Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

Trung đoàn 9 ĐÁNH CHIẾM ĐỒNG DÙ

01:23, 02/07/2011AdminTruyện - Ký
(0 Đánh giá)
  Trung đoàn 9
đánh chiếm Đồng Dù
 
     Trong đội hình hành tiến của Sư đoàn 320, trưa ngày 28 tháng 4 năm 1975, Đoàn 9 - Trung đoàn mang tên người Anh hùng liệt sĩ Cù Chính Lan - áp sát cứ điểm Đồng Dù, cứ điểm mạnh nhất trên cửa ngõ miền Đông vào Sài Gòn. Với một sư đoàn thiện chiến - Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới”, niềm kiêu hãnh của Quân lực Cộng hoà bấy nay, được trang bị vũ khí cực mạnh - cố thủ trong công sự vững chắc, lương thực, đạn dược cơ man, lại được tên tướng khét tiếng độc ác và ma mãnh Lý Tổng Bá trực tiếp chỉ huy, Đồng Dù như một pháo đài bất khả xâm phạm của bọn ngụy quân. Chính tên Lý Tổng Bá đã từng huêng hoang sánh Đồng Dù như Củ Chi đất thép của Quân Giải phóng.
 Dù không thật vui khi được giao nhiệm vụ ở mũi thứ yếu phía Tây- Nam cứ điểm, Trung đoàn trưởng Nguyễn Ấn vẫn động viên các cán bộ dưới quyền và bộ đội gắng sức lập công, sẵn sàng phối hợp cùng các đơn vị bạn vì chiến thắng chung của mặt trận. Quá trưa ngày hôm ấy, 3 tiểu đoàn đủ cùng 10 đại đội hoả lực trực thuộc Trung đoàn đã chiếm lĩnh xong trận địa. Nằm dưới những tán cao su đã quá ngày cạo mủ vàng úa, có phần lộ liễu, các công sự của bộ đội ta đều được xây dựng, ngụỵ trang bằng thân, cành cao su khô. Chính sự trống trải ấy đã tạo bất ngờ cho cả Trung đoàn yên ổn tới trước giờ xuất kích.
 2 giờ sáng ngày 29/4, một loạt pháo hiệu bay vút lên trời đêm. Đó là lệnh nổ súng tiến công của toàn mặt trận. Đồng Dù ngập chìm trong lửa đạn các cỡ của quân ta. Một trận hiệp đồng binh hoả lực kinh hồn của Quân Giải phóng bắn trả thù cho bao năm luồn rừng lách suối, bao năm ở đất ém bùn. Đồng Dù rung lên như trong một trận động đất cực mạnh. Sư đoàn “Tia chớp nhiệt đới” câm lặng chịu trận ở những phút ban đầu, rồi lợi dụng công sự kiên cố, lợi dụng sự căn ke chính xác từng cen ti mét trong toạ độ lửa này, những loạt pháo bắn trả của địch càng ngày càng dữ dội. Cuộc đối pháo kéo dài gần hết đêm 28, lúc căng lúc chùng, đến tảng sáng ngày 29 thì hoả lực của ta lại rộ lên hơn lúc nào hết, áp đảo hoàn toàn hoả lực của địch. Trong tiếng gầm của trái phá, của tên lửa tầm gần, của trọng liên và cao xạ pháo hạ nòng bắn thẳng, các phân đội xe tăng được lệnh xuất kích. Hàng mấy chục chiếc tăng cỡ lớn T56, T76 tháo ống giảm thanh vù ga tạo ra một âm thanh ầm ào ghê rợn như có ngàn vạn chiến xa đang xốc tới khiến cho bọn giặc kinh hoàng tưởng bị nghiền vụn dưới bánh xích khổng lồ. Đến sát căn cứ Đồng Dù, những chiếc xe tăng đầy uy dũng đột ngột rẽ trái. Mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch: “Hãy tiến nhanh vào giải phóng Sài Gòn. Đồng Dù đã có sư 320 giải quyết”.
   Hai cửa mở chính vào căn cứ Đồng Dù do 2 trung đoàn bộ binh 48 và 49 của F320 đảm trách. Khi bộ đội ào ạt xung phong thì gặp phải sức chống trả quyết liệt của quân địch trong công sự vững chắc. Lý Tổng Bá rất cáo, lợi dụng xe tăng và đại pháo của ta không tham chiến nữa đã tổ chức ngay lực lượng phản xung phong. Trong chốc lát 2 trung đoàn của sư đoàn 320 hy sinh đến mấy trăm chiến sĩ, Họ phải khựng lại trước hoả điểm của bọn “Tia chớp nhiết đới”, số thương vong càng ngày càng tăng. Để chia lửa cùng đơn vị bạn, Trung đoàn trưởng Nguyễn Ấn lệnh cho hoả lực của Trung đoàn 9 bắn phá dữ dội trận địa địch, dúi đầu chúng vào công sự để các đơn vị ở cửa mở có thời cơ hành sự. Tên tướng giặc Lý Tổng Bá một mặt thu quân về ngay cứ điểm không ra ở cửa mở chính nữa để tránh phi pháo, mặt khác điều ngay một mũi vu hồi để tập kích sau lưng Trung đoàn 9. Nhưng cánh quân vu hồi bịt hậu này lại rơi vào bẫy phục kích của K15 và K16 của Đoàn Cù Chính Lan. Trong khi tập trung hoả lực bắn phủ đầu bọn ở trong căn cứ Đồng Dù và cho tiểu đoàn 18 lấn tới sào huyệt của Lý Tổng Bá thì Đoàn 9 đã cho 2 tiểu đoàn 15,16 đổi hậu quân làm tiền quân đón địch. Và giữa rừng cao su trụi lá của miền Đông, cuộc rượt đuổi ngoạn mục những tên lính mang danh “Tia chớp nhiệt đới” của các chiến sĩ Đoàn Cù Chính Lan chẳng khác gì ngày xưa người anh hùng đánh xe tăng đuổi Pháp ở Hoà Bình. Cánh quân làm nhiệm vụ “vu hồi tập hậu” của địch nhanh chóng trở thành tàn quân và chúng hoặc bị nghiền nát, hoặc tan rã bởi nhiều đơn vị quân ta đang vừa đánh vừa hành tiến vào Thành phố Sài Gòn.
 Trận đánh diễn ra suốt ngày 29/4. Đến chiều tối thì K18 (Tiểu đoàn 2, E9) cùng các đơn vị bạn làm chủ Đồng Dù. 750 tên địch bị tiêu diệt. toàn bộ số còn lại bị bắt sống. Lý Tổng Bá và cơ quan chỉ huy của hắn đã lên trực thăng chuồn mất ít phút trước đó. Trong ánh hoàng hôn rực hồng vừa buông xuống, căn cứ Đồng Dù bất khả chiến bại của lũ giặc ngập ngụa xác thù và các phương tiện chiến tranh, 1300 tên tù binh người Việt mặt tím tái vì thất thần, vì khiếp sợ đang chờ đợi số phận đánh thuê bán nước sẽ được định đoạt. Chúng ngước nhìn người sĩ quan Giải phóng đang đứng trông giữ chúng trên gò đất cao. Đó là Nguyễn Văn Xin – người đã từng bắt sống tên lính đánh thuê Thái Lan ở cao nguyên Bô Lô Ven (Nam Lào) năm 1972. Anh đứng uy nghiêm, mặt sạm đen khói súng, vai khoác khẩu AK báng gấp, hông đeo khẩu súng ngắn K54, tay phải cầm khẩu tiểu liên cực nhanh Mỹ chiến lợi phẩm. Tỉnh khô trước đám giặc cỏ nhưng mắt anh nôn nao liếc ra phía đại lộ về Thành phố: từng đoàn chiến xa, đại pháo đang bỏ lại các anh sau lưng để hướng đến Sài Gòn. Trận cuối cùng đã điểm Hai tiểu đoàn (K15 và K16) của Trung đoàn cùng đại quân Sư 320 đang thần tốc vào cửa tây - bắc để đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy. Làm gì đây với đám tù binh đã kiệt quệ sức chiến đấu này? Không để chúng là gánh nặng cho đơn vị đang phải lo bao công việc dập dồn; chúng cũng có gia đình vợ con; chúng chẳng còn hy vọng gì vào cái chế độ nguỵ quyền đã thối rữa… Nguyễn Văn Xin dõng dạc: “Tất cả nghe đây! Ta thay mặt cho Quân Giải phóng tha cho tất cả các người. Hãy mau trở về với vợ con, tạ lỗi với mẹ cha, hứa với họ là từ nay phải là người lương thiện. Hãy đến Chính quyền cách mạng địa phương khai báo. Ngày mai ta tới Sài Gòn mà thấy đứa nào còn nhảy dô cầm súng Mỹ hay tranh nhau xuống tàu, bám càng máy bay thì đừng trách. Nghe chưa? Hãy mau mau rời khỏi nơi này. Đi! Đi đi…”.
   Đám tù binh từ ngơ ngác không hiểu, chợt nhìn nhau, chợt nhận ra mình đang còn sống, mình sẽ còn được sống, có kẻ được tha rồi mà cứ như trời trồng. Người sĩ quan trẻ mỉm cười, quay gót chân tìm về Sở chỉ huy Trung đoàn để báo cáo.