Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

THẦY HÓA

21:31, 22/11/2022bqtTruyện - Ký
(0 Đánh giá)
Bút ký

 

                                    THẦY HÓA
                                                     Bút ký

     Thầy chủ nhiệm lớp 3 và lớp 4 của tôi ở trường cấp 1 Cẩm Tiến. Xã trung tâm của huyện rất đông dân nhưng chỉ có một trường cấp một nên rất nhiều lớp cùng khóa, học mấy năm trời mà chẳng nhớ hết tên bạn bè trang lứa. Tôi vào loại thấp bé nhẹ cân trong lớp, học cũng bình thường, tính nhút nhát ít khi xung phong lên làm bài, phát biểu nên những tháng đầu về dạy thầy cũng không mấy quan tâm. Thầy ở trọ sát cổng trường, nhà bà Lơ hàng xóm với nhà tôi. Nhà bà Lơ rất nghèo, ông chồng không có ruộng cày nên ông lên vùng Đá Bạc cách làng tôi mấy giờ đi bộ để lập trại khai hoang trồng khoai trồng sắn và chăn trâu bò thuê cho dân trong vùng. Bà Lơ có 3 người con đặt tên là Lơ, Bé, Lé. Anh đầu tên Lơ, chị thứ hai tên Bé và đứa út là thằng Lé. Thằng Lé hơn tôi một tuổi, đen trùi trũi, nghịch ngợm và rất luộm thuộm, quần áo nâu vá loang lổ, nước mũi lúc nào cũng thè lè, hay khóc nhè nhưng đấm đá rất đau. Tôi chơi với nó vì gần nhà nhau, vì có nhiều ý nghĩ khá giống nhau và cũng vì cái nhóm nhà Giếng Vàng ở phía bắc xóm Kim Tĩnh chúng tôi chỉ có tôi với nó là cùng tuổi, cùng lớp. Khi chúng tôi lên lớp Ba thì thầy Hóa về ở trọ trong nhà Lé, thầy đề nghị bà Lơ và nhà trường đổi tên cho nó là Lê. Thật đơn giản, chỉ thêm một dấu huyền trên chữ Lé là thành cái tên thật sang, thật đẹp: Nguyễn Xuân Lê. Tuy là ở trong nhà “cậu ấm Lê” của bà Lơ (lúc này bà Lơ đã được làng xóm gần gũi gọi bằng cái tên Liên - tên anh Lơ - người trai trưởng đã đi bộ đội hải quân trong Quảng Bình. Anh Lơ cũng được thầy giáo của anh đổi thành Liên khi đang học lớp 4); thầy Hóa ăn cơm bà Lơ nấu, uống nước chè bà Lơ ủ và cũng cuốc đất trồng rau, trồng khoai sắn cùng gia đình bà Lơ. Vậy nhưng trên lớp thầy rất nghiêm khắc với thằng Lê vì nó lười học, ăn mặc xộc xệch và đặc biệt cái mũi luôn có hai vệt “dây thừng” màu xanh lơ thập thò trên môi. Thỉnh thoảng cái “dây thừng” dài quá, anh chàng lại dùng ống tay áo nu non quẹt ngang một phát, hai cánh tay áo đen sờn bóng nhoáng vì nước mũi. Tôi đã nhiều lần nghe thầy quát thằng Lê vì việc đó và có lẽ thế mà Lê vừa sợ vừa không thích thầy.Tôi cũng ngại gặp thầy mỗi khi sang nhà bà Liên tìm Lê để chơi, vì sợ…

     Kỳ hai năm học lớp Ba, tôi bị một trận ốm thập tử nhất sinh. Số là buổi trưa ấy, thằng Lê sang rủ tôi đi gánh nước giếng Vàng. Làng tôi có một cái giếng duy nhất có cái tên kêu như vàng bạc, nước xanh như ngọc và rất sạch sẽ, uống mát vô cùng. Ai cũng nói nước giếng Vàng uống thơm và ngọt. Chúng tôi cũng tin vậy và thản nhiên, thích thú uống thả ga mỗi lần lên tắm giặt hay gánh về nhà dự trữ đề dùng. Cả một vùng làng mạc từ dưới chợ Hội, ngoài xóm Hội Lâm, Hội Sơn hay tận xóm Thị Thành, xóm Làng, cả bên xã Cẩm Quan cách con sông Hội cũng đi đò sang gánh nước giếng Vàng về nấu chè xanh.

     Giếng Vàng không khi nào vắng tiếng người, ngơi tiếng gàu múc nước. Kẻ thì dùng thạng bằng gỗ ghép, người thì dùng nồi đồng, nồi nhôm, có người phải dùng đôi thúng tre, cắt tấm ni lông lót vào để làm thùng gánh nước. Những ngày hè nóng nực, những đêm trăng thanh gió mát, những sáng tinh mơ bình minh chưa lên, người về giếng Vàng tấp nập và vui như chợ. Đáp lại tình yêu mến của người dân trong vùng, giếng Vàng không bao giờ cạn kiệt. Từ đáy sâu được ghép bằng 4 miếng ván gỗ dày để định hình đáy giếng, những mạch nước cứ đùn cát trắng trồi lên, trồi lên, dâng đầy khuôn gỗ, tràn qua lớp đá cuội ghép với nhau kiểu hình phểu nằm ngửa, nước cứ mãi dâng đến sát thành giếng có đường kính rộng đến 5 mét. Người xưa xây thành giếng to, bề thế nhưng không cao lắm. Xung quanh nền giếng được thảm bằng vôi và đá cuội nhỏ li ti, rêu rong không bám được nên không trơn và rất sạch. Vòng ngoài có hai cửa vào ra khá rộng, nối các cửa là thành bao vừa tầm cho tụi trẻ chúng tôi trèo lên vắt vẻo. Có cả hai cái bàn giặt và bể chứa nước để giặt áo quần trong khuôn viên giếng. Nghe các cụ bảo ngày xưa vua Khải Định đi tuần ra bắc, ghé thắp hương đền Cẩm Bào và uống thử nước giếng Vàng. Thấy nước trong, ngon và mạch nguồn gần như vô tận, vua đặt tên là giếng Vàng để nhắc nhở người dân giữ gìn mạch nước quý. Các cụ cũng bảo rằng, mạch nước giếng Vàng bắt nguồn từ mạch của khe Hao Hao tận ngoài núi Nam Giới nên có sự đặc biệt như vậy. Khe Hao Hao ở đâu thì tận giờ tôi cũng chưa biết được. Phong cảnh đẹp và có phần huyền bí bởi xung quang giếng Vàng là rừng cây đan dày lớp lớp, toàn cây sim cọc, cây nen, cây nổ. Quả sim cọc giống quả sim vẫn thường ăn tuy nhỏ hơn, có màu đỏ khi chín ăn chan chát; quả nen bé xíu, nhiều hạt nhưng ăn ngọt và giòn; quả nổ thì ra từng chùm trắng xanh, khi chín có màu trắng xóa, càng chín càng trắng. Vơ cả chùm quả bé như hạt đậu cho vào mồm, không nhai mà nhấm khẽ hai hàm răng vào đám vỏ quả cho dập trong miệng rồi nuốt thứ nước nổ ngòn ngọt ấy cũng thấy hay hay. Mùa nào quả ấy, chim chóc trú ngụ, làm tổ khắp nơi. Chẳng hiểu sao thời ấy ở quê tôi người ta rất ít trồng cây ăn trái, hầu như nhà nào cũng bốn phía dày đặc cây tre và cây gỗ tạp. Có lẽ vì quê nhiều mưa bão rét mướt nên người ta ưu tiên tre, tro để làm nhà, rào vườn và các loại cây làm củi. Vì thế lũ trẻ chúng tôi thèm từ quả chanh, quả ổi cho đến những quả dại trong lòi, trong bãi hoang.
     Từ giếng Vàng men dọc cánh đồng Mặt Bù lên Rú Hội ở phía bắc khỏang gần cây số là rừng cây rậm rạp của bãi Phát Lát, của ụ Hoang Kinh. Đây là nơi người ta chôn lấp các hài nhi đoản mệnh và thai nhi sa sẩy. Đây là xứ sở của oan hồn "ma ranh", chẳng mấy ai dám bén mảng. Rú Hội là một miền cổ tích của tuổi thơ chúng tôi, trên núi cao có những cây đa nghìn tuổi, cây lả lả giữa chính tâm đỉnh núi sừng sững như một tấm bia mà người ta bảo đứng tận ngoài thị xã Hà Tĩnh hay từ cửa Nhượng nhìn vào vẫn thấy cây đại thụ chất ngất ấy. Trong rừng rú Hội có nhiều loại quả ngọt, quả chua, có nhiều chim chóc và nghe nói có cả beo, cả loài khái cá hung dữ. Chúng tôi chưa biết con khái cá là con gì, chỉ liên tưởng tới con khái là con hổ chúa sơn lâm thì đã dựng tóc gáy mỗi khi rủ nhau khám phá khu rừng rậm ấy…Những chuyện ma mị quỷ tinh ở xung quanh giếng Vàng qua lời kể của bà Lơ mẹ thằng Lé ngày xưa: nào ma nơm cá thì cứ lên đến cầu Ông Bát ban đêm là sẽ nghe tiếng nơm xập xòm trong nước; nào mẹ con mụ tinh bán nước mắm sau lòi nơi có cây bài lài lá to như lá mít (chỗ ấy đêm về đi qua có mùi nước mắm dậy lên kín mũi là có thật); nào con ma dựng cao lênh khênh cứ đêm đêm lững thững giữa đường, thỉnh thoảng ngã sóng soài, xương rơi tung tóe dọa người qua đường đơn độc. Rồi con ma bình vôi tròn như trái bóng, ma trơi đi soi cá lập lòe…Những đêm lạnh ngồi bên bếp lửa đượm gốc sim cọc khô, chuyện ma của bà Lơ cứ ám ảnh tôi đến nỗi nhiều đêm ngủ lại nhà thằng Lé chứ không dám chạy mấy chục mét về nhà. Và gan lì như thằng Lê Lé, cả trưa nắng còn không dám lên gánh nước một mình mà sang rủ rê tôi cùng đi.

     Nhà tôi không có nhu cầu dùng nước giếng Vàng bởi trong vườn đã có một cái giếng ghép đá ông cố nội tôi xây tự bao giờ. Nước giếng nhà tôi cũng không thua gì nước giếng Vàng, trong veo ngọt mát nhưng không hiểu sao hôm ấy tôi lại hăng hái quảy đôi nồi “năm” bằng đồng đi với thằng Lé. Trưa tháng ba nắng lắm, tôi và Lé múc nước đầy gánh, bẻ mấy cành lá nổ rửa sạch thả vào thùng để nước khỏi sóng ra ngoài khi gánh chạy rồi lấy gàu múc nước té vào nhau đến ướt sũng. Chợt có tiếng trống đám ma vọng lại. Chúng tôi nhìn ra phía cánh đồng Mặt Bù thì thấy một đám tang dài ngoằng đang tiến về cổng chùa rú Hội, cờ ma lất phất, chiếng trống, thanh la loảng xoàng xập xình. Thằng Lé bảo tôi “Đi coi đám cố Xá đi”, nó chạy ngay theo con đường cát trắng lên phía đông rú Hội, nơi có bãi tha ma lúc đó vẫn chôn cất người chết của cả làng cả xã chúng tôi. Tôi cũng hăm hở lao theo. Bám xem cuộc chôn cất cố Xá ở xóm Hội Sơn xong trời đã ngả chiều. Tôi gánh nước về đến nhà thì mệt và nóng quá liền lao ra giếng nhà để tắm. Một lát sau thấy người run bần bật, tôi trùm chăn ra ngồi giữa đám tấp sim anh tôi vừa bứt trên đồi Cẩm Quan về phơi làm củi và không quên ôm cuốn Thủy Hử dày cộm ngồi vừa run vừa đọc. Tối đó tôi lên cơn mê sảng, nói lung tung, người nóng như lửa và bị…ngây. Quê tôi gọi người mất trí hoặc điên là “ngây”. Tôi mất trí nhớ về thực tại của mình, không hiểu được mình đang làm gì, ở đâu, tuy nhiên tất cả người quen tôi đều biết và đặc biệt không bao giờ quên được nữa những hành vi, lời nói, hoàn cảnh của mình suốt gần một tháng trời bị sốt, bị “ngây” ấy, cho đến cả bây giờ hơn 60 năm rồi cũng vẫn nhớ. Người ta bảo tôi bị ma ám, khuyên mẹ tôi đi cúng. Mẹ tôi thuộc thành phần phụ nữ cấp tiến, không tin có ma. Khi anh tôi và chú Ngọ con ông Đỏ (chú họ của tôi, đã hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ ở mặt trận Lào) bỏ tôi vô bồ gánh lên Trạm xá xã ở làng Cẩm Bào thì mẹ tôi ôm áo quần đi theo trong đêm tối. Lúc đó mẹ tôi đang mang thai thằng Hà, em út của tôi.

Sau những cố gắng của chú Lung trạm trưởng, bác Tý y tá, o Diệu hộ lý nhưng không thuyên giảm nhiệt độ, bụng tôi cứ chướng lên, nói năng linh tinh, khi cười khi khóc đúng như…ma ám, tôi được anh tôi và chú Ngọ bỏ vào bồ gánh lên Bệnh xá huyện. Những ngày này ai cũng nghĩ là tôi sẽ chết vì người đã như bộ xương, da xanh tái, mắt thao láo, lưỡi thâm đen. Dì Trí - chị gái mẹ tôi cả mấy tuần cũng theo chăm tôi và anh Lê Văn Thi, con của dì bị cảm hàn nặng (anh Thi tôi hơn một năm sau tốt nghiệp cấp 2 thì đi bộ đội vào chiến trường B và hy sinh ở Bình Định) lo lắng bảo mẹ tôi: “Lưỡi đã thâm rồi thì không được mấy ngày nữa mô. Dì gọi dượng về đi”. Mẹ tôi nước mắt lưng tròng, bảo anh trai tôi xuống tìm bác Bùi Quang Chức đang làm Chủ tịch huyện nhờ bác gọi điện ra đơn vị cho bố tôi biết để kịp về gặp tôi. Lúc này bố tôi đang đóng quân ở Tây Bắc. Ai cũng tuyệt vọng vì căn bệnh quái ác của tôi. Duy chỉ tôi, nói chuyện, tiếp khách tới thăm là cứ leo lẻo.

     Một hôm thầy Hóa dẫn mấy bạn trong lớp đến Bệnh xá thăm tôi. Lúc ấy là buổi trưa, tôi đang ngồi nói lảm nhảm trên giường, thầy bước vào phòng chào mẹ tôi và ôm chầm lấy tôi, thầy khóc. Hình như đây là lần thứ hai tôi thấy thầy khóc, thấy những giọt nước mắt lăn ra từ cặp mắt vốn nghiêm nghị của thầy. Lần đâu tiên là khi đang dạy trên lớp, thầy nhận được một bức điện tín do cô văn thư của trường đưa tận tay. Thầy đọc rồi chợt mặt tái lại, ngẩn ngơ trong giây lát rồi hai dòng nước mắt chảy ra. Phút chốc đôi mắt thầy đỏ hoe. Như chợt nhớ đang đứng trên bục giảng, phía dưới là hơn bốn chục học trò bé nhỏ, thầy lấy khăn mùi soa trong túi quần ra lau vội rồi bảo: các em chờ thầy một lúc. Thầy ra khỏi lớp đi về phòng thầy Đôn hiệu trưởng. Tôi bé nhỏ, ngồi bàn đầu nên quan sát thầy rất kỹ. Cả lớp xôn xao, mấy bạn gái cũng mắt đỏ hoe dù không biết có chuyện chi mà thầy khóc. Rồi thầy quay về lớp rất nhanh, giọng nghẹn ngào: “Mẹ thầy ốm nặng, thầy xin phép nghỉ về chăm mẹ. Các em sẽ có thầy Quang dạy thay thầy một thời gian”. Quê thầy mãi Hương Sơn, một huyện miền núi của tỉnh, nghe đâu giáp nước Lào. Chúng tôi đứng dậy chào thầy rồi cả lớp ùa ra cửa, nhiều đứa dán mắt vào song cửa sổ ngóng theo bóng thầy lúc mặt trời đang xế…

     Hôm ấy thầy ôm lấy tôi, vuốt ve mái tóc quăn xù của tôi mà nói những lời lạ lẫm: Em có trách thầy những lần thầy mắng em không? Em có nhớ các bạn trong lớp không? Cố gắng khỏe để trở về học tiếp nhé! Thầy đã cho mấy bạn nữ chữ đẹp nhất chép vở giúp em rồi…Tôi cứ tỉnh queo vâng dạ rồi tôi chợt reo lên: “Thầy ơi! Bộ đội kéo pháo ngoài nương bà Đề đông quá. Pháo to và đẹp quá!” Thầy Hóa và mấy bạn cùng nhìn theo tay tôi chỉ. Thầy bảo: “Có ai kéo pháo đâu. Mấy bụi lá kè bị gió lay đấy chứ”. Các bạn tôi cười vì sự “ngây” của tôi, còn thầy và mẹ tôi thì lại rơi nước mắt.

     Như có phép thần kỳ, khi các y sĩ, y tá của Bệnh xá Cẩm Xuyên cố gắng chuyền nước cầm cự cho tôi, hình như chỉ mong bố tôi kịp về…thì tôi được anh tôi đút cho một bát cháo gà. Bát cháo không có thịt, thật nhuyễn, có một số mảnh như da gà đã chiên qua, dai dai mà béo ngậy. Thần kỳ ở chỗ là cả gần tháng trời ốm đau tôi không chịu ăn uống gì mà hôm ấy tôi thèm ăn bát cháo ấy. Tôi đã chén sạch cả bát cháo trước sự mừng rỡ của anh tôi, mẹ tôi. Riêng dì Trí tôi thì khóc. Sau này dì bảo có cảm giác như nó ăn để chết, để khỏi thành ma đói.

     Qua đêm ấy thì tôi hết sốt, thèm ăn rồi vịn giường tập đi. Một tuần sau về nhà bằng đôi chân khẳng khiu nhưng đã có phần nhanh nhẹn. Lúc này mọi người mới kháo nhau về bát cháo kỳ diệu đó. Theo lời khuyên của bà Tuyển – o ruột của bố tôi, anh tôi ra bụi chuối hột cây to như cột đình đào bới và bắt về một tô trùn khoang cổ. Ở bụi chuối ấy những con trùn đất to khủng khiếp, mỗi lần tôi đi câu cá thường đào bới nơi đất ít màu mỡ để tìm loại trùn gầy, bé vừa tầm mũi câu và vừa miệng những chú cá rô ron. Còn trùn khoang cổ ở bụi chuối này không phù hợp để câu rô ron vì to quá. Vậy mà tôi chén sạch bát cháo trùn béo ngậy và tôi đã sống. Giá như lúc đó biết là bát cháo trùn chứ không phải cháo gà tôi có dám ăn không? Và có thể nếu không ăn nó, chắc tôi đã làm mồi cho các cụ trùn khoang từ năm ấy.

     Hóa ra chẳng phải ma quỷ chi làm mà do tôi trúng thương hàn. Do hôm ấy tôi giang nắng cả trưa xem đám ma, gánh nước về nhà mệt, mồ hôi ra nhiều là tắm ngay, nước giếng mát lạnh nữa nên tôi bị thương hàn. Những cụ trùn đất khoang cổ đã cứu tôi thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Đó là mùa xuân năm 1962.

 

     Tôi trở lại trường trong sự mừng vui của các bạn cùng lớp. Do phân bố học sinh theo đội sản xuất và xóm, làng nên các bạn học trong lớp hầu hết bà con họ hàng, là bạn chăn trâu của tôi, chúng tôi chơi với nhau rất thân thiết. Thầy Hóa tỏ ra hết sức chăm sóc tôi, dặn các bạn học giỏi kèm tôi học các bài đã bị bỏ qua trong thời gian đau ốm. Khi đứng trên bục giảng, thầy thường dành ánh mắt cho tôi, một câu thầy hỏi cả lớp nhưng thấy tôi tỏ ra hăng hái là thầy chỉ tôi phát biểu. Tôi tự tin dần lên, chăm chú học bài và không ngại “xung phong” bàn luận như trước nữa.

     Học thầy Hóa môn quốc văn, chúng tôi rất thích tác phong giảng dạy của thầy. Tay chân vung lên bày tỏ cảm xúc, ánh mắt vời vợi say mê với bài giảng, thầy như thả hồn vào những bài văn tả cảnh, những câu chuyện về các nhân vật tiêu biểu trong trang sách ấu thơ chúng tôi học. Có bữa đang bay bổng cùng tác phẩm, đột nhiên thầy dừng lại, bao quát cả lớp một “vòng” mắt rồi tay cầm phấn, thầy hỏi: “Thế các bạn có biết vì sao anh Trần Đại Nghĩa làm được như vậy không?” (nghĩa là Anh hùng Trần Đại Nghĩa đã chế ra các loại vũ khí cho bộ đội ta đánh Pháp trong bài tập đọc lớp ba). Thấy dễ ợt, tôi xung phong và được thầy cho phép. “Thưa thầy, vì anh ấy thông minh và chịu khó ạ” “Chưa trúng! Em nào nữa?” Người thì bảo vì anh ấy yêu nước, đứa thì vì anh ấy quyết tâm, đứa lại bảo anh ấy vâng lời Bác Hồ, đứa thì bảo vì anh ấy căm thù giặc Pháp…Cuối cùng thầy chỉ cô trò học giỏi nhất lớp, chăm chỉ nhất lớp, đó là Bùi Thị Kim Hoa. Kim Hoa đứng dậy tự tin: “Thưa thầy, sở dĩ anh Trần Đại Nghĩa làm được những việc đó là vì anh ấy đã dám nghĩ dám làm”. Đang ngồi ở ghế, thầy Hóa tự dưng bật dậy như cái lò xo bị nén: “Đúng quá! Dám nghĩ dám làm! Thầy cho em 10 điểm” Chao ơi, cái bật lò xo và ánh mắt vui sướng của người thầy ấy cứ ám vào tôi mãi mãi mỗi khi nhớ về thầy, nhớ về tuổi thơ đi học.

     Tôi nhớ một bữa đang giờ ra chơi, cả thầy trò mấy lớp đứng trên thềm đất dãy nhà lợp lá mía nhìn một số bạn gái chơi nhảy dây, nhảy cò cò và bọn con trai trọi gụ. Môn trọi gụ (con cù) hay nhưng khá nguy hiểm vì chân con gụ thường được đóng đinh đã mài nụ để trọi cho đối phương bị thương tích. Trọi được gụ đối thủ sứt đầu mẻ trán, thậm chí vỡ đôi càng oách nên phải vung tay rất mạnh dễ văng vào người xung quanh. Thằng Phư cùng xóm tôi lăng con gụ rất vô ý. Nhẽ ra nó đứng theo tay thuận, ném con gụ ra phía không có người thì nó làm ngược lại. Sợi dây cuốn gụ bị xơ không kịp buông hết khi gụ tiếp đất mà như một quả văng kéo nó bay vèo vào hiên nhà. Một tiếng "Ối" vang lên rồi chúng tôi thấy thầy Hóa ôm lấy mắt. Con gụ trúng mặt thầy, không phải đầu cắm đinh mà phía thân trong của nó. Mọi người hốt hoảng, thầy Hóa một tay ôm lấy chỗ mắt bị gụ vả, tay kia lau những giọt nước mắt tứa ra. Cũng may thầy chỉ bị sây sước, bầm tím mấy ngày. Hoàng Bá Phư có lẽ là người lo lắng, sợ hãi nhất. Vậy mà sau đó thầy chỉ nhắc nhở Phư, dặn dò cả lớp cẩn trọng khi vui chơi phải đảm bảo an toàn. Đó là lần thứ ba tôi thấy những giọt nước mắt của thầy tôi.

     Tôi bắt đầu thích học, đặc biệt những môn tập đọc, lịch sử và ham đọc sách. Chính sự ham đọc sách thái quá làm tôi bị học lệch một số môn. Thầy vẫn thường khích tôi: Em hơn các bạn một số môn về xã hội nhưng lại kém nhiều bạn về tự nhiên. Thầy nghĩ chỉ tại em chưa chú trọng các môn tự nhiên mới thua kém họ. Em thử cố gắng xem sao? Và tôi cố gắng thật. Năm lớp 4 (cuối cấp) tôi đạt học sinh tiên tiến, được lên thẳng cấp hai và trong học bạ cuối cấp Một, lời hạ bút cuối cùng của thầy làm tôi phấn chấn: “… có triển vọng về quốc văn!”. Tôi mang tinh thần "có triển vọng..." ấy lên cấp hai trường huyện với một tâm hồn phơi phới nhưng nỗi buồn phải xa thầy Hóa làm tôi hẫng hụt một thời gian. Thầy đã chuyển về dạy ở quê nhà Hương Sơn để tiện chăm sóc mẹ già. Hương Sơn nghe đâu xa lắm, mãi sát biên giới Việt – Lào, sát chân dãy núi Giăng Màn mờ tít phía tây.

 

 

     Mùa xuân năm 1974, sau 3 năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên tôi được trở ra miền Bắc để dưỡng thương và điều trị các căn bệnh mắc phải trong thời gian ở núi rừng “ma thiêng nước độc”. Vết thương xoàng không đáng quan tâm, nhưng căn bệnh sốt rét kinh niên và bệnh hen phế quản do dị ứng khí hậu bám đeo tôi, hành hạ tôi quyết liệt. Lúc hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường tôi nặng 52 ki lô, lúc trở lại miền Bắc chỉ còn 39 ki lô, hồng cầu 1,7 triệu trong khi người bình thường là 4,2 triệu. Mắt trắng, môi thâm, da xanh, đít beo, bụng ỏng…Tất cả đó là hình ảnh chàng lính vừa tròn 24 tuổi ốm eo bệnh tật về an dưỡng ở C15 Đoàn 70 Quân khu 4.

     Đây là lần đầu tiên trong đời tôi được tới Hương Sơn, được ngắm nhìn dòng sông Ngàn Phố trong xanh uốn lượn giữa đôi bờ tre xanh êm ả. C15 đóng quân trong xã Sơn Thịnh, một vùng đất văn vật có tiếng xưa nay. Từ chợ Choi trên quốc lộ 8A (như là một trung tâm thứ hai của Hương Sơn mà bộ đội hay gọi đùa là Lê nin grat Choi) muốn về Sơn Thịnh phải qua bằng đò. Qua đò Choi do bà Cát chèo rồi thì không thể không ghé vào quán cu đơ bên cạnh bến đò được. Mùi kẹo mật mía trộn lạc cúc và gừng được cặp hai bên hai lá bánh đa mỏng, tròn làm ngây ngất thực khách. Vào đây, các chàng trai vừa rời chiến trường khói lửa trở về hậu tuyến còn được ngắm nghía các nữ sinh viên trường Cao đẳng 10 + 3 của Hà Tĩnh đang học tập quanh vùng cũng thường ra tìm của ngọt và tìm…bộ đội. Biết bao bạn bè nhận ra nhau ở nơi này. Biết bao cặp trai hùng gái xinh kết thành đôi lứa bên dòng sông, bãi chợ, chuyến đò ngang hay quán nước chè chát cõng cu đơ này. Tôi hay đi đò bà Cát vì tôi ở ngay trong nhà bà ấy. Cô Dung con bà Cát là mẫu đầu tiên cho tôi chụp ảnh thiếu nữ bởi khi ở chiến trường ra, mẹ tôi đã trao cho tôi 500 đồng tiền “đi B” của tôi mà mẹ cất giữ. Mẹ bảo sau này thằng Thanh còn sống trở về thì có tiền cho nó tiếp tục đi học hay cưới vợ. Nghe lời chú ruột tôi là nhiếp ảnh gia Trí Đạt - một nhà báo kỳ cựu, để sớm trở thành phóng viên tờ báo tỉnh mà tôi mơ ước, tôi đã dùng cả số tiền ấy mua một “con” máy ảnh Gioocky 4 “đầu đen” mới khự. Đó là chiếc máy ảnh do Liên Xô sản xuất có ống kính được sơn đen, chiếc máy ảnh đầu tiên của tôi và tôi cũng là chủ sở hữu đầu tiên của nó. Ông chú tôi dạy cách chụp sơ bộ rồi cho tôi một lô phim, giấy ảnh; mấy chai thuốc hiện hình, thuốc hãm hình và một bộ tài liệu của lớp phóng viên Thông tấn xã Việt Nam với một mệnh lệnh: học thuộc lý thuyết, thành thạo chụp ảnh, chủ động được ánh sáng và in rửa phim ảnh thành thạo. Tôi hăm hở vâng lời, háo hức "ra quân" tìm đối tượng săn ảnh. Khá nhiều nữ sinh trường sư phạm mầm non bên Sơn Mỹ, khá nhiều nữ sinh trường Cao đẳng 10 +3 đã lọt vào ống kính của tôi. Nhiều ông già, bà lão và trẻ thơ cũng thành mục tiêu tôi săn tìm, thử nghiệm. Bây giờ về lạị bàn thờ các cụ ông cụ bà ở miền ven sông Ngàn Phố Hương Sơn chắc chắn gặp di ảnh các cụ do tôi chụp những năm 1974.

    Thời gian an điều dưỡng ở Đoàn 70 rất thoải mái, trừ khi ốm đau nằm nhà hoặc đi viện, còn khoẻ lên là tôi và thằng bạn học hồi cấp 1, cấp 2 Chu Thanh Tùng qua lại trên sông vừa để ngắm cảnh, ngắm người, chụp ảnh và làm thơ. Một chiều nọ, tôi cũng trên con đò của bà Cát đang từ Choi qua Sơn Thịnh thì tôi chợt sững người: Thầy Hóa? Tôi nhìn kỹ thầy mấy lần rồi bối rối: “Thầy…phải thầy Hóa không ạ?” Người đàn ông ấy đang đứng trên đò, tay giữ ghi đông xe đạp, đầu đội cái mũ “Xanh ga po” giật mình nhìn tôi. Ông nhìn rồi lắc đầu, rồi lại nhìn tôi từ đầu xuống chân như tự vấn là ai, quen hay lạ…Trong ánh mắt ấy, tôi nhận ra đúng là thầy Hóa! Tôi tiến đến chìa hai bàn tay ra:  “Em đây! Bùi Quang Thanh ở Giếng Vàng đây!” Thầy tôi òa lên một tiếng reo, rồi nhìn kỹ tôi xanh xao ốm yếu, nhìn bộ quân phục vải tô châu còn mới, thầy biết ngay tôi vừa từ chiến trường ra. Hai thầy trò ôm nhau trên con đò chòng chành vượt sông sang ngang, giữa những cặp mắt tò mò và thú vị của những anh bộ đội, những nữ sinh viên, của các bà bán chè bán mít sang chung chuyến đò ấy.
 

Gặp lại thầy sau mười một năm xa

Trên một chuyến đò qua sông Phố

Nước trong xanh phủ ráng chiều chín đỏ

Thầy ngỡ ngàng bắt tay chú thương binh
 

Phải em không còn dáng dấp cậu học sinh

Những năm xưa ngồi nghe thầy lên lớp

Phải màu da chiến trường đổi khác

Mà phút đầu thầy chẳng nhận ra em?
 

Mười một năm rồi em vẫn nhớ như in

Buổi chia tay lắc vai thầy dặn:

Bớt nghịch nhé, tự nhiên cần cố gắng

Thầy tin rằng em sẽ giỏi quốc văn!
 

Em không thành sinh viên khoa văn

Bỏ bút ra em là người chiến sĩ

Trăm vạn nẻo trên con đường đánh Mỹ

Nhớ bóng thầy khi qua mỗi dòng sông…
 

Đó là cảm xúc tôi đã viết từ tháng 3/1974 và không viết thêm được nữa. Cho đến hôm nay, ngày 20/11/2022 – sau 48 năm, tôi nhớ lại thầy tôi!
BQT