ĐÊM NÚI CẤM
Bút ký
Chiếc xe khách 50 chổ ngồi xuất phát từ Đà Nẵng đúng 13giờ rưỡi, chở đoàn văn nghệ sĩ , phóng viên báo chí vào dự đêm giao lưu “Về nguồn đền ơn đáp nghĩa” nhân kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh liệt sĩ tại Quảng Nam.
Về thăm Mẹ xóm Rừng thôn Thanh Quýt
Chỉ 30 phút sau, Đoàn đã dừng xe trước sân nhà mẹ Thứ, người Mẹ Việt Nam Anh hùng mà chỉ cần nhắc đến tên thôi là hầu như ai ai cũng biết sự cống hiến hy sinh vô bờ bến của gia đình mẹ.
Trong ngôi nhà khang trang được xây cất bởi tình thương và trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, của tấm lòng nhiều cơ quan đơn vị trong và ngoài quân đội, Bà mẹ NVAH đã 104 tuổi như quắt queo hơn vì nhớ thương đứt đoạn. Mẹ nằm trên chiếc giường gỗ đặt bên trái bàn thờ, nơi hương khói cho tổ tiên và 12 liệt sĩ của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Phía trên chiếc bàn thờ rất rộng là một dãy dài những tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của 9 người con trai, một người con rể và 2 cháu ngoại của Mẹ. Mọi người vây quanh chiếc giường Mẹ nằm, nhiều tiếng gọi nghe gần gũi quen thân quá. Mẹ gần như sực tỉnh trong lao xao ấy, bàn tay quờ quạng và gặp vô số bàn tay đang chìa về phía Mẹ. Nhà thơ, Thượng tá Lê Anh Dũng luồn tay sau gáy đỡ Mẹ ngồi dậy và báo cáo với Mẹ các con, các cháu về thăm: này là Anh hùng lực lượng vũ trang Đặng Thị Én; này là lãnh đạo Sư đoàn phòng không 375 đang canh giũ vùng trời miền Trung; này là các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ... ở trung ương và Thành phố Đà Nẵng đang về thăm Mẹ và sẽ đi dự đêm giao lưu trên núi Cấm, nơi sẽ xây dựng Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ lặng lẽ không nói, đôi mắt trũng sâu như đến vô cùng bởi bao tháng ngày đau thương mòn mỏi. Khuôn mặt đẹp của Mẹ như đã tạc thành một khối linh thiêng hun tụ vẻ đẹp muôn đời của người Mẹ Việt Nam.
Tặng quà cho Mẹ, thắp hương trước hương hồn các liệt sĩ trong gia đình Mẹ, Đoàn hành quân lại lên đường. Trong đoàn có thêm Bà mẹ VNAH Lê Thị Trị, người con gái của Mẹ Nguyễn Thị Thứ hiện đang là người chăm sóc phụng dưỡng Mẹ.
Đêm núi Cấm – đêm nghĩa tình, hứa hẹn
Buổi tối, đường lên núi Cấm chưa có điện. Mọi người đi dưới ánh trăng non và đèn cầm tay dẫn đường của các chàng trai, cô gái áo xanh tình nguyện. Sau những lùm cây, núi Cấm sáng rực hàng trăm ngọn nê ông của máy phát điện. Hoành tráng một bức ảnh Tượng đài được dựng lên giữa nền trời trăng, sáng dịu bởi ánh đèn: Tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Khuôn mặt hiền lành, phúc hậu, kiên nghị, lắng sâu, chan chứa ân tình của Mẹ Thứ được khắc họa trên đỉnh cao của chóp núi; hai cánh tả, hữu Mẹ là hai sườn núi, là dãy chiến hào, là bức trường thành, là lớp lớp thế hệ con cháu... gắn chặt khuôn hình Mẹ, tạo nên một quần thể vững bền, quấn quýt. Như từ Mẹ, những nguồn mạch đất đai tuôn chảy suối nước mát ngọt chan chứa nghĩa tình. Phác thảo Tượng đài giữa đêm đèn và trăng hòa quện, giữa những tháng ngày lòng người đang cháy hết thương đau, tưởng nhớ và ngưỡng vọng linh xưa càng đẹp bội phần. Núi Cấm ngày xưa huyền bí, hoang vu. Núi Cấm bây giờ còn ấp ui ý tưởng. Núi Cấm ngày mai sẽ là Tượng đài Vĩnh cửu góp phần tôn vinh phẩm hạnh của người Phụ nữ Việt Nam tới chốn vô cùng.
Mấy trăm? Mấy ngàn những người về dự hội đêm nay? Nhìn xuôi ánh đèn: bao mặt người rạng rỡ. Những Bà mẹ VNAH Trương Thị Nghinh, Lê Thị Trị, Nguyễn Thị Ngân, Hoãng Thị Miễn; Kia là Anh hùng LLVT Đặng Thị Én trong bộ quân phục trắng với lon đại úy trên vai. Chị là một người mẹ đau thương nhất, anh dũng nhất trong các Bà Mẹ của chúng ta. Hãy nghe chị kể sự tích cầm súng: Giặc Mỹ bắt chồng chị, xẻo tai cắt mũi, mổ bụng moi gan ngay trước mặt chị lúc chị vừa sinh đôi hai đứa con trai được có 3 ngày. Rồi chúng lấy phủ tạng của anh bắt chị ăn, chị nghiến răng chống trả. Thằng Mỹ trắng ác ôn bóp mũi, vặn cổ con chị đòi giết, giam mẹ con chị trong bốt mấy ngày tra tấn dã man...chị không khuất phục. 3 ngày sau chúng thả chị về thì cả 2 đứa bé không sống được nữa. Đau thương, căm thù biến thành ý chí, thành sức mạnh. Chị trở thành chiến sĩ sau lần táo bạo một mình diệt 7 tên Mỹ trên quốc lộ 1A. Đây là những cán bộ lão thành của đất Quảng Nam “Trung dũng, kiên cường”; những gương mặt các chiến sĩ trẻ măng mà trang nghiêm, kính cẩn; những mái đầu bạc trắng như mây của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, của nhiều văn nghệ sĩ đất Quảng cầm bút từ thời cầm súng xa xưa; những người dân Tam Kỳ và các vùng lân cận; những em bé vùng núi Cấm...
Đêm giao lưu đơn sơ mà trang trọng, hóa ra đâu chỉ có văn nghệ thơ ca. Một phong trào quyên góp để xây dựng tượng đài đã được Hội Phụ nữ tỉnh phát động từ lâu; một chương trình hành động vì cuộc sống, vì niềm vui của các Mẹ VNAH đã thường trực trong cuộc sống của người Quảng Nam, nơi có 7000 Bà mẹ VNAH (nhiều nhất nước) đang ngày được xã hội hóa tích cực hơn; một sự phối hợp giữa các cơ quan đoàn thể địa phương với các đơn vị quân đội, với các văn nghệ sĩ, với các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”... Đêm núi Cấm thật là sôi động.
Đêm núi Cấm, cuộc giao lưu kéo dài đến ba tiếng rưỡi đồng hồ. Xen giữa các cuộc chuyện trò của các Mẹ VNAH, của họa sĩ Đinh Gia Thắng – tác giả phác thảo Tượng đài đã được duyệt để xây dựng, của Anh hùng Đặng Thị Én, của Đại tá Đoàn Thế Hùng – Chính ủy Sư đoàn phòng không 375 là lời thơ tiếng nhạc với chủ đề ngợi ca Mẹ Việt Nam: Bài hát Nồi cơm mẹ Thứ của Nhạc sĩ – Đại tá Thanh Anh (thơ Đỗ Như Thuần), bài thơ “Lời hương khói” của Nhà thơ Bùi Quang Thanh, tráng khúc “Mẹ Việt Nam lồng lộng tượng đài” của Nhà thơ Lê Anh Dũng, là hành khúc “Cuộc đời vẫn đẹp sao” của Nhạc sĩ phan Huỳnh Điểu do chính Lão nhạc sĩ 83 tuổi vừa bay từ Thành phố Hồ Chí Minh ra dự đêm giao lưu đầy ấn tượng giữa quê nhà cầm chịch.
Ngày mai hay ngày kia, từ Thành phố Tam Kỳ hay từ Quốc lộ 1A nhìn lên, từ núi Chùa, núi Trọc, núi Bà Ty bên cạnh nhìn sang núi Cấm sẽ sừng sững một Tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng mang dáng hình cánh sóng đang dào dạt vỗ vào trái tim người xem những cảm xúc tuyệt vời: yêu thương, tự hào và kiêu hãnh; như chính tình cảm của chúng tôi hôm nay được về bên Mẹ Thứ, được cầm bàn tay, vuốt mái tóc, hy vọng sẻ san một chút tinh lực cho Người.