Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

THƠ THIẾU NHI CỦA BQT & Lời bình của Vũ Bình Lục

14:26, 04/11/2021bqtThơ
(0 Đánh giá)
Thơ thiếu nhi và Lời bình

 

THƠ VIẾT CHO THIẾU NHI CỦA BÙI QUANG THANH
VÀ LỜI BÌNH CỦA
Nhà thơ Vũ Bình Lục

 

NẮNG ƠI!

Có một đôi Chuồn Kim

Rủ nhau ra bờ suối

Nhặt nắng vàng rơi vãi

Dát lên cánh cho nhau

Dòng suối xanh rì rào

Bọt nước tung lấp loáng…

 

Chợt cô nàng Mây Trắng

Tay áo che mặt trời

Đôi Chuồn Kim ngơ ngác:

Nắng đâu rồi? Nắng ơi!

Bùi Quang Thanh

 

Lời bình: 

Bạn biết không, Nhà thơ Bùi Quang Thanh là Nhà thơ sáng tác khá nhiều, khá đều, lại chăm chỉ cần cù như chú ong thợ. Thơ viết cho người lớn của chú Bùi Quang Thanh có giọng điệu riêng, đằm thắm trữ tình, sâu lắng lắm nha! Ngoài ra, chú ấy còn say sưa làm báo, viết bút ký văn học rất hay. Vậy mà chú ấy không quên dành thời gian làm thơ cho thiếu nhi từ nhiều năm nay, mà cũng không ít bài hay đâu nhé! Nắng ơi chính là bài thơ đầu tiên chú Bùi Quang Thanh viết cho thiếu nhi đấy! Bạn hãy xem Nhà thơ kể đây này:

Có một đôi Chuồn Kim

Rủ nhau ra bờ suối

Để làm gì đấy nhỉ? Thì ra đôi Chuồn Kim kia rủ nhau đi chơi, như một đôi bạn nhỏ thân thiết tung tẩy hồn nhiên bên bờ suối vắng, chỉ để chơi nhởi với nắng vàng tinh nghịch đấy thôi. Hãy xem kìa, đôi bạn Chuồn Kim ấy đang Nhặt nắng vàng rơi vãi / Dát lên cánh cho nhau…Hình như đôi bạn Chuồn Kim nhỏ nhắn xinh xinh đang đùa dỡn vô tư, chẳng cần biết xung quanh có ai đang theo dõi mình. Đôi bạn cứ mải mê nhặt nhạnh từng hạt nắng vàng rơi vãi khắp nơi bên bờ suối, rồi lại nghịch ngợm trêu đùa, đem những hạt nắng vàng ấy mà dát lên cánh cho nhau. Quả là rất hồn nhiên mà đẹp lung linh phải không các bạn? Như thế là Nhà thơ đã dùng cách sửa sang từ ngữ cho câu thơ đẹp thêm lên, khiến cho hình ảnh đôi bạn Chuồn Kim đang đùa dỡn với nắng vàng càng đẹp hơn, sống động hơn nhiều, có phải không nào? Chưa hết đâu. Lại còn dòng suối xanh vẫn cứ vô tư rì rào hát ca không ngừng không nghỉ nữa, để phụ họa thêm thắt vào, tung lên vô vàn những bọt nước lấp loáng, làm cho cuộc vui chơi của đôi bạn Chuồn Kim càng thêm hấp dẫn mê hồn…Thế nhưng:

Chợt cô nàng Mây Trắng

Tay áo che mặt trời

 Vậy là cuộc vui chơi với nắng của đôi bạn Chuồn Kim phải ngưng lại rồi. Vì sao thế? Là bởi vì chợt có một cô nàng Mây Tắng bỗng dưng từ đâu tới, dùng tay áo che ánh mặt trời mất rồi. Không còn nắng thì làm sao mà chơi đây? Thế nên, đôi Chuồn Kim mới tỏ ra thất vọng, ngơ ngác như chẳng hiểu vì sao nữa. Tiếc quá đi mất, nên mới ngơ ngác hỏi và thiết tha gọi nắng: Nắng đâu rồi? Nắng ơi!...

 Nhà thơ Vũ Bình Lục

 

CHỔI LÔNG

Chị Chổi Đót mảnh mai

Quét nền nhà sân gạch

 

Bà Chổi Tre lếch thếch

Quét sạch ngõ sạch vườn

 

Cô Chổi Rơm thấp lùn

Nhận coi phần bếp núc

 

Còn Chổi Lông bé nhất

Quét cả ghế lẫn bàn

Đôi khi quá siêng năng

Kiêm luôn giường và tủ

 

Họ Chổi thích đứng ngủ

Chéo chân nơi góc tường

 

Chổi Lông vốn nhát gan

Thường chui vào ngăn kéo…

Bùi Quang Thanh

 

LỜI BÌNH

Đây là bài thơ tả họ hàng nhà chổi và công việc hàng ngày của chúng. Nhà ai cũng phải dùng đến chổi, do vậy, nhà ai cũng có chổi. Chổi được dùng hàng ngày để quét nhà, quét sân, quét ngõ, quét bếp, quét bàn ghế tủ tỉ...đủ thứ. Thế nên, họ hàng nhà chổi nghiễm nhiên trở thành những người bạn gần gũi trong gia đình, của mọi gia đình...

Này nhé, bạn hãy nghe nhà thơ Bùi Quang Thanh kể công việc của các loại chổi.

Chị chổi đót mảnh mai

Quét nền nhà sân gạch

Sao chị chổi Đót lại được ưu tiên thế nhỉ? Chổi Đót được làm bằng bông của những cây đót, rất mềm mại. Nhiều bông đót được người thợ đan cài vào nhau, làm thành cái chổi vừa xinh vừa mềm, nên được ưu tiên nhất đấy! Chị chỏi Đót mảnh mai, nên chị được phân công quét nền nhà, quét sân gạch thôi. Còn như:

Bà chổi tre lếch thếch

Quét sạch ngõ sạch vườn

Chổi tre được làm bằng những chiếc nan tre kết lại. Nan tre tuy thô nhưng mà lại rất cứng cáp. Bà chổi Tre nom thô kệch và lếch thếch lắm, không thể giao cái việc quét nhà quét sân cho bà chổi tre được đâu. Nhưng quét ngõ quét vườn thì không thể thiếu bà chổi tre được. Chổi nào việc nấy, không thể đổi chỗ cho nhau, nhưng chổi nào cũng rất quý. Lại còn cô chổi Rơm thấp lùn nữa chứ. Chổi Đót, Chổi Tre cán dài, chủ nhà đứng mà quét. Còn như Chổi Rơm thì được kết bằng rơm, ngắn thôi, lại chuyên đảm nhiệm công việc quét bếp. Thế là hợp tình hợp lý còn gì?

Còn chổi lông bé nhất

Quét cả ghế lẫn bàn

Đôi khi quá siêng năn
Kiêm cả giường lẫn tủ

Đấy, có ai nhàn rỗi đâu nào? Cả họ hàng nhà chổi, ai cũng có phần việc của người ấy, Chỉ riêng có chổi lông là dễ thương nhất thôi. Bé nhất trong nhà, nhưng mà chịu thương chịu khó siêng năng đáo để. Nào là phụ trách việc quét bàn quét ghế, rồi thì còn hăng hái quét cả giường cả tủ nữa, thật đáng khen có phải không nào? Đến cuối ngày thì cả nhà chổi cũng phải đi ngủ, nhưng mà ngủ đứng chứ chả phải ngủ nằm đâu nha! Lại còn đứng chéo chân mà ngủ nữa cơ! Chỉ riêng có chổi lông bé nhất, lại nhát gan, nên đôi khi nó cũng chui luôn vào ngăn kéo để ngủ cho đỡ sợ đấy! Chổi long sợ những bà chuột, gặp gì cũng gặm đấy...

Bài thơ kể chuyện về chổi, được nhà thơ khéo léo người hóa sự vật, khiến cho những vật vô tri vô giác bỗng trở nên có hồn, sống động và vui đáo để....

Nhà thơ Vũ Bình Lục

 

CUA KỀNH THỔI XÔI

 

Nép mình bờ ruộng thổi xôi

Tháng tư gom lửa đốt nồi cháy đen

Gió về hương lúa dâng lên

Tưởng xôi đã chín Kềnh liền mở vung

Đôi càng quờ mãi trên lưng

Mắt giương vẫy bạn đến cùng ăn xôi

 

Đồng làng ai cũng cơm sôi

Tám chiếc đũa gẫy cõng nồi xuống hang

Bùi Quang Thanh

 

LỜI BÌNH:
Nhà thơ Bùi Quang Thanh kể chuyện về loài cua đang sủi bọt đấy các bạn ạ! Đây là tả một chú cua lớn, có cái tên rất ngộ là cua KỀNH,  đang nhả ra một đám bọt, nom cứ như là chú cua đang thổi xôi vậy. Sao chú cua lại có cái “biệt danh” cua Kềnh thế nhỉ? Hóa ra là một chú cua lớn xác hơn các bạn cùng lứa, lại có vẻ chậm chạp, kềnh càng, nên mới có cái tên cua Kềnh đấy!...Hãy xem kìa, chú cua Kềnh đang:

Nép mình bờ ruộng thổi xôi

Tháng tư  gom lửa đốt nồi cháy đen

Có lẽ là do trời nắng quá, nóng quá, nên chú cua mới phải “nép mình” bên bờ ruộng để tránh cái nắng như đổ lửa. Rồi cua thở phì phò, phun ra liên tục những bọt nước cho mát cái lưng to phè, nom cứ y như là anh chàng đang thổi xôi vậy. Còn thêm cả cái nắng nóng như lửa, như thể góp thêm vào cái nóng, như thể có ý gom lửa đốt cho cái nồi (cái mai cua Kềnh) cháy đen… Ngộ quá phải không nào? Lại thêm:

Gió về hương lúa dâng lên

Tưởng xôi đã chín, Kềnh liền mở vung

Đôi càng quờ mãi trên lưng

Mắt giương vẫy bạn đến cùng ăn xôi

Thế là đã bớt cái nóng đi rồi, bởi đã có gió về, rồi hương lúa theo gió mà dâng lên ngào ngạt. Chắc là cua Kềnh vui lắm, nên chú ta “tưởng xôi đã chín”, liền mở vung ra, rồi sau đó vội vàng đưa đôi càng to tướng quờ quạng mãi trên lưng, lại còn giương đôi mắt lên, như đôi tay vẫy bạn bè đến cùng ăn xôi với mình cho vui…Hãy xem nữa kìa:

Xóm đồng ai cũng cơm sôi

Tám chiếc đũa gẫy cõng nồi xuống hang…

Hóa ra cả đồng, cả bãi, họ hàng nhà Cua đang nấu cơm hết; trên lưng ai cũng sì sụp một nồi xôi đang chin. Thế là chẳng mời được ai đến ăn xôi cùng mình, chú Kềnh khệnh khoạng khênh nồi cơm vừa nấu về hang.

Nhà thơ đã quan sát các động tác của chú cua Kềnh một cách kỹ lưỡng. Chú cua Kềnh thổi cơm đã được tả thật sống động, với những liên tưởng so sánh và nhân hóa rất hấp dẫn. Hãy xem kìa, chú cua Kềnh đang dùng tám chiếc ngoe, nom cứ như là tám chiếc đũa gẫy, đang từ từ cõng chiếc nồi cơm lui dần về cái hang được kiến trúc rất tinh vi. Nhà của cua Kềnh đấy các bạn ạ!...

Nhà thơ Vũ Bình Lục

 

NHỚ ÔNG GIÓNG

 

Bụi tre ngà ở lại

Ông Gióng bay về trời

Từ ấy chú ngựa sắt

ở chốn nào rong chơi?

 

Giữa vũ trụ bao la

Giát toàn vàng và bạc

Phải chòm sao sáng nhất

Làm bằng sắt? Ngựa ơi!

 

Khi giông bão đầy trời

Tiếng sấm là ngựa hí

Chớp giật - vó ngựa bay

Xé màn đêm huyền bí

 

Ông Gióng buồn cười thật

Chẳng một lời nhắn quê

Đất nước không còn giặc

Sao Ông chưa trở về?

 

Mẹ vẫn ngồi tựa cửa

Tre ngà cứ đâm măng

Nước mắt mẹ từng sọc

Trên thân tre óng vàng

Bùi Quang Thanh

 

Lời bình: 

Nếu bạn có dịp đến thăm làng Phù  Đổng, nay thuộc huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội, bạn chẳng thể không làm một việc rất quan trọng, đấy là vào thắp hương tưởng nhớ người anh hùng đánh giặc cứu nước là Thánh Gióng. Đền thờ Thánh Gióng tại làng Phù Đổng, chính là nơi Thánh Gióng đã được sinh ra, lớn lên, rồi đi đánh giặc cứu nước. Nhân dân tưởng nhớ công ơn đánh giặc cứu nước của cậu bé làng Gióng, tôn vinh là bậc thánh thần, nên gọi là Thánh Gióng, hoặc còn gọi là Phù Đổng Thiên Vương, tức ông Thánh nhà trời, rồi lập đền thờ người anh hùng bất tử ở chính nơi đây. Khu đền rất rộng rãi, nhiều cây xanh cổ thụ, nhà thờ rất cổ kính, trang nghiêm, quanh năm không bao giờ ngớt mùi thơm hương khói...

Truyền rằng có cậu bé đã ba tuổi mà vẫn chưa biết nói biết cười. Nhưng khi có giặc ngoài đến xâm lăng, sứ giả của nhà vua đến kêu gọi dân làng, rằng ai có tài thì mau mau ra giúp nước. Cậu Gióng bỗng nhiên biết nói biết cười, rồi bảo sứ giả về tâu vua đúc cho ngựa sắt, giáp sắt, roi sắt để đánh giặc. Cậu Gióng lớn nhanh như thổi, chẳng bao lâu thành một thanh niên khỏe mạnh, cao lớn, rồi cưỡi ngựa sắt xông ra đánh giặc. Roi sắt bị gẫy, Gióng liền nhổ bụi tre bên đường, tiếp tục xông lên đánh tan quân giặc Ân, cứu nước. Giặc tan rồi thì Thánh Gióng phi ngựa lên núi Sóc Sơn, cúi chào cha mẹ và quê hương, rồi bay thẳng lên trời...Từ bấy đến nay, nhân dân vẫn tưởng nhớ người anh hùng Thánh Gióng. Nhà thơ Bùi Quang Thanh thì viết:

Bụi tre ngà ở lại

Ông Gióng bay về trời

Từ ấy chú ngựa sắt

ở chốn nào rong chơi?

Ông Gióng bay về trời rồi, nhưng bụi tre ngà với những tấm thân tre vàng óng kia thì vẫn ở lại với làng quê Phù Đổng. Còn chú ngựa sắt mà Thánh Gióng cưỡi bay đi, bây giờ chả biết là đang “rong chơi” ở nơi nào trên vũ trụ bao la, thăm thẳm...Thế rồi nhà thơ nhìn lên bầu trời, tưởng tượng nhiều thứ lắm cơ! Nào là những vì sao chi chít trên kia, toàn là dát những vàng những bạc long lanh, lấp lánh? Rồi thì chòm sao sáng nhất trên bầu trời kia, có lẽ cũng làm bằng sắt đấy chăng? Chưa hết! Lại còn những tiếng sấm, tiếng sét, mưa giông chớp giật, đấy có lẽ cũng là tiếng ngựa hý, tiếng vó ngựa phi huyền bí của Thánh Gióng đấy chăng? Thôi thì đủ cả. Tuy nhiên, vẫn có một điều mà tác giả vẫn còn thắc mắc, rằng từ bấy đến nay, Ông Gióng ở trên trời vẫn “chẳng một lời nhắn quê”, dù đất nước đã thanh bình. Và đất nước bây giờ không còn giặc / Sao Ông Gióng chưa về”? Hỏi là hỏi thế thôi, chứ Ông Gióng dẫu không về nữa, nhưng vẫn được nhân dân ngày ngày tưởng nhớ, vẫn sống mãi trong lòng nhân dân, có phải không các bạn? Nhưng kìa:

Mẹ vẫn ngồi tựa cửa / Tre ngà cứ đâm măng / Nước mắt mẹ từng sọc / Trên thân tre óng vàng...

Mẹ vẫn nhớ thương Thánh Gióng khôn nguôi. Mẹ chính là biểu tượng của tình mẫu tử, đồng thời cũng là biểu tượng của Nhân dân đấy! Nhân dân không bao giờ quên những người con ưu tú của mình đã quên thân mình, vì nước mà ra sức đánh giặc cứu nước...Và nước mắt mẹ đang chảy thành từng sọc, từng sọc trên những đốt tre ngà. Thương nhớ đứa con bé bỏng của mình vì dân, vì nước, mãi đi đánh đuổi giặc  mà chưa trở về. Thánh Gióng vẫn còn lưu dấu tích, vẫn sống mãi trong lòng Nhân dân đấy !...

Nhà thơ Vũ Bình Lục

 

 

HỌC CHỮ

 

Gà trống học mỗi chữ “O”

Thế mà sáng sáng gáy to nhất làng

Dê con dịch cũng rất xoàng

Bờ..e” thì cứ hát tràn “Be...be”!

Bác trâu nằm dưới bóng tre

Hếch mồm cười nhạt:

“Ngờ...e...Nghé à”...

Bùi Quang Thanh

 

LỜI BÌNH: 

Điều này có thể là các bạn đã biết rồi đấy, nhưng cũng có thể là bạn cũng chưa biết đâu nhá! Xin “bật mí” một tý cho vui. Hiện có hai nhà thơ cùng tên, cùng bút danh là Bùi Quang Thanh, tuổi đời cũng sàn sàn như nhau, thường vẫn có thơ đăng đều đều trên các báo. Một nhà thơ Bùi Quang Thanh quê tỉnh Nam Định, PGS-Tiến sĩ, hiện công tác tại Viện nghiên cứu Văn hóa-Nghệ thuật. Một nhà thơ kiêm nhà báo Bùi Quang Thanh quê tỉnh Hà Tĩnh. Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Nam Định chủ yếu làm nghiên cứu và sáng tác thơ cho người lớn. Còn nhà thơ kiêm nhà báo Bùi Quang Thanh quê Hà Tĩnh, từng là chiến sĩ giải phóng quân, thì lại sáng tác khá nhiều bài thơ hay cho thiếu nhi. Đó chính là nhà thơ mà chúng ta đang nói tới đây, với bài thơ HỌC CHỮ rất hay đấy các bạn à!...

Ai kia đang học chữ đấy nhỉ? Này nhé:

Gà trống học mỗi chữ “O”

Thế mà sáng sáng gáy to nhất làng...

Hóa ra là anh chàng gà trống đấy! Suốt đời cái anh chàng gà trống này chỉ học có mỗi chữ “O” thôi. Chả biết có phải là anh ta lười biếng hay không? Nhưng có lẽ cái anh chàng gà trống này chỉ được giao nhiệm vụ báo sáng cho mọi người thức dậy đi làm, đi học đấy thôi. Thế nên anh ta chỉ học có mỗi chữ “O” và cảm thấy thế là đã đủ rồi chăng?. Chữ “O”, nếu cần thêm cái sự ngân nga một tý, thì anh chàng gà trống chỉ việc thêm vào mấy cái dấu để biểu hiện cảm xúc, ví như thêm dấu sắc, thêm dấu huyền nữa, thì sẽ là “Ó...Ò...O...chẳng hạn!...Mỗi sớm mai, chàng gà trông lại cất cao giọng hát “Ó...Ò...O”...Vui đáo để. Chỉ có thể thôi, nhưng anh chàng gà trống vẫn tự hào bảo rằng anh ta đã gáy to nhất làng đấy. Thế là đã cảm thấy đủ sung sướng mãn nguyện lắm rồi!...

Lại còn một chú Dê Con chuyên làm nghề “dịch thuật”, nhưng cậu Dê Con này lại “dịch” rất kém, “rất xoàng” nữa kia! Đây nhé: Chữ “Bờ...e” thì đúng là chữ “Be” rồi. Nếu như thêm dấu huyền vào, thì đọc là chữ “Bè”, như chữ Bạn bè chẳng hạn. Còn nếu thêm dấu sắc vào thì đọc là “Bé”, như chữ “Bé ngoan” chẳng hạn. Tuy nhiên chú bê con này vì là một “dịch giả” rất xoàng, nên cậu ta chỉ “dịch”, chỉ hát tràn có độc một chữ “be...be”...thôi!...Chả thấy có giọng điệu gì, âm sắc bổng trầm chi cả, nghe hơi chán, có phải không nào?...Nghe cậu dê con “dịch” chẳng ra đâu vào đâu, cho nên:

Bác trâu nằm dưới bóng tre

Hếc mồm cười nhạt:

“Ngờ...e...Nghé à”!...

HỌC CHỮ của nhà thơ Bùi Quang Thanh là một bài thơ vui. Giản dị thế thôi, nhưng mà phải để tâm lắng nghe “tiếng nói” của loài vật, đồng thời, phải yêu quý chúng lắm mới viết được bài thơ rất hồn nhiên như thế đấy các bạn à!...

Nhà thơ Vũ Bình Lục 

 

 

ĐẤT TRỜI BỖNG HÓA SẮC XUÂN

 

Mùa đông lạnh lẽo tràn về

Ếch Choai tìm nơi trú ẩn

Gấu Con ngủ vùi lông ấm

Vịt, Gà, Ngan, Ngỗng co ro

 

Mầm sen lặn tít đáy hồ,

Phượng hồng lẫn vào mây xám

Bao nhiêu lộc non hoa thắm

Cuộn tròn trong lá trong cây…

 

Ai cũng sợ rét thế này

Đất trời còn chi vẻ đẹp?

 

Cúc Vàng rỉ tai Thược Dược

Lay Ơn ngoéo dò Phong Lan

Đồng Tiền áo kép áo đơn

Ti Gôn dàn cao chúm chím

Dưới hồ những bông Súng Tím

« Hai ba! » cùng nở một lần
 

Mùa đông bỗng thành mùa xuân

 Bùi Quang Thanh

 

LỜI BÌNH
Bạn biết không, Nhà thơ Bùi Quang Thanh kể chuyện về các loài hoa và loài vật xung quanh chúng ta ở thời điểm giao mùa, từ cuối đông sang đầu xuân đấy. Mà cũng chỉ là những nhân vật bé nhỏ, rất dễ thương, gần gũi quen biết hàng ngày đấy thôi ! Hoa cũng thế, chẳng có gì xa lạ với chúng mình cả cả đâu...

Nhưng mà, mùa đông thì ai cũng sợ, có phải không nào ? Có khi rét lạnh đến tái tê ấy chứ ! Con người khôn ngoan hơn, có nhiều áo ấm còn vậy, huống chi là loài vật, cỏ cây ? Thế nên, khi  mùa đông lạnh lẽo tràn về, thì :

Ếch Choai tìm nơi trú ẩn

Gấu Con ngủ vùi lông ấm

Vịt, Gà, Ngan, Ngỗng co ro

Loài vật thì sợ hãi cái rét lạnh lẽo đến thế, nên chúng phải tự tìm cách chống rét, tự bảo vệ lấy thân thể yếu ớt của mình. Thế còn các loài hoa cỏ thì sao? Đây nhé:

Mầm sen lặn tít đáy hồ

HPhượng hồng lẫn vào mây xám

Bao nhiêu lộc non hoa thắm

Cuộn tròn trong lá trong cây…

Bởi vậy, nhà thơ mới tự hỏi, rằng: Ai cũng sợ rét thế này / Đất trời còn chi vẻ đẹp? Tuy nhiên, không hẳn chỉ là sự im lặng, sự co ro, sự lẩn trốn vào chính mình và trông cậy vào sự chở che của “người khác”. Các loài hoa vẫn thức, vẫn thì thầm “âm mưu” với nhau; chúng đang tự tìm lấy niềm vui, thao thức chờ mùa xuân ấm áp đang tiến đến dần. Bạn hãy xem kìa:

Cúc Vàng rỉ tai Thược Dược,

Lay Ơn nghoéo dò Phong lan

Đồng Tiền áo kép áo đơn

Ti Gôn dàn cao chúm chím…

Biết ngay đấy mà! Các loài hoa kia vẫn không muốn ngủ đông, trốn tránh cái rét thấu xương như các loài vật. Chúng vẫn thức, vẫn “rỉ tai” nhau, vẫn “ngoéo” tay nhau khúc khích, vẫn “chúm chím” cười duyên với nhau, với trời đất đang cựa mình như thể sắp sửa dãn nở ra từng phút từng giờ…Nhà thơ đã thật tài tình khi làm cho các loài vật cỏ cây hoa lá như có hồn, sống động tinh nghịch rất đáng yêu…Ơ kìa! Hãy nhìn xem đây này:

Dưới hồ những Bông Súng tím

“Hai ba” cùng nở một lần

Mùa đông bỗng thành mùa xuân…

 

Nhà thơ Vũ Bình Lục

 

 

CHÙM CHÌA KHÓA

 

Chiếc dẹt chiếc tròn

Chìa cao chìa thấp

Làm xong công việc

Lặn vào túi sâu

 

Chìa nào ổ nào

Cửa sau cửa trước

Của ai nấy dùng

Không chung nhau được

 

Ổ khóa nghiêm khắc

Chẳng vì thân quen

Chìa là mật mã

Gọi đúng, mở liền

 

Những chiếc chìa khóa

Líu ríu thành xâu

Làm xong nhiệm vụ

Lặn vào túi sâu..

 Bùi Quang Thanh

 

 

LỜI BÌNH

Bốn câu thơ mở đầu, nhà thơ giới thiệu khái quát về CHÙM CHÌA KHÓA.

Chiếc dẹt chiếc tròn

Chìa cao chìa thấp

Làm xong công việc

Lặn vào túi sâu

Rõ là một chùm chìa khóa, chứ chả phải là một chiếc đâu. Một chùm, nghĩa là ít nhất phải vài ba chiếc chìa khóa trở lên, vậy mới có chuyện chiếc này thì “dẹt”, chiếc kia thì “tròn”, cái này thì “cao”, cái kia lại “thấp”. Nhưng mà chúng lại cũng có sự khác nhau, chẳng những ở hình dáng, mà còn ở “công việc” của mỗi chiếc chìa, chả cái nào giống cái nào, phải không các bạn? Và đến khi “làm xong công việc” của mình rồi, thì tất cả đều cùng nhau “lặn vào túi sâu” cả…

Đoạn thơ tiếp đó, nhà thơ “kể” kỹ hơn, cụ thể hơn về từng chiếc chìa. “Chìa nào ổ nào / Cửa sau cửa trước / Của ai nấy dùng / Không chung nhau được”. Thêm nữa, chùm chìa khóa kia cũng “rất nghiêm khắc / Chẳng ngại thân quen” đâu nhá! Lý do cũng thật đơn giản, là bởi vì chìa khóa chính là “mật mã” riêng của mỗi chiếc khóa. Nếu như người chủ “gọi đúng” tên cái mật mã ấy, thì ổ khóa sẽ được “mở liền”, mở ngay tức khắc, cứ y như chàng A Li Ba Ba đọc thần chú “Vừng ơi mở cửa ra” trong thần thoại Ba Tư vậy…Thế đấy các bạn ạ! Nếu mở không đúng chìa, tức không đúng mật mã, đương nhiên sẽ không thể nào mở được…Thế rồi lũ chìa vui tính kia, mỗi khi chúng làm xong công việc quan trọng của mình, thì chúng lại “líu ríu” cùng nhau chui tọt vào cái túi sâu…

Tả chùm chìa khóa thật nhỏ bé, nhưng nhà thơ Bùi Quang Thanh đã khéo chuyển hóa những vật vô tri thành những chiếc chìa khóa có cả một câu chuyện bí mật riêng tư, nghe rất vui và cũng rất sống động, phải không các bạn?

Nhà thơ Vũ Bình Lục

 

 

CỖ MÁY TUỐT LÚA

 

Bành bạch bò ra góc ruộng

Dưới trời nắng đổ chang chang

Áo tơi lão trùm kín mặt

Cười rung cả cánh đồng làng

 

Rồi lão ngốn phăng tuồn tuột

Những gồi lúa trĩu vàng ươm

Cánh đồng chui qua bụng lão

Chia thành bì thóc đống rơm

 

Cả ngày ngốn bao nhiêu lúa

Đêm về bụng cứ rỗng không

Lão nằm đếm từng thửa ruộng

Và mơ…mai lại xuống đồng

Bùi Quang Thanh

 

LỜI BÌNH:

Đây là bài thơ tác giả Bùi Quang Thanh viết về một cỗ máy chuyên làm “nghề” tuốt lúa đấy các bạn ạ! Tất nhiên là một cỗ máy được chế tạo bằng sắt rồi. Làm bằng sắt thép, cho nên cái “lão” máy tuốt lúa này phải ăn bằng dầu, chứ nếu không được “ăn dầu” thì lão ấy cũng nghỉ khỏe luôn. Ăn no rồi thì lão máy tuốt này liền:

Bành bạch bò ra góc ruộng

Dưới trời nắng đổ chang chang

Áo tơi lão choàng kín mặt

Cười rung cả  cánh đồng làng

. Lão bò từ nhà ra đồng, miệng nhả khói và kêu lên “bành bạch, bành bạch…”, rồi lão dừng lại ngay góc ruộng, lại choàng thêm cái áo tơi che kín mặt nom mới ngộ chứ. Áo tơi của lão máy Tuốt lúa này khôn làm bằng lá cọ, lá tơi như của bà nông dân mà làm bằng tôn, bằng sắt. Lão trùm kín cái cơ thể lão để che nắng, che mưa và che cả bụi  rơm, bụi lúa bắn tung tóe ra ngoài, làm phiền toái đến người khác, nên lão mới phải cẩn thận như thế đấy. Thế cũng là một cử chỉ tốt, có phải không nào? Thế là lão thích thú cười rung cả cánh đồng làng...

Rồi lão ngốn phăng tuồn tuột

Những gồi lúa trĩu vàng ươm

Cánh đồng chui qua bụng lão

Biến thành bì thóc đống rơm

Thế có ghê không các bạn? Lão ngốn phăng tuốt tuồn tuột những gồi lúa chín vàng ươm. Hơn thế nữa, cả một cánh đồng lúa chín cũng lũ lượt rủ nhau chui quá cái bụng chẳng lấy gì làm to của lão. Thế mới là tài! Thế là cả một cánh đồng mênh mông những lúa vàng kia, dần dà rồi cũng bị lão máy xơi tuốt, biến cả cánh đồng bát ngát lúa thơm vàng óng thành ra những bì lúa và cả những đống rơm cứ mỗi lúc một cao dần lên giữa cánh đồng chang chang nắng. Suốt ngày nghe tiếng lão cười khanh khách...Thật là vui quá phải không các bạn? Ấy thế mà:

Cả ngày ngốn bao nhiêu lúa

Đêm về bụng cứ rỗng không

Lão nằm đếm từng thửa ruộng

Và mơ...mai lại xuống đồng

Hóa ra cái lão máy tuốt này chỉ đi làm thì lão mới “ăn dầu”, rồi ngốn sạch cả một cánh đồng lúa chín, nhưng  lão nuốt lúa vào rồi lão nhả ra thóc, ra rơm chứ lão có chén gì đâu. Cho nên khi đêm nằm nghỉ ở nhà cái bụng lão cứ rỗng không. Lão nằm im suy nghĩ đấy, xem rằng mình hôm nay đã làm việc cật lực như thế nào, xơi gọn được bao nhiêu ruộn lúa, rồi thì mơ ngày mai lại được xuống đồng làm việc tiếp theo bởi mùa gặt đang chờ đợi lão…

Tả một cỗ máy tuốt lúa, nhưng nhà thơ đã khéo sử dụng một biện pháp chuyển nghĩa tu từ thông dụng, ấy là làm cho vật vô tri trở nên có hồn người, mang những phẩm chất của người. Phải là nhà thơ hiểu biết về nông thôn, mới có được những quan sát và cảm nhận tinh tế như vậy, có đúng không nào?...

Nhà thơ Vũ Bình Lục

 

 

CÂY NGÔ

 

Oằn lưng bế lũ con thơ

Phấn rôm - nhờ gió thả hờ tóc nâu

Nào ngờ tóc hóa thành râu

Trăm ngàn răng sữa bọc sau áo dày

Đầu con dầu bạc phây phây

Thương yêu mẹ ẵm tới ngày thân khô

Bùi Quang Thanh

 

LỜI BÌNH:

Các bạn ở nhà quê thì có lẽ chả ai lạ gì cây ngô nữa. Các bạn ở trong Nam thì gọi cây ngô là cây bắp. Vậy thì ngô hay là bắp cũng là một thứ cây thuộc nhóm “ngũ cốc” phải không? Tuy nhiên, các bạn sống ở thành thị, nếu chưa trông thấy người nông dân trồng tỉa như thế nào, có lẽ cũng chả mấy ai biết cây ngô trong thực tế nó như thế nào, mặc dù các bạn có thể cũng đã được ăn bắp ngô nướng của mấy cô, mấy chị bán ngô vỉa hè đông đúc người qua kẻ lại...

Nhà thơ Bùi Quang Thanh từng đã làm nhiều thơ cho thiếu nhi. Mà thơ viết cho thiếu nhi của nhà thơ Bùi Quang Thanh có nhiều bài rất hay, cũng rất độc đáo mà gần gũi.

Từ việc quan sát kỹ lưỡng cây ngô, từ trực quan và sự liên tưởng, một tứ thơ bất ngờ ùa đến và thế là tác giả đã có bài thơ CÂY NGÔ rất hay.

Tả cây ngô, nhưng ở đây nhà thơ lại dồn cả tâm trí vào việc tả tình cảm của cây ngô. Bạn hãy xem kìa:

Oằn lưng bế lũ con thơ

Phấn rôm - nhờ gió thả hờ tóc nâu

Đấy là tác giả chỉ tả khái quát vài nét về cây ngô thế thôi. Thường thì cây ngô vươn lên cao cùng với đội ngũ đông đúc của nó, rồi khi trưởng thành thì nó “đẻ” ra những đứa con, nhiều nhất thì cũng vài ba “đứa”. Những cái bắp ngô đu mình bám chặt vào thân cây, như những đứa con mà cây ngô “mẹ” rất mực yêu quý. Khi những bắp ngô lớn lên, trên đầu chúng xuất hiện rnhiều sợi tóc, cây ngô mẹ “rắc phấn rôm” lên mái tóc màu nâu của những đứa con. Tuy nhiên việc này thì mẹ ngô cũng chả tự tay làm được đâu. Thế thì làm thế nào? Thì phải nhờ đến người khác, đế bác Gió nhẹ nhàng đem phấn rôm “thả hờ” lên mái “tóc nâu” của “bé ngô” chứ còn sao nữa.

Thật là những hình ảnh rất tinh tế và sinh động lắm, phải không các bạn? Nhưng mà:

Nào ngờ tóc biến thành râu

Trăm ngàn răng sữa bọc sau áo dày

Thế là tả sự chuyển hóa từ sự bình thường sang sự không bình thường, ít ra là ở cảm giác. Cũng là bắp ngô, nhưng là từ “tóc nâu” mà chuyển qua “râu” ngô, bất ngờ đấy, nhưng mà cũng hợp lý đấy. Lại còn “trăm ngàn răng sữa bọc sau áo dày” nữa chứ. Vẫn là một liên tưởng được chuyển nghĩa một cách khéo léo. Những hạt ngô được nhà thơ ví như những chiếc răng sữa, trắng nõn, được bọc trong nhiều lớp vỏ, thế thôi, nhưng bằng cảm nhận rất thi sĩ của mình, tác giả đã sáng tạo được một câu thơ rất hay, có phải không nào?...

Hai câu thơ cuối thì cảm xúc của tác giả lại chuyển sang một hướng khác:

Đầu con dầu bạc phây phây

Thương yêu mẹ ẵm tới ngày thân khô

Cây ngô ôm những bắp ngô, như những đứa con mình dứt ruột sinh ra, nuôi dưỡng nó từ “tấm bé” cho đến khi bắp ngô đã già, trước sau vẫn một tình cảm ôm ấp yêu thương trìu mến. Viết về tình cảm mẹ con của cây ngô tinh tế như thế, nhà thơ chẳng phải đã đem đến cho chúng mình những cảm nhận sâu sắc về tình nghĩa bao la đẹp đẽ của loài người, chẳng phải vậy hay sao?

 

Nhà thơ Vũ Bình Lục