Đọc và ngẫm về
“VẾT DAO NGƯỢC ĐÊM TRĂNG”
Đọc xong cuốn tiểu thuyết VẾT DAO NGƯỢC ĐÊM TRĂNG của nhà văn, nhà báo Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viên trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nguyên Tổng biên tập báo BVPL; là Dũng sĩ diệt Mỹ, Đại đội trưởng đại đội chủ công của Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 Anh hùng; tôi vô cùng xúc động và tự hào. Xúc động vì lẽ, dù là tiểu thuyết, hình bóng bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp thân thương của tôi hiện lên rất thực, rất rõ và rất gần gũi; hình bóng của những tên tội phạm và bị can nguyên là những cán bộ tư pháp thoái hóa, trác táng, biến chất trở thành nô lệ cho đồng tiền và làm tay sai cho bọn xã hội đen trong câu chuyện đã bị phơi bày hoặc nhiều kẻ đang tạm thoát khỏi sự trừng phạt của công lý, sống nhởn nhơ… cứ lẩn quất ẩn hiện trong tôi. Mặc dù là một nhà văn, nhà báo - tôi không có điều kiện và đủ sự dũng cảm để viết về những câu chuyện như VẾT DAO NGƯỢC ĐÊM TRĂNG. Dương Thanh Biểu, với phẩm chất của người chiến sĩ từng xông pha trận mạc, với kiến thức về xã hội và pháp luật sâu rộng, với sự quan sát tinh tường và góc nhìn của người trong cuộc; với tấm lòng nhận hậu nhưng kiên quyết và dũng cảm đã kể lại câu chuyện pháp đình (vụ án mạng) rất chi tiết mà tổng hợp, gay cấn ác liệt mà thầm lặng, éo le. Với bút phát giản dị, có tầng lớp trước sau để đưa người đọc tiếp xúc vơí một môi trường “sinh tử” khác: trận chiến pháp đình để bảo vệ nhân quyền, nhân phẩm, sinh mạng của người dân lương thiện, chống lại bất công, tham tàn và thoái hóa…
Tôi tự hào đã là đồng đội, đồng nghiệp của Dương Thanh Biểu tròn 50 năm nay, khi hai chúng tôi cùng bị thương trong trận đánh ác liệt phía Bắc Kon Tum và gặp nhau tại bệnh viện Quân y 211 Mặt trận Tây Nguyên. Tôi nhớ rất rõ người bạn đồng hương Nghệ - Tĩnh ấy: to đậm, người đầy những vết thương loang lổ khắp người nhưng hay cười hay hát, hiền lành và rất thủy chung trong tình đồng đội. Khi lý giải những vết sẹo khắp người, Dương Thanh Biểu kể về hàng trăm trận đánh lớn nhỏ ở chiến trường Quảng Trị rực lửa đến Tây Nguyên ác liệt như: Đăk Tô – Tân Cảnh, Đăk Pet, Đăk Siêng, Ngọc Bờ Biêng… Phần nữa, chúng tôi thân nhau cũng vì yêu văn chương “phọt phẹt” thủa ban đầu. Khi vết thương tạm ổn, chúng tôi ra trạm thu dung, đóng trên ngã ba biên giới để chờ ngày hành quân ra Bắc điều trị.
Trên cánh võng giữa rừng sâu, hai thằng cặm cụi viết nhật ký thơ, văn. Nhật ký tôi có cả trăm bài thơ “con cóc” còn sổ tay của Dương Thanh Biểu chi chít những câu chuyện về các trận đánh công đồn và những lá thư tình viết dở cho một cô gái bạn học nào đó ngoài quê, mà không bao giờ gửi…
Ra Bắc, chúng tôi vào viện điều trị một thời gian, vết thương ổn định thì hai thằng chia tay với những lối ngã riêng. Tôi chuyển sang ngành GTVT rồi về Hội Văn nghệ Hà Tĩnh viết văn làm thơ còn Dương Thanh Biểu chuyển ngành về Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tôi theo học tiếp nghề báo còn Dương Thanh Biểu theo học chuyên môn ngành luật từ sơ cấp, trung cấp, đại học rồi cao học, chăm chỉ và quyết liệt đến nỗi sau mười mấy năm, chúng tôi gặp lại nhau, Dương Thanh Biểu đã là Tiến sĩ luật, là Vụ trưởng Vụ Kiểm sát điều tra án an ninh.
Năm 2000, nghe tin Dương Thanh Biểu được chuyển về làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Binh đã hai năm và đang chuẩn bị về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, tôi ra thăm và chúc mừng anh. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, tôi tặng anh tập thơ vừa in xong. Cầm tập thơ trong tay, Dương Thanh Biểu cười: “Chúc mừng nhà thơ Bùi Quang Thanh. Hồi ở chiến trường, anh em mình mơ ước sự nghiệp văn chương thế mà chỉ có Bùi Quang Thanh mới thực hiện được. Qúa giỏi.” Rồi anh tâm sự: “Hai năm về Ninh Bình, người và đất ở đây thật tuyệt. Mình mang nặng duyên nợ với vùng đất này mà không nói được nên lời. Quang Thanh văn thơ lai láng, hãy cho ra những vần thơ hay nhé”.
Sau ba ngày chan hòa với non xanh nước biếc của mảnh đất cố đô, tôi viết được hai bài thơ, trong đó có một bài như tặng riêng cho ai đó đã nặng lòng với Người và Đất nơi đây. Tôi đưa bài thơ cho Dương Thanh Biểu và bảo: “Bài này tôi viết thay anh, tôi nghĩ anh đọc trong buổi chia tay Ninh Bình sẽ rất hợp. Anh cứ đề tên anh nếu anh muốn”. Dương Thanh Biểu vừa đọc vừa gật gù khen rồi bảo tôi: “Xưa nay mình theo công tác của ngành bảo vệ pháp luật, viết cho văn chương chưa thực hiện được. Cứ để tên tác giả Bùi Quang Thanh viết tặng Dương Thanh Biểu càng hay. Bây giờ còn bận, nghiệp văn chương sẽ tích lũy tiếp, sau này nhất định mình sẽ viết văn. Bài thơ này mình sẽ ngâm trong bữa tiệc chia tay anh em và tiện thể sẽ giới thiệu về tác giả, người đồng đội yêu quý, nhà thơ Bùi Quang Thanh.” Dương Thanh Biểu là thế: tình cảm, thẳng thắn, đam mê và tự trọng.
Chính vì có năng lực và sự đam mê về văn chương mà sau này, khi làm Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, dù bận rất nhiều việc nhưng Dương Thanh Biểu đã chủ trì, chủ biên và biên tập 8 tác phẩm khoa học chuyên ngành tư pháp. Khi nghỉ hưu, anh mới bắt đầu thực hiện ước mơ trước đây, đã cho ra hàng loạt tác phẩm văn học từ Hồi ký, Truyện ký, Tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ… Hơn chục năm mà có đến 9 đầu sách văn học xuất bản đủ cho ta thấy sức lao động của Dương Thanh Biểu với sự nghiệp văn chương như thế nào, đó là chưa kể các tác phẩm báo chí và các tác phẩm nghiên cứu chuyên ngành Luật nữa.
Một đặc biệt mà tôi thấy qua các tác phẩm của Dương Thanh Biểu, đó là hầu như anh đều lấy cái “Tôi” chủ thể để làm cốt truyện. Từ người lính trong “Một thời trận mạc” tới người cán bộ Kiểm sát trong truyện ký “Tạ Đình Đề, những góc khuất cuộc đời”, các tập truyện ký “Theo dòng công lý”, “Nỗi niềm người lính” hay tiểu thuyết “Miền sáng tối”, tập truyện ngắn “Mãi là người lính …bóng dáng cai “Tôi” chủ thể làm cho câu chuyện thật hơn, cụ thể hơn vì thế hấp dẫn hơn.
Trong cuốn truyện ký “Nỗi niềm người lính”, có câu chuyện về tên không tặc Lý Tống phạm tội cướp máy bay. Anh kể, năm 1972, sau khi ta giải phóng Đak Tô – Tân Cảnh, Đại đội 1 do anh làm Đại đội trưởng được lệnh chốt giữ để bảo vệ vùng giải phóng. Khi đang chỉ huy đơn vị huấn luyện thì máy bay địch lên ném bom khu vực cầu Diên Bình. Đơn vị của Dương Thanh Biểu bắn rơi một máy bay, phi công trốn thoát. Sau này, Dương Thanh Biểu là Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao phúc cung để truy tố Lý Tống về tội cướp máy bay. Qua nghiên cứu hồ sơ, anh biết rõ tên này có mối hận thù sâu sắc với cách mạng nên mặc dù Cơ quan điều tra đưa ra các chứng cứ nhưng hắn không nhận tội. Qua bản tự thuật, anh cũng biết hắn là tên giặc lái bị đơn vị anh bắn rơi năm xưa. Khi lấy lời khai, anh hỏi hắn: “Năm 1972, trong trận ném bom cầu Diên Bình, máy bay do bị can lái bị bắn rơi. Bị can có biết ai là người bắn không?”. Hắn lắc đầu, mở to mắt: “Làm sao mà biết được ai bắn”. Dương Thanh Biểu khẽ gật đầu nhìn hắn: “Đúng là lúc đó bị can lo chạy trốn thì làm sao biết được ai bắn. Người bắn máy bay bị can chính là đơn vị tôi đấy.” Nghe vậy, đôi mi mắt hắn giật giật rồi gật đầu và đổi cách xưng hô: “Em không ngờ cán bộ là người bắn rơi máy bay em. Bây giờ cho em gọi cán bộ là Thủ trưởng nhé”. Và sau đó, Lý Tống thành khẩn nhận tội của mình. Tại phiên tòa xét xử sau đó, Lý Tống đã nói lời cám ơn “Thủ trường Biểu’ và xin được tặng hoa cho người đại diện VKSTC giữ quyền công tố.
Trở lại với nhân vật chủ chốt trong tiểu thuyết VẾT DAO NGƯỢC ĐÊM TRĂNG là Nguyễn Hoàng – người gần như quyết định lật ngược kết quả của cấp sơ thẩm đầy oan khuất và ngang trái. Từ người thương binh ở mặt trận trở về hậu phương và gặp cảnh gia đình bị bom Mỹ sát hại (là hoàn cảnh của chính Dương Thanh Biểu: bố và người yêu bị bom Mỹ sát hại, các em còn bé dại phải đi ở hoặc nương tựa nhà người) tới cảnh đôi vợ chồng trong mái giấy dầu dột nát đêm mưa ở chương mở đầu; cả con đường học hành và trưởng thành lên đến Phó Viện trưởng Viện KSTC … tôi đều liên tưởng đó chính là nguyên mẫu của tác giả. Dương Thanh Biểu (hay Nguyễn Hoàng trong tiểu thuyết) đã vô cùng thận trọng, dân chủ, nhân ái khi chỉ đạo điều tra cũng như có các phán quyết hợp lý, hợp tình.
Qua tiểu thuyết VẾT DAO NGƯỢC ĐÊM TRĂNG, chúng ta thấy trận chiến trên mặt trận bảo vệ pháp luật hết sức cam go, quyết liệt; công lý dễ dàng bị bóp méo và bất cứ ai dù to hay nhỏ đều có thể trở thành nạn nhân của cái ác, của lòng tham, của sự vô trách nhiệm bởi những người mang danh Bảo vệ pháp luật thoái hóa, biết chất, ham hưởng lạc. Đó cũng là “chiến trường” mà ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng, các ngành tư pháp nói chung đang ngày đêm đối mặt. Nhận sứ mệnh là một cán bộ của ngành, dù đã nghỉ hưu nhiều năm, nhà văn Dương Thanh Biểu vẫn đau đáu với trách nhiệm của một người kiểm sát cầm bút phản ánh sâu sắc hoạt động của cơ quan nơi mình công tác để khích lệ động viên lớp trẻ tích cực; cảnh báo những tội ác đã, đang hoặc sắp hoành hành rằng: Công lý là lương tâm, đừng coi thường pháp luật!
Hà Nôi ngày 06/6/2022 Nhà thơ Bùi Quang Thanh