Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

Xuôi cùng đò dọc sông đêm

17:41, 03/09/2011AdminTrong mắt bạn đọc
(1 Đánh giá)
Xuôi cùng đò dọc sông đêm
;  Văn Giá
 
Thật ra là, nếu không thực lòng yêu đối với quê hương bản quán của mình thì dù sống ở tại quê hay sống xa quê, viết về quê hương vẫn cứ nhạt như thường. Buồn nhất là có những người lúc sống ở quê thì hờ hững, ráo hoảnh, nhưng khi xa quê họ lại sắm vai diễn bằng những lời lẽ phần lớn là được nống lên từ những thương cùng nhớ. Rốt cuộc thì họ cũng chẳng đánh lừa được ai. Chỉ tội cho thơ, trong trường hợp này, thơ đã bị biến thành phấn son trang trí và có thể còn tệ hơn thế nữa.
Bùi Quang Thanh chẳng phải đi đâu hết, anh cứ dầm đời mình vào giữa đồng đất quê hương mà sống, chí tình chí nghĩa. Ai có thể bảo thơ Bùi Quang Thanh hay dở thế nào thì chưa biết, chứ không ai có thể nghi ngờ tấm lòng hiếu thảo của thơ anh đối với người, với đất quê anh. Một hồn thơ như thế hẳn phải được đáp đền. Bao nhiêu dưỡng chất quê hương đã bồi thấm vào thơ anh, nồng hậu mà kiêu hãnh.
Tôi đã được đọc thơ Bùi Quang Thanh từ lâu. Cũng có ý thức đọc thêm và chờ đợi. Từ tập thơ đầu tay Một thời sao lãng quên (1994) đi qua Hạt đắng (1998) rồi Đò dọc sông đêm (2001) và bây giờ là Ngọn gió dòng sông, thơ anh đã đi từ tâm hồn người lính vừa bước ra khỏi chiến tranh với bao vui buồn thế sự, tiếp tục đào thêm vào mạch thế sự của thời đang sống, đào sâu vào mạch ngầm hồn thiêng xứ sở đất quê Lam Giang – Hồng Lĩnh. Nhu cầu khám phá, cắt nghĩa sự sống hôm nay từ nguồn mạch văn hóa truyền thống là một hướng đi chủ đạo của văn học nói chung và thơ ca nói riêng trong những năm này.
Xuyên suốt cả bốn tập thơ và được trở đi trở lại với một tần số cao là hai hình ảnh: MẹQuê. Là hai, mà cũng là một. Như hai vầng sáng cùng tỏ, có khi giao nhau, có khi lại hòa lẫn trong nhau. Mẹ là trung tâm điểm, là kết tinh của quê hương. Quê hương lại là sự mở rộng của Cõi mẹ mà thành. Mẹ và Quê là một nhất thể.
Cứ thử chịu khó làm một phép thống kê những câu thơ viết về mẹ mà xem, ta sẽ có một số lượng rất đáng kể, vượt trội. Ở tập thơ nào (của BQT) cũng vậy, có khi là một tâm trạng ăn năn của con người “tự thú” rằng đã có lúc mình chưa ngoan với mẹ, làm những điều chưa phải với mẹ (Một thời sao lãng quên, Hạt đắng), có khi là một nỗi nhớ thương đối với người mẹ lam lũ đang già cỗi, lay lắt với thời gian (Tiếng đồng)… Dáng mẹ gắn chặt đời mình với đất cát, ngọn lúa củ khoai, tảo tần chắt chiu nuôi con khôn lớn. Dáng mẹ lặng thầm, nhẫn nại, chở che… Hình ảnh người mẹ trong thơ Bùi Quang Thanh chính là người mẹ Việt Nam ngàn đời trong ca dao, cổ tích. Những vần thơ như thế, đọc lên dễ xúc động, vì nó chạm vào chiều sâu của hồn người nhưng dần dần, đến tập thơ Ngọn gió dòng sông, Bùi Quang Thanh đã nâng hình ảnh mẹ lên thành một biểu tượng, mang tầm vóc, tư thế của Người mẹ xứ sở.
-Mẹ quê xanh hết dâu triền bãi
Con là tằm điếc chẳng buông tơ
;   (Với người tiễn bạn về quê)
-Hạt máu mẹ thấm vào rừng biên giới
Trong quế thơm - Hoa trầu trắng lưng trời
    (Đêm A Lưới)
-Mẹ nhịn nhục nuôi ta thành tráng sĩ
 (Mai Hắc Đế)
Hình ảnh người mẹ xứ sở tiêu biểu nhất trong hai bài: Dáng mẹLời hương khói. Câu thơ được xây dựng trong thế đối nghịch, làm bật lên một nỗi đau thấu tận trong lồng ngực: “Nơi mẹ tiễn con đi - Nơi mẹ ngóng con về - Nơi đồng vọng. Sừng sững tượng đài chiến thắng-Đìu hiu dáng mẹ lưng còng”. Cũng cùng một kiểu cấu trúc ấy, có thêm: “Mẹ là người đàn bà đầu tiên trong cổ tích dựng nước non bằng một bọc trứng Rồng. Đất nước vững bền tự bốn ngàn năm. Chưa ai tạc nổi dáng hình của Mẹ”. Hình ảnh Mẹ Âu Cơ xuất hiện thành một vệt suy tư của Đò dọc sông đêm. Viết về Người mẹ xứ sở tức là theo đuổi một tứ thơ lớn . Những bài thơ vừa kể trên đây của Bùi Quang Thanh mang dáng dấp một đà bay, bạo dạn mà tin cậy. 
Cũng phải nói ngay, chính ở chỗ này là tiềm tàng một dấu hiệu không mong: Nếu quá ham vào suy tưởng, khái quát sẽ đánh rơi mất những hình ảnh thơ chân thực, gần gũi, máu thịt. Người đọc vẫn thèm có mặt trong những bài thơ mang hơi hướng sử thi, những câu thơ ví như:
 
-Mẹ vẫn mang tơi, chân trần lên chợ tỉnh
Cát tháng tư cháy đen màu thính
Rổ khoai lang nắm xém hai đầu
Hoặc: -Gốc rạ già nua nằm lại
Thảo thơm lan khắp đất trời
 
Tứ thơ lớn phải được mang chở bằng những hình ảnh thơ lắm khi thật bé, thật li ti, chi tiết. Như ban đầu đã nói, Mẹ và Quê là hai hình ảnh thơ đan lòng hòa thấm trong nhau; thế nhưng nếu tách ra, vẫn có thể thấy mỗi phía có một diện mạo riêng. Quê hương trong thơ Bùi Quang Thanh không mang nghĩa khái quát như là hình ảnh Đất nước, mà mang nghĩa xác định - nơi “chôn rau cắt rốn” của nhà thơ đất Lam – Hồng. Vùng đất “địa linh nhân kiệt” ấy đã ban phước lộc cho hồn thơ Bùi Quang Thanh chút hương hỏa của tiền nhân. Càng về sau, thơ anh càng hướng mạnh vào mạch nguồn khí thiêng xứ sở. Quê hương không chỉ hiện ra qua hình sắc bên ngoài mà cả bằng chiều sâu văn hiến. Có những vần thơ trong trẻo đáng yêu:
Khi khoai lúa xanh hàng mướt lối
 Bảy chú cò - bảy nốt nhạc xuân
Diều ai rắc sáo từ xa lắc
Khúc nhạc đồng quê vút trong ngần
;  (Bảy chú cò của tôi)
Có những vần thơ thảo thơm tình nghĩa:
Phải là lạc cúc anh ơi
Để nguyên vỏ lụa, ủ nồi đất nung
Phải là mật mía đất rừng
Ửng màu cánh dán nấu chừng se keo
Đũa tre tay khuấy thật đều
Lửa than không để ngọn reo đáy nồi
;   (Qùa quê)
 Đây là một câu thơ như một tiếng lòng:
Va vào thành giếng lanh canh
Tiếng gàu vẹt cả lòng anh trưa hè
(Tiếng gàu)
Kia lại là những câu thơ thật ngậm ngùi:
Trồng vời nắng lóa nghĩa trang
Bao nhiêu đồng đội xếp hàng vô danh
;   (Viết giữa lưng chừng)
… Dần dần suy cảm thơ anh rọi sâu vào một quê hương nguồn cội với những huyền thoại núi Hồng, truyền thuyết Mẹ Âu Cơ, câu ca dao, dân ca, những Hoa tiên, những câu Kiều, thơ Nguyễn Công Trứ… Phần IV của trường ca Đò dọc sông đêm với tựa đề Viết từ những câu ca thật đằm thắm, nặng tình, ngụ bao suy tưởn tầm vóc, sâu lắng:
Chắp tay con vái tổ tiên
Ngực trần dám chịu hòn tên hai bề
Cũng vì yêu đất thương quê
Nghĩa nhân ban phát, thu về bão giông
Ăn đầu gió, ngó cuối sông
Giọng trầm âm đục mà lòng thanh cao
 
Những câu thơ này là một cách tạc dựng chân dung đất và người Hà Tĩnh. Đừng ai bắt bẻ chuyện đúng sai ở đây. Hãy cảm nhận một tấm lòng, một tình yêu suốt đời “ăn chịu” với quê hương. Bùi Quang Thanh tự lĩnh cái sứ mệnh hát lên giọng điệu, hồn vía quê hương xứ sở Lam Giang – Hồng Lĩnh. Trước Điện thờ tâm linh văn hóa cội nguồn, các bài thơ của Bùi Quang Thanh đều mang một điệu thơ khấn nguyện thiêng liêng, ngào ngạt HươngKhói.
Thơ Bùi Quang Thanh rất mạnh ở các chi tiết, hình ảnh chân thực, cụ thể, đi ra từ trường quan sát quen thuộc của cái cuộc sống bao bọc quanh anh. Anh có khả năng đánh thức và làm lạ hóa chúng, đem đến hứng thú cho người đọc. Những câu thơ hay nhất, những bài thơ dạt dào nhất vẫn nhờ cách cảm thụ cuộc sống và cách biểu đạt chân thực như vậy. Sự sống rót thẳng vào hồn thơ anh những gì gần gũi, mến thương nhất. Sau này cũng có xuất hiện một số bài thơ mang tính chất suy tưởng, nhưng những câu thơ dễ đi vào lòng người nhất lại không nằm ở các câu triết luận, mà ở các câu tả thực sống động. Ví như viết về vẻ đẹp thanh xuân của một cô gái thôn quê thế này thật thích:
Môi hạt dưa chưa phai hương vị tết
Đã ríu ra khúc nhạc mùa màng
Vì sự cảm thụ sự sống theo lối trực cảm, trực giác – điều này rất cần cho sự sáng tạo nghệ sĩ – nên thơ Bùi Quang Thanh chan hòa màu sắc tươi tắn và ấm áp. Nói theo cách nói của các họa sĩ: Bùi Quang Thanh hay chơi màu nguyên, rất ít trộn màu. Nhờ vậy, thơ anh mang giọng tươi sáng, yêu dấu, gắn bó với sự sống, không thiếu những sắc điệu trẻ trung (Gió hoang say khúc tình già – Nghêu ngao như thể biến là của riêng). Bài nào trong thơ anh cũng xuất hiện những từ chỉ màu, anh lấy màu để tả cảnh, lấy màu để biểu hiện tâm trạng, lấy màu để tượng trưng… Trong một bài thơ Lời hương khói thôi đã có : lá vàng, quả thị vàng, bầu vú xanh gầy, xanh một đốm sao trời, lộc xuân xanh; ấy là chưa kể đến những hình ảnh vốn dĩ đã mang màu sắc như: khói bếp, trời mây, nắng, sương, chiếc hài đêm hội, tơ tằm, quả dâu, sao năm cánh, vườn thu, mái tóc… Chơi mảng màu nguyên là rất gần với tâm hồn trẻ thơ: hồn nhiên, thành thực; tuy nhiên, nếu không được làm mới, chúng sẽ rất dễ khiến người ta nghĩ cây – cọ - thơ này có phần nghèo hòa sắc. 60 năm về trước, Nguyễn Bính rất sở trường dùng màu nguyên, nhưng ông cũng thật phóng túng, tài hoa (Đã thấy xuân về với gió đông – Với trên màu má gái chưa chồng – Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm – Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong).
Hồn thơ Bùi Quang Thanh là một hồn quê trọn vẹn. Anh thật mẫn cảm với những gì thuộc thế giới đồng quê. Thơ anh rất ít bóng dáng về đô thị, nếu có thì cũng là một chút xa lạ và ngờ vực: Người ta nhẹ gót về phố thị - Để chút xuân quê đứng ngập ngừng. Anh rút sâu vào thế giới đồng quê như một thế giới vô nhiễm và đồng thời như một thủy lưu văn hóa. Đó chính là con đường đang đi của thơ anh và trên con đường này, anh đã cho lữ khách một chuyến “Đò dọc sông đêm” nhiều ấn tượng.
Hà Nội, hè 2005
 

 *Nhà văn, Tiến sĩ Văn Giá, hiện là giảng viên trường Viết văn Nguyễn Du