KỶ NIỆM VỀ NGƯỜI ANH HÙNG LẤP LỖ CHÂU MAI
Một lần, Nhà thơ quân đội - Đại tá Phạm Ngọc Cảnh muốn làm một chuyến du hành bằng xe ôm từ thị xã Hà Tĩnh vào cảng Vũng Áng, Đèo Ngang và đền bà Bích Châu. Anh có ý định đi tìm dấu xưa của nàng thơ để thêm tư liệu vào bài ký “Nắng nhuộm chân đèo” mà anh đang viết dở. Tôi là người để anh ôm suốt cung đường ấy, cả đi lẫn về. Quốc lộ 1A chạy qua đoạn bắc thị trấn Cẩm Xuyên, hai bên là những cánh đồng lúa ngút mắt. Phía tây (sát sườn đồi bên kia dòng sông Hội) nổi lên một khu Tượng đài, dưới nắng ban mai chiếu thẳng hướng, phần chữ mạ đỏ loé lên như một ngôi sao đỏ trên mũ người lính. Ngôi sao kiêu hãnh, lấp lánh trên thảm lúa rực vàng.
Tôi khoe với anh:
- Đó là Đàitưởng niệm anh hùng lấp lỗ châu mai Phan Đình Giót
- Đâu? Cho tớ dừng lại một lát.
Nheo nheo mắt nhìn ngắm, anh trầm ngâm:
- Cậu biết không? Hồi ấy, tại Điện Biên Phủ, Phạm Ngọc Cảnh này đã gặp anh ấy trong chiến hào.
- Sao? Anh đã gặp Phan Đình Giót trước khi anh ấy hy sinh?
- Không những đã gặp, đã biết mà tớ còn là người mang lá thư, có lẽ là cuối cùng của ông Giót gửi cho vợ ông ấy về quê nữa.
Anh vỗ vai tôi:
- Đi tiếp đã. Tính cậu đa cảm lại hay tò mò. Đi xe máy mải nghe không có lợi. Lúc nào nghỉ tớ kể cho mà nghe. Người đồng hương của ông Giót ạ.
Ngồi trong một quán “dã chiến” của những người dân nhạy cảm về thương trường phía đông - nam Vũng Áng, trong cơn gió lốc vần vũ, những đám mây đen trùm kín cả vùng cảng với những con tàu, mảnh thuyền chông chênh, mấy anh em chúng tôi xuýt xoa chờ đợi để thưởng thức món ghẹ khổng lồ với những chiếc càng to cỡ bắp tay trẻ con, dài dễ bằng hai gang tay người lớn, được nuôi dự trữ trong lồng sắt dưới biển. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh chỉ sang phía bắc Vũng Áng:
- Các cậu biết không, tớ đã từng ngủ bên Kỳ Lợi hồi còn là chú nhóc 14 tuổi.
- Anh ở thị xã, hồi nhỏ vào đây làm gì?
- Tớ là thiếu sinh quân chống Pháp, vào chi viên cho mặt trận Bình Trị Thiên. Tớ chỉ đi hát thôi. Và suốt đời quân ngũ, tớ chỉ hát, diễn kịch và làm thơ... Chính vì vậy mà trong bài thơ “Năm tuất mẹ sinh con” của tớ mới có câu ‘Vô tích sự thằng con trai mẹ/ găng cổ hát khắp rộng dài sông bể”.
Như chợt nhớ ra cái nợ ban sáng , anh vỗ vai tôi:
- Tớ gặp ông Giót thật đấy, gặp hai lần hẳn hoi. Hồi đó Phạm Ngọc Cảnh này vừa tròn 21 tuổi, ở đoàn văn nghệ xung kích thuộc biên chế của đại đội 14, trung đoàn 112, đại đoàn 312. Khi bộ đội ta bao vây Điện Biên, đoàn của tớ đi đến các đơn vị biểu diễn văn nghệ động viên bộ đội. Trước trận đánh đồn Him Lam 3 ngày, tớ gặp đơn vị của anh hùng Giót đang đào chiến hào. Biết cùng đồng hương Hà Tĩnh, anh Giót hỏi tớ: “Hết chiến trường này chú có về quê không cho mình gửi lá thư?”. Tớ bảo: “Về thì không biết được nhưng em đi nhiều, gặp nhiều dân công và cán bộ trong mình ra, anh cứ viết thư rồi em gửi giúp”. Anh ấy bảo mình: “Chú đi, lúc nào trở lại ghé đây cho mình nhờ”. Vòng vo dưới chiến hào, hai ngày sau tớ mới quay lại chỗ ông ấy. Ông Giót đang đan vòng nguỵ trang. Tớ hỏi: “Anh viết thư chưa?” Anh bảo: “Mình không có giấy, bút. ” Tớ đưa giấy và bút cho ông ấy mà mãi không thấy ông ấy viết, tớ giục lần nữa thì ông ấy cười: “Khổ! Mình mà viết được thì còn đợi gì chú nữa. Chú giúp mình”. Rồi anh đọc cho tôi viết giúp, mộc mạc mấy dòng. Ngày hôm sau, toàn quân biết Phan Đình Giót hy sinh anh dũng ở Him Lam.
- Thế còn bức thư?
- Tớ không trao bức thư ấy cho ai nữa. Nó nằm trong ba lô theo tớ mãi. Đến cuối năm 1955 tớ về Cẩm Quan đưa lại lá thư ấy cho vợ ông Giót.
Chúng tôi ngồi lặng nhìn anh - vị Đại tá đi qua hai cuộc chiến, nổi tiếng vì thơ, vì kịch, vì phim ấy. Đôi mắt anh nhìn vời vợi ra phía biển đen đang nổi sóng. Trong ánh mắt ấy, tôi đọc được những kỷ niệm thiêng liêng của một thời đang trỗi lên thành từng đợt sóng lòng.