Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

TÔN PHƯƠNG LAN

22:20, 29/03/2022bqtTrong mắt bạn đọc
(0 Đánh giá)
Đọc sách "VỀ CẨM XUYÊN"

về cẩm xuyên -

về miền thương nhớ

 

                                             tôn phương lan
                                                   (NHÀ VĂN, PGS - TS)


Cẩm Xuyên là nơi tôi sinh ra, lớn lên, đã sống những năm tuổi thơ và tuổi học trò mà kỷ niệm về gia đình, quê hương như một hành trang không thể thiếu trong cuộc đời mình. Tôi không thể quên cảm giác bỏng rát đôi chân trần khi gánh tấp đi qua bãi cồn Gò Cửa Nhượng vào trưa hè, không thể quên những cơn gió lào khô nóng thổi bạc cả ngọn lúa trên cánh đồng Cẩm Long khô cháy, không thể quên khi ngồi trên đò Cửa nhìn thấu suốt đáy sông thấy rõ từng mảnh vỏ sò, từng con cá nhỏ tung tăng... Chính vì thế, đón nhận tập thơ Về Cẩm Xuyên, tôi như được đón nhận một niềm vui lớn khi sống lại miền ký ức của một thời tuổi trẻ chưa xa và sôi trào tình cảm của một người con xa quê lâu nay vẫn nhớ về quê với nỗi lòng khắc khoải nhất là từ ngày dịch covid hoành hành... 

Về Cẩm Xuyên ra đời nhân kỷ niệm 180 năm danh xưng huyện nhà do Huyện ủy chỉ đạo và một nhóm, chủ yếu là nhà thơ Bùi Quang Thanh, tuyển chọn. Ban đầu, dự định ưu tiên cho những người Cẩm Xuyên viết về Cẩm Xuyên nhưng rồi giới hạn ấy đã mở rộng ra bởi Kẻ Gỗ khởi công và hoàn thành từ ngày xứ Nghệ cùng mang tên chung Nghệ Tĩnh. Cho nên, tập thơ có nhiều gương mặt các nhà thơ xứ Nghệ thành danh như Huy Cận, Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Vương Trọng, Thạch Quỳ, Phạm Ngọc Cảnh, Xuân Hoài, Dương Kỳ Anh, Lê Quốc Hán... ngoài các cây bút chuyên và không chuyên của vùng đất Cẩm Xuyên. Mở đầu sách là trích đoạn diễn ca Địa chí Cẩm xuyên của nhà cách mạng lão thành Dương Xuân Thâu, viết theo lối ví dặm, đã cung cấp cho người đọc một cái nhìn sơ bộ về địa lý, lịch sử huyện nhà như: núi, sông, kênh, hói, bàu, hồ, đường, đồng, danh nhân, đạo, nghề, chợ, và tiếp theo là nội dung chính gồm Người về Kẻ Gỗ, Thiên Cầm ca, Vui chung. Là một huyện nghèo trong một tỉnh nghèo nhưng qua tập thơ, đất và người Cẩm Xuyên vẫn gây được những dấu ấn riêng nếu đặt trong văn hóa xứ Nghệ nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Từ sau chiến tranh, đặc biệt từ thời kỳ đổi mới rất nhiều người đã biết Hà Tĩnh có một Cẩm Xuyên vì đây là quê hương của Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập với khu lưu niệm đẹp, vì có hồ Kẻ Gỗ nổi lên như một điểm nóng về thủy lợi và bãi tắm Thiên Cầm như một điểm nhấn về du lịch. Cho đến giờ, các bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh vẫn vang lên trong các cuộc liên hoan, những phòng karaoke ở nhiều miền đất nước thể hiện niềm tự hào của không chỉ người huyện Cẩm: qua những giai điệu trữ tình vùng đất khắc nghiệt lâu nay ngủ yên vì nghèo đói này giờ đã được đánh thức. Mùa hè, những dòng xe con, xe khách đổ về Thiên Cầm mang theo nỗi háo hức được nghỉ ngơi thư giãn của bao gia đình, cơ quan đã mang lại cho các cung đường, làng quê ở đây một sắc diện mới. 

Khởi công vào những năm cuối thập niên bảy mươi, công trường Kẻ Gỗ mở ra đã hút về đây không chỉ là nhân tài vật lực của quốc gia mà còn là cảm xúc của biết bao văn nghệ sỹ. Thơ về hồ Kẻ Gỗ - mà phần nhiều là của các nhà thơ xứ Nghệ chiếm một phần quan trọng -  được đặt lên phần đầu trong tập Về Cẩm Xuyên cũng là vì lẽ đó. 22 bài thơ được chọn ra trong số những bài thơ viết về Kẻ Gỗ đã vẽ nên những hình ảnh tương phản trước và sau khi sẽ có đập trữ nước về mùa mưa, để chia nước về mùa hạn, chấm dứt những ngày đồng khô khát, hoặc ngập lụt, đã cho thấy khát vọng được đổi đời, đổi thay cuộc sống của người dân. Nhà thơ - nhà giáo Xuân Hoài vốn có những năm tháng gắn bó sâu nặng với Cẩm Xuyên có lẽ là người làm thơ chuyên nghiệp thấu hiểu rõ những “ưu đãi” mà thiên nhiên ban tặng nơi đây khi “mùa hè không môt giọt mưa rơi”, “Đất rắn lại nứt ra như đá ghép” “màu cỏ khô bạc trắng đến chân trời(Nước hồ Kẻ Gỗ); với nhà thơ Thạch Quỳ đã từng “hiểu mình như hiểu lúa” thì ông biết những cơn mưa sau khi bào sườn núi “trơ lại sỏi, trơ lại gốc sim giữa đá gan gà”, dòng nước ào ạt đã không chỉ “xô nhà và xô cửa” mà còn “Xô chân người dạt khỏi đất quê hương”; với Trần Vũ Thìn “Nắng như thể nung trời nung đất /Thương mẹ cha suốt cuộc đời gieo hạt /Chỉ gặt được nỗi buồn trong rơm rạ xác xơ”...thì cũng để hiểu hơn niềm vui của những tấm lòng thơ thể hiện trong Về Cẩm Xuyên hân hoan trước cảnh tấp nập của công trường thủy lợi khi nhìn thấy “những dòng người như sóng triều lên”, khi nghe thấy tiếng máy nổ, tiếng mìn phá đá rền vang để rồi có một Kẻ Gỗ không chỉ đem lại màu xanh cho mùa màng, cây cối, cái mát của cho dòng mương, cái ấm áp của ngọn khói lam trên mái nhà khi chiều xuống mà còn là điểm du lịch khi ở đây trời nước, thiên nhiên hài hòa, thơ mộng, có nhà thờ Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đặt trên một hòn đảo giữa hồ cũng mang tên ông, cách đây ít lâu đã có cầu nối đảo với đất liền. Âm vang Kẻ Gỗ - bút ký thơ của Minh Huệ,  Em nghĩ gì về Kẻ Gỗ của Thanh Minh, Tiếng cuốc chim của Trần Hữu Thung, Trưa công trường Kẻ Gỗ của Vương Trọng... đã thể hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau về công trường Kẻ Gỗ từ những cách nhìn cách cảm khác nhau. Hơn ai hết, những nhà thơ xứ Nghệ đã thật sự xúc động trước sự rộn rã của công trường và hình dung ra những đổi thay của vùng đất. Ở một khía cạnh khác nhà thơ quân đội Phạm Ngọc Cảnh từng vào sinh ra tử ở chiến trường miền Nam trong chiến tranh đã coi việc tham gia xây dựng công trường này như một cuộc chiến chống đói nghèo và tinh thần Phan Đình Giót là một tiếp sức cho những người điểm hỏa vào “lô cốt” đó: Thương đất Cẩm Xuyên vẫn nghèo, thương đất Cẩm Xuyên mùa gió cát / Lửa bén vàng tre pheo ...Điểm hỏa này cồn cào trước ngực / Nghe gọi đúng tên mình /Tôi lên”.

Để có một công trình Kẻ Gỗ hôm nay, Cẩm Xuyên đã tiếp tục và nối dài truyền thống của mảnh đất cách mạng và hiếu học. Về Cẩm xuyên ca ngợi khí phách của những người có công với quê hương như thượng tướng Nguyễn Biên, ông Văn Hiền, Bà Hoàng Càn, vinh danh những nhà cách mạng ưu tú như Hà Huy Tập, Nguyễn Đình Liễn, Trần Hữu Dương... cùng những liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh giữ nước vừa qua như Phan Đình Giót, Hoàng Thượng Lân, Nguyễn Quốc Văn, Bùi Đức Duyên cùng nhiều liệt sỹ không nêu tên khác, và những người mẹ, người vợ đã lặng thầm chịu đựng mất mát khi những người thân yêu của mình ra đi bảo vệ Tổ quốc đã không trở về... Vui chung còn là tiếng lòng của những người bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng coi việc làm thơ như một trải lòng không chỉ với Đảng, với quê hương, người thân, bè bạn mà còn là với bản thân khi đã nghỉ hưu như thơ của các cụ Trần Hữu Chương, Dương Xuân Thâu... là lòng biết ơn cũng như nỗi tự hào của những người dân đối với tiền nhân. Truyền thống bất khuất trước kẻ thù, lòng tự tin trước khả năng vượt qua những khó khăn, thử thách, biết chắt chiu từ hạt lúa củ khoai mà lớn dậy, rồi tình làng nghĩa xóm, tình thầy trò...đ ược các thế hệ tiếp tục và làm nên sức bật trẻ trong xây dựng quê nhà nông thôn mới trong thơ, đã đưa lại cảm hứng tích cực cho người đọc. Chung đặc điểm như mọi làng quê khác ở miền Trung Cát trắng liền mây trắng /Lấp lóa tận chân trời/ Đào đất như chặt sắt/ Lửa tóe khét sườn đồi (Vương Trọng) nhưng người Cẩm Xuyên đã tìm cách vượt lên. Hiếu học đã giúp người Nghệ thoát nghèo, không chỉ là để lập nghiệp cho bản thân ở những miền quê khác mà học còn để đem kiến thức về xây dựng quê hương, biến miền đất cằn đá sỏi Cẩm Xuyên đẹp cả trong miền ký ức Kẻ Gỗ ai người lên / Thiên Cầm ai người xuống/ Thuyền câu về Cửa Nhượng/ Cá mùa này được không? An lạc chiều thinh không / Tiếng chuông chùa rơi ngọt / Lặn vào dòng nước mát / Đắm hồn người thanh cao (Nguyễn Văn Hoan) và đẹp giàu trong thực trạng hôm nay Quê mình chen mọc nhà tầng /Nông dân cưỡi ô tô to nhỏ / Máy cày, gặt, xay xát lúa / Trâu bò đủng đỉnh rong chơi / Sức máy thay sức người / Đồng làng cò bay mỏi cánh/ Đường nhựa bê tông vào từng ngõ hẻm... (Nguyễn Xuân Hường). Vui chung là mảng thơ đặc sắc hội tụ được phần nào nét đẹp văn hóa trong cuộc sống và con người vùng đất Cẩm Xuyên. Người đọc tìm thấy ở đây lòng tự tin, tự hào và bản lĩnh, cá tính của những con người Bàn tay ta làm nên tất cả / Có sức người sỏi đá cũng thành cơm (thơ Hoàng Trung Thông).

3. Biển Thiên Cầm trở thành một nguồn cảm hứng bất tận cho những ai từng đến đó, đã sống ở đó, hòa chung vào cảm hứng về những nét đẹp khác của người và đất Cẩm Xuyên. Thơ viết về Thiên Cầm thể hiện được sự phóng khoáng của trời biển, của nắng gió, sôi động của sóng, nét trữ tình của núi sông lại như được lọc qua tâm trạng “không yên” nên đa dạng về cách thể hiện, phong phú về cách nhìn. Với Lê Cảnh Nhạc, Nguyễn Tiến Bính, Nguyễn Văn Hùng, Minh Nho, Yến Thanh, Nguyễn Trọng Bính, Dương Kỳ Anh, Lê Quốc Hán và các cây bút khác, Thiên Cầm hiện ra là vậy; hơn thế, đó còn là nơi hội tụ linh khí thiêng liêng của mảnh đất và con người Cẩm Xuyên. Vẻ đẹp của bãi biển đã chắp thêm cánh cho những tâm hồn lãng mạn khi được gắn cùng huyền thoại về hang Hồ Quý Ly lịch sử, về tiếng đàn réo rắt, du dương mà vua cảm nhận được nhân một lần công cán qua đây. Tên gọi “Thiên Cầm” là nơi vua Hồ Quý Ly bị bắt hay là nơi có tiếng đàn trời? Có một hang Hồ Quý Ly nhưng nào đã ai xuống đó một lần dẫu tên hang tồn tại đã hàng trăm năm nay! Điệu nhạc vua nghe lần ấy liệu có thực không hay chính là tiếng gió, tiếng sóng trên một cảnh trí thiên nhiên quá đẹp đã đánh thức trí tưởng của một nhà vua có tâm hồn thi sĩ? Có lẽ không cần giải đáp đến tận cùng mà hãy để cho những ai chưa đến Thiên Cầm sẽ tìm đến đó và những ai đã đến, sẽ tìm trở lại...

Thiên Cầm không chỉ đến với người làm thơ bởi cảnh sắc thiên nhiên, mà những người dân làng chài và cuộc sống thường ngày của họ trong lao động, cũng gợi lên nhiều cảm hứng (Vá lưới của Dương Đình Hy, Hoa xoan nở của Lê Xuân Dụ, Chiều Cửa Nhượng của Bùi Quang Thanh...) Đặc sắc nhất trong Về Cẩm Xuyên, tôi nghĩ là mảng thơ trữ tình. Cảm xúc có thể đến trên công trường xây dựng hồ Kẻ Gỗ, có thể đến bất chợt giữa những người bạn cùng quê, nhưng nhiều nhất là khi con người ta hòa mình vào thiên nhiên, một thiên nhiên rất thơ mộng như vùng biển Thiên Cầm, hồ Kẻ Gỗ. Điều này được thể hiện rất rõ trong thơ của các nhà thơ chuyên và không chuyên in trong tập.

Về Cẩm Xuyên là tiếng lòng của nhiều thế hệ có gắn bó với đất và người Cẩm Xuyên. Đó không những là hiệu ứng từ những sự kiện lớn, là cảm xúc trước các nhân vật và địa danh lịch sử mà trước tiên là cảm xúc đối với những con người nơi mình sinh ra, lớn lên, là nơi mình đang sống hoặc có ở đó những kỷ niệm “máu thịt”. Cho nên sự khác nhau về cách chọn tứ thơ, giọng thơ, đề tài... thể hiện được phong thái, tuổi tác và cảm xúc trong tập khá rõ. Có những bài thơ ra đời cách đây tám chín mươi năm như Gửi nàng của Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, ra đời trước cách mạng như Khóc em Dương của Trần Hữu Chương, nhiều bài ra đời trong kháng chiến chống Pháp như của Trần Hữu Thưởng, Hoàng Trung Anh, Hoàng Nguyên Kỳ nhưng cũng có những bài mới được viết gần đây trong dịp chống dịch covid như Mai con về, mẹ nhớ đợi chờ con của Cát Lan. Tôi cho rằng viết dí dỏm được như Lại Huyền Châu trong Bao nhiêu là cá Thiên Cầm quê em là phải nắm được văn hóa dân gian trong ngôn từ xứ Nghệ cũng như thông hiểu tên các loài cá. Thật không khó để nhận ra thơ của lớp trẻ mang đậm cảm xúc trẻ trung, hồn nhiên của thế hệ mình.

4. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã từng trả lời phỏng vấn một tờ báo lớn ở Colombia rằng “Thơ ca không làm ra lúa vàng gạo trắng nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”. Về Cẩm Xuyên, vì thế, tôi nghĩ, là lời chào, cũng là lời mời gọi những ai chưa đến hoặc lâu chưa về lại miền đất càng ngày càng thể hiện rõ hơn bản sắc văn hóa Xứ Nghệ trong đời sống dựng xây một nông thôn mới, nhân 180 năm danh xưng huyện nhà. Còn, với những người con xa quê thì Về Cẩm Xuyên đang làm làm cháy lòng nỗi niểm  Đi mô cũng nhớ về ...huyện Cẩm./.

                                         Hà Nội -  Quan Nhân 22.12.2021

                                                                       T.P.L