“Mật ong vàng lũng núi”
Đó là tên tập thơ mới của Bùi Quang Thanh, do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2007. Tác giả là một nhà báo-nhà thơ đã từng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước...
Nhà thơ Bùi Quang Thanh (bên trái) tặng tập thơ “Mật ong vàng lũng núi” cho bộ đội đảo Sinh Tồn - Trường Sa, tháng 4-2008. Ảnh: Quang Đạo
Đó là tên tập thơ mới của Bùi Quang Thanh, do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2007. Tác giả là một nhà báo-nhà thơ đã từng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là một hồn thơ giàu cảm xúc trước những buồn vui của cuộc đời, của con người - một cách chân thành, hồn hậu. Anh đã có 5 tập thơ, 1 tập truyện ký; từng đoạt giải cuộc thi thơ năm 1998-1999 của tạp chí Văn nghệ Quân đội và nhiều giải thưởng văn chương khác.
Nỗi niềm đầy ắp nhất, ấn tượng nhất trong thơ Bùi Quang Thanh là về người mẹ. Anh đã dành hẳn một phần đáng kể ngay từ đầu tập sách, với tựa đề “Dâng Mẹ”. Bài thơ tự sự Hạt đắng rất thật, chứa đựng tính khái quát khá cao. Ba người lính binh nhì ngày ấy cứ thản nhiên bốc trộm lạc giống của mẹ trong những cái chum mà rang, coi đó như là một việc làm “chính đáng”. Chum lạc giống bị mốc mà không ai hay. Đến lúc bà mẹ bán hạt giống cho cả làng, thì không một cây nào mọc lên được. Bà mẹ ngơ ngác, lặng lẽ bỏ nghề trong sự giày vò của lương tâm mà nào bà có biết đâu, “tội lỗi” ấy là do đứa con dại dột của mình đã vô tình gieo xuống cuộc đời vốn rất là lương thiện của bà. Đứa con dại dột ấy bây giờ trở về trước ngôi mộ của mẹ, xa xót thốt lên những vần thơ xé gan, cháy ruột: Những hạt giống ấp trong chum sành đỏ/Ủ lá chuối khô nuôi giữ mầm đời/Những hạt giống trái tim già ấp ủ/Con lỗi lầm để ẩm mốc, mẹ ơi/Chết trong mẹ niềm tin gieo hạt giống/Sống trong con hạt đắng chẳng nguôi tàn/Bao mùa lạc đời vẫn dâng sức sống/Con cúi đầu hồn trắng một vành tang.
Một bài thơ nữa-Một thời sao nỡ lãng quên-Bùi Quang Thanh cũng viết về người mẹ; nhưng đây là về một bà mẹ quen thuộc của các chiến sĩ chúng ta. Tuy bài thơ hơi dài, có tính kể lể rườm rà, thiếu đi sự cô đọng cần thiết, nhưng nó hết sức chân thành, gây được xúc động trong lòng người đọc:
Tôi còn gì để nói nữa đâu
Nỗi xúc động xen bao điều ân hận
Tôi đã sống giữa lòng dân bất tận
Cả một thời mà sao nỡ lãng quên.
Nhìn chung, thơ Bùi Quang Thanh có cái tình chân thật, lành hiền và chân phương. Anh không quên những cô gái đã hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc, không quên những người đồng đội năm nào cùng chung chiến hào đánh Mỹ. Vì thế, thơ Bùi Quang Thanh cũng đầy ắp hoài niệm, đầy ắp ký ức một thời “không thể nào quên”. Có những lúc buồn lắng, anh tự nói với chính lòng mình: Phần dâng hiến rụt rè tính toán/Ngó hầu bao không giấu nổi chút buồn/Kịp nghèo rồi đâu đã kịp khôn/Tôi nhá nhẩm hạt thóc rang ký ức/Còn lại quãng đời không quên được/Trên mây đèo Trường Sơn…
Chắc chắn, cái tâm trạng bâng khuâng, man mác buồn đó của những người lính bước ra từ chiến tranh, là không phải chỉ một mình anh. Tác giả chỉ là người đại diện cho hầu như tất cả những người lính đã từng một thời lẫy lừng trên các chiến trường. Cái giá trị đích thực của bài thơ cũng chính là sự “đại diện” bất đắc dĩ ấy.
Bùi Quang Thanh có thơ ở hầu hết các đề tài: thế sự, tình yêu lứa đôi, chiến tranh... Ngay như ở mảng đề tài ngày nay không có nhiều nhà thơ quan tâm lắm, là thơ cho thiếu nhi, Bùi Quang Thanh vẫn có được những bài thơ khá thú vị cho các em. Điều đó nói lên tính nghệ sĩ và tính công dân trong thơ Bùi Quang Thanh song hành khá rõ. Ưu điểm nổi bật nhất của Bùi Quang Thanh là các bài thơ đều có tứ, giàu cảm xúc, vần điệu; và quý nhất là chúng có ý nghĩa thiết thực cho người đọc. Nếu anh biết cô đúc, rút gọn một số bài thơ dàn trải bằng những rung động mãnh liệt, nhiều “lửa” trong cảm xúc hơn nữa, chắc chắn thơ Bùi Quang Thanh sẽ hay hơn trong những tập sau.
Nhà thơ HOÀNG CÁT