TỰ RU MÌNH GIỮA BỘN BỀ ĐA ĐOAN
Nhà thơ Ngô Đức Hành
Nhà thơ Bùi Quang Thanh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vừa “trình” làng tập “Bùi Quang Thanh Thơ”, do Nhà nước đặt hang, (NXB Hội nhà văn 2020). Tập thơ khá đồ sộ, dày tới 400 trang, gồm 235 bài thơ. “Bùi Quang Thanh Thơ”, được chia thành 5 phần. Phần I “Đò dọc – Sông đêm” – trích trường ca cùng tên, có 8 khúc; Phần II “Lời hương khói”; Phần III “Thơ viết những năm đánh Mỹ”, 1971 – 1975; Phần IV “Một cánh xuân”; Phần V “Thơ viết cho thiếu nhi”.
Tuy tập thơ chưa gọi là “tuyển”, nhưng cầm tập thơ vạm vỡ trên tay và theo thời gian, không gian của các tác phẩm trong tập, ta biết đây gần như là phần sáng tác cơ bản của nhà thơ Bùi Quang Thanh. 235 bài thơ trong tập này, về cơ bản được chọn trong 7 tập thơ tác giả đã xuất bản từ năm 1994 đến nay.
Bùi Quang Thanh từng tham gia quân đội, có mặt trên chiến trường những năm tháng đạn bom nên ngoài Phần III: “Thơ viết những năm đánh Mỹ”, những vấn đề về đồng đội, về nhân dân, về hy sinh mất mát và những câu hỏi thời hậu chiến còn xuyên suốt cả tập thơ.
V.G.Belinsky nhà phê bình văn học Nga hàng đầu của phong trào Âu hóa thể kỷ 19 có nói: “Thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật”. Đọc “Bùi Quang Thanh Thơ” thấy rõ “cuộc đời”.
*
“Mẹ chọn năm sinh tôi/ Năm thế kỷ hai mươi bị tách làm hai nửa”, “Chiếc võng lác đầm đìa hương cỏ mật/ Đẫm nắng mặt trời/ Đẫm gió - sương - trăng”, (Mẹ chọn năm sinh tôi). Nhà thơ Bùi Quang Thanh đã “khai” năm sinh và hoàn cảnh lúc ông có mặt trên cõi đời này. Đó là những năm tháng thân phụ anh có mặt cùng đoàn quân ra trận tham gia Chiến dịch Biên giới Thu đông năm 1950.
Những ai quan tâm đến lịch sử của dân tộc hẳn không quên tấm ảnh lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát trận đánh mở màn của bộ đội ở Đông Khê. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang bước ngoặt mới. Đó là thời “Hạt gạo cũng theo người ra hỏa tuyến/ Bồ dân công đan tre cật vườn nhà/ Những lóng tre vỗ về tôi từng giấc/ Giã xóm làng, cõng gạo tiếp sức cha” như những câu thơ của anh. Có lẽ vì sinh ra trong những năm tháng ấy, lớn lên tiếp tục cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, nên dễ hiểu trong thơ người Lính Cụ Hồ ấy đầy tính thời sự và thế sự. Đây cũng là đề tài “áp đảo” trong “Bùi Quang Thanh Thơ”.
Những năm tháng vượt rừng, lội suối, gian khổ trên chiến trường như “Thơ viết những năm đánh Mỹ 1971 - 1975” của Bùi Quang Thanh là tiếng hát reo vui, lạc
“...Hôn cành bưởi quen thân/ Mà lòng thầm nhắc nhủ/ Ta đang đi gìn giữ/ Cho bưởi trắng thơm hương/ Cho quê nhà yêu thương/ Bao mùa xuân ấm cúng/ Cài hoa lên nòng sung/ Ta bước tiếp chặng đường/Hương xuân bay bát ngát/Giữa núi rừng Trường Sơn” (Cành hoa bưởi – Trích nhật ký hành quân)
Bài thơ “Cành hoa bưởi” nhà thơ Bùi Quang Thanh viết vào xuân Nhâm Tý năm 1972 khi anh đang xuyên dọc Tây Trường Sơn để vào Tây Nguyên tham gia chiến dịch giải phóng Bắc Kon Tum, với trận chiến thắng oanh liệt ở Đăk Tô – Tân Cảnh. Thơ Bùi Quang Thanh giai đoạn này dù không thấy những bài thơ nóng hổi đạn bom, khét mùi thuốc súng nhưng vẫn hừng hực không khí ra trận; quan trọng hơn, chất chứa niềm tin của người lính về ngày chiến thắng. “Những chiến sĩ tân binh trẻ măng/ Ba lô no tròn nắng/ Ngâm thơ Bác giữa chừng trận đánh/ Ru võng làm thơ đêm rừng già/ Tháng 5 trăng tròn nâng nỗi nhớ bay xa” và “Lửa sáng đường xe ra phía trước/ Đất hóa chiến công – biển hồng sóng nhạc/ Giải phóng miền Nam”, (Ca khúc tháng 5). Đọc những câu thơ này, người đọc hình dung ra những mũi tiến công chiến lược đang tiến vào Sài Gòn, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam. Bùi Quang Thanh cứ ghi chép cảm xúc trên đường ra trận mà thành thơ. Đúng như nhà thơ Nga Raxun Gamzatôp đã nói: “Thơ sinh ra từ tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng hay giọt nước mắt đắng cay”.
Sau này, đề tài “hậu chiến” vẫn ám ảnh trong thơ Bùi Quang Thanh. Đất nước đã hòa bình, nhưng với những người lính đã đi qua chiến tranh họ không quên đồng đội, những người đã ngã xuống trên chiến trường.
“...Bao năm bóng xế trăng chùng/ Bao năm đơn lẻ bạn cùng đất nâu/ Rễ cây thay tóc trên đầu/ Bạn đau mối đốt, mình rầu cỏ ăn/ hai thằng hai nửa tấm tăng/ Vội vàng đồng đội đặt nằm cạnh nhau/ Chiến trường chuyển hướng về đâu/ Đêm dài dằng dặc rừng sâu hai mồ Khói hương hun hút đợi chờ/ Lá rơi lấp lối sương mờ chốn mong…” (Lời ru đồng đội).
Có lịch sử mới có hiện tại, có hôm qua mới có hôm nay. Giọt máu đào của những người ngã xuống làm cho đất nước nở hoa. Thơ Bùi Quang Thanh cũng như thơ của những nhà thơ lính trận khác cho đến hôm nay vẫn cất tiếng nói xa xót, trắc ẩn và mang đến những thông điệp về trách nhiệm, đạo lý. “Trông vời trắng lóa nghĩa trang/ Bao nhiêu đồng đội xếp hang vô danh/ Trường Sơn hai mái xanh xanh/ Trăm ngàn vết sẹo ngỡ lành, lại đau” và“Tay già run rẩy bờ nôi/ Nỗi đau lòng mẹ sau thời chiến tranh”, (Nỗi đau lòng mẹ). Mẹ ở đây, có thể là người mẹ có đứa con sau chiến tranh không về, cũng là người “Mẹ Tổ quốc” can trường mà lẫm liệt, đau thương.
**
Tôi gọi nhà thơ Bùi Quang Thanh là nhà thơ của “kết nối” giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong người thơ anh có một dòng chảy, mạch vỉa liên tục. “Tôi là tôi thôi: kẻ mắc nợ trân gian như Chúa Chổm. Nợ bầu trời một ngụm ô xi, nợ cánh đồng một bông lúa chin; nợ Mẹ đôi bầu sữa lép với câu đò đưa bên cánh võng ngọt ngào. Tôi nợ con sông quê khi vùi tấm thân lấm láp của mình giữa dòng trong vắt, sông gột rửa tôi bằng giọt lòng, gạn những gì tôi bỏ lại, lắng đọng đôi bờ thành dịu ngọt phù sa”, (Lay thức, - trường ca Đò dọc – Sông đêm).
Phải nói là trường ca này đậm chất sử thi... “Đò dọc – sông đêm/ Chòng chành thuyền xuôi nhịp sóng/ Đỏng đảnh mảnh trăng đầu tháng/ Sông ngà vẩy bạc lăn tăn/ Như là bơi giữa sông Ngân/ Sao trời xé hình lưỡi mác/ Lao xao tiếng cười tiếng hát/ Anh thành trẻ lạc bồng lai…”. Bùi Quang Thanh xuống “đò dọc” không phải trên dòng Lam chung giữa Nghệ An – Hà Tĩnh hay dòng La của Hà Tĩnh quê anh mà trên “sông đêm”. Đây là con đò của thi ca, của một đêm trăng non mà thi nhân xuôi dòng cùng cô gái lạ. Nhà thơ đã nổi “sóng lòng” mà hát, mà kể, mà khoe với người lạ đó về dải đất Hồng Lam yêu dấu của mình “dải đất hẹp phơi mình trong gió cát, những người nông dân một nắng hai sương tần tảo nuôi đời/ hạt mồ hôi trên hạt thóc củ khoai cũng mặn chẳng kém gì muối chưng lên từ bể…” (Lay thức). Đò dọc sẽ đi về đâu? Chẳng biết chuyến đò ấy bao giờ dừng bơi nhưng những câu chuyện về “Huyền thoại núi Hồng”, về “những câu ca muôn thuở giăng mắc cõi lòng”, về “Nơi ấp trứng” để “Trứng Rồng nở ra Rồng/ Lũ Rồng con chúng tôi lớn lên trong chiếc tổ cong cong hình chữ S/ Đầu gối lên núi bắc, chân gác sóng biển nam…”. Đây là con sông Cày quê kiểng, cũng là dòng sông của huyền sử nơi đã sinh ra Mai Hắc Đế oai hùng với những địa chỉ nổi danh Chân Tiên, Long Ngâm, Thiên Cầm, Nam Giới… chính vì thế nên nó mới là “sông đêm”, nhiều vấn đề của trời đất, thiên tạo, con vật xoay vần còn mãi mãi trong câu hỏi.
Trong trường ca này, dẫu trích nhưng núi Hồng Lĩnh hiện lên trên trang thơ vâm vấp. Trong “không gian” Hồng Lĩnh còn chứa bao huyền thoại.
“Một dải: Hoành Sơn chắn mặt Nam/ Hồng Lĩnh vờn phía Bắc/ Dãy Trường Sơn chạy dọc/ Sóng biển Đông giăng ngang/ Ba phía ngút rừng xanh/ Một bên trùng bể biếc…”
Hồng Lĩnh thời huyền sử, gắn với mối quan hệ giữa Kinh Dương Vương với thời đại Hùng Vương và vấn đề Việt Thường; khái quát quá trình lịch sử, văn hóa, quá trình phát triển của mảnh đất Hồng La. Núi Hồng với 99 ngọn, tương truyền đã có 100 con Phượng Hoàng về đây, tương truyền ông Đùng đã rẽ mây xuống dạy cho trăm dân làm nghề lúa nước. Quê hương ấy, huyền sử ấy hình thành nên cốt cách con người vùng đất ấy. Nhà thơ Bùi Quang Thanh thốt lên: “Chẳng phải tự nhiên mà hạt lúa cũng hai đầu biết nhọn. Rằng: dòng Lam trong xanh bởi đầu nguồn Ngàn Sâu, Ngàn Phố xanh trong. Cám ơn nàng đã nhắc ta lẽ sống: Cội nguồn”, (Đò dọc – Sông đêm, Lay thức).
Vâng, cội nguồn là “dòng sông” lớn luôn chảy trong tâm thức những người con được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Họ trăn trở không chỉ với ngày mai, hôm nay mà cả những ngày đã qua. Chính vì thế, Bùi Quang Thanh làm thơ về Phù Đổng Thiên Vương, về vua Mai Hắc Đế, Nguyễn Trãi, Hồ Quý Ly.....; về đồng đội, về những cô gái thanh niên xung phong trên những tuyến đường thời chống Mỹ...cho đến những em bé chưa đầy “tuổi tôi”…
Trong “Bùi Quang Thanh Thơ” có nhiều bài thơ thế sự. Dường như cuộc đời làm báo tạo nên trong tác giả những câu hỏi. Từ câu hỏi lớn của dân tộc đến câu hỏi của thân phận con người, câu hỏi cho chính mình.
“ Sao nhà vua không chạy vào long dân/ Để đất nước rơi vào tay giặc dữ?”...”Nguyễn Phi Khanh bị đày qua ải Bắc/ Nguyễn Trãi sau này mới biết cậy sức dân” (Sao không chạy vào lòng dân).
“...Bên biển xanh chẳng soi nổi bóng mình/ /Trước gương trong không gọi về tuổi trẻ/ Bạc đầu rồi vẫn còn ngơ dại thế/ Cũng mình thôi mà chắc đã là mình.” (Tự khúc). Bùi Quang Thanh luôn suy tư và ưu tư : “Tôi nhặt lên niềm vui của ai đó đã bỏ quên trên đường phố thả vào chiếc cốc cuộc đời. Niềm vui lặn xuống đáy còn nỗi buồn tràn ra ngoài miệng cốc. Niềm vui vay mượn không hề sủi bọt trong chính đời tôi. Nỗi buồn của ai cứ quấn lấy tôi như máu thịt”, (Song hành).. Chính điều đó tạo nên những mỹ cảm mang tính triết lý trong thơ Bùi Quang Thanh. Cũng vì yêu đến xa xót con người, quê hương, đất nước nên Bùi Quang Thanh không ngại khi có những bài thơ như: “Với tướng giặc Liễu Thăng”, “Thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo Trung cộng”, “Đêm không ngủ nghe nghìn xưa giục giã”...luôn nóng hổi tính thời sự, thời cuộc về biển đảo, chủ quyền quốc gia, nhưng vốn nhạy cảm, ít người dám đụng đến; thậm chí, rất khó viết. Những bài thơ này, đặc biệt “Đêm không ngủ nghe nghìn xưa giục giã” là tráng ca về lòng tự hào dân tộc.
***
Bùi Quang Thanh là một “lãng tử”. Sau khi rời quân ngũ, anh trở thành một phóng viên một tờ báp bảo vệ pháp luật cho đến ngày nghỉ hưu. Cuộc đời làm báo cho anh rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc. Đến đâu anh cũng có những cảm xúc thơ. “Đêm Mộc Châu”, “Ngày mai Phia Đén”, “Qua Tuyên Quang nhớ Trần Nhật Duật”, “Xứ Lạng”, “Đêm sông Trà”, “Trai Nghi Xuân ở Nam Yết”....là những thi phẩm, ra đời trong quá trình thâm nhập thực tế, tác nghiệp báo chí của anh. Cuộc sống, thân phận luôn bề bộn, góc cạnh trong thơ Bùi Quang Thanh. Về điều này, tôi nhớ nhà thơ Lê Tuấn Lộc từng đưa ra quan niệm: “Thơ không phản ánh cuộc sống thì nói cái gì?”. Đây cũng là quan điểm thi ca. Thơ đâu chỉ là những thi phẩm của những người ưa suy tưởng? Puskin, một “tượng đài” thi ca Nga và nhân loại từng nói: “Cuộc sống là cánh đồng màu mở để cho thơ bén rễ sinh sôi”. Nhà thơ Việt Nam, Chế Lan Viên thì viết: “Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết vàng mà đời rơi vãi/ Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang”. Bùi Quang Thanh là người chăm chỉ nhặt “hạt vàng” rơi vãi trong hành trình thi ca của mình. Đây cũng là điều tạo nên bút pháp Bùi Quang Thanh, thơ anh gần gũi với cuộc sống, dễ tạo ra xung chấn và đồng điệu cho người yêu thơ.
Cả “gia tài” thơ nói chung và “Bùi Quang Thanh Thơ” nói riêng đa dạng đề tài, anh viết từ cọng rau muống nơi quê nhà đến những vấn đề đại sự của quốc gia, dân tộc. Trái tim đa tình, đa cảm của “lãng tử” Bùi Quang Thanh còn dành nhiều thời gian cho thiếu nhi. Anh khá thành công trong việc sử dụng chất liệu đồng dao khi sáng tác cho thiếu nhi. Và dù sáng tác cho thiếu nhi thì thơ thiếu nhi của anh cũng lấp lánh những thông điệp, điều cần nói. “...Giữa vũ trụ bao la/ giát toàn vàng và bạc/ phải chòm sao sáng nhất/ làm bằng sắt? Ngựa ơi!”, (Nhớ ông Gióng).
“...Mẹ vẫn ngồi tựa cửa/ Tre ngà cứ đâm măng/ Nước mắt mẹ từng sọc/ Trên thân tre óng vàng”(Nhớ ông Gióng)
Hoặc: “Dáng bản đồ Tổ quốc/ Giống bà em ra đồng/ Đỉnh nón là cực Bắc/ Mây vờn Phăng Xi Phăng/ Sông Hồng: chiếc quai nón/ níu núi qua đồng bằng …Dáng bản đồ Tổ quốc/ Như dáng bà yêu thương”(Dáng bà)
Đọc những câu thơ này, tôi cho rằng Bùi Quang Thanh đã làm tốt hơn cả những nhà sư phạm trong những bài giảng về tình yêu Tổ quốc và giáo dục công dân, không chỉ lớp mầm, lớp lá mà chiều cấp học sinh khác. Thơ ông viết cho thiếu nhi đầy tính nhạc, chất liệu đồng dao, chất liệu ví giặm; có thể cất lên thành tiếng hát. “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nữa”, (Xuân Diệu).
Đọc “Bùi Quang Thanh Thơ”, cũng như các tác phẩm trước đây của anh, thấy “3 trong 1” như “Ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu từng nói lúc sinh thời. Khi cầm tập thơ đồ sộ trên tay, tôi hỏi nhà thơ Bùi Quang Thanh: “Có phải tuyển không?”, anh trả lời: “Chưa làm tuyển”. Anh vẫn tiếp tục “Đò dọc sông đêm”, Và chúng ta có quyền chờ đợi…
Hà Nội 11/01/2021
NĐH