ĐỜI CÁCH MẠNG
(Lược ghi theo lưu bút của ông Bùi Quang Thị)
Tôi có thêm nghề phó cối từ năm 1924, khi vợ chồng tôi ra ở riêng trong ngôi nhà tranh trát vách đất dựng mé vườn người chú bên vợ, vật lộn nghề xay xáo cũng kiếm đủ ăn. Thấy dân chợ Voi xay thóc bằng cối tre cổ lỗ năng suất rất thấp mà lại nặng nề vất vả, tôi chế ra chiếc cối cải tiến hai tầng chỉ xay một lần là chẻ hết thóc, lại rất nhanh và nhẹ. Người hàng chợ hàng tổng kéo đến tham quan và đặt hàng khá đông, tôi chuyển sang làm cối xay bán cho bàn dân quanh đó. Có một anh giáo dạy ở trường Tuần Tượng nghỉ trọ ở nhà anh Lê Ngọc Triệm bên cạnh nhà tôi thường lui tới đọc thơ, bàn chuyện thời thế với tôi. Lâu dần thành thân quen, tôi biết được Trần Cao Trực (tên người giáo viên ấy) có tư tưởng phản đế, thế là chúng tôi ý hợp tâm đồng. Anh Trực thỉnh thoảng ra ngoài thị xã Hà Tĩnh, khi về thường mang theo báo “Tiếng Dân” cho tôi đọc. Rồi anh Trực bàn với tôi mở lớp học chữ quốc ngữ cho bà con bần cố nông trong xã. Tôi tổ chức được một lớp học gồm mười mấy người nghèo làm thuê cho địa chủ, mỗi đêm chỉ dạy được một vài tiếng vì họ phải làm quần quật từ sáng đến khuya mới được nghỉ. Trong vài tiếng đó, chúng tôi vừa dạy chữ quốc ngữ vừa tuyên truyền giác ngộ họ và đọc báo “Tiếng Dân” cho họ nghe. Sau gần 2 năm, hầu hết họ biết đọc biết viết và hăng hái vận động người khác học chữ, nghe báo. Kỳ nghỉ hè năm 1927, anh Trần Cao Trực đi học hè ngoài thị xã và trong thời gian đó được kết nạp vào Đảng Tân Việt. Khoảng tháng 8/1927, anh về Voi và bảo đã giới thiệu tôi vào Đảng. Anh Trực dẫn tôi lặn lội ra Can Lộc gặp một số đồng chí lãnh đạo Tân Việt Đảng và tại cầu chợ Nhe, tôi được kết nạp vào Tân Việt. Chi bộ Đảng đầu tiên ở khu vực Kỳ Anh có ba người: Trần Cao Trực, tôi và Phan Công Bích (người Kỳ Châu), tôi là Bí thư chi bộ. Tôi vận động những người tích cực trong số người học chữ lập ra hội “ái hữu”, bề ngoài gọi là bạn gặt cấy để tương trợ, giúp đỡ nhau và tập hợp tổ chức.
Tháng 3 năm 1930, đồng chí Trần Hưng, một Đảng viên Tân Việt vào tìm tôi tại nhà. Anh cho tôi biết các tổ chức cách mạng đã hợp lại thành một Đảng thống nhất lấy tên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Trần Hưng thay mặt Đảng bộ Hà Tĩnh kết nạp tôi vào Đảng và giao cho tôi nhiệm vụ phát triển Đảng trong vùng Nam Hà Tĩnh. Tôi đã giới thiệu các đảng viên Đảng Tân Việt cũ như Nguyễn Tiến Liên, Nguyễn Trọng Bình ở làng Dị Nậu vào Đảng và chúng tôi lập thành chi bộ Đảng đầu tiên ở đây. Xứ Voi - mảnh đất đông người và có truyền thống cách mạng quật cường quả là nơi ươm những hạt giống đỏ của cách mạng. Chỉ trong vài tháng, từ cuối tháng 3 đến tháng 5 năm 1930, ở đây đã có đến 7 chi bộ Đảng ra đời và đi vào hoạt động ráo riết, chuẩn bị cho cuộc tổng tập dượt giành chính quyền và thành lập Xô Viết sau đó không lâu...
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy lâm thời về hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, các chi bộ Đảng tổ chức cắm cờ búa liềm, rải truyền đơn kêu gọi đấu tranh trên toàn địa bàn huyện Kỳ Anh. Lần đầu tiên chứng kiến cảnh lá cờ đỏ búa liềm phấp phới tung bay trên nền trời quê hương ở các điểm cao: Động Tuần, Cụp Cọi, Bàn Độ, Núi Voi... quần chúng nhân dân vô cùng phấn chấn. Bọn hào lý và chính quyền sở tại thì hoang mang lo sợ.
Sau cuộc biểu tình lớn trở thành bạo động cướp huyện đường Kỳ Anh ngày 9/9/1930 là những ngày chống khủng bố trắng của địch. Trong năm, sáu ngày liền, trời Kỳ Anh như sập xuống vì mưa lũ. Đoán biết được ý đồ phản ứng của bọn Tây và chính quyền bảo hộ, Huyện ủy Kỳ Anh triệu tập cuộc họp bất thường ở Kỳ Giang và vạch kế hoạch đối phó với địch tình. Tôi được cử đi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh tại Phù Việt và được bầu vào Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ, được phân công phụ trách khối phụ nữ - binh vận. Đồng chí Kim Đơn (tức Nguyễn Châu, còn có bí danh là Thiếp) - Bí thư tỉnh ủy- bảo tôi về nhà thu xếp công việc để thoát li hoạt động. Dù chưa biết sẽ được nhận công tác gì và đi đâu nhưng tôi vẫn nhanh chóng chấp hành chỉ thị, vội vã trở về Xứ Voi.
Tối ấy về đến nhà, qua vợ kể lại tôi biết được không khí nghiêm trọng nặng nề ở vùng Bắc Kỳ Anh sau những ngày bạo động. Bọn địch đang ráo riết truy lùng các cán bộ cốt cán, các cơ sở Đảng... Vợ tôi giục tôi đi ngay ngày mai để đề phòng bọn chúng đánh hơi thấy. Sáu giờ sáng hôm sau, một toán lính khố xanh gồm 25 tên do thằng Quyền Cu, thằng Đội Thược và thằng Tây đồn trưởng huyện Kỳ Anh là Xanh rê Lăng Ca chỉ huy bao vây túp lều tranh vách đất của tôi. Bọn lính bẻ trái hai tay tôi ra sau lưng, trói chặt rồi lôi ra sân. Thằng Tây đấm đá mù trời, tôi lăn lộn giữa sân, giữa nước bùn gió lạnh với bộ quần áo cộc, mặt mày thân thể tím bầm xơ xác vì mũi giày đinh. Thằng Đội Thược cầm tóc tôi lôi dậy cho thằng Tây đánh, gần thì nó đấm, xa thì nó đá rồi bọn chúng xúm nhau vào lôi tôi ra xe ô tô. Trong xe đã có hai quần chúng cảm tình của ta là Phùng Phương và Trọng Bích bị bắt trói ở đó từ lúc nào đang ngồi khóc thút thít. Tôi bảo họ: “Khóc làm chi, bọn chúng có thương chi ta mà khóc!” Thằng Đội Thược nghe được, nó nhào tới đấm đá tôi tơi tả rồi nó lôi lên xe. Tôi vừa bước chân tới mép sàn xe, đang lóng ngóng thì bị nó đạp tiếp một cái ngã vập đầu vào góc thành xe, máu đầu tràn lênh láng. Tụi lính và thằng Tây vào làng bắt thêm được hai đồng chí Cao Duyệt và Nguyễn Trọng Bình, thằng Quyền Cu bắt được đồng chí Khâm... ai nấy mặt mày đều bầm dập vì bị chúng đánh đập.
Cả 6 chúng tôi bị chở về huyện lị Kỳ Anh, chúng bắt quỳ giữa sân lố nhố sỏi đá và tiếp tục đánh đấm. Đến chiều, thằng Xanh rê Lăng Ca tới, nó bắt giải vào trong lao, quỳ xuống, úp mặt vào tường rồi gọi cu Giáo Dinh Cầu tới nhận mặt bằng cách túm tóc bẻ ngửa mặt lên cho cu Giáo xem rồi nó vập mạnh vào tường gạch làm cho ai nấy đều sứt đầu, sưng trán. Đến đêm, bọn lính bắt cả 6 người nằm ngửa giữa nền nhà bùn lầy lép nhép vì trận lụt vừa qua, rồi chúng lấy ván lát lên trên người chúng tôi, mấy thằng lính gác nằm đè lên ván. Vừa đói, vừa lạnh lại bị sức nặng của mấy thằng khố lục đè lên, sáu chúng tôi chẳng ai cựa quậy nổi suốt một đêm ròng. Sang ngày sau lại tiếp tục bị dọa nạt, đánh đập, nhịn đói... cứ như thế trong hơn nửa tháng trời.
Một chiều tháng 10/1930, chúng đẩy tôi và nhiều người nữa lên xe chở ra Hà Tĩnh, rồi qua đề lao Vinh, nhà tù Quảng Trị, Lao Bảo, Đắk Min, Ban Mê Thuột... Lại tra tấn, hăm dọa, cực hình và đói rét, lại tiếp tục chịu đựng để đấu tranh. Bắt đầu từ đây là một quãng đời dằng dặc 15 năm tù đày, quản thúc, học tập và trưởng thành trong lò lửa cách mạng của tôi và của biết bao đồng chí, bao người con của Xô Viết Nghệ Tĩnh đau thương mà kiên cường bất khuất.
Ghi chú: Ông Bùi Quang Thị (1898 - 1977), quê quán: Cẩm Tiến, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, vào sinh sống và hoạt động cách mạng ở xã Kỳ Bắc, Kỳ Anh. ;
; ;