NHỚ ÔNG GIÓNG
Bụi tre ngà ở lại
Ông Gióng bay về trời
Từ ấy chú ngựa sắt
ở chốn nào rong chơi?
Giữa vũ trụ bao la
Giát toàn vàng và bạc
Phải chòm sao sáng nhất
Làm bằng sắt? Ngựa ơi!
Khi giông bão đầy trời
Tiếng sấm là ngựa hí
Chớp giật - vó ngựa bay
Xé màn đêm huyền bí
Ông Gióng buồn cười thật
Chẳng một lời nhắn quê
Đất nước không còn giặc
Sao Ông chưa trở về?
Mẹ vẫn ngồi tựa cửa
Tre ngà cứ đâm măng
Nước mắt mẹ từng sọc
Trên thân tre óng vàng
BQT
Lời bình:
Truyền thuyết kể rằng thuở xa xưa ở làng Phù Đổng, nay thuộc huyện Gia Lâm ngoại thành Nội, có cậu bé tên Gióng đã ba tuổi mà vẫn chưa biết nói biết cười. Nhưng khi có giặc ngoài đến xâm lăng, sứ giả của nhà vua đến kêu gọi dân làng, rằng ai có tài thì mau mau ra giúp nước. Cậu Gióng bỗng nhiên biết nói biết cười, rồi bảo sứ giả về tâu vua đúc cho ngựa sắt, giáp sắt, roi sắt để đánh giặc. Cậu Gióng lớn nhanh như thổi, chẳng bao lâu thành một thanh niên khỏe mạnh, cao lớn, rồi cưỡi ngựa sắt xông ra đánh giặc. Roi sắt bị gẫy, Gióng liền nhổ bụi tre bên đường, tiếp tục xông lên đánh tan quân giặc Ân, cứu nước. Giặc tan rồi thì Thánh Gióng phi ngựa lên núi Sóc Sơn, cúi chào cha mẹ và quê hương, rồi bay thẳng lên trời...Từ bấy đến nay, nhân dân vẫn tưởng nhớ người anh hùng Thánh Gióng.
Nhớ Ông Gióng, nhà thơ Bùi Quang Thanh viết:
Bụi tre ngà ở lại
Ông Gióng bay về trời
Từ ấy chú ngựa sắt
ở chốn nào rong chơi?
Ông Gióng bay về trời rồi, nhưng bụi tre ngà với những tấm thân tre vàng óng kia thì vẫn ở lại với làng quê Phù Đổng. Còn chú ngựa sắt mà Thánh Gióng cưỡi bay đi, bây giờ chả biết là đang “rong chơi” ở nơi nào trên vũ trụ bao la, thăm thẳm...Thế rồi nhà thơ nhìn lên bầu trời, tưởng tượng ra nhiều thứ: Nào là những vì sao chi chít trên kia, toàn là dát những vàng những bạc long lanh, lấp lánh? Rồi thì chòm sao sáng nhất trên bầu trời kia, có lẽ cũng làm bằng sắt đấy chăng? Mà là hòn sắt đang cháy rực trong lò rèn của người thợ đúc ngựa sắt, giáp sắt và roi sắt ngày nào. Chưa hết! Lại còn những tiếng sấm, tiếng sét, mưa giông chớp giật, đấy có lẽ cũng là tiếng ngựa hý, tiếng vó ngựa phi giữa vũ trụ bao la và huyền bí đấy chăng? Thôi thì đủ cả. Tuy nhiên, vẫn có một điều mà tác giả vẫn còn thắc mắc, rằng từ bấy đến nay, Ông Gióng ở trên trời vẫn “chẳng một lời nhắn quê”, dù đất nước đã thanh bình: Đất nước không còn giặc / Sao Ông chưa trở về? Hỏi là hỏi thế thôi, chứ Ông Gióng dẫu không về nữa, nhưng vẫn được nhân dân ngày ngày tưởng nhớ, vẫn sống mãi trong lòng nhân dân, có phải không các bạn? Nhưng kìa: Mẹ vẫn ngồi tựa cửa / Tre ngà cứ đâm măng / Nước mắt mẹ từng sọc / Trên thân tre óng vàng...
Mẹ vẫn nhớ thương Thánh Gióng khôn nguôi. Mẹ chính là biểu tượng của tình mẫu tử, đồng thời cũng là biểu tượng của Nhân dân đấy! Nhân dân không bao giờ quên những người con ưu tú của mình đã quên thân mình, vì nước mà ra sức đánh giặc cứu nước...Và nước mắt mẹ đang chảy thành từng sọc, từng sọc trên những đốt tre ngà. Mẹ nhớ thương đứa con bé bỏng của mình đã vì dân, vì nước, mãi đi đánh đuổi giặc mà chưa trở về; cũng như những bà mẹ Việt Nam ngày nay nhớ thương bao anh hùng liệt sĩ ra trận bảo vệ Tổ quốc mà mãi mãi chưa về. Ông Gióng và các chú, các bác ấy vẫn sống mãi trong lòng Nhân dân đấy !...
Nhà thơ Vũ Bình Lục