Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

Vụ án Lã Thị Kim Oanh:

07:54, 02/06/2011BQTTác phẩm báo chí
(0 Đánh giá)
Theo kết luận của cơ quan điều tra Bộ Công an, tổng số thiệt hại mà Lã Thị Kinh Oanh và đồng bọn gây ra là 114,649 tỷ đồng và 106.259 USD. Trong tổng số thiệt hại đó, các ngân hàng mất tới 79,216 tỷ
Một số tác phẩm báo chí của Nhà báo Bùi Quang Thanh
 
Vụ án Lã Thị Kim Oanh:
NGÂN HÀNG - NẠN NHÂN
;   HAY ĐỒNG PHẠM?*
 
Theo kết luận của cơ quan điều tra Bộ Công an, tổng số thiệt hại mà Lã Thị Kinh Oanh và đồng bọn gây ra là 114,649 tỷ đồng và 106.259 USD. Trong tổng số thiệt hại đó, các ngân hàng mất tới 79,216 tỷ, Cụ thể: Ngân hàng Nông nghiệp Hà Nội (NHNNHN) 7,928 tỷ; Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải ( NHTMHH): 15,767 tỷ; Ngân hàng Đầu tư phát triển Hà Nội ( NHĐTPPTHN): 23,633 tỷ; Ngân hàng Công thương Ba Đình (NHCTBĐ): 19,787 tỷ; Ngân hàng Cổ phần  Quân đội (NHCPQĐ): 12,08 tỷ. Với bảo bối là các các công văn giấy tờ của Bộ NN&PTNT kèm theo hồ sơ dự án được cấp trên phê duyệt trong tay, Lã Thị Kim Oanh dễ dàng lôi được tiền trong hồ lô các ngân hàng ra tiêu vô tội vạ. Còn các nhà quản lý ngân hàng thì thả tiền ra rồi ngồi chờ…chết. Dù rằng các ngân hàng đã căn cứ vào nhiều yếu tố để cho vay, đã dựa theo văn bản này, quy định nọ…nhưng dù ràng buộc giấy tờ gì đi nữa, việc cho vay trong hầu hết các trường hợp này cũng chỉ là tín chấp. Chỉ lòng tin không thôi làm sao đủ sức tồn tại trước sự bất chấp pháp luật của kẻ bội tín. Chính vì vậy, những ngân hàng trên đã ngã ngựa trước Lã Thị Kinh Oanh.
Khổ chủ đầu tiên mà Lã Thị Kim Oanh mó tới là NHTMCPHH. Cũng từ tín chấp, lần đầu Lã Thị Kim Oanh vay trả sòng phẳng 12,5 tỷ. Cần nhớ rằng, trong 12,5 tỷ trả nợ vay lần này có tới 12 tỷ tiền ngân sách rót về, và đó cũng là một trong rất ít lần trong quá trình hoạt động, Công ty Tiếp thị của thị Oanh sòng phẳng với ngân hàng. Từ tháng 3 đến tháng 10/1998, Lã vay tiếp 11,7 tỷ và từ đây, NHTMHH buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho thị Oanh dùng đồng tiền của mình tung quậy, lừa gạt không chỉ riêng mình mà với nhiều đối tượng khác nữa. Cho thị Oanh vay tiền từ tháng 3/1998 thì đến tháng 5 năm đó cán bộ tín dụng của NHTMHH là Nguyễn Bằng Việt đã phát hiện sự không bình thường của Công ty Tiếp thị qua những hành vi lẩn tránh, gây khó khăn cho các cán bộ Ngân hàng khi họ đến kiểm tra. Nguyễn Bằng Việt đã có báo cáo gửi ban lãnh đạo NHTMHH và đề xuất: “hạn chế cho vay và bổ sung tài sản đảm bảo” nhưng mãi đến tháng 3/1999, NHTMHH mới buộc CTTT thế chấp giấy tờ khu đất 161 Sơn Tây lại có tới 2 tấm bìa đỏ. Và thế là trong khi NHTMHH khư khư lo “bảo quản chặt chẽ giấy tờ thế chấp” thì Lã Thị Kim Oanh đã thực thi xong một cú lừa vừa công khai, vừa ngoạn mục với 20 đối tượng khác thông qua sự trung gian của Công ty Kinh doanh - Xây dựng nhà để thu 5,72 tỷ đồng bỏ túi.
Vì sao thị Oạnh có đến 2 tấm bìa đỏ trên cùng 1 lô đất để vừa làm vật cầm cố cho ngân hàng, vừa rao bán cho người khác?  Ở đây có trách nhiệm của ngành Địa chính Hà Nội. Dù họ vô tình “quên không thu bìa cũ khi phát bìa mới” như lời họ nói thì đây cũng là một hành vi tiếp tay cho tội phạm mà luật pháp không thể bỏ qua.
Trở lại với vấn đề buông lỏng quản lý của các ngân hàng, NHTMHH sau khi cầm được áo con nợ thị Oanh bằng hồ sơ đất thế chấp lại tiếp tục rót tiền cho thị xài, đồng thời mất cảnh giác – nói chính xác là sao nhãng việc giám sát nguồn vốn vay đầu tư, bỏ bê công tác thu nợ và sao nhãng cả việc quản lý tài sản thế chấp mà con nợ đã cầm cố cho mình. Bàn giao tài sản thế chấp từ tháng 3/1999 mà đến tháng 9/2000 NHTMHH vẫn chỉ ngồi chờ thông tin của Công an phường Kim Mã, trong khi thị Oanh ngang nhiên kêu người xây nhà, bán đất. Lúc NHTMHH phát đơn kêu kiện thì 15,76 tỷ đồng đã theo kẻ lừa đảo tới miền sương khói.
Ở NHĐTPTHN, liên tục từ tháng 5/1998 đến tháng 3/1999, thị Oanh đã vay được 19.945 tỷ đồng. Đến ngày 30/06/2001, số nợ đã lên tới 23,6 tỷ ( kể cả gốc và lãi). Số tiền này Lã Thị Kim Oanh chỉ dùng đúng mục đích là 11,6 tỷ đồng; 8,3 tỷ chi ngoài mục đích vay và đút túi 3 tỷ; NHCT Ba Đình bị Oanh lợi dụng việc Chính phủ và Bộ NN&PTNT giao đầu tư dự án nhóm A để vay 15 tỷ mà chỉ sử dụng vào mục đích dự án 4 tỷ đồng. Số tiền còn lại thị đút túi 6,5 tỷ và đảo nợ cũ 4,7 tỷ.
Vì sao các ngân hàng trên bị thị Oanh lợi dụng như vậy? Đơn giản là các ngân hàng chỉ lo việc cho vay để thu lãi và họ quan tâm đến tài sản thế chấp - kể cả thế chấp bằng bảo lãnh trên giấy không có giá – hy vọng cầm đằng chuôi, chứ không quan tâm đến mục đích lớn nhất của việc cho vay là thực thi Dự án. Từ ý thức đó, các ngân hàng này chăm chắm vào đồng tiền ngân sách rót cho đối tượng mà phớt lờ hiệu quả đầu tư. Họ coi CTTT của con “Oanh vàng” là miếng mối béo bở có thể kéo được tiền từ trời xuống nên thi nhau cho vay, bất chấp cả nguyên tắc, quy định của ngành và chính họ đã bị mắc mồi câu.
NHTMCP Quân đội bị Lã Thị Kim Oanh lợi dụng sự bảo lãnh của ông Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quang Hà (dù sự bảo lãnh này không có cơ sở, trái quy định của pháp luật) đê vay 10 tỷ đồng và rút tiền mặt bằng 6 lần. Trong 6 lần đó, chỉ có một lần người thủ quỹ cơ quan nhận 2 tỷ đồng và một cán bộ khác nhận 1,5 tỷ; 4 lần còn lại chính Lã Thị Kim Oanh trực tiếp đi nhận! Chưa nói đến việc Ngân hàng này thiếu trách nhiệm trong công tác giám sát số tiền đã vay chi tiêu như thế nào để có đủ điều kiện cho vay lần sau, một giám đốc Công ty tự mình đến nhận 6,5 tỷ tiền mặt ở quỹ ngân hàng, nghĩa là vừa ký chứng từ vừa thay thủ quỹ là điều không thể chấp nhận được. Lẽ nào cán bộ cấp phát ở NHTMCP Quân đội không biết đến nguyên tắc tiền tệ. Đây rõ ràng là có sự móc nối mờ ám của cả hai bên để hơn 12 tỷ đồng của đơn vị này rơi vào tay thị Oanh, ai dám bảo rằng không có ít nhiều lọt sang túi của những kẻ được coi là nạn nhân kia.
Từ năm 1997, NHNN Hà Nội cho CTTT vay 8,3 tỷ đồng. Từ đó đến khi thị Oanh bị bắt số nợ vẫn còn 7,298 tỷ không thể nào lôi ra được. NHNNHN hoặc bất lực hoặc thiếu trách nhiệm trong nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình nên cả một thời gian dài sau này vẫn không dám đấu tranh với hành vi trồn nợ của CTTT.
Bỏ nhiều tỷ tiền ra cho vay, đương nhiên ngân hàng phải cử cán bộ chuyên quản giám sát, theo dõi, bám sát cả quá trình để có phương án xử lý nguồn vốn cũng như tránh thất thu trong kinh doanh đồng tiền. Vì sao các ngân hàng trên “phớt Ăng lê” những hàng vi vi phạm pháp luật, hành vi lừa đảo, tham ô, làm trái… một thời gian dài như vậy để gây hậu quả lớn như vậy? Đâu phải họ ngây thơ để bị lường gạt, đâu chỉ đơn thuần là thiếu sót không thôi. Cổ nhân nói: “ Thiên tác nghiệt do khả vị. Tự tác nghiệt bất khả hoạt”nghĩa là: họa trời gây ra thì có thể tránh được, tự mình gây ra họa thì không thể tránh. Các ngân hàng không thể chối bỏ sự vô trách nhiệm của mình.
Cùng 2 vị Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thiện Luân và Nguyễn Mạnh Hà các Vụ trưởng Phan Văn Quán, Huỳnh Xuân Hoàng; các tên tội phạm Lã Thị Kim Oanh, Đỗ Đức Thuần, Phạm Tiến Bình, Nguyễn Chính Nghĩa của CTTT Bộ NN&PTNT đang đợi ngày ra trước vành móng ngựa để trả các món nợ mà họ đã gây ra. Dư luận cũng rất quan tâm đến việc làm rõ những hành vi, trách nhiệm của các cán bộ ngân hàng trong vụ án lớn này để xem họ là nạn nhân hay đồng phạm.
 
Thanh Quang
* Bài in trên báo Bảo vệ pháp luật vào thời điểm Bộ công an đang điều tra vụ án. Sau này, Viện KSTC trả hồ về bộ CA để điều tra lại theo hướng ngân hàng có tội nhưng rồi phần này của vụ án bị chìm vào im lặng (?)
Từ khóa: Thơ BQT