Thơ thiếu nhi của Nhà thơ Bùi Quang Thanh
và lời bình của Nhà thơ Vũ Bình Lục
Bài 1:
NẮNG ƠI!
Có một đôi Chuồn Kim
Rủ nhau ra bờ suối
Nhặt nắng vàng rơi vãi
Dát lên cánh cho nhau
Dòng suối xanh rì rào
Bọt nước tung lấp loáng…
Chợt cô nàng Mây Trắng
Tay áo che mặt trời
Đôi Chuồn Kim ngơ ngác:
Nắng đâu rồi? Nắng ơi!
Bùi Quang Thanh
Bạn biết không, Nhà thơ Bùi Quang Thanh là Nhà thơ sáng tác khá nhiều, khá đều, lại chăm chỉ cần cù như chú ong thợ. Thơ viết cho người lớn của chú Bùi Quang Thanh có giọng điệu riêng, đằm thắm trữ tình, sâu lắng lắm nha! Ngoài ra, chú ấy còn say sưa làm báo, viết bút ký văn học rất hay. Vậy mà chú ấy không quên dành thời gian làm thơ cho thiếu nhi từ nhiều năm nay, mà cũng không ít bài hay đâu nhé! Nắng ơi chính là bài thơ đầu tiên chú Bùi Quang Thanh viết cho thiếu nhi đấy! Bạn hãy xem Nhà thơ kể đây này:
"Có một đôi Chuồn Kim
Rủ nhau ra bờ suối"
Để làm gì đấy nhỉ? Thì ra đôi Chuồn Kim kia rủ nhau đi chơi, như một đôi bạn nhỏ thân thiết tung tẩy hồn nhiên bên bờ suối vắng, chỉ để chơi nhởi với nắng vàng tinh nghịch đấy thôi. Hãy xem kìa, đôi bạn Chuồn Kim ấy đang "Nhặt nắng vàng rơi vãi / Dát lên cánh cho nhau"…Hình như đôi bạn Chuồn Kim nhỏ nhắn xinh xinh đang đùa dỡn vô tư, chẳng cần biết xung quanh có ai đang theo dõi mình. Đôi bạn cứ mải mê nhặt nhạnh từng hạt nắng vàng rơi vãi khắp nơi bên bờ suối, rồi lại nghịch ngợm trêu đùa, đem những hạt nắng vàng ấy mà dát lên cánh cho nhau. Quả là rất hồn nhiên mà đẹp lung linh phải không các bạn? Như thế là Nhà thơ đã dùng cách sửa sang từ ngữ cho câu thơ đẹp thêm lên, khiến cho hình ảnh đôi bạn Chuồn Kim đang đùa dỡn với nắng vàng càng đẹp hơn, sống động hơn nhiều. Chưa hết đâu. Lại còn "dòng suối xanh rì rào" ca hát, "bọt nước tung lấp loáng" vờn bay...nữa. Thật là thơ mộng, tinh khôi.Bỗng nhiên:
"Chợt cô nàng Mây Trắng
Tay áo che mặt trời…"
Ơ kìa! Cái cô Mây Trắng này thật là vô duyên, tự nhiên lại dùng ống tay áo che mất nắng mặt trời khiến dòng suối bớt xanh, bọt nước thôi lấp lóa và cả những vảy vàng vừa dát lên cánh đôi bạn Chuồn Kim cũng vụt biến mất. Vậy là cuộc vui chơi với nắng của đôi bạn Chuồn Kim phải ngưng lại rồi. Không còn nắng thì làm sao mà chơi đây? Thế nên, đôi Chuồn Kim mới tỏ ra thất vọng, ngơ ngác gọi: "Nắng đâu rồi? Nắng ơi!..".
Chắc hẳn sau những tiếng gọi tha thiết ấy, cô nàng Mây Trắng tinh nghịch kia sẽ thu ống tay áo của mình về và đôi bạn Chuồn Kim đáng yêu kia lại tha hồ tung tăng với nắng.
Nhà thơ Vũ Bình Lục
Bài 2:
CÂY NGÔ
Oằn lưng bế lũ con thơ
Phấn rôm-nhờ gió thả hờ tóc nâu
Nào ngờ tóc hóa thành râu
Trăm ngàn răng sữa bọc sau áo dày
Đầu con dầu bạc phây phây
Thương yêu mẹ ẵm tới ngày thân khô
BÙI QUANG THANH
Các bạn sinh ra và lớn lên ở nhà quê thì có lẽ chả ai lạ gì cây ngô nữa. Các bạn ở trong Nam thì gọi cây ngô là cây bắp. Vậy thì ngô hay là bắp cũng là một thứ cây thuộc nhóm “ngũ cốc” phải không? Tuy nhiên, các bạn sống ở thành thị, nếu chưa trông thấy người nông dân trồng trỉa, có lẽ cũng chả mấy ai biết cây ngô trong thực tế nó như thế nào, mặc dù các bạn có thể cũng đã được ăn bắp ngô nướng của mấy chị bán ngô vỉa hè đông đúc người qua kẻ lại...
Nhà thơ Bùi Quang Thanh từng đã làm nhiều thơ cho thiếu nhi. Mà thơ viết cho thiếu nhi của nhà thơ Bùi Quang Thanh có nhiều bài rất hay, báo CHĂM HỌC, báo Nhi Đông, báo Thiếu niên tiền phong, báo Măng non... cũng đã giới thiệu với các bạn một số bài rồi đấy.
Cũng từ việc quan sát kỹ lưỡng cây ngô, từ trực quan thú vị ấy, một tứ thơ bất ngờ ùa đến và thế là tác giả đã có bài thơ CÂY NGÔ trên đây.
Tả cây ngô, nhưng ở đây nhà thơ lại dồn cả tâm trí vào việc tả tình cảm của cây ngô. Bạn hãy xem kìa:
"Oằn lưng bế lũ con thơ
Phấn rôm-nhờ gió thả hờ tóc nâu"
Đấy là tác giả chỉ tả khái quát vài nét về cây ngô thế thôi. Thường thì cây ngô vươn lên cao cùng với đội ngũ đông đúc của nó, rồi khi trưởng thành thì nó “đẻ” ra những đứa con, nhiều nhất thì cũng vài ba “đứa”. Những cái bắp ngô đu mình bám chặt vào thân cây, như những đứa con mà cây ngô “mẹ” rất mực yêu quý, bồng bế oằn cả lưng. Khi những bắp ngô lớn dần lên, cây ngô mẹ liền “rắc phấn rôm” lên mái tóc màu nâu của mấy đứa con. Tuy nhiên việc này thì mẹ ngô cũng chả tự tay làm được đâu. Thế thì làm thế nào? Thì phải nhờ đến người khác, đế bác gió nhẹ nhàng đem phấn rôm “thả hờ” lên mái “tóc nâu” của “bé ngô” chứ còn sao nữa.
Thật là những hình ảnh rất tinh tế và sinh động, phải không các bạn? Nhưng mà:
"Nào ngờ tóc biến thành râu
Trăm ngàn răng sữa bọc sau áo dày"
Thế là tả sự chuyển hóa từ sự bình thường sang sự bất thường, ít ra là ở cảm giác. Cũng là bắp ngô, nhưng là từ “tóc nâu” mà chuyển qua “râu” ngô, bất ngờ đấy, nhưng mà cũng hợp lý đấy. Lại còn “trăm ngàn răng sữa bọc sau áo dày” nữa chứ. Vẫn là một liên tưởng được chuyển nghĩa một cách khéo léo. Những hạt ngô được nhà thơ ví như những chiếc răng sữa, trắng nõn, được bọc trong nhiều lớp vỏ, thế thôi, nhưng bằng cảm nhận rất thi sĩ của mình, tác giả đã sáng tạo được một câu thơ rất hay, có phải không nào?...
Hai câu thơ cuối thì cảm xúc của tác giả lại chuyển sang một hướng khác:
"Đầu con dầu bạc phây phây
Thương yêu mẹ ẵm tới ngày thân khô"
Cây ngô ôm những bắp ngô, như những đứa con mình đứt ruột sinh ra, nuôi dưỡng nó từ “tấm bé” cho đến khi bắp ngô đã già, cây ngô mẹ cũng đã già úa, dù vậy trước sau vẫn một tình cảm ôm ấp yêu thương trìu mến. Viết về tình cảm mẹ con của cây ngô tinh tế như thế, nhà thơ chẳng phải đã đem đến cho chúng mình những cảm nhận sâu sắc về tình nghĩa bao la đẹp đẽ của loài người, chẳng phải vậy hay sao?
Nhà thơ Vũ Bình Lục