Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

XE TĂNG 377 VÀ NHỮNG ANH HÙNG CHƯA ĐƯỢC TÔN VINH

17:35, 23/05/2011AdminTruyện - Ký
(0 Đánh giá)
Ký sự của Bùi Quang Thanh


XE TĂNG 377
VÀ NHỮNG ANH HÙNG CHƯA ĐƯỢC TÔN VINH

                                                               Ký sự

Kỳ Một:
TRỞ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA

   Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng - Chính uỷ Quân đoàn 3 - trước khi rời Tây Nguyên ra Bắc nhận chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã đãi tôi một chuyến xe đi quanh chiến địa cũ Kon Tum, nơi tôi đã để lại một phần máu thịt, tuổi xuân và mang theo suốt cuộc đời những kỷ niệm vui buồn của  thời oanh liệt. Anh dặn tôi nhớ lên tận ĐăkTô thăm Tượng đài Chiến thắng, khi quay về anh sẽ trao đổi. Từ thành phố Plelku đi Kon Tum, sau khi vào thăm Bộ Chỉ huy Sư đoàn 10, viếng hơn 1 vạn đồng đội đã ngã xuống chiến trường Tây Nguyên nay được lưu danh tại Nhà tưởng niệm của Sư đoàn, chúng tôi ngược lên ĐăkTô - Tân Cảnh.

Đường lên chiến địa cũ, bên trái là dòng Pô Cô hiền lành uốn lượn. Bấy giờ đã cuối mùa mưa, nước sông xanh trong, lòng sông khá hẹp, những rẫy màu, rẫy cà phê, rừng cao su xanh mát làm dịu cả một mảng đồi núi đang rực rỡ nắng chiều. Lác đác những đám hoa dã quỳ nở sớm đong đưa trong gió. Con đường 14 trải dài, thênh thanh và vắng vẻ. Tôi được người lái xe của Trung tướng Tuấn Dũng giới thiệu những doanh trại khang trang của các đơn vị thuộc Sư 10 nằm dọc quốc lộ như ngầm báo rằng đã rất lâu họ vẫn bám trụ nơi đây và sẽ còn bám trụ lâu dài để góp phần xây dựng và bảo vệ cuộc sống thanh bình trên cao nguyên này.  Tôi rạo rực, bâng khuâng nghe, nhẩm từng cái tên thân thiết một thời: Trung đoàn 66, Trung đoàn 28, Trung đoàn 24....Tôi mỏi mắt tìm mãi trong trí nhớ  mới hình dung ra đâu là thôn Diên Bình, ấp Võ Định, Thị trấn Tân Cảnh, Đồi 41, 42... nơi mà ngày ấy, tháng 4/1972 chúng tôi đã cùng đại quân tiến công đập nát tuyến phòng thủ Bắc Kon Tum của Mỹ nguỵ, góp phần giải phóng một miền đất rộng lớn làm hậu thuẫn cho đà tiến công của cách mạng Tây Nguyên.

Hồi ức về  chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh

Dừng trước tượng đài Chiến thắng ĐăkkTô ngay phía tây thị trấn huyện, tôi lặng người trước tượng đài với cụm điêu khắc chiến sĩ Quân Giải phóng và những người dân buôn làng Tây Nguyên sát cánh bên nhau xông tới; mái nhà rông mềm mại cao vút bên rặng cây xanh tôn thêm vẻ hùng vĩ của bức phù điêu trên tượng đài. Tây Nguyên ơi! Tha thiết một thời hạt muối chia hai, quả bí bắp ngô của đồng bào cưu mang chiến sĩ. Hồi đó, chúng tôi luôn được đồng bào sát cánh chia ngọt sẻ bùi. Buôn làng các dân tộc thiểu số ở núi rừng biên giới là mái ấm của chúng tôi; một rẫy sắn, một giàn bí đao, một cái rẫy bỏ hoang hay một khoảng đất trông của căn nhà vừa dời đi nơi khác... đều cho chúng tôi lương thực, rau dưa. Sung sướng làm sao khi lần mò theo con đường giao liên xuyên rừng thẳm, dõi theo những cành lái rấp hoặc mũi dao vạch lên thân cây làm dấu chỉ đường, chúng tôi sẽ gặp những nương sắn cách mạng (được mệnh danh là "cây sắn tiến công") hoặc những quả bí đao tươi xanh nằm trên giàn trong nhà rẫy chờ bộ đội. Cả rau tàu bay, cây môn thục cũng đợi chúng tôi nơi đồng bào đã di dời sang rừng khác, nơi đất đá cháy khô vừa bị bom Mỹ xới đào. Chính trong chiến dịch ĐăkTô - Tân Cảnh mùa xuân 1972, đường ô tô không sử dụng được nhiều vì địa hình, vì máy bay mỹ, vì bí mật chiến trường, chúng tôi phải giấu xe vào hầm ếch xuyên sườn núi, còn người thì nào gùi, nào thồ bằng xe đạp, nào vác gạo, cõng đạn ra mặt trận. Ghé vai cùng bộ đội là già trẻ gái trai người Êđê, M'nông, Gia rai ...với mảnh khố ngắn củn, chiếc váy tuềnh toàng, cái bụng lép kẹp vì thiếu muối đói cơm mà cõng đạn chuyến sau nặng hơn chuyến trước. Có cô gái còn gùi hàng trăm kilôgam hàng một chuyến. Tượng đài Chiến thắng ĐăkTô thể hiện mối tình đoàn kết quân dân son sắt ấy, cũng chính là một sự ghi ơn đóng góp cho cách mạng của đồng bào.

   Hai bên tượng đài Chiến thắng ĐakTô là hai cỗ xe tăng được sơn xanh rất đẹp, tất cả bóng loáng, sạch tinh bụi đất như luôn luôn được bàn tay người chăm chút vuốt ve. Cỗ tăng T54 mang số hiệu 377 ghếch nòng đại bác với góc 45o trong tư thế chồm về phía trước hết sức hùng dũng. Một cảm giác là lạ chen về, sống mũi tôi chợt cay cay. Tôi nhớ về một trong những người chỉ huy Tiểu đoàn xe tăng duy nhất từng tham chiến ở Tây Nguyên mùa xuân 1972 ấy. Đó là người chú họ của tôi, Thiếu tá Bùi Quang Đấng vừa ngã bệnh mất cách đây không lâu.  Ngày 15 tháng 11 năm 1971, Tiểu đoàn tăng mang số hiệu 297của ông - trong đó có chiếc T54 dũng liệt bây giờ sừng sững bên tượng đài này - đang chốt giữ gần bờ bắc Bến Hải được lệnh hành quân vào Tây Nguyên với tinh thần và quyết tâm "Đi sâu, ở lâu, đánh thắng". Tiểu đoàn tăng 297 hành tiến cùng đại đội xe vận tải của chúng tôi vừa từ Trường Trung cấp kỹ thuật xe ở Sơn Tây vào (sau này trở thành Tiểu đoàn xe vận tải 827 của Binh đoàn Tây Nguyên). Những ngày cuối năm 1971 trời mưa đẫm rừng đẫm núi, đường Trường Sơn  có nơi công binh vừa mở, có nơi núi sạt đá lăn, nhiều nơi bị bom đạn đào xới (dấu ấn mới nguyên của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào vừa khép lại) trở thành bùn lầy, trơn như đổ mỡ. Dưới tầm hoả lực của máy bay C130, B52, phản lực... được chỉ dẫn bởi máy bay trinh sát điện tử OV10, L19, của những con mắt thần từ "Cây nhiệt đới" bọn Mỹ thả lẫn với cỏ cây, cả những toán biệt kích giả dạng quân ta ẩn nấp trong rừng do thám... những chiếc tăng nặng nề của Tiểu đoàn 297 và những chiếc Zi3, chiếc Ga3 2 cầu, 3 cầu của chúng tôi vẫn hướng về nam xốc tới. Hai tháng rưỡi vượt bao gian khó hiểm nguy, đoàn xe vận tải và đoàn tăng tập kết tại ngã ba biên giới chuẩn bị tham gia chiến dịch. Những ngày này, đơn vị tôi phải giấu xe đi phục vụ hậu cần, tôi được điều ra kho K13 làm nhiệm vụ cho Ban xăng xe mặt trận, có lúc tôi cấp phát nhiên liệu cho đoàn tăng của chú Đấng tôi. Tiểu đoàn tăng này còn có một số bạn sinh viên cùng trường GTVT với tôi, cùng nhập ngũ và huấn luyện trong Tiểu đoàn 2B thuộc Sư 304B chuyển về. Chúng tôi vẫn sang tìm nhau thăm hỏi, động viên nhau vượt qua thử thách, nhường nhau từng bánh lương khô và vật dụng cá nhân.

Ngày 02 tháng 4 năm 1972, chiến dịch Tây Nguyên mở màn bằng loạt trận đánh của Sư đoàn 320 vào các tuyến phòng thủ phía tây sông Pô Cô. Với sự có mặt của bộ đội tăng thiết giáp và các đơn vị bộ binh khét tiếng trên các chiến trường hội tụ về như Sư đoàn 320 từ Trị Thiên vào; Sư đoàn 2 từ Quảng Nam lên..., chủ lực ta quyết tâm tiêu diệt tuyến phòng thủ Bắc Kon Tum mà Mỹ -ngụy cho là vành đai thép án ngữ hành lang Trường Sơn , ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vảo các chiến trường. Ngoài hoả lực đại bác và súng máy trên tháp pháo, bánh xích và tiếng gầm rú của động cơ, sức cơ động cũng như là thành công sự che chắn cho bộ binh hiệp đồng xung trận; chỉ riêng việc xe tăng hạng nặng của ta xuất hiện trên chiến trường Tây Nguyên cũng làm bọn giặc khiếp sợ, nao núng tinh thần. Sau những trận tập kích, mật tập, cường tập tiêu hao sinh lực địch và bóc gỡ các tiền đồn vòng ngoài, chủ lực ta được các mũi khoan thép là tăng - thiết giáp làm xung kích tiến công tiêu diệt căn cứ Tân Cảnh. Trong cuộc tấn công vào trung tâm phòng ngự của Tuyến phòng thủ này, chiếc xe tăng T54 mang số hiệu 377 do Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển chỉ huy đã lập chiến công hiển hách và đi vào huyền thoại của lịch sử bộ đội xe tăng.

      Trận đấu tăng "Một chọi mười"
Trong đội hình Đại đội 7 của Tiểu đoàn 297 được giao nhiệm vụ phối hợp cùng Trung đoàn 66 tiêu diệt căn cứ 42 (ĐăkTô - Tân Cảnh), đêm 23/4/1972 xe tăng 377 xuất kích vượt ngầm Tân Cảnh, lướt qua chi khu ĐăkTô, Thị trấn Tân Cảnh và các mục tiêu vòng ngoài, áp sát phía tây bắc căn cứ địch. Đúng 4 giờ 30 ngày 24/4, xe tăng dẫn bộ binh diệt các hoả điểm ở cửa mở rồi yểm trợ nhau càn các hàng rào, diệt hoả điểm cho bộ binh xung phong. Ngay từ loạt đạn đầu, xe 377 và xe 352 đã bắn sập khu tháp nước và đài quan sát rồi xông vào dùng đại liên và xích sắt quần nát các công sự phòng ngự của chúng. Địch đang bàng hoàng, hoảng loạn thì xe 377 như một mũi tên thép xuyên qua các chiến hào, chà nát các vật cản và các ụ đề kháng, đánh thẳng vào Sở chỉ huy Trung đoàn 42 nguỵ. Thừa thế, bộ binh ào ạt xung phong.    

    Chỉ sau 3 giờ đồng hồ dũng mãnh tấn công, đại đội tăng 7 với 9 cỗ T54 đã cùng Trung đoàn 66 anh hùng tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Tân Cảnh, giết hàng ngàn tên địch trong đó có tên đại tá cố vấn Mỹ và đại tá Lê Đức Đạt, bắt sống tên đại tá Vi Văn Bình cùng nhiều binh lính.  

 Chưa kịp nghỉ lấy sức và chuẩn bị cho xe, pháo sau trận đánh, Trung đội xe tăng 3 của Nguyễn Nhân Triển  nhận lệnh xuất kích tấn công căn cứ ĐăkTô2 cùng Trung đoàn bộ binh 1 của Sư đoàn 2. Vừa hành tiến vừa quan sát đường vừa liên lạc với bộ binh, băng trong tầm hoả lực pháo binh và máy bay địch, xe 377 dẫn 2 xe 354 và 369 tăng tốc lao về cứ điểm địch. Vì nhiều chướng ngại trên đường, 2 xe tăng bạn tụt lại khá xa, một mình tăng 377 xông lên đánh địch. Bọn địch thấy 377 đơn thương độc mã liền tung 10 xe tăng M41 chia làm 2 mũi bao vây chiếc T54 của ta. Cuộc đấu tăng một chọi mười đã diễn ra vô cùng quyết liệt. Bình tĩnh, linh hoạt và chính xác đến tuyệt vời, Nguyễn Nhân Triển chỉ huy lái xe Cao Trần Vịnh quần thảo, tiến lui tránh tầm hoả lực địch cho pháo thủ Vũ Đức Lượng và Nguyễn Đức Toàn điểm hoả, diệt liên tiếp 7 xe tăng địch làm đội hình chúng rối loạn. Hai tăng  354 và 369 biết xe 377 lâm trận đã mở hết tốc lực xông lên ứng cứu, vừa đi vừa đánh địch mở đường, diệt một số xe tăng địch nấp sau ụ chiến đấu. Nhưng họ chưa kịp hội quân cùng đồng đội thì một chiếc M41 ở phía nam sân bay ĐăkTô2 đã bắn trúng chiếc xe tăng 377, lửa khói trùm kín chiếc chiến xa quả cảm ấy, cả 4 dũng sĩ trên xe 377 hy sinh. Cùng lúc, xe tăng và bộ binh Trung đoàn 1 tràn lên tiêu diệt hoàn toàn căn cứ ĐăkTô2.

Sau ĐăkTô - Tân Cảnh, rất nhiều căn cứ, sinh lực địch bị tiêu diệt. Vùng giải phóng Tây Nguyên mở rộng từ đông sang tây, ngã 3 biên giới được khai thông cho đại quân tiến vào làm chủ phần lớn cao nguyên, thọc sâu về Đông Nam bộ; xuống vùng duyên hải miền Trung... và một hậu phương bao la mở ra cho cách mạng miền Nam để tiến tới tổng tấn công đại thắng Mùa xuân 1975. Chiến công và sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Nhân Triển và đồng đội đã để lại dấu ấn không bao giờ phai mờ trong lòng quân và dân Tây Nguyên cũng như đồng đội các anh ở Binh chủng tăng - thiết giáp. Tinh thần tiến công ấy theo mãi cùng những người lính Tây Nguyên trong Chiến dịch Buôn Mê Thuột và nâng những bánh xích của xe tăng Lữ đoàn 273, Lữ đoàn 203 tiến về giải phóng các tỉnh miền nam Trung bộ, giải phóng Sài Gòn. Chính vì vậy không phải không có căn cứ khi dựng tượng đài Chiến thắng ĐăkTô, người ta lại chọn xe tăng 377 làm thần tượng chiến thắng và tên của 4 người Dũng sĩ xe tăng đã hy sinh oanh liệt ngày 24 tháng 4 năm 1972 được khắc ghi bên cạnh tượng đài.

Lịch sử "Lữ đoàn xe tăng 273" xuất bản 01/1988 ghi: "Tập thể xe của đồng chí Nguyễn Nhân Triển đã nêu một kỷ lục về hiệu suất chiến đấu cao: diệt liền một lúc 7 xe tăng địch trong một trận đánh. Nguyễn Nhân Triển và tập thể xe 377 đã nêu một tấm gương sáng, điển hình về tinh thần kiên quyết tiến công tiêu diệt địch, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu."

36 năm kể từ mùa xuân lịch sử ấy, chiếc xe 377 cùng 4 dũng sĩ vĩnh viễn nằm lại với núi rừng Tây Nguyên. Đồng đội các anh nhiều người vẫn khôn nguôi nhớ về những kỷ niệm cũ. Tiểu đoàn xe tăng 297 đã phát triển thành Lữ đoàn 273, chiến đấu và trưởng thành trong đội hình Binh đoàn Tây Nguyên, đã 2 lần được tuyên dương "Đơn vị AHLLVT" nhiều cá nhân trong đơn vị các anh cũng được tôn vinh danh hiệu cao quý này. Tuy nhiên, tập thể xe tăng 377 cho đến nay vẫn chưa được vinh quang đó.(?)

Câu chuyện về chiếc xe tăng T54 và 4 liệt sĩ - Dũng sĩ, chúng tôi được biết ngay sau chiến thắng ĐăkTô - Tân Cảnh. Sau này ông Bùi Quang Đấng (một thời là Quyền Lữ trưởng Lữ đoàn 273, về hưu năm 1985 do  thương tật và sức khoẻ) vẫn nhắc lại với chúng tôi mỗi lần anh em đồng đội từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên có dịp hội ngộ, hàn huyên. Qua câu chuyện của ông, tôi biết thêm Thiếu uý Nguyễn Nhân Triển là người Quế Võ (Hà Bắc), lái xe  Cao Trần Vịnh quê ở Đất Tổ Phong Châu ... Ông cũng cho chúng tôi biết rằng, chiếc xe bị cháy rụi, thiêu thành tro tất cả thành viên trong xe vì vậy hài cốt của họ không thể phân biệt được. Ánh mắt ngậm ngùi thương xót của người chiến binh già mỗi khi nhắc về bạn bè đã nằm lại chiến trường làm chúng tôi ai cũng rưng lệ. Mà chẳng riêng gì tôi, người Tây Nguyên, cán bộ chiến sĩ Quân đoàn 3, cả Bộ Tư lệnh Thiết giáp, cả các tướng lĩnh từng chiến đấu ở mặt trận Trung bộ hoặc có dịp đi qua Quốc lộ 14 ở Kon Tum... đều biết chiến công của tập thể xe 377 và người chỉ huy dũng cảm Nguyễn Nhân Triển. Vì lý do gì mà họ chưa được truy phong Anh hùng?

Sau chuyến thăm Tượng đài chiến thắng ĐăkTô về, Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng bảo tôi rằng: anh vào nhận công tác ở Binh đoàn mấy năm, hiểu được nỗi day dứt của bộ đội và nhân dân Tây Nguyên về  việc tập thể xe tăng 377 chưa được phong danh hiệu Anh hùng, Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã giao cho các đơn vị có trách nhiệm làm hồ sơ đề nghị. Anh cũng mong báo chí phản ánh về gương chiến đấu của họ để tác động thêm. Thượng tá Đỗ Văn Ngọc - Chính uỷ Trung đoàn xe tăng 273 (sau này Lữ tăng 273 chuyển thành Trung đoàn trực thuộc QĐ3) cũng cho biết: Trung đoàn đã hoàn tất hồ sơ đề nghị phong danh hiệu AHLLVTND cho cá nhân đồng chí Nguyễn Nhân Triển và cho tập thể xe tang 377, đã gửi lên cấp trên khá lâu rồi nhưng cho đến nay (ngày 10/6/2008) chúng tôi vẫn chưa có hồi âm. Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 7/6/2007 cũng cho biết, từ 2001 đến 2007 cả nước đã có 93 đơn vị và cá nhân được phong danh hiệu AHLLVTND, vậy mà những Dũng sĩ xe tăng của Tây Nguyên vẫn bị bỏ sót? Vậy hồ sơ đề nghị truy phong cho các anh đang ách tắc ở đâu? Nhiều, rất nhiều cựu chiến binh từng chiến đấu ở Tây Nguyên ngày ấy khi về lại chiến trường xưa đều trăn trở trước sự chậm trễ đến thiếu trách nhiệm này.

Trận chiến ấy đã qua đi gần 40 năm, dù muộn, dù đã rất muộn, Đảng - Nhà nước - Nhân dân ta hãy tôn vinh các Dũng sĩ xe tăng 377 bởi chính họ thực sự là những Anh hùng!

   Kon Tum - Đà Nẵng, 6/2008

Kỳ Hai:

ĐI TÌM NGƯỜI DŨNG SĨ THỨ TƯ

Lời tác giả:

Sau khi báo BVPL (số 49+50 ra ngày 17/6 và 20/6/2008) đăng bài ký sự "Xe tăng 377 và những anh hùng chưa được tôn vinh” của tôi, nhiều phản hồi của bạn đọc và các đồng đội tôi ở mặt trận B3 cũ  và các cựu binh xe tăng đã gửi thư, điện thoại về tỏ sự đồng tình và mong mỏi Đảng, Nhà nước, Quân đội có sự đáp ứng xứng đáng với chiến công và sự hy sinh lẫm liệt của tập thể xe tăng 377. Cũng từ những nguồn tin này, một phát hiện bất ngờ từ Trung đoàn xe tăng 273: một trong 4 người hy sinh trong xe có thể có sự nhầm lẫn(?). Và để làm sáng tỏ hơn danh tính của liệt sĩ, tác giả bài viết lại lao vào một cuộc điều tra đầy xúc động...

 

     Dấu hỏi lớn!

 Khoảng mươi ngày sau khi bài ký sự được in trên báo Bảo vệ pháp luật, từ Thành phố Pleiku, Thượng tá Đỗ Văn Ngọc - Chính uỷ  Trung đoàn xe tăng 273 - điện thoại cho tôi biết, đơn vị đã rà soát lại tên tuổi từng người trong xe, có một điều đáng lưu ý là trên tấm bia ở tượng đài Đăk Tô có khắc ghi tên  4 Dũng sĩ: Thiếu uý Nguyễn Nhân Triển, lái xe  Cao Trần Vịnh, pháo thủ Vũ Đức Lượng và Nguyễn Đức Toàn. Tuy nhiên trong danh sách các liệt sĩ của đơn vị hy sinh tại Đăk Tô - Tân Cảnh ngày 24/4/1972 lại không có Nguyễn Đức Toàn mà lại có liệt sĩ Hoàng Văn Ái. Anh Ngọc cũng cho biết có thông tin Hoàng Văn Ái là pháo thủ số 2 trong xe 377, đồng thời nhờ tôi nếu ra bắc thì tìm đến bố liệt sĩ Ái  tên là Tựu ở ngách 42, ngõ Vạn Ứng, khu chợ Khâm Thiên, Hà Nội. Một dấu hỏi lớn đặt ra: liệt sĩ Ái hay liệt sĩ Toàn là người đã chiến đấu và hy sinh cùng tập thể xe tăng 377? Hay là trên xe có 5 người? Tại sao chỉ có 4 tro cốt tìm thấy sau trận đánh và vì sao lại có tấm bia sừng sững mấy chục năm rồi bên tượng đài ghi tên tuổi, quê quán các liệt sĩ mà không ai phản ánh thông tin trên…
Tôi nhớ hình như ai đó đã từng nói với tôi là nhà thơ Hữu Thỉnh đã lấy cảm hứng từ tập thể chiếc tăng này mà viết bài thơ  "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" sau này nhạc sĩ Doãn Nho phổ thành bài hát nổi tiếng; bèn điện hỏi anh Hữu Thỉnh. Nhà thơ - cựu binh của Binh chủng tăng - thiết giáp trả lời rằng anh có nghe kể về chiến công và sự hy sinh của tổ xe này nhưng không biết rõ xe 377 trước khi vào trận có mấy người. Quyết làm sáng tỏ vấn đề, ngày 12 tháng 8 năm 2008 tôi bay ra Hà Nội.

Lần theo dòng địa chỉ.

Được Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Định ở báo ảnh Việt Nam làm xe ôm, tôi lỉnh kỉnh máy ảnh, túi xách, áo mưa, mũ bảo hiểm len lỏi trong khu ngõ chợ Khâm Thiên chật hẹp, lầy lội một sáng mưa đi tìm nhà cụ Tựu. Tôi nghĩ, thông tin Chính uỷ Ngọc cung cấp chắc lấy từ trích ngang quân nhân Hoàng Văn Ái trước khi vào chiến trường, nghĩa là ít nhất phải trước năm 1972. Sau trận rải thảm B52 của Mỹ tàn sát Khâm Thiên, sau bao nhiêu biến động của thành phố ngót 36 năm trời, các cụ bố mẹ anh Ái tuổi cao, sức yếu, lại thương đau vì mất mát hy sinh, như lá vàng trước gió... liệu có phải tôi đang mò kim đáy bể? Nhưng thật lạ, tôi vẫn có một quyết tâm sắt đá sẽ tìm ra tung tích gia đình để làm rõ nhân thân người liệt sĩ đã hy sinh bí ẩn.

 Qua khỏi những quầy thịt, rau, cá, gạo... của ngõ chợ Khâm Thiên chừng trăm mét, Trần Định đưa tôi rẽ vào ngõ Vạn Ứng, tìm đến ngách 42. Nhìn ngách phố nhỏ và cũ xưa như trái đất, tôi mừng thầm và hy vọng sẽ không có sự thay đổi gì lớn ở đây, nghĩa là có thể lần ra tung tích gia đình cụ Tựu. Dăm bảy lần quay ra, trở vào, hết ngách đến kiệt, đến ngõ cụt, hỏi khá nhiều người, không ai biết có cụ Tựu nào ở ngách này. Có người khẳng định là không có. Bỗng một bà cụ từ một ngõ hẻm đi ra bảo tôi: "Cụ Tựu không ở ngách này mà ở ngách 12. Ông cụ mất lâu rồi. Cụ Tựu bà ở  với con trai bên đó". Mừng quá, chúng tôi cám ơn bà cụ rồi quay xe trở ra tìm ngách 12.

Căn nhà nhỏ cuối cùng bên phải cái ngách 12 ấy nền rất thấp, ẩm, càng ẩm ướt hơn bởi cơn mưa. Ngoài cửa dựng một rào gỗ cao cỡ 0,4 mét để ngăn mấy đứa trẻ tuổi mẫu giáo đang tròn mắt nhìn khách lạ. Người phụ nữ trông lũ trẻ đã luống tuổi gật đầu chào tôi rồi quay vào gọi ông chồng ra tiếp khách khi nghe tôi hỏi tên bà cụ Tựu mẹ Liệt sĩ  Hoàng Văn Ái. Bác Toản - người đàn ông ra đón chúng tôi luýnh quýnh gọi: "Có bạn chú Ái về, mẹ ơi!' rồi nắm tay kéo tôi vào nhà. Bên trái cửa, trên chiếc giường một là một bà cụ già như không thể già hơn được nữa, da dăn deo, mắt đờ đẫn, thất thần ngồi như tượng. Tôi bối rối ngồi thụp bên giường mẹ: "Dạ! Con là nhà báo, đã từng là bộ đội ở chiến trường Tây Nguyên với anh Ái về thăm mẹ." Bà cụ giơ cả hai bàn tay về phía tôi, phều phào: "Vậy à? Anh có gặp Ái không? Lâu lắm không thấy nó về?". Tôi mếu máo, nhìn sang bác Toản: "Vậy mẹ không biết anh Ái hy sinh?" Bác Toản mắt cũng đỏ hoe, nhoè nhoẹt nước mắt: "Biết chứ. Nhưng bà lẫn mất rồi. Không nhớ được gì đâu. Kém vài tuổi là tròn trăm rồi, chú!".

Tôi nhìn lên bàn thờ, trên tường, ngay trước mặt: một bức chân dung chiến sĩ dù đã rất cũ và nét phục chế vụng về vẫn lộ vẻ măng tơ, kiêu hãnh; một tấm Bằng Tổ quốc ghi công; một tấm Huân chương chiến công. Tấm bằng ghi rõ: "Liệt sĩ Hoàng Văn Ái hy sinh ngày 24 tháng 4 năm 1972". Vậy là ngày ấy - ngày xảy ra trận đấu tăng một chọi mười lịch sử ở Đăk Tô - Tân Cảnh, anh Ái đã chiến đấu và hy sinh đúng ngày ấy, và dĩ nhiên – trong chiếc xe tăng này, tôi thầm nghĩ vậy. Nghệ sĩ Trần Định xin được thắp một nén nhang cho anh Ái và chụp lại tấm hình anh. Tôi thưa chuyện cùng mẹ  Tựu và vợ chồng bác Toản sự việc liên quan đến chiếc xe tăng, các liệt sĩ và lý do đưa chúng tôi tìm về đây. Mẹ Tựu dù tai không còn tỏ vẫn biết được những điều tôi trình bày. Mẹ xúc động cầm tay tôi, chỉ bác Toản rồi lắc lắc cái đầu có mái tóc ngắn bạc phơ. Từ hai khoé mắt đục mờ của mẹ, những giọt nước mắt lăn qua gò má nhăn nheo.

Ảnh:    Nhà thơ , Nhà báo Bùi Quang Thanh và Mẹ Tựu

Bác Vũ Trọng Toản và anh Ái là anh em cùng mẹ khác bố, hai người sinh cách nhau đúng một con giáp, đều tuổi Thìn. Từ khi Hoàng Văn Ái nhập ngũ rồi vào chiến trường cho đến lúc nghe tin hy sinh, anh em không gặp nhau. Gia đình cũng không biết nhiều về việc hy sinh của anh Ái. Bác Toản cho biết thỉnh thoảng các bạn bộ đội cùng thời chú Ái có về thăm mẹ Tựu và thắp hương cho chú ấy. Họ là những người trong Ban liên lạc bộ đội xe tăng Hà Nội. Bác Toản cho tôi điện thoại và địa chỉ của anh Thái ở Thanh Xuân Nam để tìm hiểu thêm. Tôi điện thoại cho anh Thái, anh cho biết anh không ở cùng đơn vị Hoàng Văn Ái nhưng có anh Quang trong ban liên lạc có thể biết rõ hơn. Bác Toản nhớ ra, bảo tôi "Đúng rồi! Chú Quang là người cùng đơn vị với chú Ái và cũng tham gia trận đánh ấy". Tôi để lại chút quà nhỏ cho mẹ Tựu rồi tạm biệt gia đình bác Toản, hẹn sẽ có lúc quay về.

Cuộc hội ngộ bất ngờ

Chiều ấy, tôi nhận được điện của anh Vũ Đức Thái - Trưởng ban liên lạc cựu binh xe tăng khu vực Hà Nội. Anh sốt sắng đề nghị tôi đến nhà anh Trần Vân Quang ở đường Lê Trọng Tấn để gặp một số đồng đội của các anh. Tôi và Trần Định đi ngay, mời thêm nhà báo Thu Huyền ở Phòng biên tập báo Bảo vệ pháp luật.

Ảnh: Các Cựu binh xe tăng và các nhà báo của báo Bảo vệ pháp luật

Có đến gần chục người ngồi nhà đợi chúng tôi. Ai cũng tỏ ra thân thiết, tay bắt mặt mừng. Ngoài chị chủ nhà vợ anh Quang, trong họ còn một phụ nữ luống tuổi nhưng nét mặt dịu hiền, tươi tắn. Anh Quang, một cựu binh xe tăng rất điển trai, dáng thư sinh bởi nước da trắng và cặp kính cận, giới thiệu với chúng tôi thành phần “phía chủ": ngoài anh Thái, anh Quang, còn có anh Nguyễn Quốc Lập từng lái tăng ở C7 (đại đội có xe tăng 377) ở Tây Nguyên; anh Lê Xuân Sinh - lái tăng ở Lữ đoàn 203; anh Nguyễn Đăng Châu, anh Đỗ Viết Thắng và chị Phùng Thị Đức đều là sĩ quan xe tăng một thời nay đã nghỉ hưu. Trên bàn trà có mấy số báo BVPL in bài "Xe tăng 377...". Hình như đã hiểu ý định của tôi, anh Quang khẩn trương như những người lính ra trận, vào đề ngay: "Anh em chúng tôi rất mừng khi  bài báo của anh đề cập đến chiến công của kíp tăng 377. Sự hy sinh anh dũng của họ đã cổ vũ chúng tôi rất nhiều trong những lần xung trận và thú thực ai cũng bất ngờ khi biết họ chưa hề là Anh hùng lực lượng vũ trang dù họ đã mấy chục năm sừng sững là biểu tượng anh hùng cho trận đánh lịch sử ở Đăk Tô - Tân Cảnh, cho cả mặt trận Tây Nguyên, cho Binh chủng Tăng -Thiết giáp chúng tôi. Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi tôi nghe tin anh Hoàng Văn Ái, bạn tôi không có tên trong kíp xe 377 ấy". Như bắt được vàng, tôi hỏi nhanh: "Anh Quang và anh Hoàng Văn Ái biết nhau không ạ?" " Tôi và anh Ái thân với nhau, ở cùng một đại đội. Chúng tôi đã có một lời thề trước khi vào chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh." "Lời thề gì vậy anh?" Nét mặt anh Quang chợt chùng xuống. Một nỗi buồn thoáng qua trên gương mặt. Anh nhìn lướt các bạn chiến đấu một thời rồi lắc đầu: "Mà thôi! Chuyện cũ xa rồi. Dù sao tôi cũng đã thực hiện được lời hứa với Ái." Mọi người ngẩn ngơ. Không ai dám động vào một ký ức của một thời thiêng liêng, mà ký ức đó chắc chắn gắn với người đã khuất. Nguyễn Quốc Lập rít một hơi thuốc lá rồi nói: "Việc anh Ái chiến đấu và hy sinh trong xe 377, theo tôi không còn gì phải nghi ngờ. Anh Quang cùng đại đội, cùng quê hương, cùng chiến đấu, là một căn cứ; đơn vị ghi vào danh sách liệt sĩ hy sinh ngày 24/4 là một căn cứ. Vấn đề là có mấy người tham chiến trong chiếc xe này? Bốn người nằm lại trong xe khi xe bị bắn cháy là những ai?" Tôi xin phép trình bày lại việc tấm bia ở tượng đài ghi tên 4 liệt sĩ mà không có liệt sĩ Hoàng Văn Ái và trong danh sách lưu lại của Trung đoàn xe tăng 273 lại không có Nguyễn Đức Toàn? Trần Vân Quang bóp trán rồi đưa ra giả thuyết: "Ái là pháo thủ số 2, bắn súng 12,7milimet đặt trên tháp tăng. Khi chiến đấu, xạ thủ này phải nhô người lên trên tháp tăng để bắn. Nếu xe bị bắn cháy, có thể Ái thoát ra ngoài xe và hy sinh đâu đó nên người ta không tìm được." Anh Đỗ Việt Thắng phân tích: "Tăng T-54 của Liên Xô thông thường phiên chế 5 người: một trưỏng xe, một lái xe, pháo thủ số 1, số 2 (nạp đạn) và xạ thủ 12,7 ly. Vậy có thể anh Ái kịp thoát ra khỏi xe khi xe bị bắn cháy." Một ý kiến khác: đối đầu với T-54 mang số hiệu 377 là 10 xe tăng M-41 của Mỹ. M-41 là loại xe có khả năng cơ động cao nhưng hoả lực yếu, chủ yếu đánh bộ binh, vì vậy pháo trên M-41 khó bắn thủng vỏ thép T-54 trong khi chiếc tăng này lại bị cháy trụi phía trong, các chiến sĩ đều cháy thành tro. Vậy súng gì đã bắn cháy tăng 377?". Anh Quang: "Chi khu Đăk Tô - Tân Cảnh là cứ điểm đồn trú rất mạnh của địch. Ngoài xe tăng là hoả lực cơ động, chúng còn nhiều loại vũ khí đặt trong công sự như pháo chống tăng, DKZ...". Vũ Đức Thái hỏi tôi có tấm ảnh nào phóng to chiếc tăng của kíp xe Nguyễn Nhân Triển không? Tôi mở máy tính xách tay, phóng to chiếc xe tăng 377 mà tôi chụp ở Đăk Tô. Mọi người xúm lại xem. Lê Xuân Sinh - người lái chiếc tăng mang số hiệu 886 của C3 (D1 Lữ đoàn 203) -cùng đại đội Bùi Quang Thận, người đã cắm cờ giải phóng trên nóc dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 lịch sử - phát hiện: "Đây là tăng T-59 của Trung Quốc chứ không phải là T-54 của Liên Xô!". Những người lính gật gù: ‘Đúng vậy! Bầu hút khói đầu nòng pháo dài thế này khẳng định chiếc xe này là T-59 do Trung Quốc chế tạo. Sao lại có thể gọi là T-54?". Tôi bối rối: "Bên tượng đài, ngay dưới bệ chiếc xe có ghi rõ là T-54 mà. Trong cuốn "Lữ đoàn xe tăng 273" do Cục chính trị Quân đoàn 3 xuất bản cũng nói rõ là đêm 23/4/1972, Đại đội 7 xuất kích cùng bộ binh Trung đoàn 66 đánh Căn cứ 42 ở  Đăk Tô - Tân Cảnh gồm 9 chiếc T-54". Chị Phùng Thị Đức: "Hồi đó tôi ở cơ yếu Binh chủng nên tôi biết tăng T-59 được đưa vào Tây Nguyên cuối năm 1971".  Anh Nguyễn Quang Lập: "Sau giải phóng, khi tôi đang ở Lữ 201 đóng ở Xuân Mai (Hà Tây), chúng tôi được giao sửa chữa phục hồi  chiếc tăng số 377 từ trong Nam đưa ra. Chiếc xe bị cháy đen thui. Chúng tôi được lệnh chỉ phục hồi phần vỏ, không trang bị vũ khí chiến đấu." Trần Vân Quang: "Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, đơn vị tôi được trang bị chủ yếu là T-54. số xe này bị tổn thất, bị hư hỏng khá nhiều trong chiến đấu nên trước khi vào Tây Nguyên, ngoài số T-54 còn lại, chúng tôi được trang bị hỗn hợp nhiều loại xe như T-59, cao xạ tự hành CY-57-2... Chẳng hiểu chiếc tăng anh chụp ở tượng đài có còn là chiếc 377 nữa hay không nên cần tìm hiểu kỹ. Vấn đề là tại sao không phải là anh Hoàng Văn Ái mà là anh Nguyễn Đức Toàn được ghi tên cùng kíp xe 377 ở tượng đài Đăk Tô? Căn cứ nào để thay tên đổi họ như vậy. Là bạn anh Ái, cùng ở một đơn vị, tôi khẳng định Hoàng Văn Ái hy sinh cùng xe tăng 377 ngày 24/4/1972."

  Cũng tại cuộc "họp" bất thường này, anh Thái, anh Quang và mọi người đề nghị tôi thông tin lại cho Trung đoàn xe tang 273 và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ý kiến đóng góp của anh em trong Ban liên lạc bộ đội xe tăng Hà Nội để đơn vị có cơ sở tìm hiểu và điều chỉnh tên tuổi các liệt sĩ. Anh Trần Vân Quang  hứa sẽ gửi đóng góp này bằng văn bản cho trung đoàn cũ của mình. Anh chốt lại: "Ngày trước, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt có thể cảm thông những sai sót. Bây giờ có điều kiện rồi, tại sao chúng ta không tôn vinh danh dự và công lao của các dũng sĩ? Mà nhân chứng đang sống rành rành đây cả, việc điều tra, làm rõ cũng có khó chi. Mong các nhà báo cùng chúng tôi phối hợp tìm ra sự thật này". Vũ Đức Thái cầm tay tôi: ‘Có 4 vấn đề cần giải quyết xung quanh bài báo về chiếc tăng 377 của anh. Một là xe 377 không phải là tăng T-54 mà là T-59; hai là đồng chí Hoàng Văn Ái là người đã hy sinh cùng chiếc xe ở Đăk Tô; ba là liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn được ghi tên trên bia cạnh tượng đài là ai? Bốn là phải tích cực đề nghị để tập thể chiếc xe anh hùng được vinh danh như chính chiến công của họ. Mong rằng chúng ta còn gặp nhau để góp phần sáng tỏ vấn đề."

Tôi điện thoại cho Thượng tá Vũ Văn Ngọc Chính uỷ Trung đoàn tăng 273 thông báo việc đã tìm và gặp được mẹ của liệt sĩ Hoàng Văn Ái ở ngách 12 ngõ Vạn Ứng, Khâm Thiên (chứ không phải ngách 42 như địa chỉ của đơn vị cung cấp) và những ý kiến mà các cựu binh xe tăng đã tham gia rồi chuyển máy để anh Trần Vân Quang trao đổi sơ bộ cùng anh Ngọc. 

 

Hồi âm từ những người lính

   Chia tay với những người lính tăng  Hà Nội, tôi về lại Đà Nẵng với một tâm trạng lẫn lộn vui buồn. Vui là đã manh nha tìm được thông tin về liệt sĩ Hoàng Văn Ái và qua cuộc điều tra này tôi có thêm những người bạn mới là đồng đội cùng thời; buồn vì nếu anh Ái hy sinh trong xe 377 thì liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn là ai, hy sinh ở đâu và những việc thực ra không phải chúng ta không làm được cho các liệt sĩ cùng thân nhân của họ, những góp sức làm sáng tỏ sự thật lịch sử một thời oanh liệt thì chính thế hệ chúng tôi cũng đang bỏ qua nhiều cơ hội, để thưa dần những nhân chứng.

Anh Trần Vân Quang  vẫn thường xuyên liên lạc với tôi trao đổi nhiều ý kiến đóng góp của các bạn anh, anh cho tôi một địa chỉ đáng tin cậy nữa là anh Phong ở Quân khu 4 là lính tăng Quân đoàn 3 cũ. Nghe đâu anh Phong đang tổ chức lấy tư liệu đề làm phim về xe tăng 377. Liên lạc với anh Phong qua điện thoại, tôi lần ra địa chỉ của người bạn thân của tôi là Nguyễn Trọng Thanh. Hồi ấy, tôi và Trọng Thanh cùng học khoa cơ khí ô tô ở Trường Giao thông, cùng nhập ngũ một lần. Tiểu đoàn 2B Sư 304B nơi chúng tôi nhập ngũ tháng 12/1969 lúc ấy toàn là sinh viên các trường chuyên nghiệp được đưa về huấn luyện ở khu vực cầu K huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Vài tháng sau Tiểu đoàn phân tán về các đơn vị. Tôi và 49 bạn về Cục Quản lý xe Tổng cục hậu cần, Trọng Thanh đi cùng  trung đội 50 người về Trung đoàn xe tăng. Tháng 3/1972, trong một lần tháp tùng một sĩ quan là trợ lý Ban Xăng - Xe của mặt trân B3 đi công tác vào  Cánh Trung (vùng Gia Lai bây giờ), tình cờ tôi gặp Nguyễn Trọng Thanh cùng một bạn học nữa tên là Trình người Hà Nam đang mang ba lô đi ngược đường giao liên. Tôi vồ lấy thằng bạn đồng hương, hỏi han tíu tít. Tôi biết đơn vị xe tăng của nó cũng vừa vào và đang chuẩn bị xuất kích (chính là Tiểu đoàn tăng 297 duy nhất ở Tây Nguyên lúc ấy). Quấn quýt được mươi phút thì phải chia tay nhau. Tôi móc túi cóc ba lô lấy gói lương khô tặng bạn. Mấy ngày sau, tôi thoát chết trong trận bom B52 ở kho Đ27 rồi bị dính thương gần Đăk Tô, vào Bệnh viện 211 của mặt trận, tôi gặp lại Trình  - người cùng đi với Trọng Thanh hôm gặp nhau giữa đường, biết xe tăng của Trọng Thanh bị cháy ở Kon Tum và nó bị thương. Cho đến bây giờ, đã 36 năm chúng tôi chưa gặp lại nhau, chưa biết tin nhau. Vớ được điện thoại của hắn, tôi gọi ngay và sau những thông tin sơ bộ về nhau, tôi đi ngay vào "vụ" tăng 377. Đọc kỹ bài viết của tôi trên báo BVPL, Thiếu tá xe tăng Nguyễn Trọng Thanh - nguyên là lái xe tăng của Đại đội 2 Nguyễn Văn Luyện trong chiến dịch giải phóng Bắc Tây Nguyên mùa xuân 1972 - fax cho tôi những thông tín sau:

 -   C7 do Bùi Đình Đột (sau này là Đại tá, AHLLVT) chỉ huy có 11 xe loại T54 và T59. Tăng 377 là loại T59. Những người hy sinh trong xe gồm: Nguyễn Nhân Triển, Cao Trần Vịnh, Vũ Đức Lượng và Hoàng Văn Ái (anh Ái là pháo thủ số 2)

- Trong số 7 xe M41 của địch bị bắn cháy xung quanh xe tăng 377, đồng chí Lê Văn Duyên pháo thủ xe 354 cùng tham chiến có báo cáo bắn được 2 chiếc.

- Đồng chí Nguyễn Đức Toàn hy sinh (mất tích) trong trận đánh vào Thị xã Kon Tum chứ không phải hy sinh ở ĐakTô.  (lược trích- TG)

Nguyễn Trọng Thanh ghi chú thêm:  Trên đây là ý kiến của tôi (chính xác - có tham khảo ý kiến bạn bè).

Có một điều bất ngờ là khi tôi điện  báo cho anh Đỗ Văn Ngọc để xâu chuỗi sư kiện đặng tìm ra kết luận chính xác nhất thì Chính uỷ Trung đoàn xe tăng 273 cho biết: căn cứ vào các luồng thông tin đã có, đơn vị thống nhất kết luận đồng chí Hoàng Văn Ái là người đã chiến đấu và hy sinh cùng xe tăng 377. Riêng đồng chí Nguyễn Đức Toàn thì không rõ tăm tích vì đã cho người về điều tra tại xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ thì địa phương này không có ai tên họ như vậy mà đi lính xe tăng và hy sinh(?) Anh cũng cho biết đã tìm ra nguyên nhân sai sót trên là do một cán bộ chính sách của đơn vị do thiếu trách nhiệm mà để sai lệch tên tuổi, quê quán liệt sĩ. Tuy nhiên người này đã nghỉ hưu lâu rồi. Tôi đề nghị anh Ngọc gửi cho tôi nội dung kết luận của đơn vị về trường hợp của Hoàng Văn Ái và xác nhận của xã Phù Ninh về đồng chí Toàn nhưng anh Ngọc bảo đã gửi lên Quân đoàn 3 để xin ý kiến, và theo quy định, Trung đoàn không được phép cung cấp thông tin. Vậy là sắp tới, nếu liệt sĩ Ái có tên trong danh sách các dũng sĩ xe 377 thì Nguyễn Đức Toàn sẽ bị xoá tên và có thể coi như không hề có thân phận trong cuộc chiến(?). Ai sẽ làm sáng tỏ vấn đề này để lại trả tên cho anh Toàn nếu như có anh bằng thịt, bằng xương trong thời trận mạc vinh quang đó?

Đồng đội vẫn nhớ về anh

 Trao đổi với tôi qua điện thoại, AHLLVTND - Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nguyên Tư lệnh bộ đội tăng - thiết giáp, hiện nay là Tư lệnh QK4 cho biết: Nhà nước đã có chủ trương điều chỉnh quy định phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho các đơn vị cấp dưới đại đội, tập thể xe tăng 377 chắc chắn sẽ được truy phong danh hiệu cao quý này. Ngày đó chắc không xa nữa. Ngày đó chắc đơn vị cũ của các anh, bạn bè đồng chí và thân nhân của các anh sẽ họp mặt;  ký ức cũ về mất mát, hy sinh, thất lạc, lãng quên sẽ vơi đi nhiều bởi niềm vui về sự mong mỏi được bù đắp. Nhưng ...lẽ nào lại không có một liệt sĩ mang tên Nguyễn Đức Toàn từng chiến đấu và hy sinh như tên anh đã hiện diện trên tượng đài Đăk Tô - Tân Cảnh, như thông tin mà bạn tôi - Thiếu tá Nguyễn Trọng Thanh đã cung cấp?

Tôi lại gọi điện thoại cho anh Quang, anh Phong QK4 và Nguyễn Trọng Thanh. Một địa chỉ mới toanh lại xuất hiện và tôi nhận được một thông tin vô cùng quý giá từ Đại tá Đỗ Quang Thành (số điện thoại 032195007...). Đại tá Thành nguyên Chánh thanh tra Bộ Tư lệnh tăng - thiết giáp, bây giờ là Trưởng ban liên lạc C7 Lữ tăng 273, đang nghỉ hưu ở Mỹ Hào, Hưng Yên. Sau đây là nội dung thông tin đại tá Đỗ Quang Thành cung cấp cho tác giả qua điện thoại: "Khi chúng tôi vào Tây Nguyên, hầu như xe nào cũng phiên chế 5 người; tôi nhớ rất rõ 3 người trong xe 377 là Nguyễn Nhân Triển, Cao Trần Vịnh và đồng chí Ái. Tôi không thân lắm với Ái nhưng biết rất rõ vì sau trận đánh của xe 377, anh Kiện - Phái viên của Bộ Tư lệnh tăng đi cùng D297 cử tôi đi tìm xem xe 377 hy sinh như thế nào? Anh dặn tôi nhớ tìm xem Hoàng Văn Ái bắn 12,7 ly có thoát ra ngoài được không? Tôi tìm được 377, chui vào trong xe thấy cháy rụi cả nhưng không phát hiện ra xác các liệt sĩ, không thấy ai chết bên ngoài xe. Tiếp tục đi tìm, tôi gặp xe tăng 354 của Trung đội trưởng Tình (C12 bổ sung sang) và thấy lái xe Quân, pháo thủ Duyên đang sửa xe bị hỏng. Tôi cùng các đồng chí này sửa xe, sau đó anh Dư lên thay để tôi về nhận lệnh đi đánh Kon Tum. Sau khi đánh Kon Tum về, nghe tin xe 354 chữa xong quay về Đăk Tô đã tìm kiếm và phát hiện 4 thi thể của các đồng chí trong xe 377 bị cháy thành tro. Cũng có tin hy sinh trong xe 377 có cả Lượng và Toàn. Tuy nhiên tôi lại biết Nguyễn Đức Toàn. Hình như quê Toàn ở Phú Thọ, là lính công binh của thiết giáp, có học qua trường xe tăng. Khi đơn vị chuẩn bị đánh Kon Tum, Toàn ở bộ phận dự bị. Vào gần đến Kon Tum thì đồng chí Phượng xạ thủ 12,7 ly của xe 376 không đi chiến đấu được nên tôi (lúc này là quyền C trưởng) quyết định đưa Toàn vào thay Phượng. Cũng chiến dịch này, tôi 2 lần được làm Đại đội trưởng Đại đội 7; lần thứ nhất thay đồng chí Bùi Đình Đột bị thương ở Đăk Tô, lần thứ 2 chỉ huy C7 đánh Kon Tum. Chúng tôi đánh thị xã Kon Tum đến 2 "đỏ', cả 4 tăng của bọn tôi đều bị bắn cháy. Đồng chí Toàn mất tích trong ‘đỏ" 2."

Anh Thành cũng cho tôi biết điều bí mật của Trần Vân Quang và Hoàng Văn Ái mà  anh Quang hé lộ buổi gặp lần đầu ở Hà Nội. Số là họ đã hứa với nhau nếu một trong 2 người sống được trở về sau chiến tranh thì phải báo cho gia đình người nằm lại biết sự thật để đỡ trông mong mòn mỏi. Và Trần Vân Quang đã thực hiện lời thề ấy khi trở lại hậu phương, gia đình anh Ái hết sức đau xót khi hay hung tin, ông bà Tựu khóc lóc vật vã một thời gian dài. Mỗi lần anh Quang đến thăm là một lần ông bà suy sụp tinh thần và sức khoẻ vì nhớ thương con. Tuy vậy vì mãi không có giấy báo tử, cả nhà vẫn nửa tin nửa ngờ làm Quang hết sức bối rối và ân hận.

Sau khi nhận thông tin của Đại tá Đỗ Quang Thành, tôi thấy anh Toàn và anh Quang cùng ở xe 376 nên điện hỏi Trần Vân Quang xem có nhớ Nguyễn Đức Toàn không. Anh Quang cho biết sau trận Đăk Tô - Tân Cảnh, xe 376 bị hỏng phải dừng lại sửa chữa, anh được điều sang xe khác và nhận chức B trưởng nên không biết anh Toàn về xe cũ của mình. Chiếc tăng 376 bị bắn cháy ở thị xã Kon Tum là chính xác.

Như vậy, từ thông tin của Nguyễn Trọng Thanh và Đại tá Đỗ Quang Thành, rõ ràng có một liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn đã từng chiến đấu và hy sinh (mất tích) ở Kon Tum trong đội hình của Tiểu đoàn xe tăng 297. Dù mất tích hay hy sinh, anh vẫn đang sống trong trí nhớ của đồng đội. Lẽ nào chúng ta không tìm ra thân thế , gốc tích của anh để trả tên anh về nơi anh đã ra đi và khắc tên anh - dù chỉ là một dòng tên ngắn ngủi  vào tấm bia lịch sử của cuộc kháng chiến hào hùng?

     

Kỳ Ba:
TRẢ TÊN ANH VỀ VỚI TRUNG ĐOÀN

      Đọc xong dòng cuối  trên Quân sử Việt Nam về  trận đấu tăng "1 chọi 10" của kíp xe tăng mang số hiệu 377, tôi commen vào đây thông điệp: "Tôi là BQT tác giả bài viết "Xe tăng 377 và những Anh hùng chưa được tôn vinh" đã in dịp tháng 8/2008 trên báo Bảo vệ pháp luật, tôi không ngờ bài viết có hiệu quả nhanh với công luận với các đồng đội một thời đánh Mỹ như vậy và rất vui vì có đến 11 trang bàn luận trong Quân Sử VN xung quanh chiếc xe 377 Anh hùng. Tôi cũng hết sức xúc động vì ngày 09/2/2009 Đảng và Nhà nước đã truy phong danh hiệu AHLLVTND cho kíp xe tăng 377. Rất cám ơn các độc giả đã quan tâm những thông tin tôi đã tìm và viết trên đây. Tuy nhiên phần cuối bài ký sự này tôi có đề cập đến Liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn (quê Phú Thọ) - người mà mấy chục năm nay vẫn ghi danh trên tấm bia ở tượng đài Chiến thắng Đak Tô bây giờ đã được thay bằng Liệt sĩ Hoàng Văn Ái (quê Hà Nội). Theo thông tin từ Trung đoàn tăng 273 (QĐ3) thì đơn vị đã cho người về xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) tìm hiểu nhưng không có ai là Nguyễn Đức Toàn bộ đội xe tăng thời ấy cả và trong danh sách liệt sĩ của Lữ tăng 273 (nay là E273) cũng không có tên anh Toàn (?). Vậy là Liệt sĩ Toàn không còn hồ sơ tên tuổi nữa sao bởi theo các đồng chí  của Anh thời ấy mà hiện giờ đang sống thì Nguyễn Đức Toàn là chiến sĩ của D297 thiết giáp được bổ sung về xe 386 trước trận đánh vào Thị xã Kon Tum và mất tích ở đó. Tại sao không thấy có ai hồi âm về tin tức của anh Toàn?. Tôi vẫn nung nấu trong lòng sẽ trở lại vấn đề này tìm hiểu điều tra về Anh để đưa Anh trở về (dù chỉ một dòng tên) trong đội ngũ những liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Hy vọng các đồng đội của Anh Toàn và của tôi - đặc biệt là những cựu binh xe tăng thời ấy nhớ lại và cho tôi những thông tin quý giá. Xin gửi về địa chỉ của tôi... (BQT)

      1, Điểm hẹn: Trại Cau

Tôi lên Trại Cau cách Thành phố Thái Nguyên chừng 15km bằng xe của Tạp chí Kiểm sát vào một sáng chủ nhật. Cựu thiếu tá xe tăng Nguyễn Trọng Thanh trong Ban liên lạc Trung đòan xe tăng 273 điện mời đã mấy ngày trước đó. Anh cho biết sẽ có cuộc gặp mặt lịch sử của hơn nửa ngàn cựu binh đơn vị nhân ngày kỷ niệm 50 năm Binh chủng xe tăng tại đây. Anh Trần Vân Quang cũng cho biết nhiều anh em Ban liên lạc C7 xe tăng rất mong gặp tôi để trao đổi và cung cấp thêm một số thông tin quanh bài ký sự "Xe tăng 377 và những anh hùng chưa được tôn vinh" và làm sáng tỏ thêm một số bí ẩn của trận đánh và đồng đội họ. Và quả vậy, tại căn cứ cũ của Lữ tăng 273 thời Binh đoàn Tây Nguyên đang phòng thủ ải biên ải phía Bắc chống bọn Trung Quốc xâm lược, tôi đã được gặp và trao đổi cùng những chiến sĩ cũ của Đại đội xe tăng số 7 Anh hùng - những người đã làm nên chiến thắng Đak Tô - Tân Cảnh mùa xuân 1972 - những người bạn chiến đấu thân thiết của kíp xe 377 một thời và mãi mãi. Bằng trí nhớ và cả những điều hình như lâu lắm không còn nhớ được bởi cuộc sống hiện tại lấp vùi, qua sự gợi mở của đồng đội, của sự kiện, của sâu thẳm ký ức, các anh đã dựng lại cho tôi một hình ảnh về chiến sĩ xe tăng Nguyễn Đức  Toàn.

ảnh: (Tác giả - Nhà thơ Bùi Quang Thanh cùng những người lính tăng tham chiến ở Kon Tum 1972)

Anh Nguyễn Văn Phùng quê Quỳnh Phụ Thái Bình nguyên lính kỹ thuật của trung đội sữa chữa C7 cho biết: anh cùng anh Toàn được đào tạo với nhau ở Binh chủng tăng rồi cùng về tiểu đòan tăng 297 vào Tây Nguyên. Toàn quê ở Phù Ninh - Phú Thọ, đẹp trai hiền lành và đánh bài tu lơ khơ rất giỏi. Sau trận đánh vào thị xã Kon Tum "Pha 1" (đêm 25/5/1972) anh Phùng vẫn còn gặp Toàn. Đại tá Cao Thi hiện công tác ở Cục Quân lực thuộc Bộ Tổng tham mưu nguyên Trung úy xe tăng là bạn thân của Nguyễn Nhân Triển và học cùng lớp ở Đoàn 10 thiết giáp với Liệt sĩ Nguyễn Đức Lượng (xe tăng 377), lại cùng quê Lâm Thao với Cao Trần Vịnh khẳng định: Trước khi đánh Kon Tum Toàn có đến chơi với chúng tôi và kể về trận Đak Tô. Theo anh Cao Thi, không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Đức Toàn "lạc" vào xe tăng 377 trên bia tưởng niệm ở Đăk Tô. Số là trước khi vào chiến trường Tây Nguyên, Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển đã kịp cưới vợ. Vợ anh Triển rất trẻ và xinh đẹp. Dọc đường hành quân vào chiến trường anh tìm mọi cách gửi thư về quê nhà; nỗi nhớ thương người vợ khôn nguôi thường làm anh đăm chiêu và anh trút tâm sự thương nhớ ấy sang bạn bè cùng đơn vị. Nguyễn Nhân Triền bị một số cán bộ đánh giá là "không an tâm"  về tư tưởng. Lúc này Nguyễn Đức Toàn đang là đối tượng Đảng được điều sang xe 377 một thời gian với vị trí pháo thủ 2. Trước trận đánh Đăk Tô - Tân Cảnh, Toàn được chuyển sang xe khác và sau này anh ấy hy sinh (mất tích) trong "Pha 2" của chiến dịch Kon Tum. Đại tá Cao Thi cũng cho biết Cao Trần Vịnh lái xe 377 vốn người họ Trần từ đâu đến ngụ cư  ở làng Cao Xá (Lâm Thao); hầu hết cư dân làng này có họ Cao (có lẽ vì vậy mà có tên Cao Xá chăng?) mới xin đổi từ họ Trần sang họ Cao...

Tại cuộc gặp mặt C7 xe tăng này tôi được giới thiệu với một đồng hương của Nguyễn Đức Toàn: nguyên Trung tá xe tăng Vũ Ngọc Quỳnh quê ở  Âu Cơ Phú Thọ. Anh Quỳnh cho biết xã Phù Ninh của Toàn cách nhà anh 20 km. Toàn và anh cùng nhập ngũ ngày17/ 8/1970 nhưng để kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công đơn vị thống nhất lấy ngày nhập ngũ là 19/8. Họ được bổ sung vào Trung đoàn tăng 203 đóng tại Lương Sơn Hòa Bình và cùng được cử đi học lớp H5 đào tạo cán bộ trung đội dài hạn. Tôi hỏi anh có biết anh Toàn hy sinh như thế nào không và hoàn cảnh gia đình Toàn ra sao thì Quỳnh cho biết: "Tôi chỉ biết tin Toàn mất tích trong trận Kon Tum và chưa về được để thăm gia đình anh ấy. Tôi vẫn sợ mình về gia đình lại đau khổ thêm khi liên tưởng đến người thân của họ không trở về. Vì thế không phải không đến mà là không dám đến." Anh Trần Vân Quang chỉ Vũ Ngọc Quỳnh và nói với chúng tôi: "Ông này vẫn nặng nợ với Toàn lắm. Ngày 23 tháng 4 năm nay (2009) chúng tôi vào dự lễ đón danh hiệu AHLLVTND cho kíp xe tăng 377 và lên viếng nghĩa trang liệt sĩ Đăk Tô. Trong khi chúng tôi thắp hương thì Quỳnh chạy đi tìm mộ Toàn rồi hét toáng lên: Tìm được mộ thằng Toàn rồi chúng mày ơi! Khi chúng tôi chạy lên hỏi: Đâu? Ở đâu? thì Quỳnh bảo: Vừa mới thấy đây tôi giơ máy ảnh lên chụp thì máy không hoạt động. Chạy xuống gọi các ông giờ quay lại chẳng thấy đâu. Rõ ràng có tấm bia ghi Nguyễn Đức Toàn xã Phù Ninh huyện Phù Ninh Phú Thọ mà?. Cả 7 người chúng tôi tóe nhau ra tìm mỏi mắt vẫn chẳng thấy đâu cả. Anh em bảo Quỳnh nhìn gà hóa cuốc, riêng Quỳnh cứ ngẩn ngơ như người mộng du mãi..."

Hàn huyên khoảng một tiếng đồng hồ chúng tôi tạm chia tay để vào dự Lễ kỷ niệm ngày Truyền thống của Trung đoàn xe tăng 273 ở đó đã hội tụ hơn 500 cán bộ chiến sĩ trung đoàn với rất nhiều tên tuổi khét tiếng một thời như Trung tướng AHLLVT Đoàn Sinh Hưởng Thiếu tướng Trần Kỷ ....

Thời gian quá ngắn ngủi những người cựu binh xe tăng C7 tha thiết mời tôi về Hưng Yên sau 3 ngày nữa để gặp thêm nhiều anh em thời đó. "Ngày ấy mới là ngày riêng của lính C7 chúng tôi." - Nguyễn Văn Mỹ nguyên Đại đội trưởng C7 trong chiến dịch đánh chiếm Thị xã Kon Tum (1972) nắm chặt tay tôi.

2, Cuộc hội ngộ ở làng Tiên Xá

Đường về làng Tiên Xá (xã Cẩm Xá, Mỹ Hào, Hưng Yên) đang mùa thu hoạch lúa. Ngõ nhà nào nhà nấy chất ngất những rơm. Xe cộ đủ loại đan như mắc cửi. Thấy chiếc xe "80B biển xanh" đi vào làng, một số nông dân đặt mấy gánh lúa xuống đường như trêu ngươi cố tình không cho chiếc xe lọt qua những gánh lúa. Mấy cựu chiến binh và tôi xuống thông cảm xin đường. Một số người ái ngại; nhiều người yên lặng; có người đàn ông đứng bên mai mỉa: "Họ về ăn cỗ nhà ông cục thuế đó mà. Vội gì tránh." Tôi hiểu ra liền thanh minh: "Chúng tôi là bạn lính với anh Thành bộ đội xe tăng ạ". Vậy là thoáng chốc mỗi người một tay, con đường trở nên quang rộng.

Đại tá Đỗ Quang Thành nguyên Chánh Thanh tra Bộ Tư lệnh Thiết giáp là người được vinh dự tổ chức cuộc gặp gỡ của Cựu binh C7 lần này. Cuộc hội ngộ hôm nay có nhiều nhân vật đặc biệt cả lính cả quan: Nguyễn Lương Phước nguyên chỉ huy đại đội 7 trong trận Đăk Tô - Tân Cảnh - chính anh Phước đã nhận lệnh từ Chỉ huy chiến dịch và trực tiếp điều Trung đội tăng của Nguyễn Nhân Triển lên tăng cường cho bộ binh đánh cứ điểm Đăk Tô 2; Đại tá Phạm Đức Thọ - Phó Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam; Đại tá Mạc Văn Bào (người dân tộc Tày) nguyên Phó Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Cạn. Anh Bào chạy xe máy hơn 300km từ quê xuống chiều qua. Các cựu chiến binh C7 đã từng xông pha lửa đạn trong suốt cuộc chiến  từ 1972 đến ngày toàn thắng như anh Biên xe trưởng tăng 902 (1972) - một "ông già" mất gần hết cằm bên phải nên khuôn mặt méo mó tội nghiệp. Các bạn anh kể rằng trong trận Đắc Tô - Tân Cảnh, pháo của xe 902 bị hóc không bắn được. Biên kiểm tra hãm lùi của pháo thì bất ngờ bị lò xo hãm lùi nặng hàng tấn bật ngược đánh vào mặt. Toàn bộ xương cằm của Biên bị văng ra gãy và vỡ vụn. Biên ngất xỉu đồng đội tưởng anh đã chết nên khiêng ra khỏi xe và tiếp tục cuộc chiến đấu. Biên được các chiến sĩ bộ binh phát hiện khi còn thoi thóp liền đưa vào trạm phẩu tiền phương cấp cứu. Anh Nguyễn Xuân Mai quê làng Nhiệm Trạch - Cẩm Xá - Mỹ Hào, trong trận Kon Tum anh Mai là pháo thủ sau đó là Trưởng xe 376...

 ảnh: (Cuộc hội ngộ lính C7 xe tăng tại làng Tiên Xá)

Câu chuyện về trận chiến ở Thị xã Kon Tum của các chiến binh xe tăng nở như ngô rang trước sự  chứng kiến của tôi, của người nhà và xóm giềng Đại tá Đỗ Quang Thành. Bằng những điều tai đã nghe, mắt đã thấy và trí tưởng tưởng con nhà lính, tôi cùng các anh sẻ chia những phút giây hào hùng của chiến thắng, cũng sẻ chia những mất mát của đồng độ, của nhân dân một thời máu lửa. Với các cựu binh C7 trận Kon Tum là một nỗi đau, một vết hận của thời oanh liệt. Không riêng lính xe tăng mà cả các sư đoàn thiện chiến như Sư2 của tướng Nguyễn Chơn, Sư 10 huyền thoại của chủ lực Tây Nguyên, Sư 320 “Quả đấm thép”...Qua lời kể của các anh tôi hình dung những tổn thất vô cùng của bộ đội ta, cũng lọc ra được một bóng hình người lính xe tăng Nguyễn Đức Toàn mập mờ mà rõ nét, xa xôi mà gần gũi, không hề vô danh.

 Đêm 25/5, C7 làm dự bị cho C12 vào "Pha 1" Kon Tum. Anh Hồng chính trị viên C7 bị thương, Nguyễn Xuân Mai được cấp trên chỉ định làm trưởng xe 376. Lúc này Nguyễn Đức Toàn là xạ thủ bắn 12, 7 ly. Trận đánh diễn ra không như ý định của Bộ chỉ huy mặt trận. Do trinh sát địa hình không chính xác, do lực lượng xe tăng bố trí quá mỏng và phân tán, do hợp đồng binh chủng để đánh đô thị chưa quen ...vì vậy bộ binh hai Trung đoàn của Sư  đoàn 2 ngã như rạ trước cửa mở hướng tây bắc Thị xã Kon Tum bởi hỏa lực cực mạnh đã giăng sẵn của pháo binh và máy bay địch. Khó khăn lắm tới gần sáng xe tăng mang số hiệu 903 (loại T59 của Trung Quốc) của Phạm Đức Thọ mới lách qua xác các tử sĩ tiến qua cửa mở. Bọn địch đã biến vào các công sự kiên cố chỉ còn lửa đạn pháo rót tọa độ như căn từng cen ti met vào lực lượng công kích của ta. Thọ cùng Trung đội phó Huỳnh, lái xe Lập cho xe lùi vào một ngôi nhà để ẩn náu và quan sát địch thì bị bom na pan từ máy bay Utiti đánh trúng. Xe cháy, các anh thoát được ra ngoài. Gần như toàn bộ tăng của C7 tham chiến trận này bị cháy hết (lời Đại tá Phạm Đức Thọ).

Đêm 26/5 Đại đội trưởng Đức chuyển sang tăng 376 để trực tiếp chỉ huy đơn vị vì xe 902 của anh Đức bị hỏng ăng ten của hệ thống thông tin. Anh Mai sang làm Trưởng xe 902 thay anh Biên bị thương nặng trong trận Tân Cảnh. Mờ sáng ngày 27/5 khi đánh vào Thị xã Kon Tum lần 2, Đại đội trưởng Đức hy sinh trên xe 376; anh Mai bị thương thủng gò má phải; xe tăng 902 cháy. Nguyễn Đức Toàn mất tích từ đêm 26 rạng ngày 27/5 mà không một ai biết về tung tích của anh nữa...

ảnh:(Anh Biên và anh Mai với những vết sẹo khủng khiếp của chiến tranh trên mặt)

Buổi gặp gỡ cựu binh C7 ở  Tiên Xá có một quyết định được Ban liên lạc thông qua: tìm bằng được tung tích anh Toàn sau đó ban liên lạc sẽ cùng nhau lên thăm và tổ chức viếng Toàn tại nơi có thể. Nhiệm vụ này một lần nữa được giao cho Vũ Ngọc Quỳnh - người có điều kiện nhất hiện nay. Trung tá Quỳnh hứa với mọi người sẽ thực hiện.

     Trên đường trở về Hà Nội, Đại tá Thọ mời tôi và Trần Vân Quang ghé vào nơi làm việc của anh ở Bảo tàng Quân sự Việt Nam ngay bên chân Cột cờ. Tại đây, vị Phó Giám đốc cơ quan này đã đưa cho tôi cuốn nhật ký chiến trường của anh rồi lẳng lặng đi pha nước mời khách. Cuốn nhật ký dày hàng trăm trang được ghi chép chi chít bằng nhiều loại bút mực khác nhau, chỗ mờ phai vì thời gian, cũng nhiều trang còn rất đậm nét. Tôi lần theo thời gian có liên quan đến trận chiến để tìm một cái gì đó mà linh cảm mách bảo. Và đây rồi: một buổi chiều trên đất Nam Lào hầm hập nắng, ngày 10 tháng 8 năm 1972 (gần 3 tháng sau trận đánh vào Thị xã Kon Tum), Phạm Đức Thọ đã ghi những dòng nghẹn ngào vào cuốn nhật ký của mình: “Toàn thân yêu! Thế là tao mất mày, người bạn chiến đấu thân thiết nhất của tao…” Trang nhật ký khoảng vài trăm chữ nhưng cũng đủ nói lên tình cảm thân thương của đôi bạn chiến đấu ấy và khẳng định với tôi sự hiện diện của Nguyễn Đức Toàn trong đại đội xe tăng.

Khoảng một tuần sau ngày chia tay ở Mỹ Hào, Vũ Ngọc Quỳnh gọi điện vào Đà Nẵng cho tôi. Anh reo lên trong máy: “ Tìm được gia đình Nguyễn Đức Toàn rồi anh ơi! Mãi tận xã Phú Lộc chứ không phải xã Phù Ninh như thông tin ta biết. Tôi đang ngồi với anh trai của Toàn đây!”. Rồi liên tiếp các anh Vân Quang, Thọ, Lập… cũng gọi điện cho tôi.
Lần theo số điện thoại anh Vũ Ngọc Quỳnh cung cấp, tôi gặp được anh Nguyễn Đức Chiến, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế nhà nước của Bộ Nội vụ, là anh trai liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn. Gia đình các anh có tám anh chị em, anh Chiến thứ 6, anh Toàn là út. Khi Toàn vào bộ đội, anh Chiến đang làm Quản đốc phân xưởng ở mỏ Apatit ở Lào Cai. Ngày Nguyễn Đức Toàn chuận bị vào Nam, anh Chiến đã hai lần nhảy tàu hỏa về gặp để chia tay em ở Hà Nội. Suốt quãng thời gian quân ngũ, anh Chiến nhận được của đứa em út 7 lá thư. Năm 1973, gia đình đau đớn nhận giấy báo tử của Toàn. Hơn mười năm sau, bố mẹ các anh lần lượt ra đi vì bệnh tật và nỗi nhớ thương đứa con út tử trận. Bố dặn anh Chiến: “Chỉ có con mới có thể đi tìm em về. Hãy thay bố mẹ lo chuyện này con nhé.” Từ ấy đến nay anh Chiến đã cất công đi tìm rất nhiều lần, có cả thư viết tay của tướng Trọng Xuyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng gửi Cục Chính sách và lãnh đạo Quân đoàn 3…Anh cũng nhờ cả Bộ Chỉ huy quân sự Kon Tum và cả tìm kiếm bằng tâm linh nữa nhưng tin túc vè đứa em út thân yêu vẫn bặt vô âm tín. Năm 2004, anh lần tìm được họ tên em mình trong danh sách liệt sĩ Quân đoàn 3 nhưng sai quê quán, anh đã xin phép được sửa chữa và chính tay anh đã viết lại quê quán trong trích ngang của liệt sĩ Toàn. Tuy nhiên cho đến nay trên bia ghi danh Liệt sĩ của Nhà bia tưởng niệm vẫn chưa thấy?  Qua Nguyễn Đức Chiến, tôi được biết sau khi bố mẹ qua đời, bàn thờ Liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn đã chuyển về nhà người anh cả là Nguyễn Đức Chương để thờ phụng nhưng từ ấy lại nay không có ai trong lãnh đạo chính quyền hay Ban chính sách đến thăm viếng nữa. Rồi qua Email, anh Chiến gửi cho tôi ảnh chụp bức thư cuối cùng Toàn gửi cho anh khi cùng đơn vị hành quân Nam tiến kèm bức ảnh chân dung đã được phục chế của Liệt sĩ  Nguyễn Đức Toàn.

Không biết nên vui hay nên buồn khi tôi kết thúc những dòng viết này? Vui vì tôi và đồng đội của anh Toàn đã làm được một việc gì đó, ít ra làm sang tỏ thêm thân phận của một chiến binh trong cuộc chiến tranh giải phóng; cũng gợi cho đồng đội và lớp các bạn đọc thế hệ sau hình dung lại một thời máu lửa và những mất mát hy sinh để có được chiến thắng hôm nay. Sự hy sinh bí ẩn và thầm lặng của người lính xe tăng ấy, dù ít dù nhiều đã được xác định và chắc chắc đơn vị anh, đồng đội anh hôm nay sẽ có thể tự tin ghi tên Anh vào danh sách những người con quang vinh đã ngã xuống vì truyền thống Trung đoàn, Binh đoàn. Còn nỗi buồn thì…thật là khó nói. Tôi băn khoăn tự nghĩ: chính chúng ta chứ không phải ai khác, có thể làm ngắn bớt chiều dài danh sách các hàng bia “Vô danh” trên mộ chí của đồng đội ở các nghĩa trang liệt sĩ hôm nay; và vì vậy, chính chúng ta sẽ làm vơi đi nỗi đau buồn mà chiến tranh để lại!

 

Đà Nẵng – Hà Nội, 10/2009
Kon Tum, 3/2010