Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

NHÀ VĂN VIẾT CHUYỆN KINH DỊ...

22:43, 17/03/2021bqtTác phẩm báo chí
(0 Đánh giá)
Bùi Quang Thanh

    Nhà văn viết chuyện kinh dị

                gặp chuyện... kinh dị

 

Nữ nhà văn Nguyễn Diệu Linh (DiLi) – người đã ra mắt bạn đọc các tập truyện ngắn: Tầng thứ nhất, Điệu Valse địa ngục...và tiểu thuyết Trại hoa đỏ theo dòng văn trinh thám kinh dị - có một “tật” cố hữu là thích chu du, mạo hiểm, khám phá và nhìn ngắm thiên nhiên... một mình. Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, DiLi “chọn trinh thám kinh dị vì con người chị thích những chuyến phiêu lưu mạo hiểm. Khi không thể phiêu lưu ở ngoài đời, chị dấn thân vào trang sách”. Đã có lần DiLi một mình làm “Nam ba lô” mò sang tận Lào, Thái Lan và suýt cùng đường vì không có tiền kíp, tiền bạt để tiêu bên xứ người

 Tuy vậy, DiLi là người là người rất sợ ... cô đơn nên cuối tháng 8 vừa rồi, khi vô du lịch miền Trung, nữ “kinh dị sĩ” xinh đẹp đã liên lạc với một người bạn thân là nhà thơ (đang làm phận sự nhà báo) ở Đà Nẵng, nhờ anh chở đi ngắm đất- trời- sông- biển- phố-làng...đẹp như mơ.

Để tranh thủ DiLi làm người mẫu trước thiên nhiên phóng khoáng và thời tiết tuyệt vời của buổi đầu thu, thi sĩ họ Bùi vai khoác máy ảnh, tay dắt chiếc Yamaha ra sân. Nhìn cỗ máy Nikon D300 mới khự với cái ống kính dài ngoằng của nhà thơ, Di Li hỏi: “Ở Đà Nẵng có cướp giật không anh?”. “Không em ạ! Thành phố 5 không mà”. “Sao lại 5 không hả anh?” “Đà Nẵng tự hào có trật tự xã hội rất tốt. Người ta đặt ra chương trình Thành phố 5 không với các nội dung: Không có hộ đói/ Không có người mù chữ./ Không có người lang thang xin ăn./ Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng./ Không có giết người để cướp của”. DiLi cười: “Nhưng mà có đề cập  đến cướp giật đâu? Em sợ cướp giật lắm vì đã 2 lần em bị mất túi xách ở Hà Nội rồi, lại suýt tai nạn xe máy vì bị cướp nữa chứ. Anh cẩn thận với cái máy ảnh của anh đấy.” “Yên tâm đi! Bảy năm sống ở đây anh chưa lần nào được chứng kiến cảnh ấy. Chắc nó sợ nhà báo, hoặc nó thương nhà thơ.” DiLi tự tin: “Là em lo cái máy đắt tiền của anh thôi, còn em, nhà văn Trần Thanh Hà nhận xét là: "Di Li xử lý rất giỏi các vấn đề về kỹ thuật hình sự dù chị không phải là người trong nghề".

Dù những lời trấn an của nhà thơ có làm cho cô yên lòng, như chim từng bị bắn tên sợ cây cong, DiLi vẫn cẩn thận để chiếc túi xách tay vào quãng giữa người lái và mình. Hai lữ hành gia rời trung tâm thành phố, qua đường 3/2, rẽ lên cầu Thuận Phước để sang Sơn Trà, ngắm biển Tiên Sa và tham quan chùa Linh Ứng cùng những Bãi Rạng, Bãi Bụt, Ngũ Hành Sơn... Đường lên cầu Thuận Phước vừa cong vừa dốc, lúc ấy khoảng 13 giờ rưỡi, bên trái là vịnh Hải Vân nước phẳng như gương, núi đèo nhấp nhổm xa xa rõ là một bức tranh thủy mặc; bên phải là dòng Hàn Giang đang mùa nước bạc, tàu thuyền mắc cửi lại qua... Cảnh trời, cảnh nước, cảnh mây này, chỉ có ở đây là duy nhất. Thả hồn cùng phong cảnh, thi sĩ họ Bùi một tay điều khiển xe máy, một tay chỉ trỏ cho vị khách khoe cái sự đẹp “nơi đất ở” của mình. Chiếc Yamaha 110 phân khối cài số 2, thong thả trườn lên theo chiều vuốt ngược của dải cầu duyên dáng mà hoành tráng nhất miền Trung vắt qua cửa bể.

Đang say với cảnh, với...đời, chợt nhà thơ nghe có sự ngọ nguậy sau lưng rồi tiếng DiLi kêu “Ướ...ướ...” Ngoái sang bên trái, một chiếc xe máy có hai thằng người ngồi vù ga vượt lên. Nhà thơ hỏi: “Gì vậy? Chúng nó trêu em à?” DiLi hoảng hốt: “Không! Cái túi của em!” Kịp hiểu ra sự việc, một tay nhà thơ vù ga để đuổi, một tay gỡ máy ảnh đang đeo trên cổ bảo DiLi: “Em tê -lê ống kính lại chụp ngay hình chúng.” DiLi đỡ cái máy ảnh D300, loay hoay không biết sử dụng thế nào, cô la: “Trả máy cho anh đây! Em chụp máy của em”.  Nhìn về phía trước, giữa cầu, có mấy xe máy chạy cùng chiều, tốc độ cũng không nhanh lắm, nhà thơ bảo DiLi bình tĩnh bám chặt anh để đuổi, chuẩn bị máy ảnh mà bấm. DiLi tay lăm lăm chiếc máy du lịch Canon G11, miệng xuýt xoa: “Chứng minh nhân dân của em trong túi. Chiều nay em phải ra máy bay rồi. Nhanh lên anh.” Khi đuổi kịp những chiếc xe trước mặt mà cứ tin có bọn cướp trong đó thì cả nhà thơ và DiLi không tin mắt mình nữa: những người đó đang vừa đi vừa trò chuyện hồn nhiên, vui vẻ; những nhiếp ảnh gia dạo trên cầu vẫn đon đả chào mời khách lại qua. Mọi người như không ai biết có hai thằng cướp vừa gây án ngay trên chiếc cầu xinh đẹp, giữa thanh thiên bạch nhật. Càng không hề biết chúng sờ gáy ngay cả nhà báo và nhà văn. Phía bên kia cầu, tít tận ngã tư đường Ngô Quyền có đèn xanh đèn đỏ, con đường rộng thênh không có bóng dáng của chiếc xe kẻ cướp, cũng chẳng có xe nào khác ngược xuôi. Bọn cướp như có cánh bay đã biến tận đâu hoặc như Hà bá, đã lặn xuống sông Hàn, mất dạng. Nhà thơ như có lỗi với người đẹp, hỏi: “Có những gì trong túi vậy?” “Nhiều thứ. Nhưng cái chứng minh nhân dân là quan trọng nhất vì nếu không có nó là em không bay được chiều nay. Bố mẹ và con gái em đang từ Lăng Cô vào sân bay Đà Nẵng.” “Thế em còn giấy tờ gì có thể thay được chứng minh?” “Trong túi ấy, tất tật. May còn cái máy ảnh em đeo ở cổ thôi.”

 Để tìm một cơ may dù nhỏ nhoi, họ phóng xe dọc đường lên núi Sơn Trà, hy vọng bọn cướp chủ quan mà nán lại, hoặc chúng bị hỏng xe, bị ngã, hoặc lục túi lấy tiền nong rồi quẳng lại giấy tờ... Nhưng tất cả chẳng có gì, duy nhất để xác định chúng nó đã chạy cùng đường với mình là một gói bim bim còn nguyên chưa bóc quẳng giữa đường rừng vừa mới trải thảm, con đường nối cảng Tiên Sa với chùa Linh Ứng. DiLi xác định đó là gói bim bim trong túi xách của cô mà chúng quẳng lại giữa đường. Rồi rất từng trải, hoặc chợt nhớ ra mình là một nhà viết truyện trinh thám kinh dị, cô mỉm cười bảo nhà thơ: “Thôi! Dù sao đó cũng là kỷ niệm đáng nhớ của anh em mình. Giờ anh chở em sang chùa Linh Ứng xem bức tượng Phật cao nhất vùng, chụp cho em vài tấm hình bên biển Đà Nẵng rồi về giúp em cái giấy có thể lên được máy bay.” Cô cũng không quên nhắc nhở người bạn văn chương: “Đừng chủ quan nhé. Đà Nẵng cũng đáng sợ lắm đấy nhà thơ ơi!”

Và không hiểu vì lý do gì, mãi đến nay mặc cho người bạn của mình đề nghị DiLi cho biết những thứ đã mất trong túi để báo công an đặng tìm kiếm, truy lùng, nữ nhà văn vẫn không đáp ứng. Có thể cô đang nung nấu một cuộc dấn thân làm thám tử như những truyện trinh thám mà cô đã tưởng tượng ra.