Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

NGANG TRỜI LŨ CUỐN

08:10, 02/06/2011AdminTruyện - Ký
(0 Đánh giá)
NGANG TRỜI LŨ CUỐN *
  Bút kí của Bùi Quang Thanh
 
Mười anh em văn nghệ sĩ Hà Tĩnh đi dự trại viết văn của Bộ văn hóa thông tin ở Vũng Tàu, say cùng trời xanh biển biếc, cùng bao cảnh lạ lùng ở xứ sở phồn hoa nhộn nhịp mà lòng ai cũng ngóng về trời Bắc, săn tìm tin lũ lụt ở quê hương. Lũ từ ti vi. Lũ qua điện thoại. Lũ trên báo chí… Lũ trong ly rượu cốc bia với đồng hương Hà Tĩnh, với bạn văn, bạn báo bốn phương thăm hỏi, sẻ chia. Dù hầu hết anh em trong chúng tôi là những người từng trải, đã chứng kiến bao cảnh thiên tai bão lũ, đã biết nén đau trước bao cảnh mất mát tang thương, nhưng trận lũ tháng chín năm linh hai này thật sự xói vào tim, vào ruột từng người. Tất cả chúng tôi ai cũng nôn nao mong ngóng ngày mãn trại.
Về đến nhà hôm trước thì hôm sau tôi lên trung tâm bưu điện Hà Tĩnh bàn việc phát hành tạp chí Hồng Lĩnh tháng 10. Khác với những lần trước, hôm nay phòng giao dịch đầy ứ hàng, thư. Các cô nhân viên tất tả với đếm, ghi, chia lô, phân tuyến những gói, những thùng bưu kiện đó. Chị Lan tổ trưởng kéo ghế mời tôi: “Anh vui lòng đợi bọn em một lúc. Ưu tiên hàng về vùng lũ mà anh.” Tôi ngó vào những gói bưu phẩm, bưu kiện ngang dọc dây chằng, chi chít chữ ghi địa chỉ người gửi, người nhận. Một chị bảo: “Nước lũ cuốn xuôi, còn hàng của bưu điện lại ngược ngàn  anh ạ”. Đúng là ngược ngàn. Những địa chỉ xoáy về rốn lũ: Sơn Thịnh, Sơn Kim, Phương Điền, Đức Ân…Gặp ở đây tấm lòng của bao người con Hà Tĩnh xa quê. Gặp ở đây tấm lòng của bao bạn bè tứ xứ. Và tôi quyết định đi về miền lũ từ ngành bưu điện.
Từ thị xã Hà Tĩnh, tôi lên Hương Khê rồi xuôi về Vũ Quang theo đường Hồ Chí Minh. Dấu tích của cơn hồng thủy càng về phía hạ nguồn Ngàn Sâu càng dữ dội. Bờ sông đã bị biến dạng, lở loét như có vô số bom đạn xới đào, như có sức mạnh siêu nhiên nào vừa khơi lại dòng chảy nghìn xưa. Các bãi bồi đỏ au, lệt sệt đất bùn đã lố nhố bóng người cày cuốc. Người Vũ Quang có vẻ lấy lại tinh thần nhanh hơn tôi tưởng. Dáng cần mẫn, cam chịu và quyết tâm, người nông dân Vũ Quang đang sử dụng sách lược lấy ngắn nuôi dài. Hình như họ sẽ trồng ngô vụ đông ngay trên phù sa thủy thần vừa trét lại. như tướng quan Cao Thắng ngày xưa lấy súng Pháp đánh Pháp, con cháu ngĩa sĩ Phan Đình Phùng coi đát bồi là chiến lợi phẩm của nhà nông. Chỉ vài ba tháng nữa thôi, đôi bờ dòng ngàn sâu sẽ lại xanh um sự sống. dòng sông sau cơn cuồng nộ, như hối hận, như xấu hổ, yên lặng đến hững hờ. miết dọc triền song, miết dọc đại lộ Hồ Chí Minh là những cột điện thoại bằng thân tre còn tươi rói, mạch máu thông tin của Vũ Quang đơn tuyến, thô sơ, tạm bợ sau cơn lũ, quăng quật trên khà, trên sứ, quăng quật cả trên những nhánh cây cao. Những quãng dây mới thay như còn ấm hơi người, những quãng dây cũ vừa qua trận mạc lấm lem bùn đất, lơ thơ rơm rác.
Bưu điện Vũ Quang vẫn đóng đô trong gian nhà một hộp, một tàng thuê của khu Bảo tồn thiên nhiên như hồi nào tôi lên. Chật chội, bộn bề của trăm thứ vật tư, thiết bị, máy móc Cả Bưu và Viễn đều nhét vào đây. Vậy là bưu điện Vũ Quang vẫn chưa có một nơi giao dịch cho đàng hoàng tử tế. Xung quanh thị trấn Hương Đại, những tru sở mới đang nhô lên. Nguyên Hồng Nghĩa, giám đốc Bưu điện Vũ Quang vui vẻ tiếp tôi. Vốn là chỗ thân tình, tôi đùa: “ Anh chưa bị trôi về Đức Thọ à?” “trôi sao được! chỉ ướt thôi. Anh em bám trụ chắc lắm”. Hóa ra, Vũ Quang không bị bất ngờ về lũ. Chỉ có điều không hình dung nổi sự dữ dằn, ào ạt quá thôi. Ở đây, từ mồng mười tháng tư hằng năm, nghĩa là trước lụt tiểu mãn, ban chỉ huy chống lụt bão của huyện đã bắt tay hành động các đơn vị phải thường trực với quan số cao nhất. Riêng bưu điện gần như 100%. Trừ trường hợp đột xuất, không ai được đi phép dài ngày. Họ cảnh giác với trời vì hình sông thế núi Vũ Quang phúc tạp, giao thông trắc trở, phương tiện ứng cứu chưa có gì, đường dây thông tin về cơ sở còn quá sơ sài, thưa thớt… Động sự, bưu điện chỉ có chạy bằng chân. Nói là trực 100% cho oai, trong tay Nghĩa cũng chỉ có 9 nhân viên chính, bốn người hợp đồng đường thư cấp ba, tám hợp đồng điểm bưu điện văn hóa xã. Tất cả cật lực quần với lũ, với mưa để cứu tài sản, đưa thông tin, thư báo tới địa chỉ bằng bất cứ giá nào. Trừ đường Hồ Chí Minh như chiếc xương sống lộ thiên chạy dọc huyện nối Tây Bắc xuống Đông Nam, tất tật các tuyến giao thông đường bộ đều bị tắc: cầu Hói Đôi đi về xã biên giới Vũ Quanh, cầu Hói Chất đi Hương Điền, tỉnh lộ 5 về Ân Phú. Rồi cầu Cửa, cầu Chông, cầu Trải, từ những con lạch con hói bé tẻo teo bây giờ là sông là thác, nhiều con đường lặn sâu xuống nước đến 7, 8 m và dài hàng cây số. giao bưu đi về như con thoi, bằng xe máy, bằng đò, bằng chân và bằng cả phao bơi nữa. Ở 3 điểm bưu điện văn hóa xã Hương Điền, Hương Quang, Sơn Thọ, khi đường dây hữu tuyến bị đứt, bưu điện đã sử dụng vô tuyến điện để thay thế, nối mạch thông tin cho lãnh đạo cấptrên chỉ huy ứng cứu kịp thời. Trong lũ, điện cao thể mất, nguồn năng lượng ắc quy không đủ để xài liên tục nhiều ngày mà không có điện xạc bổ sung. Anh Nghĩa đã chia ca trực cho từng vùng, phân giờ liên lạc từ trên xuống dưới, mỗi ngày 3 ca, mỗi ca 2 tiếng. riêng các cơ sở có thể  chủ động gọi lên bất cứ lúc nào.
Nguyễn Hồng Nghĩa nói với tôi: “Mặt trận thật sự anh ạ. Từ tổng đài, những tin cấp báo, tin cấp cứu khắp nơi. Đứng trên cầu Hương Đại to lớn, vững chắc là thế mà nước réo dưới sàn cầu làm cầu rung bần bật. Rồi tin các tuyến dây đi các nơi đứt, các điểm bưu điện xã bị nước vùi. Ở Đức Hương, một mình cô Nguyễn Thị Ngọc Tú bám trụ trong quầy bưu điện đến 2 ngày chỉ có mì tôm cầm hơi. Chiều thứ 3, một cơn lũ quét tràn vào hốt gọn căn nhà xây trên cao ấy và để lại một xoáy nước sâu ghê rợn. Cũng may cho cô Tú, trước đó có người chèo thuyền đến gọi cô về thăm nhà lụt lội ra sao. Những lúc đó, chúng tôi thèm vô cùng bầu không gian Vũ Quang được phủ sóng di động, hoặc ít ra có thêm mấy cái máy Vi Sát những nửa tỉ đồng một cái, máy CT28”. Tôi hỏi: “ Trạm Vi Sát những nửa tỷ đồng một cái, mỗi trạm chỉ cõng được vài cái máy bàn, ước được nó cũng khó. Còn CT28 là máy gì vậy?”. “ Máy vô tuyến điện, giá chỉ 28 triệu thôi”. “ Hình như bên Hương Sơn đã có Vinaphone hả anh?” Nghĩa gật đầu : “ Cũng vừa được ưu tiên trong đợt lũ. Hương Sơn nặng nề lắm, xót xa lắm”. Tôi chợt nhớ lời anh Cung, Chủ tịch huyện Vũ Quang: “ Dù thiệt hại đến gần 65 tỷ đồng nhưng chúng tôi vẫn mững vì Vũ Quang có lộc rừng anh ạ. Rừng đại ngàn đã cứu Vũ Quang quyết liệt. Lượng mưa trên 600 ly mà xối xả cả ngày cả đêm nhưng nước sông Ngàn Trươi không tục như nước sông Phố. Anh sang Hương Sơn sẽ rõ”. Lại nhớ khi tiễn tôi đi xuôi về 4 xã hạ huyện nằm trong tâm điểm lũ của Hương Khê, chị Hồng giám đốc bưu điện Hương Khê cười buồn: “ Nói anh đừng cười, cũng may phía ấy chúng tôi chưa được đầu tư là baonhieeu nên thiệt hại là không lớn như Vũ Quang và Hương Sơn”. Bốn điểm bưu điện văn hóa bị chìm trong nước, 15 cột ly tâm cỡ lớn bị gãy, 250 máy điện thoại bị hỏng… Vẫn là chưa lớn bằng Vũ Quang, Hương Sơn. Và cái câu: “Hương Sơn nặng nề lắm, xót xa lắm” thúc dục tôi đi về phía ấy.
Trước đó dăm ngày chị Nguyễn Thị Nga, giám đốc bưu điện Hương Sơn nằm mơ thấy lũ. Nước dâng nhanh và quét một cách kinh khủng, tàn bạo. Sáng ra, chị kể lại giấc mơ của mình. Mấy anh chị em trong cơ quan cười: “ Bà đúng là dân Sơn Thịnh. Lúc nào cũng giật mình lũ lụt”. Chị Nga bảo: “ Chẳng phải chuyện đùa. Tôi ít khi nằm mơ , mà đã mơ là y như có ai mách bảo. Không chủ quan được”. Nói rồi, chị thảo công văn gửi về 24 xã có điểm bưu điện văn hóa xã và các địa phương có bưu cục đóng, đề nghị chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ bưu điện trên địa bàn của mình khi có bão lũ xảy ra. Trưa ngày 19, nhìn những tảng mây đen vội vã bay ngược dòng sông Phố, chị gọi cán bộ, nhân viên đang trực lại: “ chuẩn bị chống lũ. Tất cả thường trực ở cơ quan sau giờ ăn trưa!”. Chị nhìn trời, nhìn mây rồi quay lại nhìn mấy cô gái mảnh khảnh cở cơ quan mình. Lực lượng mỏng quá. 1/3 quân số đang thi nâng bậc lương ở Thị Xã Hà Tĩnh. Đa số các cô ở nhà đang có con nhỏ, có gia đình riêng, có người còn mang bầu. Các cô gái thây chị quá lo xa lại bụm miệng cười: “ Đúng là chị dân Sơn Thịnh. Lúc nào cũng lụt”. Chị Nga nghiêm mặt: “ Mình ít người, trang thiết bị, công văn và thư báo phải được giữ tuyệt đối an toàn nên không ai được chủ quan”.
Quê chị ở Sơn Thịnh, một xã trù phú và có truyền thống văn hóa rất lâu năm nằm bên bờ tây sống Phố. Quãng sông này ngoằn ngoèo, đôi bờ đất bồi pha cát, lòng sông đổi dòng liên tục sau mỗi mùa mưa lũ. Do núi Nầm an tọa hai bên bờ sông nên khi có mưa lũ từ thượng nguồn về, nước dâng ứ cả vùng Sơn Bằng, Sơn Trung, tạo ra dòng chảy cực xiết, réo qua kẽ hở của hai ngọn núi Nầm thì dòng lũ túa ra, thoa thuê càn quét xóm làng vườn ruộng hai bên bờ sông như không có gì cản lại. Làng Thịnh của chị từ đứa trẻ nít tới cụ già trăm tuổi, ai cũng biết và cũng phải sống chung với lũ. Nhà bên sông, trăm nhà đều có chạn. Chạn là cái trần bằng gỗ lát kín trên đường hạ của vì kèo. Ngày hè nóng nực, chạn là trần chắn nóng, chắn bụi. Ngày mùa, chạn là nơi cất giữ bồ lúa chum khoai, ché cau vò lạc. Ngày lũ, chạn là chiếc phao của cả nhà, tất tật cuộc sống dã chiến trên đó, mặc cho lũ quét từ vườn sau ngõ trước, từ trong nhà ngoài sân. Lũ đi, nước rút, lại mò mẫm dọn dẹp đất bùn phù sa, lại trồng tiếp cây này cây nọ. Người dọc hai bờ hạ nguồn sông Ngàn Phố có kinh nghiệm: nếu mây đen kéo ngược lên ngàn thì sẽ có mưa. Mây càng dày càng đen thì mưa càng to. Mây đen bay theo chiều gió bấc ( hướng Tây – Nam) thì sẽ có lụt phía Hương Khê, mây đen bay theo gió Đông thì Ngàn Phố sẽ lụt. Chính chị đã nghiệm nhiều lần. Quy luật đất trời, kinh nghiệm dân gian, người khôn, chẳng thể nào bỏ ngoài tai được. Một loáng sau, đúng là chỉ một loáng, cả đất trời Hương Sơn tối sẫm trong mưa. Nước như thủng trời bục xuống. Nước như rồng cuốn biển lên.
Lực lượng thường trực của cơ quan có sự tiếp sức của những người đang nghỉ ca mà gia đình ở gần lao vào công việc phòng chống lũ khi cơn mưa bắt đầu. Cỗ máy phát điện 20 KVA đặt trong một căn phòng độc lập ở cách xa trụ sở. Bình thường ai cũng muốn dặt cho xa để khỏi ồn khi nó lên tiếng. Hôm nay, cả cơ quan chụm sức kích, bẩy, kéo, kê cả tiếng đồng hồ dưới mưa to gió lớn mới đưa được cỗ máy nặng mấy tạ lên tầng hai theo đường cầu thang. Máy nổ là sự sống, là trái tim của cả ngành, là sự chủ động mọi mặt. Mưa to gió lớn, điện lực sẽ cúp điện bất cứ lúc nào, mà hầu như mọi hoạt động của ngành đều bắt đầu từ điện. Đúng là hiện đại thì hãi điện, sợ điện. Có máy nổ thì không sợ gì nữa. Mọi tín hiệu hữu tuyến, viễn thông sẽ có. Khi chuyển xong được cỗ máy phát, nước mưa đã râm ráp thềm nhà, chị Nga ra lệnh mở tất cả tài liệu dự trữ, tháo các máy vi tính, điện báo, chuyển bưu kiện… từ tầng một lên tầng hai. Cả chục tủ đứng loại cao 2m chứa đầy ứ tài liệu, sổ sách, phải nhanh chân, nhanh tay lắm mới chạy kịp con nước dữ. Ba giờ đồng hồ sau kể từ khi mưa xối, những dòng lũ vàng ệch, trắng xóa bọt bèo, rác rưởi ầm ầm xô đến. Chớp mắt, thị trấn Phố Châu mênh mang nước. Bức tường xây bao quanh cơ quan bưu điện bị húc đổ cùng một lúc sáu chục mét chiều dài. Mọi người kinh hoàng chạy trốn lên tầng hai. Tiếng nước đuổi theo réo ầm ầm, a…a từ bốn phía ngỡ vó ngựa nghìn xưa của quân Mông Cổ. Cả khu nhà tầng như từ từ lún xuống đất bùn đang ngầu bọt sóng…
Đó là chị Nga kể lại, là khi bình tĩnh nhìn lại sự việc đã qua. Qua. Mà chưa qua. Qua cơn kinh hoàng, qua những ngày quyết liệt để cứu lấy tài sản, cứu lấy nghề nghiệp, cứu lấy bao nhiêu mạng sống của nhân dân. Nhưng khó khăn chồng chất chưa qua được, trái lại như chỉ mới bắt đầu. Ngổn ngang đổ nát. Bê bết đất bùn. Cái đói, cái khát, cái nghèo lại lù lù hiện ra. Tôi nhìn bảng liệt kê thiệt hại do lũ ở bưu điện Hương Sơn mà giật mình lên tưởng ao ước nhỏ nhoi của chị Hồng Hương Khê, anh Nghĩa Vũ Quang, của Chủ tịch Cung, Bí thư Khôi… về một lưới thông tin không dây nhợ trên bầu trời, để cho những lúc như thế này đây, không chỉ kinh doanh mà vì sự sống còn của hàng vạn con người và những sinh linh khác và tôi liên tưởng đến chuyến đi xuyên Việt vừa rồi, chẳng mấy nơi vắng bóng Vinaphone trên màn hình máy di động, nhiều đứa trẻ nít choai choai gọi nhau đi ăn kem cũng bằng thứ máy điện thoại cầm tay nho nhỏ xinh xin ấy mà thương những vùng quê nghèo khó, xa xôi đang hằng ngày vật lộn cùng cái chết để dành lấy sự sống bằng những phương tiện cổ sơ, chẳng phai cho một người mà cho hàng chục vạn người. Hơn ở đây hết chính tại tâm vùng lũ này người ta mới thấy sự cần thiết cho cuộc sống của điện thoại. Đâu phải là thứ xa xỉ phẩm để chơi sang.
Tôi muốn an ủi chị Nga một câu gì đó. Những tổn thất ngoài khả năng tính toán, ngoài khả năng chống đỡ của con người. Dù được báo mộng dù co kinh nghiệm, dù tất cả đã cố hết sức rồi thì chị và đồng nghiệp cũng chỉ cứu được những tài sản ở trong tầm tay, nghĩa là chỉ xung quanh trung tâm huyện. Dù có nhiều địa phương hết lòng giúp đỡ thì sự thiệt hại cũng không sao tránh được. Thiên tai mà. Vào ai nấy chịu. Xung quanh ta, có biết bao mạng sống, bao tài sản bị cướp đi. Lại phải bắt đầu từ đổ nát vậy.
Những viên bùn khô xắn vuông vức đang được sắp đống giữa sân, bên gốc vườn để chuyển đi. Bức tường đổ nát đã có người thầu xây lại. Những nhân viên bưu điện hối hả phục vụ khách hàng, hàng cứu trợ từ muôn nơi gửi về vùng rốn lũ. Tôi hỏi chị Nga: “Liên lạc trong mấy ngày đó ra sao?” “ Từ tỉnh về không gián đoạn một giây nào. Bưu điện huyện chỉ ngừng giao dịch một buổi chiều ngày 19. Sáng 20 vừa chống lũ, vừa phục vụ khách rồi”. “ Thế hiện nay?”. “ Hôm nay nữa là chục ngày anh nhỉ? Ngay trong những ngày lũ đó, theo đề nghị khẩn cấp của Bưu điện Hương Sơn và nhu cầu cấp bách của việc chỉ huy chống lũ, Bưu điện Hà Tĩnh đã cho lắp ngay trạm Vinaphone phủ sóng đa phần không gian của huyện. Sau 1 tuần, hơn 2000 máy điện thoại bị ngập nước, bị hư hỏng, (tức là 90% số máy có trên địa bàn) đã đươcn chúng tôi phục hồi. giờ đây tất cả đã đi vào hoạt động bình thường. Tuy vậy, đó chỉ là tạm thời, là dã chiến. Để trở lại được trước ngày 19 thì còn lâu”. Chị Nga lại thở dài, như hoài của. Như nuối tiếc. Đường xa gánh nặng đang đặt lên vai chị và đồng nghiệp, từ tờ báo, cuốn sách, cánh cửa, bờ tường, mảnh sân của 22 điểm bưu điện văn hóa xã, từ tuyến viến thông trung tâm đi Nầm, đi Sơn Diệm, đi Nước Sốt, đi Hàm – Trường bị lũ cuốn trôi, rồi hai chục km đường dây, 300 cột điện đi về các tuyến bị phá hủy… Không thể kêu trời. Lại nhìn vào mắt nhau, tay nắm tay mà phấn đấu, mà xây dựng lại. Và chẳng kịp bần thần trước cơn hoang nát, các chị lại bị cuốn vào cơn lũ thông tin, cơn lũ thư từ, hàng hóa từ khắp nơi gửi về vùng lũ chia sẻ, phần lớn đi qua bưu điện. “ Coi như chúng tôi đã thắng lũ, thắng trời. Tôi nghĩ, với trời cũng như với giặc, không bao giờ được chủ quan”. Tôi chia tay chị : “ Chị có một giấc mơ kỳ diệu, giấc mơ nghề nghiệp. Chẳng phải thần bào mộng mà đó chính là tâm của nghề nghiệp mách bảo. Đó là linh tính”.
Tháng 10/2002
  BQT
 
* Bài được Giải thưởng cuộc thi viết về ngành Bưu điện Hà Tĩnh năm 2002