Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

ĐỜI CÁCH MẠNG

14:25, 24/03/2021bqtTác phẩm báo chí
(0 Đánh giá)
Hồi ký

KØ niÖm 75 n¨m X« ViÕt NghÖ TÜnh (12/9/1930 – 12/9/2005)

 

Bùi Quang Thanh (Ghi theo tư liệu của cụ Bùi Thị)

 

NHỮNG HẠT GIỐNG ĐỎ*

* Cụ Bùi Quang Thị (tức Bùi Thị, có bí danh Phấn Đấu).

Cụ Bùi Thị (1898 – 1977) quê quán tại xóm Kim Tỉnh, xã Cẩm Tiến, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Cụ tham gia Đảng CS Trung Kỳ (Tân Việt Đảng) năm 1927. Tháng 3/1930 cụ trở thành đảng viên Đảng CS Đông Dương, là người đảng viên CS đầu tiên của huyện Kỳ Anh, người góp công sức trong việc xây dựng các chi bộ CS đầu tiên và thành lập Huyện Đảng bộ Kỳ Anh. Cuối năm 1930, cụ Bùi Thị bị thực dân Pháp bắt vì tham gia lãnh đạo Xô Viết Nghệ Tĩnh ở nam Hà Tĩnh, bị kết án khổ sai chung thân và bị đày ở các nhà tù: Vinh, Lao Bảo, Quảng Trị, Đăk Min, Buôn Mê Thuột. Dù bị giặc tra tấn dã man đến tàn phế nhưng cụ vẫn một lòng trung kiên với Đảng, với lý tưởng cách mạng.  Đầu năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, cụ được ra tù và trở về tiếp tục hoạt động trong các cơ quan kháng chiến. Cụ đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Ba.

Bài viết trên đây là do nhà thơ, nhà báo Bùi Quang Thanh, cháu nội của Cụ Bùi Thị ghi lại theo tài liệu gia đình lưu giữ.

 

 ĐỜI CÁCH MẠNG

Tôi có thêm nghề phó cối từ năm 1924, khi vợ chồng tôi ra ở riêng trong ngôi nhà tranh trát vách đất dựng mé vườn người chú bên vợ, vật lộn nghề xay xáo cũng kiếm đủ ăn. Thấy dân chợ Voi xay thóc bằng cối tre cổ lỗ năng suất rất thấp mà lại nặng nề vất vả, tôi chế ra chiếc cối cải tiến hai tầng chỉ xay một lần là chẻ hết thóc, lại rất nhanh và nhẹ. Người hàng chợ hàng tổng kéo đến tham quan và đặt hàng khá đông, tôi chuyển sang làm cối xay bán cho bàn dân quanh đó. Có một anh giáo dạy ở trường Tuần Tượng nghỉ trọ ở nhà anh Lê Ngọc Triệm bên cạnh nhà tôi thường lui tới đọc thơ, bàn chuyện thời thế với tôi. Lâu dần thành thân quen, tôi biết được Trần Cao Trực (tên người giáo viên ấy) có tư tưởng phản đế, thế là chúng tôi ý hợp tâm đồng. Anh Trực thỉnh thoảng ra ngoài thị xã Hà Tĩnh, khi về thường mang theo báo “Tiếng Dân” cho tôi đọc. Rồi anh Trực bàn với tôi mở lớp học chữ quốc ngữ cho bà con bần cố nông trong xã. Tôi tổ chức được một lớp học gồm mười mấy người nghèo làm thuê cho địa chủ, mỗi đêm chỉ dạy được một vài tiếng vì họ phải làm quần quật từ sáng đến khuya mới được nghỉ. Trong vài tiếng đó, chúng tôi vừa dạy chữ quốc ngữ vừa tuyên truyền giác ngộ họ và đọc báo “Tiếng Dân” cho họ nghe. Sau gần 2 năm, hầu hết họ biết đọc biết viết và hăng hái vận động người khác học chữ, nghe báo. Kỳ nghỉ hè năm 1927, anh Trần Cao Trực đi học hè ngoài thị xã và trong thời gian đó được kết nạp vào Đảng Tân Việt. Khoảng tháng 8/1927, anh về Voi và bảo đã giới thiệu tôi vào Đảng. Anh Trực dẫn tôi lặn lội ra Can Lộc gặp một số đồng chí lãnh đạo Tân Việt Đảng và tại cầu chợ Nhe, tôi được kết nạp vào Tân Việt. Chi bộ Đảng đầu tiên ở khu vực Kỳ Anh có ba người: Trần Cao Trực, tôi và Phan Công Bích (người Kỳ Châu), tôi là Bí thư chi bộ. Tôi vận động những người tích cực trong số người học chữ lập ra hội “ái hữu”, bề ngoài gọi là bạn gặt cấy để tương trợ, giúp đỡ nhau và tập hợp tổ chức.
 

Tháng 3 năm 1930, đồng chí Trần Hưng, một Đảng viên Tân Việt vào tìm tôi tại nhà. Anh cho tôi biết các tổ chức cách mạng đã hợp lại thành một Đảng thống nhất lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Trần Hưng thay mặt Đảng bộ Hà Tĩnh kết nạp tôi vào Đảng và giao cho tôi nhiệm vụ phát triển Đảng trong vùng Nam Hà Tĩnh.

Sau khi anh Trần Hưng quay ra Hà Tĩnh, tôi trở lại làng Hữu Lạc với chiếc máy may cổ lỗ của mình. Xóm làng vẫn bình yên, người người đi lại trên lối nhỏ, chuyện trò thăm hỏi râm ran. Chợ Voi chưa đến phiên nhưng những chồng nón trắng trên đầu các cô gái quê duyên dáng đã ngất ngưởng ngược lên chợ, lên ngã ba Voi để đợi khách. Tôi xốn xang và hồ hởi quá. Vậy là con đường cách mạng đã ngoặt sang một hướng mới - hướng quyết định! Tôi nghĩ vậy, tin vậy, dù cuộc họp thống nhất các Đảng cộng sản Việt Nam ở Ma Cao - Trung Quốc vừa diễn ra chưa đến dăm chục ngày, dù cái tin tỉnh Đảng bộ lâm thời Hà Tĩnh vừa hình thành được mấy ngày và tôi mới được kết nạp vào Đảng hôm qua. Đã ba năm rồi từ khi vào đảng Tân Việt, lăn lộn trong phong trào cách mạng địa phương ở xứ Voi này, chúng tôi đã xây dựng được một hệ thống các chi bộ Tân Việt, từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh. Đại Tổ Tân Việt Kỳ Anh hoạt động rất tích cực dưới sự chỉ đạo của cấp ủy gồm chín người do anh Hoàng Lương bí thư. Trong cấp ủy của Đại Tổ có đến năm người quê ở Tổng Cấp Dẫn (Xứ Voi), vì vậy làng Hữu Lạc của chúng tôi là trung tâm hoạt động. Chúng tôi thường gặp nhau trao đổi tình hình và bàn bạc công việc tại đình Phương Giai cách chợ vài trăm mét. Đình nằm sâu trong xóm, có cây cối rậm rì bao quanh, có thể ẩn trong tre trúc và vườn cây gỗ tạp để tản ra bốn hướng khi có động tĩnh.

Nhớ lời anh Hưng lúc chia tay: "Đồng chí là người đầu tiên ở Kỳ Anh được kết nạp vào Đảng cộng sản, phải làm sao để với thời gian ngắn nhất tập hợp được nhiều đối tượng nhất cho Đảng. Đặc biệt chú trọng các nhân tố trong Tân Việt Đảng để phát triển lực lượng". Tôi nghĩ ngay tới anh Nguyễn Tiến Liên và anh Nguyễn Trọng Bình. Anh Liên là anh họ vợ tôi, nhà ở bên kia đồng lúa, chỉ mấy bước là sang được, còn anh Trọng Bình ở dưới Dị Nậu cách nhà tôi 3 cây số. Cả hai là đồng chí trọng Đại Tổ Tân Việt Kỳ Anh, có học thức, rất nhiệt tình và năng nổ. Anh Trọng Bình tính tình nóng nảy, nhưng cương trực, được các đồng chí khác nể vì. Và tôi đã không nhầm. Khi nghe tôi phổ biến lại tinh thần của Đảng bộ lâm thời Hà Tĩnh qua người đại diện là anh Trần Hưng, cả hai anh đều tự nguyện gia nhập Đảng cộng sản. Thế là chi bộ cộng sản đầu tiên ở Kỳ Anh ra đời do tôi phụ trách. Chúng tôi phân công nhau tìm lại các đồng chí của mình để chuyển Đảng cho họ. Lần lượt các đồng chí: Trần Cao Trực - người đã giác ngộ và đưa tôi vào Đảng Tân Việt - và các đồng chí Lê Ngọc Triện, Đặng Hàm, Dương Xuân Trạm, Hoàng Lương, Phan Công Bích, Dương Duyến, Cao Duyệt... đã trở thành đảng viên Cộng sản. Chỉ hai tháng huyện Kỳ Anh đã có tới 7 chi bộ với 42 đảng viên. Huyện Đảng bộ lâm thời Kỳ Anh được thành lập tại Hội nghị đặc biệt diễn ra ngày 15 tháng 6/1930 ở đền Phương Giai đã bầu Ban chấp hành và đồng chí Nguyễn Tiến Liên làm Bí thư Huyện ủy. Trong thời gian này, tôi được Tỉnh đảng bộ lâm thời cử vào Ban chấp hành đặc trách khu vực Nam Hà bao gồm phía nam huyện Cẩm Xuyên và toàn bộ huyện Kỳ Anh.

 

BẮT MỐI:


Cẩm Xuyên là quê hương tôi, ở đó tôi có khá nhiều bạn hữu xưa học cùng trường huyện. Từ năm 13 tuổi, do hoàn cảnh gia đình mà tôi phải từ giã học hành đi làm đủ nghề kiếm sống, rồi xứ Voi trở thành quê hương thứ hai của tôi, là quê ngoại của các con tôi. Hai chục ki lô mét đường quốc lộ là về đến chợ Hội, hàng năm tôi vẫn cuốc bộ về thăm cha, thăm dì và các em. Sau này, khi đã là đảng viên Tân Việt, tôi có thêm các đồng chí của mình như Bùi Sum, Ngô Cẩm. Họ là bạn cùng làng và là những thanh niên yêu nước tiên tiến cùng chí hướng. Tôi nghĩ đến việc bắt liên lạc với những người này.

Chợ Hội, trung tâm huyện lỵ Cẩm Xuyên là một phố nhỏ khoảng trăm nóc nhà chạy dọc đường quốc lộ. Ngoài mấy ngôi nhà một tầng của huyện đường, vài ngôi nhà xây của vài hộ buôn bán còn lại là nhà tranh vách đất, liêu xiêu trong nắng sớm mưa chiều. Đứng ở cầu Trạm phía bắc, đặt tay làm loa ới thật to thì ở cầu Cày phía nam huyện cũng nghe, cũng nhìn thấy. Đồn binh Pháp đóng ở đồn Trường cách chợ Hội hai cây số trên đường Thiện Trị đi Thiên Cầm. Khác với xứ Voi vừa xa trung tâm huyện, ba phía là rừng núi dễ đến, dễ đi, thuận lợi cho việc hoạt động thì ở Cẩm Xuyên nếu bị lộ sẽ khó lòng tẩu thoát. Biết vậy tôi chưa dám về ngay chợ Hội để tìm các đồng chí Tân Việt mà nghĩ ra một phương án khác. Tôi bàn giao công việc cho anh Nguyễn Tiến Liên và anh Nguyễn Trọng Bình rồi theo đường tắt từ làng Hữu Lạc qua Cồn Ran, qua eo rú Cửa ở quãng Cẩm Lĩnh để về Cẩm Dương.

Mười bảy năm trước, khi học tại trường sơ học yếu lược Elemagte huyện Cẩm Xuyên, tôi chơi thân với Đặng Trọng Phượng, một học trò quê miền biển vùng chợ Cừa. Phượng trạc tuổi tôi, thông minh lanh lợi học hành rất chăm chỉ. Tôi và Phượng cùng lớp, tính tình thích hợp, kết nghĩa bạn bè ngày càng thân thiết, coi nhau như anh em ruột thịt. Dù mới 13 tuổi nhưng hàng ngày đi học qua huyện đường, qua đồn Tây, thấy bọn Tây xấc xược hỗn láo còn nhân dân thì nghèo đói lầm than, Phượng và tôi đều cảm thấy phải làm một cái gì đó. Một lần anh chép được bài văn của cụ Phan Bội Châu đem về, hai đứa đọc mà thích quá. Từ đó lòng tơ tưởng không an. Chúng tôi hiểu nhau, đều mong mỏi được hoạt động vì một chân trời tươi sáng của quê nhà. Rồi, tôi vì mẹ chết mà phải bỏ học để giúp cha nuôi đàn em nhỏ. Khi xa nhau Phượng ngậm ngùi: "Sau này, dù làm gì, ở đâu, cũng nhớ tìm nhau".

Chuyện đã 17 năm rồi. Tôi quyết định ra tìm Đặng Trọng Phượng để báo cho anh biết tổ chức đang cần những tấm lòng nhiệt huyết và tìm cách đưa anh vào hoạt động. Tôi tin Phượng.

Đường từ Cồn Ran, men theo đập Ba Ra qua eo núi Cửa quanh co, rậm rịt. Dân bộ hành ít qua đây vì hoang vắng, thú dữ lại rất nhiều. Dãy núi Voi men sông Rác nối Hoành Sơn, Trường Sơn với biển Cửa Nhượng vốn nổi tiếng lắm khái, beo (cọp, báo). Ban ngày ban mặt hai loài chúa sơn lâm này còn dám về trại, về làng vác trâu, cõng lợn của dân, còn dám ra rình rập ở đường quan quãng dốc Voi đến Động Tuần, Khe Su để bắt người. Dân buôn, dân ngư nghiệp xứ Voi và Nhượng Bạn muốn giao lưu, phải đi thuyền qua cửa biển. Chỉ lèo tèo vài người đốn củi đốt than vì miếng ăn mà dám liều mạng qua lại đường này. Qua rừng sim mua chất ngất, qua những bãi cây râm ran tốt lút đầu người là một con đường mòn nhỏ và mấp mô những đá ong, đá xám. Thỉnh thoảng có tiếng cây ràn rạt làm tôi sởn tóc gáy rồi tiếng hồng hộc của đàn lợn ri chạy ngược lên núi cao. Tôi nói thầm: "Ừ, các Ngài có đói thì vồ lấy đôi con hèo rừng ấy mà xơi. Còn ta, chỉ có ít xương bọc da và bộ lòng đói thôi. Đừng vồ mà uổng sức". Là nói vậy chứ hai tai tôi dỏng lên ngóng chừng tiếng động. Buổi sớm mai bầu trời quang đãng, cảnh rừng núi trong lành mà tôi như nghẹn thở. Tôi tự mắng mình là đồ nhát gan, nếu bọn Tây bắt được, tra tấn gông xiềng, xử trảm thì liệu có chịu được hay không. Và tôi khoát mạnh tay ưỡn ngực, bươn một mạch qua truông Cửa tìm đến bến đò ở bờ sông.

Dáng dấp một nông dân nghèo, quần nâu áo vá tôi dấn bước trên con đường đất từ Cẩm Long lên làng Phong Hầu. Bữa ấy đang mùa cá nục, cá cơm, dân buôn bán ngược xuôi từ Nhượng Bạn đi chợ Hội khá đông. Sợ có người nhận ra tôi, tôi kéo nón sụp xuống ngang mắt, cắm cúi bước. Đến Cẩm Phúc, dưới bóng mát của cây đa cổ thụ bên chợ Gon, bất ngờ hiện ra hai người lính lệ cầm gậy đứng đón đường. Tôi chột dạ ngoái lại chọn lối nếu phải tẩu thoát. Tuy vậy, để chúng khỏi nghi, tôi vẫn bước đều. Hai người lính lệ ấy chẳng phải ai xa lạ: Trương Luyện ở thôn Kẻ Xá và Bang Hoạt họ xa với tôi. Tôi chủ động:

- Hai anh canh phía này ạ?

- Anh Cu! Sao trông bộ lạ thế?

Bang Hoạt nhìn tôi trong bộ cánh nhà nông. Quả là tôi hơi khác thường. Từ trước tới nay, khi làm nghề bốc thuốc nam, khi làm ký rượu cho hãng Phong Ten, rồi làm thợ may, lúc nào tôi cũng bảnh bao mỗi khi về thăm quê. Tự dưng hôm nay lại diện bồ đồ nâu vá nghèo khó này. Tôi cười và nói:

- Cũng lúc này, lúc khác chứ anh. Mình con nhà nghèo mà.

Nhìn hai anh lính lệ áo vải đỏ năm thân rộng thùng trong tấm thân gầy, quần thâm nón lá chân chẳng dép giày, mỗi người một cây gậy tre đực, tôi tấn luôn:

- Bác Đội Hoành có khỏe không?

Nghe nhắc đến Đội Hoành - người phụ trách toán lính lệ, Bang Hoạt dịu giọng:

- Ông ấy đang về Thừa Thiên.

Thời gian qua phong trào Tân Việt lên cao, để có điều kiện phát triển Đảng sâu rộng, chúng tôi đã nghiên cứu khá kỹ lực lượng bọn Tây và chính quyền địa phương ở Cẩm Xuyên. Ngoài 6 lính lệ của huyện do Đội Hoành chỉ huy, còn có 6 lính khố lục nữa. Bang Hoạt ở trong Đội lính lệ này. Anh em lính lệ là người địa phương chỗ bà con quen biết cả nhưng dù sao họ cũng là người của Pháp, ăn lương Pháp. Mỗi tháng lương hai ngàn rưỡi đồng, nếu quy ra thóc đến hai tạ rưỡi, giá bằng nửa con trâu kéo loại tốt. Lại thêm lòng tham lĩnh thưởng nếu bắt được người hoạt động chống đối Nam Triều. Tôi chợt nhớ trong bao cói bên hông ngoài bộ áo quần còn có tờ báo của nhóm cụ Phan Bội Châu vừa xuất bản, mang ra làm quà, cũng là ướm thử anh Phượng xem ngần ấy năm xa cách, anh đã phai nhạt bầu máu nóng tranh đấu hay chưa để dễ bề cởi mở. Mấy anh lính lệ chữ nghĩa là bao nhưng nhỡ ra thấy sách báo là sinh nghi về trình huyện lại thì rầy rà to. Đang suy tính chợt Bang Hoạt vỗ vào cái túi cói:

- Ở Voi về mà không có bánh gai, bánh tày cho nhà à?

- Tôi hơi vội, lại đi sớm nên chẳng mang được chi về. Hay là chẳng mấy khi gặp nhau, vào đây làm vài ly đã.

Bang Hoạt xoi mói nhìn tôi từ đầu tới chân rồi ra vẻ lưỡng lự. Bỗng một cú vỗ rất mạnh bên vai trái tôi, rồi có tiếng quát ồm ồm:

- Này! Định mồi chài ai vào quán đấy? Các quan đang làm phận sự nhé.

Tôi giật mình quay lại. Chẳng phải ai xa lạ, đó là Bùi Thịnh người cùng họ, cùng làng với tôi. Thịnh cũng ăn vận y như lính lệ. Tôi thở phào:

- Chú Thịnh à? Khỏe không?

- Khỏe gì? Sáng tới giờ đã có chén nào đâu?

Được dịp tôi kéo Thịnh và Bang Hoạt vào quán tranh cạnh đấy. Trương Luyện cũng vào theo. Quán chỉ có mấy tấm bánh đa dai chưa quạt, mấy người xé ra nhai nhí nhách. Vậy mà ba lính lệ vẫn chạm hết một be. Qua chuyện vãn, tôi biết họ được lệnh tăng cường kiểm soát tuyến đường này vì nghe phong thanh Đông Dương Cộng sản đang thành lập nhiều Hội, nhóm quần chúng hoạt động chống chính phủ. Tôi cũng biết được Pháp đang chuẩn bị làm đồn Yên Dưỡng ở chợ Cừa và đồn Trường ở Phong Hầu. Bang Hoạt nheo mắt hỏi tôi:

- Anh ký có tham gia Tân Việt không đấy?

Tôi cười:

- Mình mất vốn vì nghề ký rượu cho tây lâu rồi. Nay vừa đi cày, vừa làm hàng xáo nuôi vợ con thôi.

Rồi lấy lý do phải về cho kịp giỗ ông nội trưa nay, tôi gọi thêm be rượu nữa để "các bác ngồi", còn mình thì lận lưng quần mấy hào bạc lẻ thanh toán và xin về trước. Qua làng Gon, tôi rẽ đường tắt theo hướng làng Đông Tác, nơi có hàng phi lao xanh rì sau cồn cát trắng.

Trọng Phượng tròn xoe mắt xoáy vào bộ mặt xúc động của tôi, lại nhìn tôi từ chân lên đầu, từ đầu tới chân rồi ôm chầm lấy tôi, mắt rơm rớm. Phượng gọi vợ lên chào. Lạ chưa? Chỉ nhắc đến tên tôi, chị vợ đã như vô cùng thân thiết. Chị mời tôi ra giếng khơi rửa mặt rồi đon đả làm cơm. Tôi yên tâm về chuyến đi của mình, chắc rằng Phượng vẫn là người năm xưa. Mười bảy năm, từ một cậu học trò mười ba mười bốn, bây giờ đã là một người đàn ông đĩnh đạc có vợ con, vậy mà Phượng vẫn nguyên vẹn cho tôi tình bằng hữu, nghĩa đồng môn năm nào. Qua trò chuyện, tôi biết anh không tìm đường đi đâu nữa. Gia đình bắt lấy vợ sớm, anh bị níu áo lại quê nhà. Vậy mà ánh mắt anh vẫn mộng mơ, rực sáng khi anh bảo tôi rằng nhất định tôi không phải là nông dân. Nhất định tôi đến đây còn vì mục đích khác. Cả chiều ấy, cả tối ấy, tôi và Phượng tìm đến đám cây hoang dại mọc rậm rì trên cát trắng bao quanh khu vườn cũng cát trắng bạc màu, ngồi trên hai chiếc võng lác mắc trên thân cây nổ quả trắng muốt li ti, chúng tôi đung đưa võng như ngày còn thơ ấu. Trọng Phượng hỏi thăm gia cảnh của tôi, ướm hỏi tôi tin tức của cụ Phan. Mắt anh lộ rõ vẻ háo hức bồng bột. Dù thận trọng, tôi cũng thấy an tâm về người bạn cũ của mình. Tôi kể cho Trọng Phượng nghe về phong trào Tân Việt ở miền Trung, về khí thế quần chúng nông dân sục sôi chống cường hào ác bá, về chuyện Đảng Tân Việt lãnh đạo nhân dân đấu tranh phá giá gạo ở chợ Voi, chợ Cầu, chiến thắng âm mưu đầu cơ tích trữ để bóc lột dân nghèo của bọn nhà giàu. Anh vô cùng thích thú và nhận lời mời của tôi sẽ vào chợ Voi thăm gia đình tôi. Đêm đó hai chúng tôi khó ngủ. Chị Phượng ý tứ thắp đèn ngồi nhặt thóc trong mẻ gạo vừa giã bằng tay, đợi chúng tôi. Phượng gọi vợ bảo: "Anh Cu (tên của tôi thời đó) gặp khó khăn muốn ra nhờ chúng ta một ít thóc cho mùa giáp hạt". Chị Phượng gật đầu ra chiều áy náy.

Sớm hôm sau khi mặt trời vừa hừng chân sóng, tôi trở dậy lục đục soạn sửa ra về. Chị Phượng dúi vào tay tôi một ít bạc giấy và rụt rè: "Bác khó khăn, bầy tui chẳng giúp được gì nhiều. Đường xa xôi lắm nên nếu có gánh ló (thóc) về cũng chẳng ăn thua, lại quá vất vả. Em đã gạ bán cho hàng xáo một ít ló, bác cầm bạc về cho tiện". Tôi nhìn trân vào khuôn mặt dịu hiền phúc hậu của chị, lại nhìn ngôi nhà tranh lợp rạ, bốn phía cũng thưng bằng rạ mà lòng xúc cảm rưng rưng. Anh Phượng giục tôi cầm tiền, bắt tôi dắt tiền cẩn thận vào cạp quần cho chắc rồi mới ngồi vào mâm ăn sáng. Chúng tôi hẹn nhau sau mùa gặt tới anh sẽ vào thăm tôi. Bữa ấy đang là mùa cá ve, cá bể ngang thật tươi, thật ngon. Tôi ăn xong, uống một bát nước trâm nấu đặc rồi đội nón giã từ chị Phượng, chia tay các cháu. Trọng Phượng tiễn chân tôi. Ra đến chỗ ngõ khuất, nhìn sau nhìn trước không có ai, tôi vén cạp quần lấy tiền dúi vội vào túi áo nâu của Phượng. Trọng Phượng bối rối. Một tay đặt lên vai anh, một tay đặt vào nắp túi áo anh, tôi nghiêm nghị: "Tôi ra đây là vì tổ chức Đảng đang cần anh. Anh đừng cho chị biết việc này. Cầm lấy tiền để tiện cho việc đi lại sau này". Rồi quay người, tôi lủi nhanh trên lối cát tìm đường lên chợ Hội.

Đó là chuyến liên lạc bắt mối, gây cơ sở đầu tiên của tôi từ Kỳ Anh ra Cẩm Xuyên. Từ chuyến đi này, tháng 6 năm 1930, Đặng Trọng Phượng vào Voi ở lại 15 ngày, tôi đưa anh ra gặp các đồng chí trong chi bộ Hữu Lạc và chúng tôi đã làm lễ kết nạp Đảng cho anh tại cồn Giềng Rồng thuộc thôn Hữu Lệ. Sau ngày đó, tôi thường xuyên về Cẩm Xuyên để bắt liên lạc với các đồng chí ở đây. Mọi quan hệ giữa đảng bộ hai huyện có mối giao liên rất quan trọng và thường xuyên là anh Phượng. Từ mối liên hệ này dẫn đến sự phối hợp thống nhất các hành động của phong trào cách mạng ở hai huyện phía nam Hà Tĩnh. Sau cuộc bạo động cướp huyện đường Kỳ Anh ngày 9.9.1930 của quần chúng cách mạng do Huyện ủy lâm thời Kỳ Anh lãnh đạo, bọn thực dân Pháp đã đàn áp dã man các cơ sở Đảng và quần chúng cách mạng. Hầu hết Ban chấp hành lâm thời huyện Đảng bộ hai huyện bị khủng bố: Nguyễn Đình Luyện, Nguyễn Trọng Bình bị chúng chém đầu, nhiều người chịu án khổ sai lâu năm như tôi, Thiều Ngoạn, Đặng Hàm, Nguyễn Tiến Liên... sự liên lạc của Đảng từ tỉnh xuống huyện, xã bị đình đốn. Tháng 3.1931, chính đồng chí Đặng Trọng Phượng đã mưu trí, dũng cảm lọt qua tai mắt, lưỡi lê của địch để vào bắt liên lạc với các đồng chí Dương Duyến, Lê Ngọc Đoái... bàn định kế hoạch củng cố lại các chi bộ Đảng và tổ chức quần chúng cách mạng...

Và trong máu lửa, những hạt giống đỏ của Xô viết Nghệ Tĩnh vùng Nam Hà Tĩnh lại âm ỉ cháy, lan rộng mãi trong hầu hết các vùng đất quê hương để rồi bùng cháy dữ dội hơn, thiêu hủy hoàn toàn chế độ thực dân Pháp và bọn bù nhìn phong kiến trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngày 18 tháng 8 năm 1945.

 

NHỮNG NĂM THÁNG LAO TÙ

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy lâm thời về hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, các chi bộ Đảng tổ chức cắm cờ búa liềm, rải truyền đơn kêu gọi đấu tranh trên toàn địa bàn huyện Kỳ Anh. Lần đầu tiên chứng kiến cảnh lá cờ đỏ búa liềm phấp phới tung bay trên nền trời quê hương ở các điểm cao: Động Tuần, Cụp Cọi, Bàn Độ, Núi Voi... quần chúng nhân dân vô cùng phấn chấn. Bọn hào lý và chính quyền sở tại thì hoang mang lo sợ.

Sau cuộc biểu tình lớn trở thành bạo động cướp huyện đường Kỳ Anh là những ngày chống khủng bố trắng của địch. Trong năm sáu ngày liền, trời Kỳ Anh như sập xuống vì mưa lũ. Đoán biết được ý đồ phản ứng của bọn Tây và chính quyền bảo hộ, Huyện ủy Kỳ Anh triệu tập cuộc họp bất thường ở Kỳ Giang và vạch kế hoạch đối phó với địch tình. Tôi được cử đi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh tại Phù Việt và được bầu vào Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ, được phân công phụ trách khối phụ nữ - binh vận. Đồng chí Kim Đơn (tức Nguyễn Châu, còn có bí danh là Thiếp) - Bí thư tỉnh ủy- bảo tôi về nhà thu xếp công việc để thoát li hoạt động. Dù chưa biết sẽ được nhận công tác gì và đi đâu nhưng tôi vẫn nhanh chóng chấp hành chỉ thị, vội vã trở về Xứ Voi.

Tối ấy về đến nhà, qua vợ kể lại tôi biết được không khí nghiêm trọng nặng nề ở vùng Bắc Kỳ Anh sau những ngày bạo động. Bọn địch đang ráo riết truy lùng các cán bộ cốt cán, các cơ sở Đảng... Vợ tôi giục tôi đi ngay ngày mai để đề phòng bọn chúng đánh hơi thấy. Tinh mơ sáng hôm sau, một toán lính khố xanh hơn hai chục tên do thằng Quyền Cu, thằng Đội Thược và thằng Tây đồn trưởng huyện Kỳ Anh là Xanh rê Lăng Ca chỉ huy bao vây túp lều tranh vách vách bằng gạch ong của tôi. Bọn lính bẻ trái hai tay tôi ra sau lưng, trói chặt rồi lôi ra sân. Thằng Tây đấm đá mù trời, tôi lăn lộn giữa sân, giữa nước bùn giá lạnh với bộ quần áo cộc, mặt mày thân thể tím bầm bê bết máu bùn vì mũi giày đinh. Thằng Đội Thược cầm tóc tôi lôi dậy cho thằng Tây đánh, gần thì nó đấm, xa thì nó đá rồi bọn chúng xúm nhau vào lôi tôi ra xe ô tô. Trong xe đã có hai quần chúng cảm tình của ta là Phùng Phương và Trọng Bích bị bắt trói ở đó từ lúc nào đang ngồi khóc thút thít. Tôi bảo họ: “Khóc làm chi, bọn chúng có thương chi ta mà khóc!” Thằng Đội Thược nghe được, nó nhào tới đấm đá tôi tơi tả rồi nó lôi lên xe. Tôi vừa bước chân tới mép sàn xe, đang lóng ngóng thì bị nó đạp tiếp một cái ngã vập đầu vào góc thành xe, máu đầu tràn lênh láng. Tụi lính và thằng Tây vào các làng bắt thêm được hai đồng chí Cao Duyệt và Nguyễn Trọng Bình, thằng Quyền Cu bắt được đồng chí Khâm... ai nấy mặt mày đều bầm dập vì bị chúng đánh đập.

Cả 6 chúng tôi bị chở về huyện lị Kỳ Anh, chúng bắt quỳ giữa sân lố nhố sỏi đá và tiếp tục đánh đấm. Đến chiều, thằng Xanh rê Lăng Ca tới, nó bắt giải vào trong lao, quỳ xuống, úp mặt vào tường rồi gọi cu Giáo Dinh Cầu tới nhận mặt bằng cách túm tóc bẻ ngửa mặt lên cho cu Giáo xem rồi nó vập mạnh vào tường gạch làm cho ai nấy đều sứt đầu, sưng trán. Đến đêm, bọn lính bắt cả 6 người nằm ngửa giữa nền nhà bùn lầy lép nhép vì trận lụt vừa qua, rồi chúng lấy ván lát lên trên người chúng tôi, mấy thằng lính gác nằm đè lên ván. Vừa đói, vừa lạnh lại bị sức nặng của mấy thằng khố lục đè lên, sáu chúng tôi chẳng ai cựa quậy nổi suốt một đêm ròng. Sang ngày sau lại tiếp tục bị dọa nạt, đánh đập, nhịn đói... cứ như thế trong hơn nửa tháng trời.

Một chiều tháng 10/1930, chúng đẩy tôi và nhiều người nữa lên xe chở ra Hà Tĩnh, rồi qua đề lao Vinh, nhà tù Quảng Trị, Lao Bảo, Đắk Min, Ban Mê Thuột... Lại tra tấn, hăm dọa, cực hình và đói rét, lại tiếp tục chịu đựng để đấu tranh. Bắt đầu từ đây là một quãng đời dằng dặc 15 năm tù đày, quản thúc, học tập và trưởng thành trong lò lửa cách mạng của tôi và của biết bao đồng chí, bao người con của Xô Viết Nghệ Tĩnh đau thương mà kiên cường bất khuất.

 

Bùi Quang Thanh (Ghi theo tư liệu của cụ Bùi Thị)