Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

Làng cùi dưới chân núi Chư A Thai

19:32, 11/05/2011AdminTruyện - Ký
(0 Đánh giá)

 LÀNG  CÙI DƯỚI CHÂN NÚI CHƯ A THAI   

    Bút ký của Bùi Quang Thanh


  Từ thành phố Pleiku theo quốc lộ 14 về phía Nam rồi rẽ theo quốc lộ 25 đi Phú Bổn, đèo Chư Sê mùa cúc quỳ đang nhuộm vàng hai triền núi, điệp một màu vàng nắng thu ngây ngất. Đổ đèo là xã Iake thuộc huyện Izunpa của tỉnh Gia Lai, những lũng lúa chín vàng như màu cúc quỳ, như màu mật ong sầm sẫm ngọt ngào. 
Trụ sở xã Iake nằm sát đườn quốc lộ, giữa vùng lũng núi ấy, giữa những xóm buôn có vẻ như đanh lên hương vì cuộc sống mới, lại còn không ít mái lán đơn sơ, bề bộn nhà nông thời tiền sử. Nhìn qua cũng biết cộng đồng dân cư nơi đây đa dạng giàu nghèo, đa dạng phong thái, đa dạng thổ cư, ngụ cư. Rơ Chăm Chiến - cử nhân luật, kiểm sát viên ở Viện kiểm sát Gia Lai - người ở xã này bảo chúng tôi : Xã  tôi có tới 7 dân tộc anh em chung sống, trong hơn một vạn dân thì người Kinh gần một nửa, Ba Na và Jarai hơn bốn ngàn khẩu, các dân tộc thiểu số ở phía Bắc như Mường -Tày -Nùng  -Thái hai ngàn người. 
Chiến là người dân Bana chính gốc, từ khi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh làm lễ kết nghĩa với xã Iake thì tuần nào, ngày nào cũng có người cả Viện kiểm sát về ở cùng dân, ăn cùng dân, vui buồn sướng khổ với nhau để giúp địa phương giữ gìn an ninh chính trị, giúp dân hiểu biết thêm Pháp luật và giải quyết dần những khó khăn muôn thưở của người dân ở một địa bàn heo hút, lạc hậu về mọi mặt này. Rơ Chăm Chiến Trở thành con thoi đi về, là mối liên hệ mọi mặt giữa cơ quan Kiểm sát và địa phương và người của của các dân tộc. Khi anh Phan Văn Sơn, Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh "bàn giao " chúng tôi cho Chiến, anh chàng Bana điển trai này vui ra mặt. Anh khoe rằng thung lũng Ạunpa của anh là nơi có nhiều có cảnh đẹp , nào đèo xanh núi thẳm, nào hồ Ajun Hạ trời nước mênh mông, nào những dòng kênh được bê tông hóa như nhũng dòng sông nổi trên mặt ruộng ...,anh chàng còn tán tôi về nhà chắc có thơ hay. Đinh Thu Hường cô kỹ sư Nông nghiệp vừa ra trường tròn một tháng lần đầu tiên vào Nam, lần đầu lên Tây Nguyên nhấp nhổm trong xe, cứ xuýt xoa ngó ra ngoài cửa kính - Hường đang đi thăm thú để chọn miền đất hứa cho sự nghiệp ươm trồng của mình.  
Sau khi tiếp chúng tôi một chầu trà, Chủ Tịch xã Nguyễn Văn Tường hỏi Rơ Chăm Chiến :"Bây giờ ý nhà báo muốn tìm hiểu về vấn đề gì?"Đã trao đổi với tôi trước, Chiến đề xuất được gặp Kso Hiên  - Bí thư chi đoàn thôn ..., người đã vượt qua một chặng đường đời đầy gian khó đẻ trở lại làm công dân tốt của buôn làng. Hồi trước Kso Hiên nghe kẻ xấu xúi giục bỏ nhà vượt biên để sang Cam Pu Chia, hy vọng  qua Mỹ sống cuộc đời sung sướng. Trèo đèo vượt dốc, chui lủi luồn rừng chén hết 30kg gạo cõng trên lưng thì Hiên đế được nhà tạm giữ của bộ đội biên phòng  Đaklăk, sau khi được giải thích cặn kẽ âm mưu của kẻ thù là xúi giục đồng bào kém hiểu biết ra đi để thực hiện mục đích chống phá nhà nước, chế độ của nhân dân, phần hiểu ra sự lẽ, phần nhớ vợ thương con, Kso Hiên đã trở về sống trong vòng tay yêu thương của cộng đồng thôn xã. Anh được  vay vốn sản xuất, được động viên khuyến khích cả vật chất lẫn tinh thần và bù đắp lại lỗi lầm đã qua, Kso Hiên chăm chỉ lao động, tâm sự giãi bày những hiểu biết của mình về "Nhà nước Đề Ga"lưu vong phản động cho bà con các dân tộc ở đây. Anh được kết nạp vào Đoàn và được bầu làm Bí thư  Chi đoàn trong đại hội vừa rồi.
Chỉ nửa tiếng sau khi đặt vấn đề, một chàng trai đen gầy, mắt sáng, tóc quăn đã rụt rè đứng trước cửa phòng Chủ tịch xã. Đi cùng anh là Bí thư Đoàn xã với chiếc áo thanh niên thanh niên tình nguyện còn rất mới. Làm quen, chụp ảnh chung, chúng tôi về thăm nhà Kso Hiên, thăm cái cơ ngơi nhỏ bé như vừa mới khai sinh của anh. Lũ trẻ con ở đâu ra mà nhiều quá. Tôi ngạc nhiên khi sôi lên từ đất những đứa trẻ đủ cỡ tuổi, tóc tai vàng quắt lại, mặt mũi bẩn thỉu, áo quần lôi thôi, những đôi mắt đen láy như mở to như ngạc nhiên, tò mò, thích thú,. Tất cả đều không che dấu nổi sự  thiếu thốn, khổ sở về vật chất, nhưng những đôi mắt của chúng mới ngời ngời làm sao. Tôi hỏi Bí thư  Đoàn xã:"Sao các cháu nheo nhóc vậy ?". Khoát một vòng tay về phía núi Chư A Thai, nơi có những mái tôn, mái gianh thấp lè tè, dài ngoằng, người Bí thư không dấu nổi vẻ buồn :"Tôi chột nhớ lời anh Phan Văn Sơn nhắc tôi đến thăm khu vực người cùi ở, có cách gì đó để cộng đồng giúp đỡ thêm cho họ. Vậy , hóa ra khu vực Kso Hiên ở chính là quần cư của những người cùi. 
Một gốc đa cỡ hai người ôm mọc bơ vơ bên lề đường, giữa cánh đồng đi về làng cùi. Vài ba chục đứa trẻ leo lúc nhúc trên cành, trong lá, nhiều đứa đu đeo ở các cành la đà. Đứa nào cũng có trên tay một vài nhánh đa trĩu quả chín trắng,  mòng mọng. Quả đa có lẽ là món quả ưa thích duy nhất của lũ trẻ làng cùi. Nhìn gốc đa to trơn láng, tôi biết đây là sân chơi của chúng. Cả làng cùi hầu như chỉ có một cây cổ thụ này. Con đường đen xám xịt phân bò, phân heo đã khô vụn hòa lẫn đất cát. Những túp lều kiểu sàn ván, phía dưới là nơi ở của trâu bò, gia súc. Nếu không có những đám người lố nhố nhồi trên sàn ván hoặc ló đầu ra nhìn chúng tôi thì không ai nghĩ đó là nhà ở mà cứ tưởng là những chuồng trâu bò hoặc heo.
Kso Hiên  kéo một người nhỏ bé, đen như  người Ấn Độ, dáng vẻ tinh nhanh đến. Đó là trưởng thôn Blay măk. Biết đoàn nhà báo đến thăm làng cùi, anh gật đầu đi trước chúng tôi đến ba " ngôi nhà " gần sát nhau, đều là lều sàn, gỗ được cưa ra từ những khúc cong ngoèo, đen lúa, bóng nhẫy vì mồ hôi, ghép rời rạc làm sân ngồi  và đỡ những bước chân rụt rè, tập tễnh. Một số đàn ông, đàn bà tò mò nhìn chúng tôi. Mấy người phụ nữ đang giã bột trên một sàn gỗ chợt dừng tay khi chúng tôi đến. Ai cũng có nước da đen lúa, mặc váy thổ cẩm cũ, áo xuống tuềnh toàng, dáng bẽn lẽn, rụt rè. Đối diện căn nhà của mấy phụ nữ đang giã bột là căn nhà sàn nữa cũng lem nhem như da thịt những người dân ở đây. Trên một sàn bằng củi ấy, một ông già đang nhìn xuống chúng tôi. Ngó kĩ, hóa ra ông già đang ngóng chứ không phải đang nhìn, bở hai mắt lão chẳng còn gì để gọi là mắt nữa. Hai hố sâu đỏ lòm những máu, gần như không hấp háy được, cứ dõi theo tiếng nói của những người xung quanh, như kẻ mù lòa hóng chuyện. Kso Hiên bảo tôi:"Đây là già làng Đinh Suân, 80 tuổi rồi". Cụ Đinh Suân gật gật đầu như  xác nhận lời giới thiệu ấy. Tôi chợt nhìn xuống chân rồi hai tay của cụ. Hai bàn chân không còn một ngón nào,vết rụng dù đã rất lâu nhưng vẫn còn chỗ đen chỗ đỏ. Mu chân, bàn chân như có ai xát gio bếp vào.hai tay cụ cũng chỉ còn hai cục xương và da đen thùi lụi. Tôi giật mình kinh hãi. Lần đầu tiên trong đời tôi tiếp cận một người bệnh phong gần mà lộ dạng như vậy. Tuy nhiên trước con mắt bà con dân bản, các cán bộ kiểm sát, cán bộ đoàn thanh niên và đám trẻ ríu rít tò mò bốn phía, cơn sợ của tôi tan biến, nhường chỗ cho một ý thức trách nhiệm của một nhà báo, của một cộng đồng. Tôi bước nhanh lên những bậc cầu thang bằng cây gỗ khô mà không còn màu gỗ, ngoài những chỗ láng bóng bởi vết mòn của bàn tay người vịn, còn nhiều dấu máu của bệnh nhân đã khô đen. Vừa ngồi xuống cạnh già Đinh Suân  thì hai người đàn ông nữa tới và ngồi đối diện với tôi, nét mặt có vẻ hoan hỉ. Anh trưởng thôn giới thiệu với tôi một trong hai người ấy là Nay Xa, con cụ Đinh Suân. Cả Nay Xa và và người kia đều rụng một số ngón chân, ngón tay. Chân cẳng họ chợt chạt nhiều chỗ, máu rỉ ra từ đó đỏ hồng, một vài đầu ngón chân vẫn chảy máu như là cái ngón vừa mới rụng xong. Qua câu chuyện với họ, tôi biết Nay Xa đang là lao động chính của gia đình, ông đang phải nuôi già Đinh. Nhìn những ruộng lúa nước quanh chân núi, lẫn vào trong xóm trọ này, nhìn con đường đầy phân bò và cất bụi, nhìn những bàn chân nứt nẻ ứa máu vì bệnh tật tôi rùng mình hỏi Nay Xa:"Chân cẳng thế kia thì làm sao xuống ruộng được ?" "Ô phải làm thôi. Không làm thì chết đói ." Rồi ông chỉ sang già Suân :"Cán bộ à!Phải làm sao xin cho bố mình cái chính sách của cách mạng chứ. Đau ốm lâu quá rồi, kêu miết rồi mà không được?"Rồi ông vào nhà mang ra một tập giấy tờ đưa cho tôi. Đó là tờ đơn của Đinh Suân xin được hưởng chính sách người có công với cách mạng. Tờ đơn dài 7 trang viết tay, có chữ ký của một số cán bộ cũ từng giữ chức vụ trong đảng của huyện Chư  Sê. Lý lịch già Đinh được tóm tắt như sau:dân tộc Ba Na, sinh 1933. bị bệnh cùi từ năm 1951. Tham gia cách mạng từ năm 1955. Năm 1957 vào chiến khu 7 thuộ K 11 ở làng Klây Pông, xã Ạ, Chư Sê (huyện Khu 7 cũ). Ông làm giao liên, làm công tác tiếp vận chuyển gạo đạn thuốc men cho Khu căn cứ và đã được kết nạp Đảng tại một chiến dịch phục vụ cho mặt trận; ông được tăng thưởng huân chương kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày giải phóng Miền Nam, vì bệnh tật phong quá nặng, ông được chuyển về Blaymăk  xã Eake (Azunpa)để sống tập trung cùng những người đồng bệnh như mình. Ông không được chế độ gì, sống hết sức vất vả, khổ sở bằng sự cưu mang của vợ chồng Nay Xa. Những người cùi cho chúng tôi biết thôn này có gần một nửa người bị cùi nhưng  già Đinh là người già nhất, có hoàn cảnh khó khăn nhất. Trưởng thôn thì than phiền rằng trước đây thường có Bác sỹ tên là Hưng ở tỉnh về điều trị và cấp thuốc cho bà con bị bệnh, từ năm 1995 đến nay, bác sỹ bảo đã điều trị dứt điểm rồi nên không về nữa. Hầu hết các con bênh gặp khó khăn về đời sống vì khả năng hạn chế, một số người bị tái phát, bị lở loét bị rụng ngón mà không được chăm sóc chu đáo. Anh cũng đọc cho tôi hàng loạt cái tên rất khó nhớ đang bị bệnh hủi hành hạ ngày đêm như : Siu Răm, Siu Hy, Siu Chăm, Siu Nhớp, Kso Ret, Kso Cưng, Kso Rblok, Ro Nhai, Ro Thui, Nay blơnh, Nay Tuyt, Rlanlut. Bản thân Nay Xa bị cùi cách đây 25 năm, hiện tại từ đùi xuống vẫn còn lở loét, vẫn rụng ngón và đau đớn vô cùng.
Không dám nhìn lâu vào những gương mặt xác xơ, đau khổ của nhiều người bệnh từ  đâu đã kéo đến, tôi quay người trông ra bốn phí làng cùi. Núi Chư A Thai xanh thắm sau lưng, cánh đồng lúa vàng ửng trước mặt. Sự sống vẫn trải ra từ núi rừng trời đất, từ những cặp mắt trẻ thơ. Bất giác, tôi liên tưởng  đến những làng phong ở Quỳnh Lập , ở Quy Hòa  những nơi đó nỗi đau của những người bất hạnh  đã vợi đi nhiều bởi sự chăm sóc của cộng đồng xã hội. Tôi nhìn những đứa bé hồn nhiên chạy theo tôi từ ngoài gốc đa vào đây và lo lắng nghĩ rằng : không biết trong dòng máu của chúng có tiềm ẩn căn bệnh gớm ghiếc này không ?Có cách gì để ngăn chặn sự  lây lan hoặc khả năng di truyền của nó ?
Rơ Chăm Chiến chỉ về dòng kênh được bê tông hóa chạy song song quốc lộ 25, nói với Đinh Thu Hường và tôi : "Dòng sông nổi chạy ngay  đó nhưng muốn có nước cho 10 ha ruộng lúa của làng thì khá vất vả vì ruộng ở đây cao hơn mặt kênh, phải có bơm lớn thì mới giải quyết được nước cho lúa :. "Làm sao để có được bơm ? Có bơm thì phải có điện ?" "Viện kiểm sát cũng đã đặt vấn đề này với một số cơ quan để giúp dân làng. Với khả năng của Viện, hàng tuần có vài cán bộ về đây cùng ăn, cùng ở với dân, giúp đỡ dân trong việc thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao văn háo về dân dân tr, nâng cao nhận thức chính trị hiểu biết pháp luật và giúp đỡ ít nhiều về đời sống vật chất. Những đầu tư lớn thì Viện phải đề xuất với chính quyền thôi". Cô kỹ sư nông nghiêp băn khoăn :"Vấn đề là làm sao cho những người bệnh này, cho làng cùi này khá hơn về đời sống vật chất. Tự họ thì khó lắm ."Rơ Chăm Chiến nhìn Đinh Thu Hường lắc đầu nhè nhẹ : " Em không biết đó thôi, phần vì bệnh tật, phần vì bản tính lâu đời của người dân ở đây, họ không biết cất dành, gom góp, vì vậy có gì họ xao xáo luôn à. Hôm sau hết? Nhịn!Chính vì vậy phải dậy cho họ thay đổi tư duy, cho họ con cá để giúp họ tồn tại trước mắt nhưng phải cho họ cái cần và lưỡi câu để họ phát triển lâu dài ". 
  Tôi chợt nhớ lại lời anh Phan Văn Sơn, Viện trưởng Viện kiểm sát Gia Lai : phải làm được cái gì đó cho cộng đồng xã hội biết mà giúp đỡ họ. Tôi đặt vào bàn tay không còn ngón của già Đinh Suân một ít tiền làm quà, cảm giác được món quà của tôi là hạt muối bỏ biển, như con cá nhỏ của một chuỗi ngày dài thiếu thốn gian nan của già Đinh và dân làng. Rơ Chăm Chiến ơi! Anh nói rất đúng, với dân làng Blâymăk, có lẽ cái máy bơm và sự gần gũi của cộng đồng, trong đó các cấp chính quyền và đặc biệt là ngành y tế chính là cái cần và lưỡi câu để vực cuộc sống của làng lên.
 
;  Gia Lai - Đà Nẵng ,6/2005;
 


;
 

;