CHUYỆN XƯA “ĂN QUẢ TRẢ VÀNG”
Chuyện cổ tích về chim trả công cho người trồng khế, cũng như chuyện ngày xưa Hàn Tín tìm Phiếu Mẫu trả nghĩa bát cơm thủa hàn vi đã trở thành đạo lý cuộc sống ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân ta. Sau 2 cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, Đảng ta có nhiều chính sách đãi ngộ, tuyên dương công trạng những người có công với nước, với dân. Điều đó hợp với lòng người, với đạo nghĩa nghìn xưa. Chính Bác Hồ là người tâm niệm nhiều nhất đến sự hy sinh cống hiến của đồng bào và chiến sĩ, là người mang nặng ân nghĩa của bạn bè quốc tế đã ủng hộ nhân dân ta trong 2 cuộc kháng chiến anh dũng ấy và Người từng dự định sau khi thống nhất nước nhà, Người sẽ thay mặt Đảng và nhân dân ta đi thăm và cảm ơn bè bạn năm châu. Dự định của Bác không thành nhưng lời dặn của Người trước lúc đi xa, người Việt Nam ai cũng ghi nhớ. Tuy vậy không phải ở đâu, nơi nào cũng làm tốt điều này. Xin kể 3 chuyện mà tôi mục kích ở Hà Tĩnh mấy năm gần đây:
Chị Minh đi tìm ông ngoại
Tôi từng gặp chị Hoàng Thị Minh, quê Thạch Thanh (Thạch Hà) ôm tập hồ sơ dày đến mấy chục trang, đi gõ cửa hết cơ quan này đến toà báo nọ để đề nghị làm chế độ cho bà ngoại mình là vợ một chiến sĩ Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 30-31 vừa mới “phát hiện” được tung tích.
Ông ngoại của chị Minh là Nguyễn Đức Bá, quê xã Thạch Thanh, sinh viên ở trường Quốc học Vinh, vào Đảng cộng sản VN ngày 20/10/1930 và là Bí thư Khu uỷ Vinh những năm 1931. Sau khi cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị dìm trong biển máu, ông bị giặc Pháp bắt, tống giam ở đề lao Vinh. Thoát được khỏi tay bọn thực dân khát máu, ông vượt biên giới sang Lào rồi sang Thái Lan để tránh sự truy sát của bọn Pháp và tiếp tục hoạt động cách mạng. Ông mất tại Thái Lan vào thập kỉ 80. Vợ ông là bà Hồ Thị Bá tần tảo nuôi đứa con gái độc nhất là Nguyễn Thị Chắt và vò võ chờ tin chồng suốt hơn bảy chục năm qua. Hoàn cảnh mẹ con bà cháu chị Minh hết sức khó khăn: bà Chắt bị thần kinh, ông Hoàng Trọng Khá chồng bà là thương binh hạng đặc biệt, chỉ có chị Minh là người có thể đỡ đần bà , mẹ và cha. Cách đây 5 năm, tình cờ gia đình cụ Bá nhận được một lá thư của người bạn già cùng quê cũng “mất tích” do đi hoạt động cách mạng từ thời “sau 30/31” báo rằng: ông nhà đã sống và hoạt động cách mạng ở Thái Lan từ năm 1932, hiện mộ ông mai táng ở một ngôi chùa trên đất Thái Lan. Lần theo địa chỉ của người báo tin, chị Minh đã thuê người đưa sang tận Thái Lan tìm hỏi tung tích cụ thể, nhờ Hội đồng hương người Việt Nam ở bản xứ xác minh và lên tận cả Đại sứ quán Việt Nam ở Băng Cốc để xin xác nhận quá trình hoạt động của ông mình nữa. Khi đã có trong tay những giấy tờ cần thiết khẳng định ông ngoại mình là một chiến sĩ cộng sản thời Xô Viết Nghệ Tĩnh, chị đã về giúp bà ngoại làm hồ sơ để gửi Đảng uỷ các cấp ở địa phương ghi nhận công cho ông và làm chế độ ưu đãi cho bà ngoại hiện ngoài 90 tuổi sống hết sức nghèo khổ. Qua Đảng uỷ xã Thạch Thanh rồi Huyện uỷ Thạch Hà, rồi Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, chị Minh vẫn chỉ nhận được mấy lời nhạt nhẽo là không có cơ sở giải quyết. Đang rất thất vọng, chị Minh gặp tôi (TG), theo gợi ý của tôi, chị đã tới Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ở thành phố Vinh và thật vui mừng cho gia đình chị, hồ sơ của ông ngoại chị do mật thám Pháp lập thời ông bị bắt còn y nguyên cả họ tên, quê quán, chức vụ đảng, cả số tù “2782” ở đề lao Vinh và ảnh nữa. Lấy bản sao và chứng nhận của Bảo tàng cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh (BTXVNT) về, chị đến khoe với tôi rồi đóng hồ sơ gửi ngay lên Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Hà Tĩnh. Sau một thời gian khá dài, gặp tôi chị Minh vẫn buồn rầu nói: “Chưa được anh ạ. Bà ngoại em thì quá già rồi mà không biết bao giờ thì cụ có chế độ đãi ngộ Lóo thành cỏch mạng để thuốc thang đỡ đần lúc này.” Tôi hiểu ngoài việc chị đang mong cho bà ngoại có số tiền 50 triệu mà Đảng và Nhà nước hỗ trợ cho vợ con các LTCM làm nhà ở, thì cả gia đình có 3 người đàn bà của 3 thế hệ này đang mong một sự ghi nhận của Đảng để đặt lên bàn thờ ông, người một đời vì nước phải nằm lại ở xứ người xa vời vợi và có thể nhắn với hương hồn ông rằng: Đảng và Nhà nước đã biết đến ông.
Khi viết bài báo này, tôi điện về nhờ nhà báo Võ Minh Châu ở báo Tiền Phong (thường trú tại Hà tĩnh) đến hỏi thăm chị Minh, anh Châu ngậm ngùi bảo rằng cụ Hồ Thị Bá đã mất được gần 1 năm rồi.
Điều đáng trách nhất ở đây là sự vô trách nhiệm của những người làm công tác bảo tàng. Xã Thạch Thanh - nơi mẹ con bà cháu chị Minh sống - chỉ cách trung tâm Hà Tĩnh 7 km và cách Thành phố Vinh gần 50 km. Hồ sơ đảng viên 30-31 của ông cụ được lưu từ khi ta giành được chính quyền (1945) tại BTXVNT rất đầy đủ, vậy mà suốt hơn 50 năm coi giữ, và mấy chục năm xây dựng bảo tàng, chẳng ai tìm hiểu tung tích, thân nhân của các vị tiền bối ấy. Chẳng biết họ ngồi ở Bảo tàng để làm gì khi họ vô trách nhiệm với vợ con gia đình những người đã từng xả thân vì nước ấy?
Sự thờ ơ đến vô trách nhiệm
Nhà báo lão thành Trí Đạt (1927 – 2004) là một trong những người làm báo đầu tiên ở Hà Tĩnh. Bố ông là Bùi Thị, Tỉnh uỷ viên Tỉnh Đảng bộ Hà Tĩnh năm 1930 - người đảng viên cộng sản đầu tiên ở huyện Kì Anh đã sáng lập nên Huyện Đảng bộ Kì Anh thảng 3/ 1930. Năm 1944, mới 17 tuổi ông Trí Đạt đã theo các đồng chí của bố mình hoạt động cách mạng, làm công tác tuyên truyền vận động thành lập Việt Minh và chuẩn bị Tổng khởi nghĩa ở quê nhà (xã Kì bắc, huyện Kì Anh). Ông hoạt động cho tới ngày nghỉ hưu. Khi Đảng có chủ trương làm hồ sơ công nhận LTCM, xét mọi tiêu chuẩn ông thấy mình đủ điều kiện và những người từng dìu dắt ông, bố trí công tác cho ông thời đó đã tự tay viết xác nhận cho ông như đ/c Phạm Thể (LTCM) nguyên Chủ tịch UBKC tỉnh Hà Tĩnh năm 1946, sau này là Vụ trưởng Vụ lễ tân Bộ ngoại giao; đ/c Nguyễn Thuận (LTCM), nguyên Trưởng Ty văn hoá Hà Tĩnh; đ/c Nguyễn Tiến Chức (LTCM) cùng quê, cùng hoạt động ở Kì Anh; đ/c Nguyễn Tiến Chương nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh; đ/c Bùi Sĩ Hoán (LTCM)... Vậy nhưng khi ông Trí Đạt về Huyện uỷ Kì Anh để xin Biên bản họp các LTCM địa phương xác nhận thì năm lần bảy lượt bị từ chối tổ chức họp và đến lúc bất đắc dĩ quá ông Phó Bí thư Huyện uỷ Hồ Duy Trung (trước đó vị này là Trưởng Ban tổ chức Huyện uỷ) mới tập hợp được 5 cụ cán bộ Tiền khởi nghĩa để họp xin ý kiến. Các cụ này bằng hoặc ít tuổi hơn ông Trí Đạt, sau năm 1944 họ mới tham gia cách mạng ở địa phương, trong thời kì bí mật ấy ai làm nấy biết, mỗi người một nơi nên quá bán số người dự họp lắc đầu “không biết!” Huyện uỷ Kì Anh khép hồ sơ của ông Trí Đạt lại, trả về cho chủ nhân của nó mà không chịu cử người đi đến những vị LTCM đã chứng nhận cho ông Trí Đạt. Những người này đang sống ở Thị xã Hà Tĩnh, ở TP Vinh, ở Hà Nội... mà hầu hết các vị ấy cũng là người Kì Anh, đã từng hoạt động rất nhiều năm ở Kì Anh, chẳng có ai xa lạ. Hơn chục lần đi lại quãng đường hơn 100km từ Vinh về Kì Anh, nhà báo Trí Đạt nhận được sự đối xử quá ư bạc bẽo của Huyện uỷ Kì Anh, ông đau buồn lắm bởi sự cống hiến của ông bị thế hệ sau của chính quê hương ông chối bỏ. Giờ thì ông đã quy tiên, bộ hồ sơ xin công nhận LTCM của ông như một lời trách móc khôn nguôi.
Điều ước nguyện không thành
Cụ Nguyễn Tiến Ba, cán bộ Tiền khởi nghĩa quê ở xã Kì Bắc, Kì Anh (Hà Tĩnh) là một trong dăm cán bộ TKN của huyện Kì Anh còn sống đến năm 2003 (cho đến lúc ấy cả huyện không còn vị LTCM nào còn sống). Hồi ấy tôi về thăm cụ, cụ nói: “Tôi đã sang tuổi 86. Lớp chúng tôi, nhất là cán bộ kháng chiến cũ trong vùng giờ còn lại chỉ đếm trên đầu vài đốt ngón tay. Còn trụ lại được để cho con cháu phụng dưỡng, để nhìn quê hương cuộc sống thay đổi từng giờ là một hạnh phúc. Nhưng với những người sống già mà vẫn khổ sở về vật chất trong khi nền kinh tế xã hội đi lên lại là một cực hình. Xung quanh chúng tôi còn những cán bộ TKN đã được công nhận từ lâu mà vẫn ở nhà xiêu vách nát, sinh hoạt vô cùng túng quẫn như vợ chồng cụ Hoàng Quy (cả 2 vợ chồng cụ Hoàng Quy đều là Đảng viên, ông Quy là cán bộ TKN), như cụ bà Nguyễn Thị Biệc (vợ LTCM Nguyễn Trinh Túc vừa mất năm 1998). Được biết NĐ28 của Chính phủ và QĐ20 của Tỉnh uỷ về việc hỗ trợ tiền làm nhà ở cho các đ/c LTCM và TKN, nhiều người rất vui và mong chờ. Chỉ tiếc rằng các cơ quan có trách nhiệm triển khai quá chậm mà các cụ thì như chuối chín cây. Nhìn các cụ sống cơ hàn mà xót xa quá.”
Dăm tháng sau cuộc gặp ấy, cụ Nguyễn Tiến Ba qua đời. Trước lúc chết cụ dặn người con cả là anh Nguyễn Tiến Đồng, một sĩ quan cao cấp quân đội đã nghỉ hưu và các con, các cháu rằng: Bố chỉ ước khi chết rồi có lá cờ Đảng phủ lên quan tài và được các đồng chí trong chi bộ trực tiếp đưa bố lên xe tang để cùng bà con tiễn bố ra nghĩa địa. Và bạn đọc biết chăng, lời ước nguyện giản dị của cụ Nguyễn Tiến Ba không bao giờ được thực hiện trọn vẹn bởi hôm ấy, vì một lý do cá nhân nào đấy mà chi bộ Đảng thôn cũng như Đảng uỷ xã không đứng ra tổ chức lễ tang. Khi có nhiều người thắc mắc thì loa truyền thanh của xã phát lời giải thích của Chủ tịch xã: ai chết cũng như ai(?). Các con cháu cụ Nguyễn Tiến Ba sau tang lễ đã đưa việc này lên Huyện uỷ và Trưởng Ban tổ chức Huyện uỷ Kì Anh đã về tận nơi để xin lỗi gia đình cụ Nguyễn Tiến Ba.
...
Những điều trên đây có thể là rất cá biệt trong công tác đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước ta nhưng nhắc đến để mà nhìn lại trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành không phải là không cần thiết. Đền ơn đáp nghĩa với các bậc tiền bối cách mạng và người thân của họ là chính sách, là pháp lệnh, là đạo lý, cũng là nghĩa vụ của chúng ta. Những người ăn cơm dân để lo việc này phải làm hết sức mình để không bỏ sót đối tượng. Phải làm ngay bởi ta đã làm muộn lắm rồi . Mà các cụ bây giờ “như chuối chín cây”. Thờ ơ là vô trách nhiệm, là đắc tội với tiền nhân và hậu thế, với cả Đảng, Nhà nước và nhân dân nữa.
; BQT