về, cầu cứ mai một dần, dẫu vậy người ta vẫn phải đi về kiếm sống, trẻ em vẫn phải ra huyện học hành, người vẫn phải viếng thăm nhau, trâu bò cũng phải dò từng bước trên chiếc võng ấy. Từ người can đảm đến con vật vô tri, tất cả cứ run rẩy giữa lưng trời, trên phím Tơ Rưng khổng lồ như treo từ thời nguyên thuỷ tới nay. Nghe nói từ khi sinh ra đến giờ cầu chỉ mới được sửa chữa hai lần mà cũng chỉ thay gióng treo, ván sàn. Từ năm 1998, cầu không thể làm phận sự của nó được nữa. Và tấm biển được trương lên thay cho những người công nhân giao thông đến bảo dưỡng chăm sóc cầu. Người Hương Giang ngày ngày tháng tháng đứng ngó sang những con đường nhựa ngon lành với từng đoàn xe cộ phía bên kia sông, nơi trục tỉnh lộ 15A song song với dòng Ngàn Sâu mà không khỏi ngậm ngùi cô độc giữa thời buổi công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Bác Lê Văn Hợi đưa tôi đi thăm những chiếc cầu khác trong nội xã. Phải nói trên đất Hà Tĩnh ít có nơi nào nhiều cầu như nơi đây. Cái thế núi bọc sông ngăn thơ mộng thật nhưng không phải là không bất lợi. Mùa mưa lũ, ngay cả giữa những ngày hè nắng hạn, chỉ một cơn giông, nước từ núi băng xuống sông tạo ra trăm ngàn dòng xói. Nhỏ yếu thì thành mương thành lạch, dữ dằn thì thành suối thành khe, thậm chí thành sông. Xóm làng bị cắt chia, nhà nhà bị cắt chia vì nước. Nhân dân đã tự lực làm 53 chiếc cầu gỗ, trong đó có 16 cầu dài trên 60m. Nhưng sức dân, của dân có hạn, nhà nông sắm được cái cuốc cái cày đã khó khăn, nói chi đến việc tự túc xây dựng cầu đường. Mà chỉ tính về việc xây dựng giao thông nông thôn ở đây thôi, thắng đựơc mưa trôi lũ cuốn để giữ lấy những con đường đất dài ngót 24km như hôm nay cũng là một kì công rồi.
Chúng tôi dắt xe đi trên những chiếc cầu đa phần là cũ kĩ mục nát mà không khỏi rung chân. Đây là cầu Mỏ Đẻn dài 62m trên đường vào khu trung tâm “kinh tế mới” có 200 hộ dân và một đội trồng rừng. Chiếc cầu gỗ đã 20 tuổi do vốn của dân tự góp. Khe suối sâu, thành suối dựng đứng chứng tỏ dòng nước về mùa mưa rất dữ. Chiếc cầu cũ kỹ, bàng bạc mốc, ván gỗ ải mục nhiều, có đoạn ván gẫy há hốc mõm dễ chừng nửa con bò mộng cũng lọt thỏm. Bác Hợi bảo đã có 3 người dân trong xã bị rớt xuống cầu này trong năm 1999. Tôi nhìn xuống cầu, nhìn mặt nước đục nhờ nhờ xa xôi mà không khỏi rùng mình. Ngã xuống đây, què cụt là điều còn may mắn lắm. Rồi cầu Ma Ka bị lũ cuốn trôi năm ngoái chưa làm lại, cầu cửa Rôộc, cầu Nhà Thánh, cầu Bà Dần, cầu Ông Nễ v.v.. những cái cầu có cái tên mộc mạc thân thương ấy, dù gánh trên thân mình trọng trách lớn lao là đảm bảo cho sự sống giao lưu giữa đôi bờ ngăn cách, nhưng hãy ngắm nhìn thân thể, xương cốt chúng mà xem: Tất cả đều già yếu, ốm o đến thảm hại. Qua cầu Ông Nễ để vào nhà Chủ tịch Lương Xuân Đồng, chúng tôi dắt xe đi trên mặt ván vênh nghiêng đến chóng mặt. Tôi chợt nhớ đến những chiếc cầu mây Trường Sơn năm nào trong nhịp rung của bước chân người lính và câu thơ của Phạm Tiến Duật: Qua cầu chẳng sợ gió bay/ Chỉ sợ cầu treo chòng chành em ngã/ Anh cố ép nỗi lo mà sao khó quá/ Cầu nghiêng, cầu nghiêng con cá bồn chồn...Ngày ấy, những con cá ngây thơ mà nhân ái còn biết lo cho bước chân cô Giải phóng quân trên những nhịp cầu cây lát vội. Còn bây giờ? Ai lo cho sự yên lành của những người dân đang sinh sống ở đây - nơi một bước chân gặp một nhịp cầu buồn.
Khi được hỏi về hướng giải quyết vấn đề cầu cống ở Hương Giang, Chủ tịch xã Lương Xuân Đồng nói: “ Riêng cầu treo Hương Giang, chúng tôi nhận được thông tin không chính thức là sẽ làm (?). Còn hàng mấy chục chiếc cầu liên thôn, liên xã thì chúng tôi rất cần, rất mong sự hỗ trợ của trên để tạo điều kiện cho chúng tôi động viên sức dân hoàn thiện dần hệ thống giao thông nông thôn. Đã 3 năm nay mặc dù cách thị trấn 7km và cách trục đường tỉnh lộ 15A một tầm tay nhưng chúng tôi bị cô lập hoàn toàn về phương tiện vận tải cơ giới. Cả xã chỉ còn 8 xe công nông loại bét dem quanh quẩn từng làng vì cầu yếu không thể qua lại. Chính thế mà việc xây dựng cơ sở vật chất, phát triển kinh tế gần như ngồi chờ. Mà ngồi chờ là tụt hậu”. Bí thư Đảng uỷ Đậu Ngãi thì bảo: “Từ khó khăn này đẻ ra khó khăn khác. Mấy năm trước đây, tỉnh giao kế hoạch cho Hương Khê trồng 2000ha mía để cứu nhà máy đường Linh Cảm, Hương Giang là đất mía đường truyền thống, đã một thời đường phèn, đường thỏi, mật mía ở đây thống trị nhiều nơi. Huỵên giao kế hoạch cho Hương Giang phải trồng 120ha nhưng dân không làm mía. Họ có lý do là cầu đâu để ô tô vào chuyển mía đi”.
Những cán bộ chủ trì của Hương Giang đều có chung một ước vọng: những cây cầu. Mà đâu chỉ có họ, cả 6000 dân ở đây, cả những người dù không ở đây nhưng từng đến đây chỉ một lần thôi, chắc ai cũng có mong ước đó - mong ước một ngày gần đây nhất, vùng đất không heo hút nhưng đang bị lãng quên này được nối với cộng đồng xã hội bằng những nhịp cầu đáp ứng yêu cầu dân sinh và phát triển hôm nay.
Ai sẽ là người sát cánh với nhân dân Hương Giang thực hiện ước vọng đó?
 
Hương Khê, tháng 10-2000