Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

HOÀNG QUỐC VIỆT: CON NGƯỜI & NHÂN CÁCH

21:38, 24/02/2021bqtTác phẩm báo chí
(0 Đánh giá)
Bùi Quang Thanh (Bài đăng trên báo Bảo vệ pháp luật)

HOÀNG QUỐC VIỆT : CON NGƯỜI VÀ NHÂN CÁCH

Cuộc Hội thảo có phạm vi như là cuộc gặp gỡ của những cán bộ lão thành của ngành Kiểm sát từng được sống và làm việc với ông - một trong những lãnh tụ yêu quý của cách mạng Việt Nam, người đã có 16 năm là lãnh đạo cao nhất của ngành Kiểm sát nhân dân - cùng các đồng chí lãnh đạo Viện KSND Tối cao, các cán bộ, các nhà báo của ngành kiểm sát và đại diện Tỉnh uỷ Bắc Ninh quê hương ông. Tái hiện lại một phần cuộc đời, sự nghiệp, công lao của một người cộng sản mẫu mực, khiêm nhường, giản dị, tâm huyết, tài năng qua kí ức của những người đã từng được ông dìu dắt đã làm say mê và xúc động lòng những người về dự Hội thảo và họ lặng lẽ chuẩn bị cho sự ra đời tập sách về ông nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập VKSNDTC và những ngày hội lớn của non sông trong năm 2005.

Có cảm tưởng rằng, khi nhắc đến ông, nghĩ và kể về ông, những bậc trưởng lão của ngành Kiểm sát nhân dân đều coi ông là cha, là ông, là thần tượng. Thuở thiếu thời, Hạ Bá Cang (tên thật đồng chí Hoàng Quốc Việt) là học trò trường Bách nghệ Hải Phòng, bị đuổi học vì tham gia cách mạng, ông cùng các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Văn Thụ... sáng lập Đông Dương cộng sản đảng. Năm 1928 được kết nạp vào Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, trở thành học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Dù không đi dự Đại hội sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam tại Hương cảng, ông vẫn được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Trung ương. Bị thực dân Pháp bắt và đưa ra Toà đại hình ở Kiến An xét xử, tại phiên toà này ông đã đanh thép trả lời bọn quan toà thực dân: "Tôi không cần chối cãi gì về hoạt động cách mạng của tôi. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải cứu vớt 20 triệu đồng bào". Lao tù đế quốc, đòn roi tra tấn tàn bạo dã man của chúng đã làm cho ông què chân vĩnh viễn, sức khoẻ giảm sút, nhưng không thể làm người con của Đáp Cầu (Bắc Ninh) nhụt chí cách mạng. Ông đã dâng hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước. Cuộc đời ông là tấm gương sáng về sự vô tư cống hiến cho dân tộc, biết nhìn người để gửi gắm niềm tin. Theo đồng chí Hoàng Tùng, chính Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... rất tôn trọng, yêu quý ông. Chính đồng chí Hoàng Quốc Việt và đồng chí Hoàng Văn Thụ - 2 lãnh tụ chủ chốt của xứ uỷ Bắc Kì đã đề xuất và ủng hộ việc đưa đ/c Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) về làm Bí thư xứ uỷ và sau này là Tổng bí thư của Đảng.

     Viện KSNDTC là một trong số ít các cơ quan mà một lãnh tụ đảng trực tiếp lãnh đạo suốt 16 năm liền. Từ năm 1960 - 1976, với cương vị Viện trưởng tối cao, ông Hoàng Quốc Việt là người đặt nền móng xây dựng hệ thống pháp luật Nhà nước XHCN, củng cố ngành Kiểm sát. Ông xác định: "Công tác kiểm sát là công tác chính trị, phải bám sát đường lối, chính sách của Đảng để hoạt động". Thời kì chiến tranh phá hoại ở miền Bắc ông chỉ thị cho ngành Kiểm sát phải bảo vệ tài sản, bảo vệ nhân dân, thực hiện thật tốt chính sách hậu phương quân đội, bảo vệ dân chủ, chống tham ô lãng phí. Phương châm hoạt động này đã góp phần to lớn gắn kết quân và dân ta thành một khối thống nhất, có kỉ luật, tôn trọng và chấp hành pháp luật, ổn định hậu phương, an lòng người ra tiền tuyến, tạo điều kiện dốc toàn lực, toàn tâm cho kháng chiến thắng lợi. Ông thường căn dặn cán bộ ngành Kiểm sát: "VKS chúng ta là Viện kiểm sát nhân dân., phải tôn trọng nhân dân, đừng nghĩ đến trấn áp mà phải nghĩ đến việc bảo vệ nhân dân". Đồng chí rất chăm lo việc giáo dục, đào tạo cán bộ, chú trọng công tác xây dựng Đảng. Nhiều lãnh đạo Viện KSNDTC bây giờ là những người được ông Hoàng Quốc Việt lựa chọn, dìu dắt từ những ngày đầu. Năm 1972, các ông Hà Mạnh Trí (tốt nghiệp đại học luật  ở  Liên Xô và Trần Thu (tốt nghiên đại học luật ở Trung Quốc) đều được về làm thư kí riêng cho Viện trưởng tối cao Hoàng Quốc Việt. Ông muốn từ những kiến thức được dào tạo, bồi dưỡng cuả những người này ở 2 nước anh em có nền pháp chế XHCN đặc trưng nhất mà vận dụng vào pháp luật Việt Nam. Năm 1974, chính ông đã về đơn vị điều dưỡng các sĩ quan quân đội vừa ở chiến trường ra để chọn 1 số cán bộ trẻ về ngành kiểm sát. Một trong những người đó là Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, Phó Viện trưởng tối cao bây giờ. Ông Hà Mạnh Trí hết sức xúc động khi kể về những năm được sống gần ông, giúp việc cho ông. Hoàng Quốc Việt là người rất tôn trọng đồng nghiệp nhưng cũng rất nguyên tắc. Mỗi lần nghe cấp dưới báo cáo một vấn đề gì, ông thường hỏi: "Đ/c đã đọc kĩ chưa, nghiên cứu kĩ chưa? Vấn đề gì là chú trọng nhất?..." Từ nguyên tắc làm việc này mà cán bộ dưới quyền ông không thể quan liêu hay qua loa đại khái với công việc. Ông thường nhắc nhở:" Không để dân bị oan khuất, càng không thể để dân bị oan khuất vì bệnh quan liêu hách dịch, vì hối lộ của cán bộ chức năng". Phó viện trưởng VKSND tối cao Trần Thu, trong 3 năm là thư kí của ông Hoàng Quốc Việt, rất được ông quan tâm trong công tác cũng như đời sống riêng tư. Là học sinh miền Nam tập kết, mấy chục năm trời xa quê nhà và những người ruột thịt, thiếu tình cảm thân thương, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã bù đắp nhiều cho ông sự thiếu vắng này. Ngày 22/12/1970, khi Trần Thu cưới vợ, ông Hoàng Quốc Việt không tới dự đám cưới được đã gửi thiếp chúc mừng kèm theo 1 gói táo lê Trung Quốc, một loại quả quý hiếm ngày ấy. Sau này Trần Thu mới biết gói táo lê ấy là quà của Quốc vương Xihanuc tặng bác Việt. Tấm danh thiếp đã 34 năm mà vẫn còn như mới trong sự gìn giữ của vợ chồng Trần Thu...

Ông Nguyễn Xuân Trình, nguyên vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ Viện tối cao, khi nói về người thủ trưởng của mình đã tâm sự: Đồng chí Hoàng Quốc Việt hết sức quan tâm đến việc phát triển cán bộ dân tộc ít người, ông cũng là người chú trọng quan điểm quần chúng trong công tác kiểm sát. Ông thường dặn chúng tôi: "Cán bộ kiểm sát phải nắm vững nghiệp vụ kiểm sát để tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân". Tại cuộc Hội thảo này, cụ Ngô Huy Thuân - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiểm sát đánh giá: đ/c Hoàng Quốc Việt là chiến sĩ số 1 trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ pháp chế XHCN. Ông Thuân kể lại rằng, trong một cuộc họp của Hội đồng chính phủ, khi Viện trưởng VKSNDTC lên báo cáo, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đề nghị Hội đồng chí phủ đứng dậy "để nghe đ/c Hoàng Quốc Việt". Ông cũng nhắc nhiều những kỉ niệm về người Viện trưởng của mình với sự nghiệp đào tạo phát triển ngành Kiểm sát. Hồi ấy trường bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát (tiền thân của trường Cao đẳng Kiểm sát bây giờ) còn ở nhờ trong nhà dân xã Phú Thụy, Gia Lâm Hà Nội, ông Hoàng Quốc Việt thường dành thời gian về thăm, gặp gỡ chính quyền địa phương và cảm ơn bà con nông dân đã giúp đỡ thầy trò của trường (người dân Phú Thụy đến bây giờ vẫn chưa quên những lần gặp gỡ ấy và họ đã xây nhà lưu niệm về ông). Chính ông Hoàng Quốc Việt đã đề nghị địa phương cử 1 công dân vào học trường Kiểm sát và người học sinh "ân huệ" đó bây giờ là ông Nguyễn Huy Miện - giữ chức Viện trưởng VKS Lâm Đồng trong 2 năm qua vừa mới trở lại Thủ đô giữ chức Vụ trưởng Vụ khiếu tố của VKSNDTC.

Bà Ngân Giang, nguyên Vụ trưởng Vụ khiếu tố thời ông Hoàng Quốc Việt làm Viện trưởng, dù đã 80 tuổi rồi mà kí ức về người thầy lớn trong cuộc đời còn rất đậm nét, bà nói về sự quan tâm phát triển cán bộ nữ của ông, chính vì vậy mà thời ấy và cả đến sau này, hàng chục, hàng trăm cán bộ nữ ngành Kiểm sát đã đảm nhận các trọng trách từ phó Viện trưởng tối cao đến trưởng các cơ quan Cục, Vụ, Viện... nhiều người là viện trưởng cấp tỉnh, cấp thành phố và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm được giao. Một trong những cán bộ nữ được ông dìu dắt, trưởng thành là bà Lê Thị Kiệm từng phụ trách công tác kiểm sát chung của Viện tối cao. Cũng ở tuổi 80, bà Kiệm vẫn hết sức minh mẫn, bà nhớ về thời kì được bác Việt dìu dắt: dưới sự hướng dẫn trực tiếp, quan tâm hết lòng của bácHoàng Quốc Việt, bà đã kiểm tra, kiểm sát nhiều vụ khiếu nại của dân, kịp thời tham mưu cho các cơ quan pháp luật uốn nắn những sai phạm trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng như vụ bắt trói dân vì không vào HTX ở Hà nội, vụ vu khống Tổng cục trưởng tổng cục Lâm nghiệp của một phó Tổng cục trưởng, vụ ra văn bản "bao tiêu" hàng hoá chỉ vì chủ nghĩa đại khái, và bệnh thành tích của Bộ nội thương...

Chỉ vẻn vẹn một ngày Hội thảo mà thân thế, sự nghiệp của lãnh tụ Hoàng Quốc Việt qua tấm long và ký ức các cán bộ Kiểm sát cho chúng tôi biết thêm rất nhiều điều quý giá về ông, hiểu thêm nhân cách, năng lực, tình cảm của ông với ngành Kiểm sát, với nhân dân, với đất nước. Con người khiêm tốn, không màng chức danh, quyền lợi ấy thật ấm áp tình đời, tình người. Bảy mươi năm hoạt động cách mạng đầy gian khó cũng rất đỗi quang vinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt là tấm gương sáng ngời về đạo đức, tác phong, tình yêu và trách nhiệm của một người cộng sản chân chính. Thế hệ chúng tôi và chắc chắn các thế hệ mai sau mãi mãi kính trọng và noi gương Ông.

Hà Nội, 18/10/2004

Bùi Quang Thanh