Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

SỰ NHẬN THỨC, SUY TƯ QUA VẦN THƠ NGUỒN CỘI

14:26, 24/02/2021BQTTrong mắt bạn đọc
(0 Đánh giá)
Tôi lại được đọc thơ Bùi Quang Thanh, tập thứ hai : Hạt đắng. Bốn mươi hai bài thơ  trong tập, sau khi đọc rất kĩ tôi nảy ra ý nghĩ: đây là một sự nhận thức suy tư bằng những vần thơ nguồn cội

SỰ NHẬN THỨC, SUY TƯ QUA VẦN THƠ NGUỒN CỘI

 ( Cảm nghĩ khi đọc tập thơ “ Hạt Đắng” của Bùi Quang Thanh)

NXB Thanh niên-1997

        Tôi lại được đọc thơ Bùi Quang Thanh, tập thứ hai : Hạt đắng. Bốn mươi hai bài thơ  trong tập, sau khi đọc rất kĩ tôi nảy ra ý nghĩ: đây là một sự nhận thức suy tư bằng những vần thơ nguồn cội. Bùi Quang Thanh đã nhận thức cuộc sống, sự đời bằng sự từng trải lịch lãm, đã suy tư trước hiện thực quanh mình bằng ý thức trách nhiệm của người cầm bút. Thơ anh đề cập đến mọi bình diện cuộc sống từ rừng và biển, từ người đến vật, từ mặt đất đến vầng trăng….tất cả đều có sự đa mang duyên nợ trăn trở tình nghĩa…

        Sự nhận thức và suy tư của Bùi Quang Thanh đã có nét riêng. Anh hiểu sự vật từ bản chất, từ góc khuất để rồi có sự suy tư nhân hậu. khiến người đọc dễ đồng cảm với những đề tài quen thuộc, anh đã chịu suy nghĩ tìm tòi để không dễ dãi lặp lại người đi trước, viết trước. Viết về dòng sông thì :

“Dòng sông đi qua đời anh

Bồi thêm những điều mất mát

Dòng sông như là đời em

Đẩy kỷ niệm về xa lắc

 

Anh là khóm tre bên lở

Khát khao chút đất bên bồi...”

Viết về biển thì:

“Thiên hạ mê tiếng sóng khua dào dạt

Ít ai nghe điêp khúc dã tràng”

Còn khi nói với rừng anh đã thay lời thợ sơn tràng mà bày tỏ:

”Quê ta giờ có nhiều Thạch Sanh

Chẳng sống cùng gốc đa như trong truyền thuyết

Lưỡi rìu các ông làm bằng thép tốt

Không giết chúa mãng xà mà để chặt mầm non”

Khi lên với trăng,  với thằng Cuội, anh đã có một nhận thức thú vị:

“Nằm ôm gốc đa ngủ khì

Để trâu chạy rông  phá lúa

Đời dài mà vô nghĩa quá

Nên ai cũng gọi là thằng”

        Dù đi đến đâu viết về gì thì tâm thơ tình thơ của tác giả vẫn luôn hướng vào những vùng đất, những con người cả trong quá khứ chiến tranh và trong hiện tại hòa bình dựng xây đất nước. Mỗi bài thơ đều sâu nặng nghĩa tình thắm đượm tính nhân văn sâu sắc. Nghĩ về lịch sử, về Hồ Qúy Ly tác giả có câu thơ nhiều ý nghĩa:

“Sao nhà vưa không nhớ chuyện An Dương Vương

 Một ngựa một người nhào ra biển cả?

 Sao nhà vua không chạy vào lòng dân

 Để đất nước rơi vào tay giặc dữ?”

(Ở Thiên Cầm nhớ Hồ Quý Ly)

       Nghĩ về một thi sĩ lớn - thi sĩ Xuân Diệu, Bùi Quang Thanh viết thật tài hoa:

“Lời yêu níu nghẽn phím đàn

Bao nhiêu rặng liễu chịu tang một người”

        Và khi viết về Nguyễn Du đại thi hào dân tộc thì tác giả đã dành cả 14 câu thơ với những suy tư thâm thúy:

“Khói lên trời cứ bay

Lệ nàng Kiều vẫn nhỏ

Rượu tràn li ngoài phố

Mồ thi nhân thiếu hoa”

Với bao người thân thương quanh mình, Bùi Quang Thanh đều có những câu thơ chí tình rất nhân bản:

“Những hạt giống trái tim già ấp ủ

Con lỗi lầm để ẩm mốc, mẹ ơi”

(Hạt đắng)

Hoặc: “ Giọt lệ anh rơi vào lòng đất- Có ấm chỗ em nằm? Hà ơi!”( Hà ơi)

Và : “ Lính xe tăng trăm cuộc chiến  đi qua - Hóa ra những người mau nước mắt!” ( Đồng đội)

Và nữa : “ Đừng bắt em làm con cá con chim-  Chút bình yên cũng vật vã kiếm tiền” (Trả em về với biển thẳm trùng khơi)

       Là một người yêu say cuộc sống, Bùi Quang Thanh chăm đi và chăm viết. Anh đặt chân lên khắp vùng quê Hà Tĩnh, rồi vào Vĩnh Linh, vào Huế, vào đèo Hải Vân; anh ra Hà Nội, sang nước bạn Lào… Đâu đâu anh cũng có thơ, có nhận thức, có phát hiện và đặc biệt có suy tư, ngẫm nghĩ trước cảnh đời. Nhờ vậy thơ anh không thoát li cuộc sống. Không nhâm nhi thuyết luận về cái gọi là bé nhỏ của mình.

        Trong khi người ta đang thử nghiệm về cách diễn đạt thơ, nhiều người muốn xa cội nguồn, truyền thống thì Bùi Quang Thanh vẫn nhuần nhuyễn trong lối dễn đạt văn điệu đầy nhạc tính và những bài thơ lục bát của anh khá thành công, những bài thơ 4,5 chữ cũng rất hàm xúc và mượt mà.

       Theo tôi Bùi Quang Thanh chưa thành công trong các bài có vẻ triết lí (về ý), theo kiểu đường thi (về lời). Cả điểm mạnh và điểm yếu đang cần anh thấy được và khắc phục.

Hoàng Văn Hóa (Nhà thơ)