Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

12 NGÀN KM NAM NGA

22:20, 18/06/2024bqtTruyện - Ký
(0 Đánh giá)
12 ngàn kilomet Nam Nga


12 ngàn kilomet Nam Nga
Bùi Quang Thanh

* ĐƯỜNG LÊN CAPCAZ:

 

Dãy núi không cao, ít cây, chủ yếu là cỏ mà dài, dài lắm. Chúng tôi men chân núi đến gần trăm cây số để về thăm mẹ của Marat. Cậu chàng sinh ra và lớn lên ở Capcaz, sống với cô vợ bác sĩ ở Maxcov. Mama sống một mình ở quê nhà.

Đường quanh quanh đồI cỏ, cảm giác như vùng Mộc Châu của Việt Nam. Gặp ven đồi, ven đường những đám cừu trắng lóa. Hàng ngàn con cừu xinh xinh hiền lành được chăn dắt, gom đàn, dẫn lối bởi những chú chó oai dữ, có tổ chức và kỷ luật. Lại gần những con cừu để chụp ảnh, tôi lập tức bị một đoàn vệ sĩ cẩu nhe nanh xông tới. Những anh chàng lực lưỡng cất tiếng nạt nộ rầm trời. Tôi dừng lại, tỏ ra thân thiện, hòa bình và đoàn vệ cẩu cũng thôi sấn sổ. Nhìn cách ứng xử của chúng, tôi biết giới hạn giữa tôi và bầy cừu. Nếu tôi tiến vào nữa, bất cần lời cảnh cáo của chúng thì chắc chắn chúng sẽ không tha cho tôi.

Nhà của Marat trong một làng khá đông đúc ven ngọn đồi. Bà mẹ của cậu chàng sống một mình trong khuôn viên mấy căn nhà khá kín, có tường cao che gió tuyết. Rất nhiều loài hoa đang nở, cả loài cúc tím hình dáng giống họa mi và hoa hồng đủ loại. Hoa hồng mà cây ra quả to như quả tắt các bạn ạ. Lần đầu tôi thấy quả của hoa hồng. Một vài bụi dây leo cho quả như dâu tây, đang chín đỏ chín đen. Marat ghé xuống nâng một chùm quả, hôn nhẹ rồi ngắt buồng quả chín đen, tươi rói đưa cho chúng tôi. Ngọt nhẹ pha chua, mọng nước. Mẹ Marat, một phụ nữ ăn vận theo trang phục Hồi giáo, tướng mặt hết sức phúc hậu và vui vẻ chạy ra sân chào khách. Bà ôm chặt từng người...

Để Hồng Hạnh chuyện trò và phụ bếp với mẹ, Marat dắt chúng tôi ra vườn, tới chỗ mấy cây óc chó lượm những hạt khô rơi rụng. Cậu chàng dùng cục đá nhỏ đập vỏ quả cứng giòn rồi bẻ hạt bảo chúng tôi nếm thử. Hạt óc chó nguyên sơ béo, dẻo và thơm ngậy, rất khác loại đã chế biến đóng gói trong các siêu thị.

Rất nhanh chóng bữa ăn trưa được dọn ra, cũng đơn giản và gọn gàng, nhẹ nhôm như không khí vui tươi của buổi hội ngộ: bánh bột mì nhân thịt, bột mì nhân tơvrok (một loại hỗn hợp từ các loại bơ sữa) cùng kem quả dâu tây, quả mâm xôi ngâm mật ong uống với trà địa phương. Quả mâm xôi chính là quả cây dây leo ngoài sân mà Marat đã hái cho tôi nếm thử.

Chia tay bà mẹ Nga (tôi gọi vậy cho các bạn của Marat chứ bà cụ chỉ mới 63 xuân, thua tôi tròn một giáp), chúng tôi phóng xe lên Capcaz.

Hẻm Sulak là nơi dòng sông xẻ đôi dãy núi đá thành một rãnh nước sâu thăm thẳm để tìm ra hồ Sulak. Đứng trên bờ hẻm nhìn xuống thấy ngợp mắt, chóng mặt. Tôi thấy hình sông dáng núi quen quen? Phải rồi, Hà Giang chúng ta cũng có hẻm Tu Sản, nơi dòng sông Nho Quế rạch đôi ngọn núi đá mà "đi" với một thái độ dứt khoát, kiêu hãnh và vô cùng hùng vỹ. Ai đã đến Tu Sản, rồi đến Sulak mà so sánh mà liên tưởng thì đều có thể nhận ra: ngoài sự tuyệt vời của tự nhiên, của kỳ thú và choáng ngợp bởi đỉnh cao sáng tạo của tạo hóa thì cả hai hẻm núi bị nước xẻ đôi này có sự hao hao giống giữa môi trường, không gian và địa lý. Khác nhau ở chổ Tu Sản được cộng hưởng bởi màu xanh của rừng, của rẫy, của lá của hoa và sự xanh trong đến nao lòng của dòng Nho Quế; Khác nhau cả góc chiêm ngưỡng khi ta đứng ở đèo Mã Pí Lèng nhìn xuyên ngang hẻm núi nơi dòng sông như bất ngờ ló mặt chui ra; khi ta đi thuyền dưới sông ngẩng trông hai mái núi như bức rêu xanh hun hút trời xanh mây trắng. Còn Sulak thì khác, giữa mênh mang núi đá khô khốc chồng nhau, các tầng địa chất sắp lớp tầng tầng tuyệt nhiên không một bóng cây xanh trỗi dậy, dòng Tulak (tôi tạm gọi vậy) như sợi chỉ xanh điểm xuyết làm mát rượi những cặp mắt " lạc đà" - là chúng tôi giữa cháy bỏng khát thèm một màu xanh dịu dàng của sự sống. Sợi chỉ xanh ấy kéo dài quanh co như tận miền hạ giới xa xôi mà nơi tôi đứng ngắm là sân của thiên đình. Hẻm Sulak thêm hùng vĩ bởi không gian quan sát rộng bao la, đến nỗi những kẻ ưa mạo hiểm mầy mò xuống gần hơn dưới sông để ngắm nhìn bé như cái kẹo. Và tôi, chính tôi cũng đã can đảm lò dò vừa bò vừa trượt xuống địa điểm quan sát cuối cùng có thể để làm "cái kẹo" trong máy ảnh của cô cháu gái đang vừa chụp vưa kêu nài "đừng xuống nữa" ở tít trên cao. Dưới kia, dòng sông đang rất nhiều du khách (hay cư dân) rộn rập những chiếc thuyền cao tốc đỏ thắm đang xé sóng ngược xuôi. Dưới ấy, những tấm lưng chim đại bàng đang ung ung cùng đôi cánh xám vàng bay lượn. Tôi nâng máy mà cứ rờn rợn dưới chân, lành lạnh sống lưng. Gót giày của mình có đủ bám không? Nếu chỉ một cú trượt chân thì mình cũng chỉ là viên sỏi.

Hóa ra dòng Tulak xẻ núi cao đá xám là để đến với cái hồ cùng tên này. Hồ Tulak khá rộng, dễ đến mấy chục cây số chiều dọc. Tuy nhiên vì không có cây cối che khuất và nằm dưỡi thung lũng bao bọc tám bề nên đứng ờ bất cứ đâu xung quanh hồ cũng gom được nó trong tầm mắt. Có thể coi hồ Tulak là sinh khí của Capcaz, là bầu sữa, là lá phổi, là ngọc ngà vàng bạc của xứ núi đá này khi bạn thấy giữa trắng lốp núi non đá sữa là một bình nước mát trong xanh.

Vậy mà ven hồ lại có một thị trấn chết?

Đó là một khu đồi có nhiều cây phong, cây sồi cổ. Các khu biệt tự, các tòa nhà đồ sộ chừng đã rất lâu năm, không được sữa chưa nên cũ kỹ, mốc meo, đổ nát. Marat bảo rằng trước đây khu vực này là trung tâm cuộc sống của vùng. Sau nhiều cuộc đổi dời của thế sự, đây là chỗ tranh giành lãnh địa của các thế lực và sắc tộc. Máu và nước mắt chứa chan, người ta bỏ đi tới những vùng quê yên bình tiếp tục cuộc sống. Số người bám lại thưa dần. Rồi tráng đinh đi tìm công ăn việc làm xứ khác, thị trấn chỉ còn những người già ở lại hưởng trợ cấp nhà nước, rất ít người về lại đầu tư. Viễn cảnh này gợi cho ta liên tưởng đến một số miền quê đất Việt, dân số trên quê hương già cỗi dần bởi sự cất cánh của tuổi trẻ sức dài vai rộng đi biệt xứ làm thuê kiếm sống, bỏ lại cha già mẹ yếu và ruộng vườn thẳng cánh cỏ lan. Cũng may mà đất ta chật, người ta đông, tình máu mủ tổ tiên và tình que của người VN sâu nặng mà chưa đến mức bỏ chết cố hương yêu dấu.

Dãy Capcaz là ngọn núi dài rộng và cao nhất châu Âu. Bắt đầu từ biển Đen ở phía tây bắc, ngọn núi đồ sộ này kéo tới biển hồ Caxpia ở phía đông nam với chiều dài gần 1200km. Đỉnh cao nhất hơn 5,6km và bề rộng dãy núi 160km là bức tường tự nhiên ngăn cách châu Âu với châu Á, cả địa lý và vùng khí hậu. Đaghestan - nơi chúng tôi đang đứng là phần cuối đông, thuộc Bắc Capca, sát biển Caxpia. Biển (hoặc hồ) Caxpia nhận nước từ sông Volga với ngàn vạn mạch nguồn từ bắc Nga dồn về mà thành. Gọi biển vì nước có vị mặn; gọi hồ vì tám hướng không có lối ra, độc lập tồn tại giữa núi cao bao bọc. Hồ sâu đến cả cây số và diện tích đến 358 ngàn km2. Nghĩa là lớn hơn nước Việt Nam chúng ta. Đứng bên hồ nơi thành phố

trung tâm của Daghestan

(Còn tiếp)

 

* ĐẾN DAGHESTAN:

Thị trấn nơi chúng tôi đến thuộc vùng Daghestan, cạnh biển hồ Caxpi. Đây là vùng đồng bào dân tộc theo đạo Hồi, phụ nữ ai cũng sở hữu khuôn mặt thanh tú, mũi cao, mắt màu thạch anh và dáng như...hoa hậu. Tìm hiểu sơ bộ được biết ngày trước xứ sở này là vùng ngự trị của quân khủng bố. Chục năm trở lại đây đã rất thanh bình. Nghe vậy thấy hơi ngán, dù ở trong nhà anh bạn Marat vốn gốc địa phương dẫn chúng tôi từ Moxcova xuyên gần 2000km về, tôi vẫn ra chốt lại căn phòng của mình. Anh Từ - anh rể tôi ăn tối xong là lăn ra ngủ, hơi thở nặng nề, có vẻ mệt mỏi. Anh ấy hơn tôi một tuổi quê gốc Hưng Yên. Vốn là thủy thủ đường biển mấy mươi năm nên ăn sóng nói gió, cả khi vào nhà hàng xung quanh toàn người lạ. Cháu Hồng Hạnh - một doanh nhân chuyên về may mặc và quản lý mấy nhà hàng ăn "Người Việt" ở Nga ý tứ nhắc bố thì anh hồn nhiên: kệ người ta con ơi, mình nói mình nghe thôi, ta là người Việt Nam mà.  Chiều nay xe về đến điểm hẹn khi mặt trời sắp gác núi. Chàng rể Husen chạy xe lên núi để cho tôi chụp cảnh sơn thủy lúc hoàng hôn nhưng giữa chừng lại quay về thị trấn ăn nghỉ bởi thời gian mặt trời tắt nắng sẽ rất ngắn. Món thịt cừu nướng và cá sốt bản địa làm tiêu bớt mệt mỏi của chuyến xe "bay".

Ngày mai chắc chắn sẽ được ngắm thảo nguyên và dãy núi dài cùng vùng biển đầu tiên của xứ Bạch dương.

Theo "cụ Gồ", Daghestan là một nước cộng hòa thuộc Liên bang Nga, dân số gần 3 triệu nằm phía bắc dãy Kapkaz, có thể dãy núi chúng tôi định lên chụp ảnh chiều nay là Kapkaz nổi tiếng chăng?

Từ Daghestan tới Crimea (nơi đang diễn ra chiến sự giữa Nga và Ucraina) chỉ 1.300km. Xem trên bản đồ thì chỉ bằng 3/5 quãng đường chúng tôi đã đi từ Moxcova đến đây và trên con đường ấy, chúng tôi đã ở rất gần biên giới Nga - Ucraina, nơi đang giao tranh dữ dội.

*  ĐÂY LÀ NƠI THI HÀO NGA
LERMONTOV ĐẤU SÚNG VÀ RA ĐI.

Thành phố Pyatigorsk thuộc vùng núi Bắc Kavkaz, nơi có cộng đồng người Việt sinh sống khá đông. Sau một vòng đi tắm bùn, ngắm cảnh, được người bạn Lương Hà từ VN chỉ dẫn, chúng tôi vòng lên cánh rừng nơi Thi hào Lermontov ngã xuống trong cuộc thách đấu vô nghĩa để kết thúc cuộc đời thi sĩ ngắn ngủi nhưng chói rực hào quang.

Nơi Lermontov ngã xuống vì phát súng của viên thiếu tá đồng ngũ - tình địch là một cánh rừng hỗn hợp cây cổ thụ cực kỳ tươi đẹp và yên tĩnh. Người ta dựng một tấm bia cao và nhỏ, có chân dung nhà thơ và vỏn vẹn dòng tên thương mến của ông.

Về sự nghiệp vĩ đại của Lermontov và cái chết cực kỳ vô lý của ông, tôi xin đưa bài viết của người bạn thân yêu đã quá cố: Nghệ sĩ nhiếp ảnh - Nhà báo Trần Định nguyên phóng viên thường trú của TTXVN tại Liên Xô để bạn đọc rõ thêm.

NHỮNG ĐIỀU KỲ LẠ VỀ NHÀ THƠ LERMONTOV

Lermontov làm thơ từ khá sớm, khi ông mới 13 tuổi. Ban đầu, những vần thơ của ông chưa thoát ra khỏi từ trường của thơ Pushkin, đặc biệt là thơ của thi sĩ người Anh Byron. Không chỉ mê thơ, Lermontov còn bị cuốn vào cuộc đời đầy phiêu lưu của chàng thi sĩ trong thực tế đã từng lưu lạc và bỏ mạng nơi xứ người này. Sinh thời, Lermontov cho rằng, trong khối lượng tác phẩm mà mình để lại còn nhiều bài chưa hoàn thiện, nhưng rồi, cùng với thời gian, độc giả ngày càng thấy sức mạnh của thơ ông. Một điểm nữa cũng cần nói: Tuy ở nhiều chỗ, Lermontov chưa thể hiện được tay nghề cao cường, điêu luyện như bậc đàn anh Pushkin, nhưng thơ ông luôn tìm được sự yêu mến nơi người đọc. Cùng với thời gian, chúng luôn giữ được vẻ đẹp bình dị, trong trẻo và tươi mới.

Tháng 1-1837, một sự cố đau thương, tang tóc xảy đến với nước Nga, cũng đồng thời là một sự cố buồn đối với cuộc đời của chàng thi sĩ trẻ Mikhail Lermontov: Sau một cuộc đọ súng, Aleksandr Pushkin - người được suy tôn là "vầng mặt trời của thi ca Nga" đã từ giã cõi đời. Trong khi giới quý tộc ở Petersburg đua nhau lên tiếng giễu cợt người quá cố là "gã thi sĩ tồi có cô vợ quá đẹp" thì cũng thời gian ấy, tại nhiều nơi ở Petersburg, dân chúng chuyền tay nhau một bài thơ có tựa đề "Cái chết của một nhà thơ", trong đó tác giả mạnh mẽ lên án bọn giết người (cả lộ danh lẫn ẩn danh) bằng những câu: "Các ngươi, một đám tham lam xúm xít bên ngai vàng/ Lũ đao phủ giết Tự do, Thiên tài và Vinh quang/ Trước mặt các ngươi, tòa án và chân lý thảy đều câm lặng/ Các ngươi náu mình dưới bóng luật pháp chở che/ Nhưng còn sự phán xét của Chúa, hỡi lũ con cưng đồi trụy/ Còn vị quan tòa nghiêm khắc đang đợi các ngươi…" (theo bản dịch của Thúy Toàn). Cùng với việc bài thơ được lưu truyền rộng rãi trong công chúng, một bản sao của nó cũng đã được gửi lên Hoàng đế Nikolai Đệ nhất, kèm đó là câu nhận xét: "Đây là lời kêu gọi một cuộc cách mạng".

Ngay lập tức, Hoàng đế Nikolai Đệ nhất ra lệnh bắt giữ tác giả bài thơ: Đó chính là chàng sĩ quan trẻ tuổi Mikhail Lermontov, bấy giờ đang phục vụ trong Đội kỵ binh Hoàng gia Hussar.

Sau khi việc điều tra ngã ngũ, Lermontov bị trục xuất ra khỏi Đội kỵ binh Hoàng gia Hussar và bị điều tới Kavkaz - là nơi chiến sự vẫn diễn ra giữa người Nga và người dân địa phương chưa được bình định. Nghĩa là, ở nơi này, chàng thi sĩ trẻ "ngang bướng" ấy có thể chết bất kỳ lúc nào bởi tên, đạn của các chiến binh bản địa.

Tuy nhiên, trong thực tế, kẻ sát hại Lermontov không phải ai xa lạ mà chính là một sĩ quan Nga - Thiếu tá Martynov - người từng có thời gian học ở Trường võ bị với ông. Chuyện kể rằng, trong chuyến đi chơi thuyền với Martynov và một cô gái trẻ mà cả Martynov và Lermontov đều đang theo đuổi, giữa hai người đàn ông đã xảy ra một vụ cãi vã. Vốn là người thích châm chọc, Lermontov đã không kìm được lời thóa mạ Martynov trước mặt cô gái.

Martynov đưa lời thách thức đấu súng. Lermontov nhận lời. Sự việc diễn ra ngày 27/7/1841 ở ngoại thành Pyatigorsk (trùng với địa danh mà Petchorin - nhân vật trong tiểu thuyết "Một anh hùng thời đại" của Lermontov - đấu súng với Grushnitski).

Theo các thông tin chính thống thì trong cuộc đấu súng ấy, Lermontov chĩa súng lên trời, còn Martynov thì nhằm Lermontov nổ súng. Lermontov bị tử thương tại chỗ. Khi ấy, nhà thơ ưu tú của nước Nga chưa đầy 27 tuổi. Ngoài ra, cũng có thông tin cho rằng, đúng ra, đấy chưa phải là một cuộc đấu sinh tử. Trước đấy, hai người làm chứng cho mỗi bên đã gặp riêng nhau trước trận đấu để dàn xếp sao cho các đấu thủ không phải chết một cách vô nghĩa lý. Họ thỏa thuận sẽ khuyên cả Lermontov lẫn Martynov cùng chĩa súng bắn lên trời thay vì nhằm vào nhau. Cả Lermontov và Martynov ngầm đồng ý phương án này. Chỉ có điều, khi Lermontov chĩa súng bắn lên trời, ông không quên buông một câu châm chọc đối thủ: "Một thằng ngu thế này, ai thèm bắn nó làm gì!".

Martynov nghe thấy vậy, đã không kìm được cơn giận. Ngay tắp lự, y quay nòng súng xuống, nhằm thẳng vào Lermontov, bấm cò. Vậy là, thêm một lần nữa kể từ sau cái chết tương tự của Pushkin, nước Nga lại mất một thiên tài chỉ bởi một pha đấu súng nghiệt ngã.

Điều kỳ lạ là Lermontov ngã xuống tại một địa điểm và trong một tình huống y chang những gì ông viết trước đó trong cuốn tiểu thuyết "Một anh hùng thời đại". Trước đó một năm, trong bài thơ "Một giấc mơ", ông cũng có những câu thơ đầy dự cảm: "Dagestan, trưa hè nóng nực/ Tôi nằm im đạn chì trong ngực". Quả là với những thiên tài, ở họ có những chuyện thật khó tin!

Nga, 10/2023