Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

Đồng Lộc: KÝ ỨC VÀ HIỆN TẠI

19:34, 11/05/2011AdminTruyện - Ký
(0 Đánh giá)
Bài I: Đồng Lộc: Ký ức và hiện tại Bài 2: Đi tìm nơi vĩnh hằng của Dũng sĩ phá bom

Đồng Lộc: KÝ ỨC VÀ HIỆN TẠI
  
 Ký sự của Bùi Quang Thanh


  40 năm trước, vào những ngày tháng này, "toạ độ lửa" Đồng Lộc rền vang bom đạn, mịt mù khói lửa, máu và nước mắt chan chứa mảnh đất Trọ Voi. Cũng những tháng ngày này, bao người con ưu tú của đất nước hội tụ về đây chiến đấu và lao động, quyết tử để bảo vệ con đuờng huyết mạch ra tiền tuyến. Trong ngàn vạn người con ưu tú đó có một người tiêu biều nhất cho lòng dũng cảm, đức hy sinh, trí thông minh sáng tạo đã tự mình khoá mõm gần 500 quả bom và huấn luyện, hướng dẫn đồng đội rà phá ngót ngàn quả bom nổ chậm, bom từ trường của giặc Mỹ, góp phần giảm thiểu mồ hôi và máu cho đồng đội, mở đường thông tuyến tiếp sức cho tiền phương. Vương Đình Nhỏ đã vĩnh biệt chúng ta 18 năm rồi mà chiến công hiển hách của Anh vẫn trường tồn mãi mãi với sự tích Ngã ba Đồng Lộc. Và, mấy ai biết gánh nặng cuộc đời gia đình người Anh hùng ấy lại đè nặng lên vai người bạn đường chung thuỷ và những đứa con?


  Phần một
HUYỀN THOẠI "VUA PHÁ BOM"

Anh hùng LLVT Vương Đình Nhỏ


   Người tung hứng thần chết 

  Trên bước đường công tác của mình, tôi đã có hơn 10 năm làm việc ở Công ty xây dựng đường 4 của Hà Tĩnh. Công ty này vốn là một trong những đơn vị đã từng chốt giữ ngã ba Đồng Lộc, ngã ba Linh Cảm, bến Tam Soa và các trọng điểm trên đường 15, đường 8A... trong thời đánh Mỹ nên có rất nhiều người nổi tiếng như La Thị Tám - cặp mắt thần đếm bom, Uông Xuân Lý - Dũng sĩ lái máy ủi gạt bom nổ chậm, Vương Đình Nhỏ với biệt danh ‘Vua phá bom"... và rất nhiều đồng đội của họ, của 10 cô gái TNXP trong tiểu đội Võ Thị Tần... Về Hà Tĩnh hồi đó, đi đâu cũng gặp anh hùng thật sự, tôi tự hào khi được sống giữa những con người chân thành, tình cảm. Những chiến công của họ cứ như huyền thoại xửa xưa. Họ hồn nhiên kể lại cho nhau những kỷ niệm "chết người" mà cười tràn như nghé. Tôi nghe kể nhiều về Vương Đình Nhỏ - một dũng sĩ nổi tiếng bởi chiến công, cũng nổi tiếng vì bình dị và khiêm nhường. Sau này tôi vỡ nhẽ ra, sự nổi tiếng ấy "nhờ' cả việc anh không được phong Anh hùng mặc dầu anh là người xứng đáng nhất được nhận danh hiệu ấy ở chiến trường Đồng Lộc và cả trên toàn tuyến giao thông Hà Tĩnh thời đánh Mỹ.

Khác với các Anh hùng ở Đồng Lộc như La Thị Tám và Nguyễn Tiến Tuẫn, mọi việc đến với họ khá suôn sẻ; cả anh Vương Đình Nhỏ và anh Uông Xuân Lý đêu bị những định kiến hoặc mặc cảm thời đó ngăn cản. Anh Lý, sau 3 lần thắt khăn quàng đỏ, làm lễ truy điệu sống để trèo lên buồng lái đưa chiếc máy ĐT54 ra ủi gạt những qủa bom nổ chậm ra khỏi tim đường, một cô gái thầm yêu trộm nhớ anh đã không nén được sung sướng khi thấy anh sống trở về và họ ngồi bên nhau trong một chiều hoàng hôn vừa đổ bóng. Đáp lại câu hỏi: răng anh gan rứa của cô, Uông Xuân Lý cười: vì anh yêu em. Vậy mà một cán bộ phụ trách bằng cách nào đó lọt được vào tai câu "nịnh gái" rất nhân văn ấy đã cho rằng hành động dũng cảm của anh là vì... gái, nhất quyết cản trở việc anh được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Còn Vương Đình Nhỏ, vốn đã có vợ và 2 con tại quê Kỳ Thịnh, Kỳ Anh. Trong lúc Vương đi bộ đội, lăn lộn từ thời đánh Pháp tới thời đánh Mỹ, chị vợ ở nhà đã tụt tạt với người đàn ông khác. Vương Đình Nhỏ đau đớn và ê chề, quyết định ly dị vợ và họ chia tay nhau. Tuy nhiên, khi anh đã làm xong các thủ tục để đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng thì cấp trên ra điều kiện anh phải tái hợp với người vợ cũ. Nhất quyết không quay về với người đàn bà bạc tình ấy, Vương Đình Nhỏ phải chấp nhận gác lại vinh quang đó suốt... 38 trời, khi anh đã trở thành người thiên cổ từ 18 năm trước.

   Trở lại với thời kỳ oanh liệt trên mặt trận đảm bảo giao thông của Dũng sĩ phá bom Vương Đình Nhỏ, khi giặc Mỹ dùng thủ đoạn ‘ném bom hạn chế" trên miền Bắc, chúng dừng oanh tạc từ vĩ tuyến 20 trở ra nhưng tập trung toàn lực vào việc huỷ diệt khúc eo thắt miền Trung, từ cầu Bùng - Nghệ An trở vào. Rêu rao ‘hạn chế" là để đánh lừa dư luận quốc tế và nhân dân Mỹ đang quyết liệt phản chiến. Thực chất ở đây là hạn chế bề rộng của mặt bằng oanh tạc để tập trung vào yết hầu của đối phương - vừa hiệu quả về ngăn chặn vừa dễ dàng tiêu diệt mục tiêu trong toạ độ hẹp. Ngã ba Đồng Lộc, với  nhiều yếu tố về địa hình, địa lý, thời tiết... trở thành quyết chiến điểm của cả ta và địch. Trong vòng 7 tháng từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, giặc Mỹ đã ném xuống Đồng Lộc 43.000 quả bom các loại, chưa kể rốc két và đạn 20 ly. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày đêm với hàng trăm lần và trên 800 quả bom các loại, trong đó có nhiều bom nổ chậm, bom từ trường rình rập từng bánh xe lăn. Lực lượng đảm bảo giao thông Hà Tĩnh đã huy động toàn lực cùng bộ đội cao xạ, công binh, thanh niên xung phong lên Đồng Lộc sống mái với quân thù, giữ con đường huyết mạch. Có lúc 16.000 người được điều động lên đây để rà phá bom nổ chậm, san lấp hố bom. Vương Đình Nhỏ được giao nhiệm vụ Đội trưởng Đội phá bom "cảm tử'.

Vốn là một quân nhân đã chiến đấu và phục vụ trong quân đội từ thời đánh Pháp và được đào tạo chuyên ngành công binh trong những năm hoà bình; những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ Vương Đình Nhỏ được trực tiếp làm nhiệm vụ rà phá bom mìn ở Tổng đội vượt sông 57, vì vậy anh là một kho kinh nghiệm quý báu của mặt trận. Nhiệm vụ của "Đội cảm tử' là phải loại bỏ bằng được những quả bom Mỹ trên toàn tuyến Đồng Lộc và vùng phụ cận cho các đơn vị khác thông đường. Dù ngày hay đêm, mưa hay nắng, hễ còn một quả bom sót lại thì anh và đồng đội chưa trở về. Lăn lộn cùng anh em để đào và gỡ hoặc rà phá từng quả bom bí hiểm, anh Nhỏ cũng tranh thủ nghiên cứu rất kỹ cấu tạo, tính năng từng loại bom để tìm phương án rà, phá an toàn nhất. Việc rà cho bom nổ không khó, cái quan trọng là khi nổ phải tránh tổn thất cho người và phương tiện, tránh thiệt hại cho đường sá, giảm thiểu công sức hàn gắn và thời gian thông xe. Một phương án phá bom độc đáo "rất Việt Nam" được Vương Đình Nhỏ đưa ra thực hiện: dùng bộc phá tự chế (từ thuốc bom Mỹ) đánh tách đầu nổ ra khỏi thân bom, đồng thời sức nổ của bộc phá cũng hất thân bom văng lên trời hoặc bay ra khỏi mặt đường và phát nổ. Như vậy bom sẽ không làm hư hỏng đường nhiều, đỡ công sức tu sửa. Ngày 18/5/1968, máy bay Mỹ ném một khối lượng lớn bom từ trường, bom nổ chậm xuống ngã ba Đồng Lộc, trong số đó có loại bom NT các anh chưa từng gặp. "Vua phá bom" Vương Đình Nhỏ đã nghiên cứu và đưa ra cách đánh "kích nổ dây chuyền". Bằng chính bộc phá từ thuốc bom lấy trong ruột những quả bom Mỹ, anh đã cài thế "bật gòn" và chỉ cần 150 gam thuốc nổ đã bắt 5 - 6 ông ‘kễnh" Mỹ bay ra cách xa tim đường mà nổ. Với sáng kiến "tung hứng" này, anh Nhỏ và đồng đội đã phá thành công nhiều bom Mỹ và đặc biệt đã kích nổ 19 quả bom rải trên trục đường 15 ở ngã ba Khiêm ích mà vẫn đảm bảo an toàn cho con đường. Theo ước tính, với sức công phá của ngần ấy quả bom, chúng ta phải san ủi 1.700m3 đất đá mới thông được đường....Chỉ tính thời gian địch ném bom hạn chế, Đội cảm tử đã rà phá gần 1000 quả bom loại mới NT và 500 quả bom các loại. Riêng đội trưởng - "Vua phá bom" đã tự tay "xử" gần 500 quả trong đó có 198 quả NT; lấy được 620 kg thuốc bom làm bộc phá trị bom Mỹ. Anh cũng không dưới 30 lần bị bom Mỹ vùi lấp, nhiều lần bị sức ép bom nổ gần làm huỷ hoại sức khoẻ và thân thể.

Tinh thần cảm tử Đồng Lộc 1968 còn được "Vua phá bom" thể hiện trong cuộc chiến tranh phá hoại 1972 của Mỹ ra miền Bắc. Trên mặt trận mới ở phà Linh Cảm, trên dọc dòng La Giang, những người cảm tử phá bom với bữa ăn đạm bạc đơn sơ và lễ truy điệu sống nghẹn ngào xúc động rồi ra đi trong nước mắt và nỗi lo lắng của đồng đội, nhân dân để vật lộn với "thần chết" Mỹ dưới dòng nước xiết hoặc xoáy sâu. Cách phá ngư lôi bằng nam châm được áp dụng bằng cách kéo dây dăng ngang sông; bằng ca nô cảm tử chạy lướt để nhử mồi; bằng cả cách liều mạng: buộc dây vào thân bom rồi dùng ca nô kéo quả bom ra xa mục tiêu bảo vệ... Tất cả tâm trí, mồ hôi và máu của các anh dành cho dòng sông, con phà, tàu thuyền và những chuyến xe ra trận.

 Có thể nói, trong chiến công chung thắng Mỹ ở ngã ba Đồng Lộc nói riêng và trên mặt trận đảm bảo giao thông ở Hà Tĩnh nói chung, Đội cảm tử phá bom Vương Đình Nhỏ là một trong những đơn vị hoạt động hiệu quả nhất, là tấm gương dũng cảm vô song động viên khích lệ mọi người xả thân cho cách mạng, cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Vương Đình Nhỏ được đồng đội và nhân dân phong tặng "Dũng sĩ phá bom", "Vua phá bom", "Thủ trưởng Nhỏ". Tên tuổi anh gắn liền với sự tích Ngã ba Đồng Lộc một thời và mãi mãi. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, anh Nhỏ đã được Đảng, Nhà nước và các tổ chức tặng 6 Huân chương các loại trong đó có 3 Huân chương Chiến công, Huy hiệu Bác Hồ và 20 Bằng khen các loại.


Chết vì dân giữa thời bình 
Do sức khoẻ và thương tật của chiến tranh, năm 1977 Vương Đình Nhỏ nghỉ hưu và sinh sống tại ngay ngã ba Đồng Lộc, mảnh đất mà anh đã chiến đấu một thời. Trong mái tranh nghèo đơn sơ ngay sát ngã ba, anh cùng vợ là chị Nguyễn Thị Luận - một thôn nữ quê Đồng Lộc đã từng quý mến thương yêu anh từ những ngày anh đối mặt với bom đạn Mỹ và họ lấy nhau từ năm 1969 - vật lộn với cuộc sống vất vả để nuôi bầy con còn nhỏ dại. Với đồng lương hưu ít ỏi của một cán bộ ngành giao thông, anh và vợ, các con phải quần quật lao động trên hai sào ruộng để trồng trỉa nuôi nhau. Mặc dù vậy, "máu công binh" trong anh và ý thức trách nhiệm công dân trước hiểm hoạ bom đạn chưa nổ của giặc Mỹ rải đầy trên đồng ruộng xóm làng vẫn giục anh lao vào công việc không lương bổng mà vô cùng nguy hiểm ấy. ở đâu phát hiện ra bom Mỹ chưa nổ là người ta lại "mời" anh Nhỏ đến xử lý. Chẳng ai tính được Vương Đình Nhỏ đã làm bao cuộc "giỡn đùa với thần chết" để giúp nhân dân giành lại ruộng vườn nhà cửa và cuộc sống bình yên nhưng ai cũng biết anh đang càng ngày càng đuối sức bởi thương tật và căn bệnh hiểm nghèo: bệnh sỏi thận. Năm 1987, căn bệnh này đã quật anh ngã xuống không thể làm được gì. Bác sĩ bảo phải mổ mà anh chẳng có tiền, anh Nhỏ lần mò ra Bệnh viện Quân khu IV với  mong mỏi là sau hơn 20 năm trong quân ngũ ngày trước, may ra được chiếu cố. Khốn một nỗi, trước khi về hưu anh đã chuyển sang dân sự, vì vậy dù bệnh viên quân đội rất thông cảm hoàn cảnh của "Vua phá bom', anh vẫn phải tha cục sỏi thận tai quái ấy trở về Đồng Lộc.Trong một cơn đau dữ dội, Vương Đình Nhỏ được Bệnh viện Can Lộc mổ cấp cứu, rồi lại một lần mổ cấp cứu nữa nhưng vẫn không dứt được bệnh sỏi, anh quay sang uống thuốc nam cầm chừng để sống chung với bệnh tật.

Cái tết năm 1990 đã cận kề. Tiền không gạo hết, đàn con nhỏ 6 đứa và người vợ héo hon vì sinh đẻ, vì thiếu thốn làm Vương Đình Nhỏ ray rứt không yên. Một hôm có người bạn cũ tìm đến anh bảo rằng ở Lao Bảo nhân dân đang gặp rất nhiều khó khăn khi giải phóng mặt bằng để sản xuất vì bom chưa nổ của Mỹ. Ông ngỏ ý mời anh vào giúp. Vương Đình Nhỏ tạm biệt vợ con cùng người em vợ đi ngay vào Hương Hoá (Quảng Trị). Thật đau đớn cho anh và gia đình, ngày 26/01/1990 khi anh cùng các cộng sự đang gỡ những hạt nổ ra khỏi một trái bom thì ba quả bom Mỹ  đã cùng phát nổ đưa người Dũng sĩ phá bom ở Đồng Lộc cùng người em vợ và 2 cán bộ địa phương về cõi vĩnh hằng. Chẳng ai trong họ còn nguyên vẹn, một phần lớn thi thể họ đã tan vào đất đồi Khe Sanh.

15 năm sau ngày Vương Đình Nhỏ hy sinh, ngày 23/5/2005 Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ra quyết định phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho anh, một quyết định dù quá muộn màng nhưng chắc rằng cũng an ủi phần nào linh hồn anh dưới suối vàng. Ngày 17/01/2006, tỉnh Hà Tĩnh làm lễ truy phong Anh hùng cho anh trong sự nhớ thương và mãn nguyện của đồng đội và nhân dân, bởi không chỉ riêng Vương Đình Nhỏ mà cả ngành giao thông vận tải Hà Tĩnh - đơn vị chủ lực đảm bảo giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc trên tuyến đường chiến lược huyết mạch vào Nam, sang Lào thời chống Mỹ cũng mới được nhận danh hiệu này sau... 38 năm "cân nhắc".

 

Phần hai:  
HẮT HIU NHƯNG SỐ PHẬN BUỒN

 

 Người đàn bà gánh chặng đường khó nhọc

Trong căn nhà cũ kỹ, tềnh toàng, nhờ nhợ vì ánh điện tù mù đến nhức mắt, chị Trần Thị Luận kể cho chúng tôi nghe về gia cảnh của mẹ con chị. Chị Luận vốn dân gốc Đồng Lộc, nhữn Ảnhg năm bom đạn chị tham gia dân quân ở địa phương và quen "chú Nhỏ phá bom' trên chiến địa này. Mặc dầu anh Nhỏ đã lớn tuổi, gầy đét và đen nhẻm vì suốt ngày lăn lộn với nắng lửa và khói bom, mặc dầu biết anh đã có vợ có 2 con và vợ chồng đã ly dị nhau nhưng tình thương và lòng cảm phục đức tính thật thà, dũng cảm của anh đã giúp cô vượt qua mọi trở ngại. Họ cưới nhau năm 1969 và dựng lán ở ngay bên trọng điểm để anh Nhỏ tiện tham gia công tác. Năm 1972, địch đánh phá trở lại và những trận bom dữ dội lại trút xuống Đồng Lộc, cả mạn phà Linh Cảm  và nhiều nơi khác. Anh Nhỏ lên trọng điểm cả ngày lẫn đêm. Thời  kỳ này địch dùng nhiều loại vũ khí mới, đánh đêm vẫn chính xác nên anh Nhỏ phải dùng mẹo nhử địch để chia lửa cho xe, cho cầu. Mẹo của anh là dùng bình ắc quy ô tô bắt mấy ngọn đèn rồi đặt ở những vị trí "vô hại" nhất. Khi có máy bay Mỹ, anh bật đèn sáng lên nhử địch. Nhiều lần vừa đấu xong đèn chưa kịp chạy xa "mục tiêu" thì bom đã tới, đạn 20 ly đã xé đất xé đai. Anh Nhỏ bị sức ép, bị bom vùi, bị thương mà vẫn bám trụ. Mẹ con chị (lúc này anh chị đã có 2 cháu gái) ngồi trong căn hầm chữ A cách Ngã ba Đồng Lộc vài trăm mét, nghe bom réo mà lòng như lửa đốt.

Chiến tranh đi qua, anh Nhỏ chuyển về Đoạn quản lý đường bộ cạnh nhà nhưng đồng lương quá thấp, con dại một đàn 6 đứa, chị nai lưng cày cuốc trồng trỉa nuôi con. Sau khi anh Nhỏ chết, nỗi đau mất mát và gánh nặng gia đình đổ ập lên lưng chị. Các con chị đều phải tập lao động từ rất sớm để giúp gia đình. Cũng vì vậy mà 6 đứa con chỉ duy nhất út Thương được học hết phổ thông và đi học Trung cấp du lịch, còn 5 đứa lớn không đứa nào qua hết lớp 7/12.

Sức khoẻ chị Luận từ lâu đã bị suy sụp. Chị bị thoái hoá cột sống, lại bị căn bệnh gút hành hạ, chân cứ nổi lên từng cục ở các khớp xương, đau buốt như kim châm. Thật lạ, cái bệnh của "nhà giàu" tự đâu lại mò đến đeo bám lấy người nông dân bần cùng, thiếu thốn ấy. Không có bất cứ chế độ khám bệnh nào, kể cả sổ khám bệnh của người nghèo; đường đi đến các trung tâm y tế lại cách trở nên chị không được điều trị tử tế. Nghe bảo thân nhân các "Anh hùng" cũng được hưởng chế độ người có công với cách mạng, đã nhiều lần chị nhờ ông Nguyễn Thạch Chắt là người chuyên làm các chế độ hưu trí của xã liên hệ xin làm sổ khám bệnh thì được trả lời là "Không làm được!" Chị phải chờ các con lặn lội vô Quảng Bình cắt thuốc nam của thầy lang về tự điều trị. Hỏi chị thế từ khi anh Nhỏ được truy tặng danh hiệu AHLLVTND, gia đình chị có được giúp đỡ gì không? Chị cho biết khi đón danh hiệu Anh hùng cho anh Nhỏ, gia đình có được nhận 5 triệu đồng, nghe nói của cấp trên (Bộ và Sở cho). Từ ấy lại nay ít người qua lại, cả những lúc có việc lớn ở bên Khu Di tích Ngã ba chị cũng chẳng bao giờ biết đến. Bàn thờ anh Nhỏ, ngoài người thân, chẳng thấy ai đến thắp hương, kể cả những ngày lễ Tết. Tôi chợt liên tưởng đến bài thơ "Lời thỉnh cầu ở ngã ba Đồng Lộc" của nhà thơ Vương Trọng khi thay lời Mười cô TNXP hy sinh ở ngã ba này:
 
Mười chị em hương cắm thế đủ rồi 
Còn hương nữa xin dành cho đất
 Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
 Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
 Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi...
  Để có một Đồng Lộc anh hùng gan vàng dạ sắt mà hôm nay khắp nơi hướng trông về, hàng ngàn, hàng vạn người con thân yêu của Tổ quốc đã dâng hiến tuổi thanh xuân để giữ vững huyết mạch ra tiền tuyến. Đây là khu mộ Mười liệt nữ đã ngã xuống cùng giờ, cùng tháng, cùng năm. Kia là đồi liệt sĩ của hơn 600 cán bộ công nhân viên ngành GTVT Hà Tĩnh dù nằm sát ven đường mà vẫn lạnh vắng khói nhang. Còn đâu là nơi tưởng niệm các chiến sĩ phòng không? Đâu của các chiến sĩ công binh, lái xe, dân công hoả tuyến? Đâu nữa là những chiến sĩ trên đường hành quân ra trận đã không qua nổi toạ độ lửa này? Và đâu là tuợng đài của lòng dân Đồng Lộc và những vùng phụ cận đã ngày đêm sát cánh chung lưng cùng lực lượng đảm bảo giao thông... Tôi cũng chợt nhớ rằng, không hiểu từ bao giờ, khu mộ 10 TNXP dù khá chật hẹp và phải thực hiện nhiều ý tưởng xây dựng tập trung nhưng có quá nhiều cây đa cây đề của các vị quan chức trồng lưu niệm chen chúc nhau, mỗi cây cõng trên thân mình một tấm thẻ ghi tên tuổi chức danh các vị. Tấm thẻ nào cũng lớn hơn nhiều lần kích thước những cây con ấy. Giá như những cây đó, tự tay họ trồng trên các khu đất trống ở Đồng Lộc như mong muốn của các liệt nữ đã nhờ nhà thơ nói hộ thì thực tế hơn nhiều. "Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp". Vâng! Với những người đã hiến thân cho đất nước, chúng ta không được phép quên ai, nếu đã trót quên thì phải mau nhớ lại...

Như hiểu suy nghĩ của tôi và để an ủi, sẻ chia, chị Luận đưa chúng tôi sang một ngôi nhà xây khá xinh xắn cách căn nhà tồi tàn chị đang ở không xa. Căn nhà này có bàn thờ anh Nhỏ, treo nhiều Huân, Huy chương và Bằng chứng nhận AHLLVT. Chị bảo cách đây chưa lâu Bộ Tư lệnh công binh đã về tài trợ cho gia đình hơn ba chục triệu. Bộ Tư lệnh công binh không phải là đơn vị anh Nhỏ công tác nhưng chiến công của anh gắn liền với sự nghiệp và vinh quang của người chiến sĩ công binh, vì vậy món quà bất ngờ này, món quà lớn nhất của gia đình Anh hùng Vương Đình Nhỏ từ xưa tới nay được cộng thêm 10 triệu đồng của một cơ quan báo công an ở Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ đã giúp chị có căn nhà này làm nơi hương khói cho anh, cũng là chỗ ở cho cậu con trai thứ 5 Vương Đình Nhàn và cô út tên Thương. Ba cô gái đầu của anh Nhỏ và chị Luận, nhờ trời khá xinh gái nên dù học hành không qua nổi lớp 6, không có việc làm vẫn lấy được những người chồng tử tế. Riêng hoàn cảnh 2 cậu con trai của anh Nhỏ thì thật se lòng.

 
 
 Tác giả với gia đình AHVTND Vương Đình Nhỏ
  
   Nhân mà chưa gặp "ái"

  Vương Đình Nhân, người con trai lớn của Anh hùng Vương Đình Nhỏ sinh năm 1974. Vì nhà nghèo mà chỉ học qua mù chữ là Nhân đã phải về lao động cùng bố mẹ. Bố mất lúc Nhân vừa 16 tuổi, cậu phải đi khai thác đá thuê trên núi để kiếm sống. Nhân đã có vợ và một đứa con. Một lần Nhân bị đá đè nát toàn bộ chân phải tại công trường. Tai nạn xảy ra với cậu lúc 8 giờ sáng, xương ống chân phải bị dập nát nhiều chỗ, máu chảy triền miên đến chập tối mới cầm được. Mẹ con chạy khắp nơi mà không chữa nỗi cái chân dập nát, cô vợ của Nhân đành rứt áo ra đi để lại đứa con 18 tháng cho Nhân và bà nội nuôi. Đứa trẻ giờ đây đã học lớp 8 rồi. Thương bà và cha, ngày ngày nó phải lên đồi bứt cây rành rành về bán cho người ta làm chổi để mua thuốc men cho bố và góp sức giúp bà. Gần 17 năm nay Nhân mang chiếc chân què khập khà khập khễnh đi lao động kiếm sống. Đến nay cái bánh chè nơi đầu gối bị tụt xuống, nước từ  ống tuỷ vàng vàng đục đục chảy ra mà không có tiền để chữa trị. Thấy Nhân quá vất vả và bế tắc, một vài người bạn cùng tuổi, cùng quê đã đưa Nhân vào Đà Lạt xin phụ việc ở một lò mổ gia súc để nhận phần lương mỗi tháng 1 triệu đồng. Một triệu đồng chi phí cho ăn ở sinh hoạt nơi xứ  "hoa đào" đắt đỏ  ấy, Nhân chẳng tích góp được bao lăm. Dù sao cũng có công việc và có thu nhập. Nhưng nỗi mừng chưa kịp lan hết người thân thì cái chân què giở chứng. Do tiếp xúc với môi trường nhiều xú khí của công việc tể lô, vết thương cũ nhiễm trùng, sưng nhức và rò tuỷ từ những chổ xương bị vỡ không liền được. Đã mấy lần Nhân điện về cho mẹ, các chị về hoàn cảnh của mình, Nhân chỉ ước được ai đó mở lòng nhân ái giúp cho anh có tiền đi phẫu thuật lại cái chân đang dần tự huỷ hoại cơ thể và sự sống của mình.

Vương Nhàn và cuộc đời tầm nhạ
 Vương Đình Nhàn, đứa con thứ 5 và là con trai thứ 2 của Anh hùng Vương Đình Nhỏ sinh năm 1982. Cao to, đẹp trai nhưng cũng chỉ học đến lớp 6 như các chị và anh rồi về nhà đi rú (rừng). Nghề đi rú của Nhàn hơi lạ: tầm nhạ. Đã  lâu lắm, có lẽ từ thuở hồng hoang, một số rất ít người trong cộng đồng đã tìm ra thứ bẫy "dính' từ nhựa của một loài cây để bẫy chim trời làm kế mưu sinh. Loài cây này khá bí hiểm, ở đâu đó trong sâu thẳm đại ngàn, không có tên riêng nên người ta gọi luôn là "nhạ" (tiếng Hà Tĩnh là nhựa). Nhàn theo người lớn đi nhạ đã rất lâu và đây là thu nhập chính của cậu. Hãy nghe chàng trai "kẻ rú"- con trai người Anh hùng - kể về những cuộc đi nhạ của mình: Từ Đồng Lộc, Nhàn và bạn nghề phải cơm đùm gạo bị, trèo đèo lội suối tắt qua đất Lào để tìm đến nơi cây nhạ sống. Việc tìm được cây nhạ không dễ dàng vì nó mọc lẻ loi, lẫn trong rừng cây rậm rì, hoang vắng. May mắn gặp được cây nhạ, người ta bóc lấy vỏ, đập dập thật kỹ rồi tìm một nhánh suối nào đó để ngâm hoặc chôn xuống nước. Phải ngâm hoặc chôn đến 6 tháng thì vỏ nhạ mới cho thứ nhựa dẻo quẹo có thể dính bết bất cứ thứ gì nó bám vào, vì vậy việc "nuôi" đám vỏ nhạ trong rừng, dưới suối là rất phiêu lưu. Nào mưa lũ cuốn trôi, nào người khác chiếm đoạt, nào lạc chỗ tìm không ra... Mỗi kỳ đi tìm nhạ, Nhàn phải đi mất gần chục ngày, mỗi tháng đi 2 lần mang về được vài chục ký là nhiều lắm rồi. Tuy làm nhạ vất vả như vậy, rủi may lại bấp bênh nhưng trúng được nhạ mang về tận nhà, những người nghèo như Nhàn lại phải nhập giá rẻ cho các ông chủ nhạ. Bởi không có tiền làm lưng vốn cho chi phí đi rừng, hầu hết họ bán ‘nhạ non' cho các đầu nậu trước mùa nhạ. dĩ nhiên giá nhập phải thấp hơn rất nhiều lần giá thị trường. Nhàn cho biết, giá như thời điểm hiện nay, dăm yến nhạ chỉ nhập được khoảng 2 triệu đồng. Chi phí đi về, ăn ở trong rừng thì cả tháng, bán máu cho vắt, ngửa mặt cho ruồi vàng, ăn kham ở khổ cũng chỉ thu nhập dăm trăm ngàn đồng. Đó là chưa kể tiền xăng và khấu hao xe máy. "Bây giờ đi qua Lào phía Quảng Bình, bọn em phải vay mượn sắm xe để chủ động lên gần biên giới. Xe sắp tàn rồi mà vẫn nợ anh ơi!" Hỏi ước mơ của Nhàn? Cậu buồn bã: "Ước gì có cái xe công nông mà chạy quanh làng kiếm sống để giúp mẹ, giúp anh Nhân." Nhàn bảo cậu phải bỏ nghề sơn lâm này thôi, cực khổ đã đành, hiểm hoạ cũng luôn rình rập. Mới năm ngoái đây thôi, làng này có đến 3 người đi nhạ không trở về. Lũ quét rừng Lào đã nuốt mất họ. Tôi xa xót thầm nghĩ, sao Nhàn không ước lấy một cái ô tô nhỏ của Trung Quốc luôn. Bây giờ ai ước xe Công nông nữa. Mà giá có cũng không ai cho lưu hành. Một chiếc xe tải nhỏ của Tàu để giúp cho cuộc sống của cậu và gia đình có lẽ cũng không khó, nếu những "bà Tiên, ông Bụt" của thời nay thấu hiểu được hoàn cảnh và mơ ước của cậu mà mở tấm lòng vàng chia sẻ cùng những số phận bi thương.
  
Phần kết
  Như đã nói ở phần trên, trong 6 người con của Anh hùng Vương Đình Nhỏ, có duy nhất út Thương được học hết phổ thông bởi sự cố gắng của cả nhà. Tốt nghiệp Trung cấp hướng dẫn viên du lịch ở một trường ngoài Hà Nội, với tính nết hiền lành, dế mến, lại biết hoàn cảnh của Thương, một vài người bạn của anh Nhỏ ở BTL Công binh gợi ý xin cho em vào làm ở Hà Nội. Thương đã cám ơn nhưng cô từ chối vì cô phải về gần mẹ. Ước mong của cô đi học du lịch cũng khá đơn giản và rõ ràng: được về ngay Ngã ba Đồng Lộc công tác tại khu Di tích. Nhờ sự giới thiệu của anh Hà Thạch - Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Bí Thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, Thương được về thử việc ở Ban quản lý Khu di tích Đồng Lộc. Anh Hà Thạch bảo tôi, nếu cố gắng làm tốt nhiệm vụ, Thương sẽ được biên chế trong thời gian sớm nhất. Nếu được vậy, chắc hương hồn Anh hùng Nhỏ nơi suối vàng cũng bớt nguôi ngoai...

                                                 Đồng Lộc, 13 tháng 7 năm 2008

    

Đi tìm nơi vĩnh hằng
 của Dũng sĩ phá bom
Vương Đình Nhỏ

Ký sự của Bùi Quang Thanh


Hành trình tìm mộ bố của cô gái út
Được sự giúp đỡ của Viện kiểm sát Quảng Trị, út Thương tranh thủ mấy ngày nghỉ bù để vào Lao Bảo viếng mộ bố. Đi cùng cô có mấy anh cán bộ ngành kiểm sát Quảng Trị và tôi. Đây là lần đầu tiên trong đời Thương có dịp vào nơi mà bố cô - Dũng sĩ phá bom ở Ngã ba Đồng Lộc - Anh hùng LLVT Vương Đình Nhỏ ngã xuống 19 năm về trước và nằm lại đó cho đến hôm nay.
Chín giờ sáng chúng tôi đến Uỷ ban nhân dân thị trấn Lao Bảo. Chủ tịch Trần Đình Nam nghe tôi giới thiệu và trình bày ý nguyện của út Thương xong, mắt anh bỗng mòng đỏ, nghẹn ngào cầm tay cô bé: “Vậy ra cháu là con anh Nhỏ ư? Tội nghiệp cháu, tội nghiệp anh ấy. Chú biết bố cháu, biết cả việc bố hy sinh ở đây”. Căn phòng Chủ tịch Nam như trầm xuống. Út Thương nước mắt lưng tròng, ngồi nghe chú Nam kể lại cái chết thương tâm của bố và cậu ruột mình khi út vừa mới 4 tuổi.
Hồi ấy, cả vùng chiến địa trên trục quốc lộ 9 này là một túi bom mìn khổng lồ của Mỹ- ngụy để lại. Chiến tranh qua đi đã mười lăm năm rồi mà những tiếng nổ chát chúa, kinh hoàng vẫn thường xuyên cướp đi sự sống của người dân. Họ gặp bom mìn bất cứ đâu, trên đồi, dưới suối, ngay nơi cất nhà dựng lán, cả nơỉ trỉa lúa trồng ngô. Cái đói bắt buộc đồng bào phải cày, phải cuốc. Nhưng ở đâu cũng bom mìn rình rập... Cũng hồi ấy, cửa khẩu Lao Bảo đã sôi động lắm, yêu cầu cấp bách để xây dựng một trung tâm kinh tế thôi thúc chính quyền địa phương. Và chính lúc ấy, một cựu chiến binh đã ra Hà Tĩnh mời “Vua phá bom” Vương Đình Nhỏ về Hương Hoá để trực tiếp tháo gỡ bom mìn giúp dân giải phóng mặt bằng cho sản xuất và xây dựng.
Buổi trưa ngày 26/01/1990 định mệnh ấy, anh Nhỏ cùng 3 người giúp việc, trong đó có người em vợ đang tháo gỡ một quả bom rất to nằm bên cạnh cầu Cà Tang thuộc bản Cà Tang. Quả bom nặng mấy tạ nằm chình ình giữa vùng đất canh tác đã được quy hoạch để xây dựng Khu trung tâm kinh tế mở Lao Bảo. “Vua phá bom”, người đã tự mình khoá mõm 498 quả bom các loại của Mỹ tự tin tháo gỡ từng chi tiết lắp ghép của con ác quỷ. Bất ngờ một tiếng nổ xé trời dựng đứng thị trấn biên giới và cả các bản làng quanh vùng dậy. Tiếng sét ấy đã xé vụn tất cả 4 người trong nhóm phá bom. Nhặt nhạnh hết những gì còn lại của họ, người dân Lao Bảo cũng chỉ gom được chừng một xô cốt nhục và ngậm ngùi làm một ngôi mộ chung cho họ ngay cạnh hố bom ác hiểm ấy. Cái tin một trong bốn người hy sinh là Dũng sĩ phá bom Vương Đình Nhỏ làm bà con dân bản càng thương xót anh bội phần. Nhiều gia đình lập bàn thờ để hương khói cho vong linh anh ngay tại sân nhà mình; chính quyền địa phương làm hồ sơ hiện trường về cái chết của anh và đồng nghiệp, ghi nhận hành động quên thân vì nghĩa của họ...
Chủ tịch Nam nhìn út Thương nước mắt đầm đìa, anh bối rối: “Nhưng bây giờ muốn vào thăm mộ bố cháu thì rất khó khăn bởi sau khi có kế hoạch giải toả để xây dựng thị trấn Lao Bảo, phần mộ chung bốn người đã được người nhà của hai người Vân Kiều đưa vào rừng Ma chôn cất theo phong tục của họ. Mà với người Vân Kiều ở đây, không phải ai muốn cũng có thể đến được nơi linh thiêng ấy”. Rồi anh Nam nhấc điện thoại nói chuyện với ai đó khá lâu, mặt anh tươi lên: “Bây giờ tôi sẽ cho người dẫn các anh và cháu xuống bản Cà Tang, đến nhà một người có thể lo được việc này”.
 
Tấm lòng người Cà Tang
Xe chúng tôi dừng lại bên cầu Cà Tang - một cây cầu khá lớn trên quốc lộ số 9. Bên phải cầu - hướng đi lên cửa khẩu - là bản Cà Tang dựa lưng vào những dãy núi xanh rì, rậm rạp. Phía bên trái là khu công nghiệp, là những công trình đang xây dựng hút tầm mắt, mênh mông. Người đón chúng tôi là anh Thạch, một cựu binh đã từng chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên thời đánh Mỹ. Anh Thạch quê Thái Bình, đưa vợ con vào Lao Bảo làm nghề bán hàng ăn đã gần hai chục năm nay. Tại ngôi nhà khang trang, cũng là nhà hàng của anh chị Thạch, út Thương được ân cần đón tiếp, thăm hỏi. Chị vợ anh Thạch nước mắt rưng rưng khi nhắc đến anh Vương Đình Nhỏ mà chị bảo ân nhân của gia đình chị. “Anh ấy thiêng lắm, hầu như quanh đây ai cũng hương khói cho anh. Hồi chưa quy hoạch khu kinh tế mở, nhà tôi nằm ngay chổ các anh ấy chết nên tôi lập bàn thờ để thờ phụng. Khi phải giải toả, nhà tôi rước cả bàn thờ các anh ấy về đây thờ phụng. Mà không phải riêng tôi, nhà cô Lan, anh Thưởng cạnh đây cũng thờ anh Nhỏ.” Anh Thạch bảo chị vợ và cô con gái có tên là Hương đi tìm người nhà ông Hồ Mường, rồi anh lắp ủng nhựa, xách máy camera mini dẫn chúng tôi ra nơi ngày xưa quả bom định mệnh đã cướp đi người anh hùng và các bạn của anh.
Chỗ quả bom nổ cách cầu Cà Tang khoảng 300 mét. Bây giờ thì đó là một con đường lớn nối đường số 9 với khu công nghiệp đang xây dựng. Không phải tìm kiếm, anh Thạch đi thẳng vào đám cỏ may tua tủa vệ đường và quỳ một chân xuống cỏ, hai tay chập lại để trước ngực, thành kính. Tất cả chúng tôi cúi đầu. Út Thương nấc lên một tiếng rồi quỳ mọp bên cạnh chú Thạch. Những nén hương được thắp lên
 
Hương khói giữa rừng Ma
Bản Cà Tang nhỏ và nghèo nằm sát một cánh rừng không có nhiều cây gỗ to nhưng rất rậm rạp. Khu rừng có cái tên rờn rợn: Rừng Ma. Người Vân Kiều ở bản chôn cất người chết trong cánh rừng thâm u này mà rừng có tên dễ sợ như vậy. Rừng Ma là nghĩa địa rất đặc biệt của người Vân Kiều Cà Tang. Tôi từng nghe nói người Vân Kiều chết không xây mộ, họ được vùi vào lòng đất và chỉ ai là người thân thiết mới biết được phần hài cốt của họ ở đâu. Chỉ chôn một lần, không xây cất, không khói hương, không cúng bái. Anh Thạch cho hay, khi Thị trấn Lao Bảo được quy hoạch thành Khu Kinh tế cửa khẩu, khu vực mộ 4 người trở thành Khu công nghiệp nên ngôi mộ phải di dời. Gia đình ông Hồ Mường đưa phần hài cốt chung ấy vào cánh rừng Ma chôn theo phong tục cổ truyền của họ và ngoài gia đình Hồ Mường ra thì không ai biết được ngôi mộ chung ấy nữa. Tuy nhiên hôm nay nhìn bé Thương ai cũng mủi lòng nên anh Nam - Chủ tịch Thị trấn bàn với anh Thạch cho người đi thuyết phục gia đình ông Hồ Mường phá lệ, đưa con gái Anh hùng Nhỏ vào thắp hương cho bố và người cậu ruột. Đoàn đi có hơn chục người do trưởng bản Cà Tang và anh Thạch dẫn đầu. Bé Thương được cô Hương kèm, thỉnh thoảng Hương phải ôm ngang lưng Thương để dìu vì cô bé quá xúc động. Đường vào rừng Ma sát ngay sau nhà gia đình ông Hồ Mường - người tử nạn cùng anh Vương Đình Nhỏ. Ông Mường là đại uý Bộ đội biên phòng Quảng Trị, từng tham gia chiến đấu trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, ông vừa nghỉ hưu chưa kịp lấy sổ thì gặp nạn. Người dẫn đoàn chúng tôi đi vào mộ là cụ bà Hồ Thị Đêm - mẹ ông Mường, một phụ nữ Vân Kiều khắc khổ nhưng hiền từ. Bà đi nhanh, tay vén những cành gai, những sợi dây leo vắt ngang lối nhỏ vô rừng, thỉnh thoảng dừng lại chờ chúng tôi. Qua một con suối, cô Hương ghé lưng cõng bé Thương, một tay Hương xách đôi giày, quần xắn cao, một tay vin vào những cành cây để khỏi ngã.
 Người nọ bám người kia, chui lủi quanh co trong cánh rừng thâm u rờn rợn ấy một lúc, bà cụ Đêm chợt ra hiệu mọi người dừng lại. Bà định hướng tìm mặt trời rồi quay quanh nhìn tứ phía. Bà ngước nhìn một cây săng lẻ rất to cạnh đó rồi quay một nửa vòng, xoay mặt lại phía đối diện cây săng lẻ, bà tiến lên mấy bước, hai tay chắp dưới cằm. Bà từ từ ngồi xuống đưa tay gạt những đám lá khô. Mọi người quây quanh bà Đêm, nín lặng, trang nghiêm đến nghẹt thở. Đám đất mà bà Đêm vừa gạt đám lá khô ấy ở ngay dưới vòm một lùm tre gai rậm rịt. Không hiểu vì sao cái lùm tre ấy lại có hình dạng như một vòm cổng, những cành tre quấn đan vào nhau xoắn xuýt, che cho phần đất bằng ấy không có những cây cối trùm lên. Chẳng biết gió rừng hay ai đó đã tạo ra vòm lăng mộ bằng tre? Trưởng bản ra hiệu cho Lê Văn An - người đang mang đồ cúng viếng và bịch hoa quả đến. Bé Thương thụp xuống bên cạnh bà Đêm cố kìm tiếng nấc. Mọi người bắt tay vào đặt lễ. Hoa trái, áo quần, giày dép… được bày ra trên đất. Hương và nến được đốt lên.

Tôi tranh thủ chắp tay vái trước ba vái vào phía đám đất rồi tác nghiệp bằng máy ảnh ghi lại giờ phút linh thiêng ấy. Anh Vương Đình Nhỏ ơi! Chẳng nhẽ từ khi thi thể anh và các bạn anh di dời vào rừng Ma đây là lần đầu tiên Anh được ngửi mùi khói hương thờ cúng? Chẳng nhẽ từ khi Anh mất cho tới nay, dù giữa thanh thiên bạch nhật, dù không còn lửa đạn chiến tranh ngăn đường chặn lối, cô con gái út của Anh mới có thể thay mặt gia đình vào với Anh đây? Thật cay đắng ngậm ngùi! Một tiếng khóc chợt vỡ oà sau tiếng nấc. Bé Thương khóc. Cô Hương khóc. Bà Đêm khóc… rồi tôi cũng khóc, các anh kiểm sát, cả anh Thạch và trưởng bản nước mắt cũng đầm đìa. Không gian xung quanh chúng tôi như vỡ ra toàn nước mắt. Chúng tôi, hơn chục người cả trẻ, cả già khóc tự nhiên như khóc những người thân yêu nhất của mình vừa mới qua đi. Hình như khu rừng rậm quây chúng tôi thành một khối đau thương? Hình như nỗi mất mát vừa mới xẩy ra? Nỗi đau của cô con gái út người Anh hùng lần đầu tiên được khóc bên mộ cha đã làm chúng tôi xúc động hay bởi sự tang thương, buồn tủi của những linh hồn bấy lâu lạc nẻo trong rừng núi thâm u thèm một nén hương, ngọn nến…
Anh Thạch chắp tay vái, nói với người dưới đất những lời từ biệt và rót rượu trong chai xuống đám đất rừng. Mấy anh kiểm sát đốt hương vàng, vài người nữa cẩn thận lấy bao ni lon dùng đựng hoa trái xuống suối xách nước để phòng lửa bén vào những cây khô gây hoả hoạn. Khi tất cả những thứ gửi cho người âm đã hoá hết, chúng tôi dập hết tàn than, rưới nước ứơt đẫm đám tro nóng. Bé Thương lẩm bẩm quỳ mọp bên đám đất mộ và vốc những nắm đất rừng trên đó bỏ vào một túi nhỏ mang sẵn lúc nào. Tôi chợt hiểu ra chủ ý của Thương, sẽ khó lòng đưa được mộ bố về giữa quê hương, nắm đất ấy sẽ tượng trưng cho linh hồn bố bên tiên tổ, vợ con; thay bố nhận lấy phần hương khói, nghĩa tình.
Khi cửa rừng đột ngột khép lại sau lưng, mọi người không ai bảo ai cùng quay lại nhìn vào cánh rừng Ma, tôi chợt thấy rất nhiều, rất nhiều những đôi mắt đỏ kè như lửa hương, cay sè như khói bếp hấp háy nhìn mãi về phía chúng tôi, đau đáu, xót xa đến vô cùng vô tận.
 
                                                           Quảng Trị, mùa hè 2009
                                                                                    BQT