Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

NGÀY XUÂN, ĐỌC THƠ XUÂN BÙI QUANG THANH

22:57, 29/12/2021bqtTrong mắt bạn đọc
(0 Đánh giá)
Võ Yến Ngọc

Võ Yến Ngọc

MÙA XUÂN
ĐỌC THƠ XUÂN BÙI QUANG THANH

 

Bùi Quang Thanh là một nghệ sĩ đa tài. Đến với thơ bằng cái duyên và sự đam mê, con đường thơ của ông là một hành trình không ngừng nghỉ. Sau gần nửa thế kỉ gắn bó với hoạt động sáng tạo, Bùi Quang Thanh đã chứng minh được tài năng, cá tính và sức sáng tạo bền bỉ trong dòng chảy chung của thi ca. Để đạt được điều đó, thi sĩ đã kiến tạo nên một thế giới nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân và đầy màu sắc. Đọc thơ Bùi Quang Thanh, người ta thường nghĩ ngay đến những hình ảnh đã tạo nên “thương hiệu” cho ông như người lính, Mẹ hay quê hương. Riêng tôi, trong cái không khí se se lạnh của những ngày sắp Tết, tôi lại nghĩ đến những bài thơ xuân của người thi sĩ ưa lãng du này.

Hướng đến cái đẹp là mục đích muôn đời của nghệ thuật. Trong lời tựa Trích diễm thi tập, Hoàng Đức Lương nhận xét: “Đến như văn thơ, thì lại là sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể đem mắt tầm thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được”. Thơ ca, thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của chính tác giả và người đọc bằng việc phản ánh và nâng tầm những cái đẹp vốn có trong thiên nhiên, trong cuộc sống bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Thơ xuân Bùi Quang Thanh đã làm được điều đó! Các bài thơ Mùa xuân đi chùa Hương, Đỏng đảnh giêng hai, Xuân Ba Vì, Ý xuân,… của thi sĩ xứ Nghệ đậm màu và đẫm tình. Bùi Quang Thanh đã gợi ấn tượng thị giác người đọc bằng việc sử dụng nhiều màu sắc. Tùy vào từng bối cảnh, nhà thơ lựa chọn cách pha, phối và kết hợp màu hay chọn khối màu duy nhất. Viết về mùa xuân, Bùi Quang Thanh ưa sử dụng những gam màu sáng, tươi cùng những hình ảnh đặc trưng mang tính “gọi mùa”. Trạng thái căng tràn sức sống của mùa xuân được Bùi Quang Thanh tối đa hóa bằng màu sắc và ngôn ngữ mang tính hình tượng:

“Một trời Hương Tích hoa gạo cháy

 Muôn đỉnh non Bồng lộc biếc tuôn”

 (Đường vào Hương Tích).

Ta hãy thử nhâm nhi một vài câu thơ để tận hưởng cái khí xuân đang len lỏi trong không gian và trong cả lòng người. Đó là mùa xuân thi vị của làng quê xứ Nghệ:

“Bờ sông cong vàng rỡ cải khoe bông

Em giặt áo nụ cười lồng sóng biếc

Môi hạt dưa chưa phai hương vị tết

Đã ríu ran khúc nhạc mùa màng”

(Đỏng đảnh giêng hai)

Xuân trong thơ Bùi Quang Thanh gắn với cái giản dị, thanh khiết nhưng “đỏng đảnh” ra giêng của đồng quê. Cái cách ông sử dụng từ láy để diễn tả trạng thái của trâu, của đất, của lúa nó mới “quê kiểng”, thân thuộc làm sao:

“Thong thả kéo cày trâu đủng đỉnh nhá cỏ non

Đất uể oải phơi lườn cong thiếu phụ

Lúa sau rét đỏng đảnh đòi sinh nở

Yếm tơ non hấp hé cuối chân đồng”

(Ý xuân)

Cũng có khi, ông cực tả sắc xuân hoang dại, gợi cảm của núi rừng Tây Bắc:

“Thoáng sông Đà dải bạc

Lửng lơ đôi mái chèo

Trắng hoa mơ hoa mận

Biếc mắt người trong veo”

(Xuân Ba Vì)

Những bức tranh xuân khiến người ta như say, như mê bởi cái xanh tươi mơn mởn của mạ non, màu vàng rỡ của hoa của nắng, sắc trắng tinh khôi hoa mơ hoa mận. Và đặc biệt, hình bóng người thiếu nữ luôn xuất hiện trong không gian ấy như một điểm nhấn rực rỡ. Nàng Xuân của Bùi Quang Thanh tuy không xiêm áo kiêu kỳ, không hào quang rực rỡ nhưng lại quyến rũ đến mức khó cưỡng. Đó là những cô thôn nữ, sơn nữ

ngọt ngào với đôi mắt trong veo cùng nụ cười tỏa nắng. Dung dị nhưng rạng rỡ, màu xuân, tình xuân nồng nàn trong các trang thơ ông!

Đến với thơ Bùi Quang Thanh, độc giả vốn đã quen với không gian mang tính huyền sử của vùng đất “địa linh nhân kiệt” cùng truyền thuyết đàn phượng hoàng chao liệng trên 99 đỉnh non Hồng, bên dưới là dòng Lam giang xanh biếc trong Huyền thoại núi Hồng, hay là Chân Tiên sơn thủy hữu tình, là chùa Hương Tích mờ ảo cùng nàng Diệu Thiện ôm nguyệt cầm cất tiếng hát khơi vơi trong Một thoáng chân tiên. Và nếu đọc thêm, hiểu thêm về thơ Bùi Quang Thanh, ắt hẳn, bạn đọc sẽ nhận ra rằng thơ ông không chỉ có vậy! Bên cạnh không khí linh thiêng, nhuốm màu sắc huyền sử, những trầm tích văn hóa ẩn đằng sau nếp sống, phong tục tập quán, những sinh hoạt văn hóa gắn bó gốc rễ với đời sống con người xứ Nghệ cũng được khắc họa một cách tự nhiên, chân thực và sinh động. Đọc mảng thơ viết về mùa xuân của ông, ta cảm thấy những nếp tập quán quen thuộc luôn ẩn hiện. Đó là phong tục trẩy hội chùa Hương vào mỗi độ xuân sang, trong khung cảnh: “Quanh co mấy dặm trời, non, nước/ Núi Oản, núi Xôi, núi chập chùng/…/ Trong làn sương mảnh như khói tỏa/ Thoảng chút hương canh lá sắng rừng”, hình ảnh “Thuyền con len lỏi rời bến Đục” (Mùa xuân đi chùa Hương) chở dòng người mang theo những mong ước đầu năm trở thành một truyền thống không thể thiếu trong văn hóa tín ngưỡng người dân xứ Nghệ. Cái tình, cái ý thấm đẫm trong cảnh sắc yên bình, thanh khiết:

Rẽ lối mùa xuân ta tới đây

Rừng mơ hoa trắng phủ thân gầy

Hình như có kẻ chờ… xuân chín

Quên cả nắng ngàn nhạt trời tây

(Mùa xuân đi chùa Hương)

Cuộc đời đã ưu ái tặng cho Bùi Quang Thanh nhiều trải nghiệm phong phú, nhưng tâm hồn không tuổi có được xuất phát tự bản thân nhà

thơ. Cả khi ở quãng xế chiều, tâm hồn ông vẫn cứ thênh thang với những cảm xúc đặc biệt như thuở đôi mươi. Giọng thơ ông tự nhiên, không hề gượng gạo để cố tạo sự “trẻ hóa”. Chính điều đó làm nên cái duyên thầm, duyên ngầm thơ Bùi Quang Thanh. Trong không khí thanh tân của mùa xuân, trái tim Bùi Quang Thanh rộn ràng nhịp đập. Tôi bỗng liên tưởng đến một chàng trai mới lớn vừa biết yêu:

Ai vội gì? Ai hỡi! Buổi xuân sang

Mây ngái ngủ cũng mơ màng trải bộ

Ta đủng đỉnh nhấm thời gian vô cớ

Mà bâng khuâng hạt sương vỡ môi người

(Đỏng đảnh giêng hai)

Cái không khí xuân nhẹ nhàng, trong trẻo nhưng lại mang hương vị tình yêu ấy len nhẹ vào trong tim người đọc, đánh thức những cảm xúc vốn dĩ ngủ quên. Nhân vật trữ tình (chính là nhà thơ) như đang “tự ngẫm” và “tự thú” trước độc giả cái trạng thái lâng lâng của tâm hồn đang bước chân vào cánh cửa tình yêu. Bùi Quang Thanh đã tự khai thác những rung động tế vi trong chính tâm hồn mình, thổi vào từng câu chữ để tạo nên những câu thơ có linh hồn, mang cảm xúc. Cảnh xuân mang một “sức mạnh thầm kín” đẩy con người vào trạng thái xao xuyến, ngẩn ngơ:

Ý xuân như muốn đem giăng mắc

Đem cái đa tình buộc kẻ dưng

Người ta nhẹ gót về phố thị

Để chút xuân quê đứng ngập ngừng

(Ý xuân)

Sâu trong cảnh xuân, ấy là tình xuân! Bùi Quang Thanh đã tạo nên một mùa xuân cho riêng mình bằng cái đẹp của ngôn từ, cái đẹp của lòng người. Mùa xuân, đọc thơ xuân Bùi Quang Thanh, ta như được sống lại những ngày xưa cũ - những ngày thanh thản, yên bình chốn quê hương:

Bên cửa sổ tàu chuối khô xào xạc

Chú nhện giăng tơ kéo kí ức trở về

(Tết nay)

Thơ Bùi Quang Thanh - đậm sâu trong lòng người đọc - có lẽ bởi vậy!

Sài Gòn, những ngày cuối năm 2021
VYN

 

 

Bùi Quang Thanh

 

XUÂN BA VÌ

 

Qua hòn Chông, hòn Chẹ

Vút Ba Vì cheo leo

Thoáng sông Đà dải bạc

Lửng lơ đôi mái chèo

Trắng hoa mơ hoa mận

Biếc mắt người trong veo

 

Rượu cần ủ trong trấu

Mây trắng say lưng đèo

Tầng ong treo dưới mái

Ngàn cánh hòa lời reo

“Ủn ti nô”* qua ngõ

Lua tua quả còn đeo?

Ôi Mị Nương! Chầm chậm

Trẩy hội Mường, anh theo.

                               1992

*Tiếng Mường: “Em đi đâu”

 

MÙA XUÂN ĐI CHÙA HƯƠNG

 

Thuyền con len lỏi rời bến Đục

Dòng trần chợt thoát buổi mờ sương

Cánh én bồng bềnh trên khe Yến

Chở khách đa tình tới Hương Sơn.

 

Quanh co mấy dặm trời, non, nước

Núi Oản, núi Xôi, núi chập chùng

Trăm voi chầu hướng về cửa Phật

Vết đao trừ nghịch máu còn phun.

 

Hút mắt đường lên nghìn bậc đá

Mượn thanh gậy trúc đỡ chồn chân

Trong làn sương mảnh như khói tỏa

Thoảng chút hương canh lá sắng rừng.

 

Ai tạc đá thành hoa quỳnh trắng

Thành đôi rắn quấn giữa vòm hang

Thành nàng Tô Thị bồng con đứng

Mắt dõi tìm chồng khắp thế gian.

 

Có phải từ ngàn xưa cha ông

Vác búa lên đây tạc non Bồng

Kéo cả đời thường lên cõi Phật

Bây giờ con cháu ngẩn ngơ trông?

 

Hay bởi ngày xưa buổi hồng hoang

Nơi đây thượng đế ngự ngai vàng

Hang sâu động thẳm là cung điện

Còn đó đền Trình, suối Giải Oan...

 

Lạ thế! Non trời chênh vênh đá

Bàn chân già trẻ nhẹ nhàng không

Tóc trắng vờn mây, mắt xanh biếc lá

Lòng quê thơm thảo nén hương trầm.

 

Rẽ lối mùa xuân ta tới đây

Rừng mơ hoa trắng phủ thân gầy

Hình như có kẻ chờ... xuân chín

Quên cả nắng ngàn nhạt trời tây.

 

Bạn giục ra về, lòng ngẩn ngơ

Làng xa rặng trúc xõa tóc chờ

Đò em đang đợi xuôi bến Đục

Về với cõi trần, chắc lại mơ...

Hà Tây, xuân 1993

 

Thành phố Hồ Chí Minh tháng 12/2021
VYN,