Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

THẤY GÌ QUA VỤ ÁN NĂM CAM

07:57, 02/06/2011BQTTác phẩm báo chí
(0 Đánh giá)
Vụ án Trương Văn Cam (tức Năm Cam) và đồng bọn,sau một thời gian dài được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, đến nay hồ sơ đã cơ bản hoàn thành. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố 156 bị can, trong đó có 20 bị can nguyên là cán bộ các cơ quan nhà nước, gồm 13 cán bộ công an, 4 cán bộ Viện kiểm sát nhân dân và 3 nhà báo
Một số tác phẩm báo chí của Nhà báo Bùi Quang Thanh
 
  THẤY GÌ QUA VỤ ÁN NĂM CAM *
 
 
 Vụ án Trương Văn Cam (tức Năm Cam) và đồng bọn, sau một thời gian dài được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, đến nay hồ sơ đã cơ bản hoàn thành. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố 156 bị can, trong đó có 20 bị can nguyên là cán bộ các cơ quan nhà nước, gồm 13 cán bộ công an, 4 cán bộ Viện kiểm sát nhân dân và 3 nhà báo. Đây là một vụ án điển hình với nhiều diễn biến phức tạp với nhiều tội danh bị truy tố, có mối liên hệ xã hội rộng lớn, có nhiều đối tượng tham gia, địa bàn hoạt động rộng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự xã hội.
 Năm Cam là một tên tội phạm có nhiều tiền án, tiền sự, 15 tuổi đã dám cầm dao đâm chết người (1962), đã từng bị đưa đi cải tạo, đã từng bị bắt giam, tại sao y có thể điều hành được những chức sắc quan trọng của nhà nước để bảo vệ cho hàng loạt hành vi tội ác của mình và đồng bọn như vậy? Xin thưa: vũ khí để y bắn hạ những mục tiêu ấy là tiền và gái. Với hai thứ ấy trong tay tên phù thủy, những đại nhân lừng danh trong quá khứ và hiện tại đã gục ngã và trở thành công cụ cho bọn bất lương hành nghề suốt hàng chục năm trời.
 Là một kẻ bụi bậm, giang hồ từ thuở thiếu thời, lăn lộn trong đống rác rưởi của xã hội đen thời Mỹ - ngụy, Trương Văn Cam đã thấy rõ sức cám dỗ ghê gớm của đồng tiền. Để có tiền, hắn đã tham gia các tổ chức cờ bạc chuyên nghiệp, đã từng giết người và bị chế độ cũ tống giam. Để có tiền, Năm Cam dùng mọi thủ đoạn tập hợp các băng nhóm là những tên có nhiều tiền án, tiền sự, hình thành các sòng bạc vơi quy mô lớn hoạt động khắp nơi. Từ chổ tay trắng, nhờ xảo trá và nham hiểm, Năm Cam đã dùng bụi trị bụi, khống chế từng phần, từng khu vực, từng lãnh địa, tạo ra tiền bằng bất cứ giá nào để rồi dùng tiền mua sức mạnh củng cố thế lực cho mình, dùng tiền triệt hạ đối phương giành độc quyền làm ông trùm xã hội đen ở Thành Phố Hồ Chí Minh, tiến tới lan tỏa uy quyền khắp cả nước. Viên đạn bọc vàng đầu tiên của Năm Cam bắn rụng hai nhà báo của hai tờ báo lớn: Hoàng Linh phóng viên báo Tuổi Trẻ và Võ Quang Thắng, phó ban Thư ký toà soạn báo Công an Thành Phố Hồ Chí Minh. Hoàng Linh là một nhà báo láu cá, lợi dụng nghề nghiệp để đe dọa, khống chế Năm Cam nhằm moi tiền làm ăn bất chính của tổ chức này. Từ năm 1989 đến khi bị bắt, Hoàng Linh nhận của Năm Cam tới 80 triệu đồng. Ngoài ra,số tiền Năm Cam bỏ ra để tiếp đãi bạn bè Linh rất nhiều lần và trong nhiều năm không thể nhớ hết. Lợi dụng danh nghĩa nhà báo ở một tờ báo có uy tín như báo Tuổi Trẻ, Hoàng Linh coi Năm Cam là con mồi để kiếm chác lợi nhuận, moi móc tin tức về các tổ chức tội phạm của Năm Cam nhưng chỉ để biết mà kiếm ăn cho mình. Dù biết rõ tính chất nghiêm trọng của hoạt động này với xã hội, Hoàng Linh vẫn cố tình làm ngơ như đã từng làm ngơ cho các tiêu cực cho Công ty cổ phần Epco buôn bán địa ốc trước đây để kiếm chác hàng trăm triệu đồng.
Với nhà báo Võ Quang Thắng, Phó Ban thư ký Toà soạn báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh, do tính chất nghề nghiệp, Võ Quang Thắng biết được nhiều thông tin về vi phạm pháp luật của Trương Văn Cam và đồng bọn. Lẽ ra Quang Thắng phải kết hợp với cơ quan chức năng đấu tranh làm rõ những vi phạm đó nhưng y lại lạm dụng chức vụ, quyền hạn để quan hệ với Năm Cam và một số đồng bọn của Năm Cam nhằm chiếm đoạt tiền và vật chất (Giá trị khoảng 150 triệu đồng).
Từ những hành vi trục lợi của những quan chức trong báo giới và một số kẻ đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật, Năm Cam với phương châm bất hủ “Những gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”, đã không ngần ngại cho tay chân của mình sờ đến tận móng vuốt của cơ quan bảo vệ pháp luật. Dương Minh Ngọc với chiếc lon thượng tá trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hồ Chí Minh, người đã từng được nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong cuộc chiến chống tội phạm của thời hòa bình và xây dựng đã bị ngã ngựa bởi những đồng tiền từ các sòng bạc, các vũ trường, các nhà hàng của Năm Cam. Từ quan hệ quen biết đơn thuần, Ngọc lọt vào tầm ngắm chiến lược của Trương Văn Cam bởi ảnh hưởng chức vụ và nghề nghiệp. Năm Cam thả dần từng đồng tiền ngọt ngào của mình để cùng Dương Minh Ngọc tiêu xài, ăn nhậu và vị anh hùng từng làm khiếp đảm giới giang hồ tung quậy giữa đô thành một thời đã há miệng mắc quai. Những đồng tiền ma quái của Năm Cam, dù không nhiều, không ồ ạt nhưng có sức siết chặt ghê gớm đã buộc Dương Minh Ngọc từ bỏ danh dự nghề nghiệp, danh hiệu cao quý của mình, phản bội lại lòng tin của Đảng, của đồng chí đồng đội và của nhân dân. Cùng với thủ đoạn đồng tiền đi trước, Trương Văn Cam và đồng bọn đã hạ Võ Văn Tâm nguyên đội trưởng đội chống tệ nạn xã hội thuộc Phòng Cảnh sát Công an thành phố Hồ Chí Minh, Lê Minh Hùng Đội trưởng đội Cảnh sát hình sự Công an Quận 8, Đặng Văn Hoãn nguyên phó Công an phường 13 Quận 8, hàng loạt cán bộ chiến sĩ ở Công an phường 12, phường 13 và đội cảnh sát hình sự Công an Quận 8...
 Chưa dừng ở đây, đồng tiền tội lỗi của Trương Văn Cam và đám thủ hạ còn men đến Trần Mai Hạnh, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa X, Bí thư Đảng ủy – Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội nhà báo Việt Nam; đến Phạm Sĩ Chiến, nguyên Phó viện trưởng Viện kiểm sát Tối cao, Hoàng Ngọc Nhất – Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Thập Nhất – Trưởng phòng kiểm sát giam giữ Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội, Nguyễn Bá Phong nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh... Những người quyền cao chức trọng đó mắc vào cái bẫy của Trương Văn Cam bằng nhiều cách. Có kẻ tham lam, chủ động tìm đến vòi vĩnh ăn chia như nhà báo Hoàng Linh, có kẻ bị mua trực tiếp như Dương Minh Ngọc, có kẻ vì tình quen biết mà bị mắc bẫy từ từ như Trần Mai Hạnh và Phạm Sĩ Chiến, có kẻ lợi dụng quen biết với cấp trên giúp đỡ Trương Văn Cam để ăn hối lộ như Nguyễn Thập Nhất. Mỗi người tìm về chốn mạt vận khác nhau nhưng tất cả họ đều có chung một căn bệnh: chết vì tiền hoặc vì gái...
Trước khi rơi vào bàn tay phù thủy của Năm Cam, đại tá Trịnh Nhu – Phó cục trưởng Cục Quản lý trại giam Bộ công an đã ăn phải trái cấm của một đôi vợ chồng là tù nhân trong trại giam mà lúc đó ông Nhu đang là trại trưởng. Thủy Té – cô con gái xinh đẹp non trẻ của cặp phạm đồ buôn bán ma túy kia lọt vào đôi mắt ...xếch của ông ta, đã tự nguyện dâng hiến đời con gái của mình cho người đang nắm vận mạng bố mẹ mình và cuộc tình vụng trộm ấy (có sự bày binh bố trận của một cao thủ trong giới giang hồ tên là Thành Chơn) đã để lại cho Thủy Té một hài nhi. Sợi dây tình đã siết kẻ đa tình – đa mang đầy quyền lực vào con đường phiêu lưu không giới hạn. Bắt được thông tin về mối tình ấy của ông trưởng trại giam sắp lên chức Phó Cục trưởng, Năm Cam đã tiếp cận và khống chế ông đại tá bằng cách dùng tiền để bảo lãnh đời sống cho mẹ con Thủy Té để ông Nhu rảnh tay với công việc và mong né tránh sự phiền toái của dư luận. Năm Cam đã không ngần ngại nói cho Trịnh Nhu biết những đồng tiền chia chác cho mẹ con Thủy Té là tiền thu từ những sòng bạc lậu. Đã trót ngồi lên lưng cọp, vị đại tá phải đành nắm lấy túm lông hùm và chính ông ta là một trong những mắt xích quan trọng trong đường dây chạy tội cho Năm Cam và đồng bọn sau này.
 Một trường hợp nữa là Thượng tá Công an Nguyễn Mạnh Trung, Phó phòng ĐTXH Công an Thành phố Hồ Chí Minh, từ chổ quen biết Năm Cam và đám thuộc hạ của y đến chỗ gần gũi “trên mức bình thường” với nữ quái Kim Anh, bồ của Năm Cam, một trong những chủ sòng bạc chuyên móc túi các con bạc bằng kế “mỹ nhân”. Cũng chỉ vì ăn phải bả độc ấy mà một sĩ quan được đào tạo cơ bản, chính quy, được đặt vào vị trí trọng trách của cơ quan điều tra xét hỏi Thành phố lại ngây thơ kết luận những điều có lợi cho bọn giết người để chúng nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật hoặc có cơ hội đào tẩu. Cay đắng hơn nữa, chính Nguyễn Mạnh Trung chứ không phải ai khác biết rất rõ thủ phạm giết đồng đội mình – chiến sĩ công an Phan Lê Sơn – là Thọ “đại úy” và đồng bọn nhưng vẫn cố tình bao che, tìm cách bỏ lọt kẻ trọng tội.
 Một tổ chức tội ác rộng lớn, đa dạng, liên quan mật thiết với nhau bởi một sự chỉ huy thống nhất từ trùm Năm Cam, lại được những vỏ bọc chắc chắn, nhiều tầng nhiều lớp của những kẻ nhân danh pháp luật, nhân danh nhà nước bảo kê để tồn tại trên chục năm trời? Bản thân Năm Cam từ chỗ một kẻ giết người, buôn lậu, cờ bạc có thể bỗng chốc trở thành cơ sở đặc tình của Công an, được tặng nhiều bằng khen của ngành Công an, trở thành bạn của các sếp Công an và hoạt động công khai các hành vi tội ác thì liệu ai còn dám nói? Kế bền gốc rễ của Năm Cam cũng thật kinh người.
 Thử nhìn lại vai trò của những quan chức mà Năm Cam đã dùng quỷ kế bắn rụng, xâu chuỗi quyền lực của họ lại mà xem, đường vào đường ra của một tên tội phạm đã được khai thông gần như tuyệt đối: Hoạt động phạm pháp ở địa bàn đã có công an phường và quận bảo kê. Nghiêm trọng hơn đã có đội trưởng cảnh sát hình sự Thành phố, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra Thành phố can thiệp; cần la làng đã có nhà báo, cần kháng nghị có Viện kiểm sát nhân dân kể cả cấp tối cao và rủi nếu bị bỏ tù thì Phó Cục trưởng Cục trại giam lo liệu... Một kẻ văn hóa chỉ đến lớp 5/12 đám xâu một nách hàng mấy chục quan chức nhà nước. Ghê gớm thay đồng tiền! Ghê gớm thay dục vọng! Và dư luận làm sao tránh khỏi băn khoăn về tư chất của một số người đang nắm trọng trách bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ nhân dân.
 Theo dõi diễn biến vụ án Năm Cam và đồng bọn, chúng ta thấy suốt quá trình hoạt động phạm pháp của mình, Năm Cam đã chọn rất đúng mục tiêu công kích để khống chế các cán bộ chủ chốt, đánh trúng các vị trí trọng yếu, hạ gục các nhân vật có bản lĩnh yếu. Vì vậy y và đồng bọn đã thành công ở hầu hết các chiến dịch. Có thể nói y chưa gặp một thất bại nào trong những việc mua chuộc, hối lộ, khống chế, vì vậy ngót chục năm trời chẳng có ai tố cáo y.
 Xét một cách khách quan, mưu mô thủ đoạn của bọn tội phạm Năm Cam cũng chỉ là một phần trong kết quả mà bọn chúng đạt được. Điều chính yếu là do sự mất cảnh giác, do tha hóa, do tham lam của những cán bộ chúng ta. Họ đã đánh mất phẩm chất cách mạng, xa rời quần chúng lao động, theo đòi mốt sống tư sản, và xét cho cùng, chính bản thân họ coi thường pháp luật quốc gia, và họ phải gánh chịu lấy hậu quả của mình như bất cứ một kẻ tội đồ nào khác. Đây là một bài học xương máu, đau xót cho Đảng và nhân dân ta. Những tổn thất dù lớn, chúng ta cũng có thể vơi nhẹ bớt nỗi đau khi cuối cùng, những ung nhọt cũng bị cắt bỏ để cho cơ thể bộ máy chuyên chính của Nhà nước trở lại lành mạnh, cường tráng. Hãy cảnh giác với cuộc chiến tranh không tiếng súng, cuộc chiến tranh chống lại sự cám dỗ của bản thân mình.
 Hà Nội, 7/2003
BQT
*Bài in trên báo Bảo vệ pháp luật (7/2003)