Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

NAM HÀNH KÝ SỰ

11:13, 04/03/2021bqtTruyện - Ký
(0 Đánh giá)
Ký sự BQT

Bùi Quang Thanh

 

NAM HÀNH KÝ SỰ

 

 1, ĐẢO QUỐC MÃNH SƯ

Từ Đà Nẵng, rẽ sương mờ mây trắng, một giờ sau chúng tôi đã đặt chân xuống sân bay Siêm Riệp của Căm Pu Chia. Sân bay không hiện đại nhưng đẹp. Cái đẹp của đơn sơ pha nét hoang dã bởi những sóc, những phum của người Khơ Me ngói gỗ, nhà sàn thấp thoáng dưới bóng vòm thốt nốt xanh tươi, mãnh liệt sức sống. Đi trong lồng lộng nắng gió của sân bay, nhìn những toà nhà dài ngoẵng tít tắp, hai đầu đỉnh nóc mọc lên hai cái sừng như sừng bò hoang – nét đặc trưng trong kiến trúc nhà, chùa của người Miên, chúng tôi vào phòng đợi bay chuyển tiếp.

Rời đường băng sân bay Siêm Riệp, qua cửa sổ máy bay, Biển Hồ mênh mang một màu hồng nhạt. Hình như đất trời xứ này vừa được rửa bằng những cơn mưa lớn nên cây cỏ xanh tươi, thanh sạch và nước Biển Hồ có màu hồng bạc như nước sông Hồng. Tôi chợt nhớ ra rằng, chẳng phải vì mưa, đó là phù sa nghìn dặm đất mà dòng Mê Kông tải về để cho những dải đất phía nam của Thái Lan, của Căm Pu Chia, của đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam ngày càng bồi đắp, màu mỡ. Đường bay của chúng tôi bám mé đông Biển Hồ nên không thấy bờ tây, chỉ thấy trong mênh mang nước bạc là mây trắng phau phau vần vũ. Loáng thoáng trong vần vũ đan xen là nước, là trời. Ven bờ, mép nước, nhà cửa thuyền bè, rừng cây, đồng ruộng… chỗ đậm chỗ thoảng, đa số phần đậm bắt đầu từ bờ hồ, từ các nguồn sông châu về để tạo ra sức sống của Biển Hồ rồi nhạt dần về phía các cao nguyên. Rõ ràng Biển Hồ là trái tim, nhịp sống của đất nước Angko bởi sinh khí vô biên từ mạch nguồn muôn phương hội tụ.

Từ độ cao 5000m, bằng mắt thường nhìn qua cửa sổ máy bay, vịnh Thái Lan trông như một chảo chì vừa đúc, xám trắng, gờn gợn. Những con tàu như đông cứng lại giữa bãi “chì” xám ấy, cứ xa dần về phía sau lưng. Máy bay hạ độ cao. Thoáng chốc ai đó reo lên: “Kìa: Đảo!” Một miền đất xanh mờ được viền bởi sóng trắng lan mãi về hút hắt. Rồi một dòng sông; rồi những cánh rừng; rồi những bãi đất màu đỏ, màu xanh loang loáng. Như cố tình cho du khách thưởng ngoạn miền non nước ngà ngọc giữa đại dương, chiếc phi cơ nghiêng cánh, tốc độ chậm dần. Dưới kia là phố, là biển, là cảng, là tàu và cơ man những cần cẩu cao nghêu của những con tàu và các công trường xây dựng.

Đảo quốc Sư tử - con rồng châu Á là đây. Giữa biển Đông mênh mông xanh thắm, từ trên cao nhìn xuống Singapore như một chuỗi kim cương lấp lánh đủ sắc màu. Những hòn đảo nhỏ quây quanh thủ đô Singapore tô điểm cho sự liên tưởng đó. Khi máy bay sà thấp để đáp xuống đường băng, tôi lại thấy một công trường vĩ đại, tấp nập mà ngăn nắp, ổn định mà mở mang, thanh bình mà dồn hối ngay dưới cánh bay của chiếc SILKAIR của hãng SINGAPORE AILINER.

Chẳng hiểu giữa biển đảo xa lục địa bởi một dải nước sâu và rộng, làm cách nào để một chú mãnh sư ra sống ở đây rồi lọt vào mắt hoàng tử Sang Nila Utama để cho ông đặt tên hòn đảo này là  Singapore? Tên Singapore xuất phát từ Singapura trong tiếng Malaysia (hay tiếng Malay), vốn được lấy từ nguồn gốc của chữ Phạn là singa (sư tử) và pura (thành phố). Singapore nghĩa là“Thành phố Sư Tử”. Tự hào vì điều đó, giữa thủ đô đảo quốc sững sững mọc lên 3 tượng đài sư tử: Sư tử Bố, Sư tử Mẹ và Sư tử Con; mỗi mãnh sư chốt giữ một nơi, không xa nhau và đều toạ trên những vùng đắc địa của cảnh quan du lịch để cho khách thập phương chiêm bái.

Theo thông tin có được, Singapore là một quốc gia nhỏ bé về địa lý, nhỏ đến nỗi chỉ bằng diện tích quận Cần Giờ của thành phố Hồ Chí Minh nhưng có đến 4,5 triệu cư dân. Lịch sử tồn tại và phát triển của đất nước này cũng qua bao thăng trầm, tủi nhục; qua nhiều lần tan, hợp với các vương quốc, bộ tộc vì huyết thống, vì tôn giáo, vì lợi quyền, vì bạo lực áp bức và vì độc lập tự do. Ảnh hưởng văn hoá, nếp sống, phong tục cũng xô bồ nhiều nguồn cội từ Tây Á, Viễn đông, Bắc Âu, châu Mỹ…trải qua hàng trăm năm dưới sự đô hộ, ‘bảo trợ”, xâm lược của Đế quốc Anh, với vị trí địa lý thiết yếu trên đường hàng hải nối giữa Âu châu và Trung Quốc, Singapore nhanh chóng trở thành một trung tâm thương mại lớn và tập trung ở vùng Đông Nam Á từ thế kỷ 18. Cũng bởi những điều kiện trên, cư dân Đảo quốc Sư tử rất đa dang về chủng tộc, về tôn giáo, về nghề truyền thống. Tổng số dân của nước này là 4.55 triệu người thì 76,8% là người Hoa, số còn lại là người Mã Lai, người Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka người gốc khác.Về tôn giáo, hơn một nửa dân số theo Phật giáo và Đạo giáo, 15% là tín đồ Đạo Cơ đốc; Hồi giáo chiếm khoảng 14%  và cũng chừng đó nữa không theo tôn giáo nào. Tuy vậy, từ khi độc lập (tách khỏi liên bang Ma lai xi a – 1959) tới nay, chính trị và an ninh rất ổn định. Cũng cần biết thêm rằng, sau khi có độc lập, Singapore đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm nạn thất nghiệp, thiếu nhà ở, đất đai và tài nguyên thiên nhiên.Trong nhiệm kỳ của mình từ năm 1959 đến 1990, tranh thủ sự giúp đỡ của nước ngoài và bằng nội lực, Chính phủ của Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng bước kiềm chế thất nghiệp, lạm phát, tăng mức sống và thực hiện một chương trình nhà ở công cộng với quy mô lớn. Các cơ sở hạ tầngkinh tế của đất nước được phát triển, mối đe dọa của căng thẳng chủng tộc được loại bỏ và một hệ thống phòng vệ quốc gia được thiết lập. Singapore từ một nước đang phát triển trở thành một nước phát triển vào cuối thế kỷ 20…

      Từ sân bay, chúng tôi đi thẳng tới công viên “bánh xe” để được nhìn bằng mắt và chụp ảnh toàn cảnh thủ đô Singapore. Vào ngồi trong những ca bin lớn hình trụ nằm ngang, xung quanh bọc bằng mi ka (hay kính) trong suốt được gắn vào chiếc bánh xe trông giống guồng nước khổng lồ của thuở xa xưa, bánh xe ấy từ từ quay đưa dần chúng tôi lên trời cao, thoả sức ngắm biển, ngắm sông, ngắm thuyền bè qua lại đan xen và thưởng ngoạn kiến trúc kỳ vĩ của thành phố. Sông Singapore nối từ biển phía đông tới biển phía tây, là trung tâm thương mại và du lịch, nơi tập trung các công trình kiến trúc đẹp nhất của thành phố Sư tử. Từ đỉnh cao nhất của bánh xe nhìn xuống, các công trình kinh tế của đảo quốc chen chúc nhau quanh cửa sông, cảng biển. Toàn đảo phủ kín cây xanh; những ô, những thửa tăm tắp lối hàng có lẽ là rừng cao su. Cuốc bộ đi thăm đảo mới biết cũng có nhiều khu gỗ tạp để giữ môi trường và tạo cảnh quan; có cả nhiều khu rừng nguyên sinh đã được chuyển hoá thành Vườn thực vật hoặc vườn thú, vườn chim, vừa tự nhiên vừa hiện đại. Diện tích xây dựng rất khiêm tốn so với thảm xanh thực vật, thành phố sạch đến khó tin, bụi bặm không có chỗ để tồn tại, không ai dám vất rác rưởi vào môi trường (nghe đâu sẽ bị phạt rất nặng). Tôi hỏi anh hướng dẫn viên du lịch têm Sam, vốn là gốc người Hoa: “Singapore có mấy trung tâm đô thị như thế này?” Sam cho biết: “Chủ yếu dân cư tập trung ở thủ đô và những khu công nghiệp, thương mại quanh đây.” “Vậy những bốn triệu rưỡi người sao đường phố thoáng vậy, họ ở vào đâu?” Sam cười: “Họ chui xuống…đất và ở trong các cao ốc kia”. Thì ra rất nhiều tầng đường hầm ở ngay dưới chân chúng tôi đi: đường ô tô ngầm, đường xe điện ngầm, các nhà hàng, siêu thị, chợ búa ngầm… Bất ngờ thấy một dòng người từ dưới đất trồi lên; lại bất ngờ thấy một dòng người khác mất hút. Các cầu thang máy bằng băng trượt chuyển tải sự sống từ đất lên trời và ngược lại. Tôi có cảm giác hòn đảo này như bị rỗng hết ruột rồi và thổ mạnh chân giày xuống đất để tưởng tưởng ra tiếng kêu bồm bộp của một chiếc mõ tre. Tự nhiên tôi thấy cái giàu, cái đẹp rất có giới hạn của Đảo quốc Sư tử. Rồi nhà đâu lên đến mây? Rồi ruột đất đâu mà moi nữa khi con người cứ nhiều mãi lên…và tôi thấy cái Họ không thể so sánh với Ta là tài nguyên thổ nhưỡng, là những vùng rộng lớn lãnh thổ đang đợi bàn tay, sức lực cải tạo của con người. Hoá ra điều suy nghĩ của tôi, người Sin đã nghĩ tới lâu rồi. Họ đã san đất từ đồi xuống (dù đồi hết sức hiếm hoi, cả quần đảo chi có ngọn đồi đồi Bukit Timah với độ cao 166 m); moi cát tận đáy biển lên hoặc mua đất đá từ các nước láng giềng về mở mang lãnh thổ. Kiến tha lâu cũng đầy tổ, sau mấy chục năm chắt chiu gom nhặt, diện tích đất của Singapore đã tăng từ 581,5 km² ở thập niên 1960 lên 697,25 km² ngày nay và có thể sẽ tăng thêm 100 km² nữa đến năm 2030. Phải nói người Singapore chăm lo môi trường cực tốt. Rừng tự nhiên vốn không có nhiều nhưng được giữ gìn, trở thành những vườn sinh thái, vườn thực vật, vườn động vật hoang dã và cả những cánh rừng chim. Có cả một khu Vườn Thực vật Singapore rộng tới  52 hecta, Vườn Lan Quốc gia với hơn 3000 loài hoa phong lan. Người Sin coi phong lan là loài hoa biểu trưng cho đất nước mình. Vì phong lan không cần nhiều đất? Vì phong lan dẻo dai trước nắng gió? Vì phong lan có thể sống cùng đá cùng rêu…? Đi bất cứ đâu, trong nhà, ngoài phố, nơi vui chơi công cộng hay từ xí nghiệp, quầy hàng đều có sự hiện diện của phong lan. Có lẽ qua nhiều quá trình lai tạo, chọn giống nên phong lan ở đây không còn đặc tính hoang dã nữa mà được trồng trỉa như các loài hoa khác, lúc nào cũng rực rỡ những hoa.

   

   Không chỉ thiếu đất, cát, khoáng sản, nguyên vật liệu… mà ở Singapore còn thiếu trầm trọng một thứ thiết yếu của muôn loài: nước ngọt. Không có nước ngọt từ sông và hồ, từ các mạch nước ngầm, nguồn cung cấp nước chủ yếu của Singapore là từ những trận mưa rào được giữ lại trong những hồ chứa. Lượng nước ngọt do mưa cung cấp chỉ đạt khoảng 50% nhu cầu; phần còn lại được nhập khẩu từ Malaysia. Anh Sam cho biết, sắp tới vấn đề hợp đồng mua bán nước ngọt giữa Singapore và Malaysiasẽ có những khó khăn, người ta tái chế nước thải đã qua sử dụng để sinh hoạt, bao gồm cả nước uống(!) Nhiều nhà máy sản xuất nước tái chế đang được đề xuất và xây dựng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu. Sam chỉ những chai nước lọc bày bán ở các quầy hàng và cười: “Đây là nước uống tinh khiết được tái chế từ nước thải sinh hoạt đấy”. Tự nhiên cổ họng tôi lờm lợm. Lại thấy quý giá vô ngần những dòng sông tràn trề nước ngọt mải miết chảy về biển ở quê hương.

 2, CHỢ ĐÊM Ở SINGAPORE

Ban đêm ở thủ đô quốc đảo Sư tử thật đẹp, cái đẹp của đô hội - phù hoa và gấp gáp. Người ta đi thuyền, dạo phố, “úm bà la” trong các đường ngầm với nhiều kiểu phương tiện. Các chị, các bà đổ xô đi mua sắm ở các Shop chui sâu dưới lòng đất, thậm chí cả lòng biển. Xác định chỉ làm trung gian buôn bán, vận tải và giao lưu, người Sin biến nước mình thành thương cảng, thành cái chợ nổi khổng lồ của thế giới ở điểm giao lưu của 3 đại dương lớn nhất lục đia là Thái Bình dương, Ấn Độ dương và Đại Tây dương. Từ nhiều thế kỷ nay, nền kinh tế Singapore chủ yếu từ thương mại và công nghiệp hàng hải. Gần đây, khi sự phát triển chóng mặt của dân số và hậu quả xấu của nạn tàn phá, huỷ diệt môi trường của con người, các lục địa dần trở thành khô khốc, chật chội và ô nhiễm, Singapore nổi lên như một viên ngọc xinh xắn, dịu dàng giữa biển xa bởi sự thực hiện nghiêm túc những quy chuẩn cuộc sống, chấp hành pháp luật, ý thức công dân, giáo dục cộng đồng… Nơi đây trở thành trung tâm du lịch môi trường, sinh thái thu hút đông đảo du khách và nền kinh tế qua đó cũng được chắp cánh như hổ, như rồng. Hàng hoá ở Sin dù đa dạng nhưng không xô bồ hổ lốn như các đô thị ở Việt, ở Thái hay ở Tàu. Tất cả đều bày biện đẹp đẽ, gọn gàng trong các siêu thị và tất cả đều có giá trên…mây. Lắng nghe chuyện trò của các bà, các cô đi ‘chợ’ về, ai cũng xuýt xoa tiếc rẻ số tiền đã mua hàng khi được “quy” ra Việt Nam đồng; cũng hình dung ra bí quyết làm tiền của những tay dẫn “tua’ du lịch. Hầu như các đường dẫn độ được khép kín từ “nhà” khai thác nguồn khách đến các quán hàng ăn, khu tham quan giải trí và đặc biệt là các cửa hàng xa xỉ phẩm, mỹ phẩm, trang sức, thuốc chữa bệnh và … cả sicano nữa. Bằng nghệ thuật “dẫn mối” từ khi thiết lập hành trình để “dụ” du khách theo trận đồ vạch sẵn của “nhà tua” đến lờì mời mọc ngọt ngào của nhân viên các quầy hàng và sự quyến rũ bởi mẫu mã, các chiêu quảng cáo hấp dẫn, tiền nằm sâu dưới đáy ví quý khách cứ tuồn tuột chui ra. Hầu như ai cũng tặc lưỡi: mấy khi sang được đây, mua cho biết. Tôi cần mua một chiếc khăn mặt, chọn một cái nho nhỏ (hình như hàng Việt Nam), khi ra quầy trả tiền hết 8 đô Sin, nhầm ra tiền Việt mới giật mình: 112.000đ. Mấy người bạn cười: về Việt Nam mua được 10 cái ông ơi. Chậc lưỡi: thì để biết. Vả lại không thể không mua. Mà từ một cái khăn, suy ra các mặt hàng khác: tất tật đều nhập khẩu, vậy thì tất tật đều đắt đỏ! Sao người tây, người ta đều tranh nhau mua? Cửa hàng bán đá quý và đồ trang sức bày la liệt những thứ không ai thẩm định nổi chất lượng nhưng có giá trăm đô, ngàn (thậm chí nhiều chục ngàn) đô Sin. Một đoàn khách Việt Nam tham quan – dù đó là những người lao động hoặc quản lý những doanh nghiệp cầu đường, xây dựng nhỏ - vẫn hăm hở mua vòng, lắc, dây, mặt nhẫn, đồng hồ… mỗi cái có giá nhiều trăm đô. Tôi thầm liên tưởng đến các quầy mỹ nghệ, vàng bạc đá quý ở Việt mà so sánh, mà ngạc nhiên. Vì sao các bà, các chị lại hào phóng, lại trưởng giả đến thế? Họ tâm sự: mấy khi du lịch sang đây anh; và những siêu thị oai thế này họ phải bán hàng thật chứ? Bảo hành đây này! Bảo đảm đây này(!?) Mà mấy gã người Tàu nói tiếng Việt lớ thợ, mấy cô chân dài mồi chài thật “ngọt”, lại cả 2 tay hướng dẫn viên du lịch một Việt - một Sin cứ tâng như thể không có hàng hoá ở đâu tốt hơn, tuyệt vời hơn… Nào là “kỹ nghệ gia công tinh xảo” khi ở quầy đá quý; “kẹo ngon nhất hành tinh” khi thăm “nhà máy sản xuất Chocola” - thực chất chỉ là quầy giới thiệu bánh kẹo; “rượu tuy đắt nhưng mà rượu thật”; “dầu xanh - sản phẩm duy nhất chỉ có ở Singapore”… Thế là cuộc du hí trở thành cuộc “tù lột túi” của du khách. Mà người ham mua nhiều hơn kẻ ham chơi; thiểu số ham khám phá, tham quan phải chực ở cửa chợ để khỏi lạc đoàn, hoặc chạy kêu người này, tìm người nọ cho kịp giờ quy định. Chẳng hiểu họ khôn hay ta dại? Chỉ biết sau mỗi quầy hàng nằm trong “chương trình” tham quan định sẵn, nhiều người đáy túi cạn dần, nháo nhào chạy tìm nơi đổi tiền Việt, tiền đô Mỹ ra tiền bản xứ dù giá cả chêng lệch so với hối đoái khá cao. Dịch vụ này, cũng như dịch vụ bán hàng lưu niệm trên xe, bằng một sự ăn rơ kinh điển, cả người hướng dẫn đoàn và lái xe cho đoàn xử lý thiệt lẹ. và họ cũng thật lẹ khi làm thủ tục “hoa hồng” với các cửa hàng mà họ đã dụ khách vô.

Buổi tối, sau khi đã ăn uống và du dạo, qua giới thiệu mùi mẫn, cả những mách nước mẹo vặt để thắng bạc tại sòng của các hướng đạo du lịch, nhiều du khách hoặc hăm hở, hoặc tò mò tìm đến casino để thử vận đen đỏ. Họ đa số là đàn ông, những tay quen phỏm, ù, xập xám, ba cây… ở công trường, xóm chợ khi nhàn rỗi lại dám ngồi vào sòng bạc chơi tiền đô! Mà không chỉ các ông, cả các bà, các cô, hoặc công chức “lớp trên”, hoặc phu nhân tay hòm chìa khóa của các doanh nhân, quan, sếp…cũng thả tiền thử vận mặc những can ngăn của bạn đồng hành. Và kết quả: hơn chục người trong đoàn khách của tôi đêm ấy đi casino về, duy nhất chỉ một cậu thắng được nhà sòng 100 đô Mỹ. Tất cả số còn lại, người mất dăm trăm, người mất vài trăm. Các bà cười nửa miệng như vừa được biết thêm một cái gì lạ, các cậu các ông lại bàn tán, rút kinh nghiệm cho nhau, trao đổi với cậu hướng ddaanx đoàn để có thêm kinh nghiệm. Máu cờ bạc từ chiếu đến sòng, dù xa nhau về địa lý và khác nhau về cách chơi nhưng cơn khát thì giống hệt nhau. Nhìn gã “nhà tua” cười xởi lởi khi nghe du khách than phiền, tiếc rẻ về số tiền bỗng dưng không cánh mà bay khỏi ví để vào sòng bạc, tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh họ, một Việt một Sin gốc Hoa tranh thủ quay trỏ lại quầy bán hàng mà họ vừa dẫn khách tới “tham quan” để nhận những đồng tiền “boa” hay phần trăm đã thỏa thuân đâu từ trước. Chỉ một hình ảnh dù tình cờ trông thấy cũng đủ tôi liên tưởng đến hành trình bóc lột du khách của các đường dây dẫn độ du lịch xuyên quốc gia. Và kỳ diệu thay những người bạn đồng hành của tôi, cả tôi, dù biết bị bóc lột vẫn cười như địa chủ được mùa ngô và gật gù chậc lưỡi: Thì một lần cho biết!

Thì một lần cho biết! Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn! Có lẽ nhiều người trong số chúng tôi chịu bán cái dại để mong tìm lấy cái khôn trong thương trường, đặc biệt trong môi truờng du lịch. Cái giá phải trả đó sẽ không uổng với họ cho ngày mai, ngày kia. Và có lẽ nhiều người chấp nhận sự tinh ranh, nhạy cảm của “nhà tua” để tìm bí quyết cho những cuộc mở mang trí tuệ mà cạnh tranh, mà bứt phá.

Mỏi chân, hết tiền mà chưa đi được là bao dù diện tích quốc đảo chỉ bằng một huyện của thành phố Hồ Chí Minh thôi. Có cảm tưởng cả đất nước này là một cái chợ khổng lồ: trên trời, mặt biển, lòng đất... với đủ thứ chợ treo, chợ nổi, chợ chìm, chợ di động (trên tàu thuỷ, trong toa xe điện, bậc của ô tô...) và cả đảo quốc Sư tử này là một cái máy vắt túi khổng lồ, cực kỳ tinh xảo, hoạt động không ngưng nghỉ. Chả trách họ có thể khoan trời, lấp bể, khoét núi, khơi sông. Đúng thật là "Phi thương bất phú".

                                                                    BQT