KỶ NIỆM VỀ ANH – PHẠM NGỌC CẢNH.
Vậy là Anh đã về cõi vĩnh hằng, cái gì tới, đã tới. Tối nay tôi và Nguyễn Ngọc Vượng
sẽ lên xe từ Hà Tĩnh ra Hà Nội viếng Anh.
Phạm Ngọc Cảnh, cái tên gợi cho rất nhiều người nhớ, về một Nhà thơ Chiến sĩ, về một Nghệ sĩ đa tài, về một nhà viết kịch bản và lời bình phim siêu việt...
Tôi biết anh sau rất nhiều năm được đọc các tác phẩm của anh, sau rất nhiều năm được nhìn thấy anh trên màn ảnh và sân khấu. Thời đánh Mỹ, vở kịch Nổi Gió được Đoàn văn công Tổng cục Chính trị trình diễn nhiều nơi, Phạm Ngọc Cảnh đóng vai chính – Trung úy Phương, Quân lực Việt Nam Cộng hòa mà phe ta vẫn gọi là ngụy quân ấy. Diễn xuất của anh trong vai Trung úy Phương đã làm vở kịch nói sống cùng chiến sĩ, cùng nhân dân cả nước trên mọi chặng đường và trên sóng Đài Tiếng nói VN. Rồi những tập thơ: “Gió vào trận bão” 1967; Đêm Quảng Trị, 1972; “Ngọn lửa dòng sông”, 1976, “Lối vào phía bắc” 1982… và đặc biệt những bài thơ: “Sư đoàn”, “Lý ngựa ô ở hai vùng đất” thì tôi mê anh, mê đến độ ngưỡng mộ. Mấy chục năm nghe và biết qua sách vở, qua gió thoảng từ những đàm đạo các bạn văn, bạn thơ, bạn lính và cả những người đồng hương Hà Tĩnh, tên anh thì gần nhưng anh cũng thật xa, chẳng khi nào nghĩ sẽ có dịp được gặp hay được gần anh. Rồi tôi về làm văn phòng Hội Văn nghệ Hà Tĩnh, làm báo ở Tạp chí Hồng Lĩnh và làm thơ . Ở đó, tôi đã được gặp Đại tá – Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh.
Đó là một buổi sáng mùa đông, Phạm Ngọc Cảnh cùng Đại tá Nhà văn Nam Hà về công tác Hà Tĩnh và ghé thăm Hội, thăm Tạp chí Hồng Lĩnh. Tôi được đón các anh. Với Tạp chí Hồng Lĩnh, Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là một trong những người sáng lập, anh có mặt trong Hội đồng biên tập cùng những cái tên lừng lẫy khác như Hồ Tôn Trinh, Vũ Ngọc Khánh, Phong Lê, Lê Thành Nghị, Xuân Thiều…Là người từng ở lính, từng mê anh, lại đang tập tõm làm thơ, tôi ngưỡng mộ, quấn quýt anh như người nhà. Mà đúng là người nhà thật, bởi ngay buổi sáng ấy, chú ruột tôi là Nhà báo, nhiếp ảnh gia Trí Đạt cùng ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh và mấy đồng đội nữa của Trung đoàn 103 Quân khu 4 thời kháng Pháp hội nhau ngay Văn phòng hội Văn nghệ Hà Tĩnh. Hóa ra chú ruột tôi là người đã rủ rê cậu thiếu niên Phạm Ngọc Cảnh mê hát và hát rất hay ấy vào Vệ quốc đoàn, là thiếu sinh quân của Trung đoàn 103. Từ buổi đầu gặp gỡ ấy, anh coi tôi như em, như cháu, thường xuyên hỏi thăm qua thư từ và bài vở anh gửi về cho Tap chí in. Sau những năm đó, anh thường xuyên về quê để chăm sóc mẹ già đang ốm nặng. Ngôi nhà của mẹ nằm cách văn phòng Hội không xa nên anh thường lại qua, bày vẽ cho chúng tôi làm báo, viết ký, trình bày tạp chí và làm thơ. Mấy thằng tôi, như Hải Hà, Nguyễn Ngọc Vượng, Lê Duy Văn, Nguyễn Văn Hùng, Phan Tùng Lưu, Phạm Việt Thư …được anh tận tình chỉ vẽ, biên tập cho những bài thơ còn ướt mực. Nhiều đêm thương anh ngồi trực bà cụ mệt nhọc, chúng tôi vẫn đến ngôi nhà tranh nhỏ bên hồ Công Đoàn cùng anh đọc thơ, tán chuyện, vô tư cười nói và giật mình khi vô ý làm mẹ anh choàng thức giấc. Chính tình cảm, nhiệt huyết, kinh nghiệm của anh đã truyền sang cho lứa chúng tôi để sau đó ở Hà Tĩnh có một đội ngũ các cây viết hết sức nhiệt tình và nhiều người khẳng định được mình qua tác phẩm.
Sau khi mẹ anh mất, một buổi sáng tôi nhận được lá thư nhỏ của anh gửi từ Bưu điện Hà Tĩnh. Anh viết: “Mẹ mất rồi, lo tang lễ cho Mẹ rồi, anh thấy trống trải và không biết phải làm gì nữa. Dặn dò cô em gái những điều cần thiết, 2 giờ sáng anh dậy đi bộ ra bến xe Hà Tĩnh để ra Hà Nội. Anh giở bài thơ viết dở của em ra đọc…” . Đó là lời anh góp ý về bài thơ “Lời hương khói” đang ở dạng bản thảo viết tay của tôi. Bài này tôi viết bằng một thứ ngôn ngữ xuất phát tự đáy lòng, tuôn trào mãnh liệt và không dám…xuống dòng vì sợ lạc nhịp. Tôi viết về tôi, một anh lính Giải phóng quân bị thương, bị sốt rét hành hạ đang thoi thóp chờ chết giữa rừng sau mấy ngày lần mò tìm về bệnh viện dã chiến và cái chết cầm chắc trong tay. Lời hương khói là nỗi lòng của đứa con chết ngoài tiền phương nhắn về cho người mẹ cô đơn nơi hậu tuyến sau ngày chiến thắng. Lúc này tôi mới viết được 3 “khúc”, đang hoàn thành đoạn kết, nhân anh Cảnh về mà đưa để hỏi ý anh. Bận bịu vì mẹ, anh bỏ túi và đến lúc ngồi tựa cột đèn điện ở bến xe, anh mới mầy mò tìm ra và đọc, và góp ý, động viên tôi viết tiếp. Trong cuộc thi “Viết về Giao thừa thiên kỷ”, bài Lời hương khói được nhận giải thưởng của Tổng Cục Chính trị và Tạp chí Văn nghệ quân đội cũng một phần nhờ sự khích lệ của anh giúp tôi tự tin hơn để gửi dự thi.
Vùng cầu Phủ - nơi tôi ở bây giờ vốn đất xã Đại Nài, một trong những địa danh nổi tiếng của thị xã Thành Sen từ lâu. Miền đất này có Rú Nài là vọng đài của khu vực, có dòng Ngàn Mọ từ hồ Kẻ Gỗ chảy về uốn khúc vòng quanh phía đông nam thành phố, sơn thủy hữu tình. Ở đây có nghề làm bánh cu đơ truyền thống nức tiếng gần xa. Mảnh đất, con người Đại Nài cũng oanh liệt làm nên trận đầu thắng Mỹ với chiến công “Sông Phủ- Rú Nài” đã bắn hạ 12 máy bay phản lực Mỹ ngay trận đánh đầu tiên (26/3/1965). Đây là trận tiêu diệt máy bay Mỹ có hiệu suất cao nhất từ trước cho đến lúc đó mặc dù hỏa lực của ta rất thô sơ: chỉ một đại đội pháo 37mm và súng bộ binh cũ kỹ. Đại Nài cũng là nơi có truyền tích về Cụ Uy Viễn Tướng Công lấy mo cau khô che đuôi bò “bịt miệng thế gian”, cưỡi đi nghênh ngang trên phố diễu đám quan ô che ngựa cưỡi. Đây cũng là mảnh đất các văn nhân Đất Việt thời hiện đại (Hội viên Hội Nhà văn VN) sinh ra, lớn lên như: Hồ Tôn Trinh, Văn Linh, Phạm Ngọc Cảnh, Cẩm Lai. Tôi được đến làm công dân Đài Nài của các anh chị từ những năm 90 của thế kỷ trước, cũng được uống nguồn mạch văn chương và tình người trên mảnh đất này, coi đây là một vinh hạnh. Nhà văn Văn Linh có lần ghen tị bảo yêu tôi: “Mày lấp mất một phần cống Voọc, nơi ngày xưa tao hay đi câu cá rô đấy, Bùi Quang Thanh à.”
Với anh Phạm Ngọc Cảnh, tôi còn một mối quan hệ gia đình đến bất ngờ nữa. Đó là khi thằng út của tôi đưa cô dâu tương lai về giới thiệu, hóa ra lại là cháu gọi anh ấy bằng cậu ruột. Mẹ của cháu là em út của anh Cảnh, cũng là người đã thay mặt các anh chi trong gia đình lãnh nhận sứ mạng chăm nom mẹ già khi cụ còn sống và hương khói cho ông bà khi họ mất. Lần ăn hỏi và đám cưới hai cháu Cường – Huyền, mặc dầu đã rất yếu vì bệnh tật bao năm hành hạ, anh Phạm Ngọc Cảnh vẫn cố về cả tuần để tham dự. Được sự giúp đỡ của chị Hương – một phụ nữ xứ Thanh kém anh đến ¼ thế kỷ, vì yêu thơ và mến người nghệ sĩ tài hoa đã thay thế người vợ của anh quá cố vì bạo bệnh, chăm sóc anh trong suốt thời gian dài bị đau ốm, bại liệt và kèm anh từng bước đi, miếng ăn, giấc ngủ, anh thực hiện được chuyến về quê cuối cùng trong cuộc đời. Những ngày ấy, gặp lại an hem văn nghệ sĩ Hà Tĩnh, anh vui lắm. Dù miệng nói chậm và khong còn rõ rang mạch lạc nữa nhưng trí nhớ của anh tốt, đặc biệt tình cảm của anh vẫn vô cùng thân thiết. Hôm nhà văn Đức Ban lái xe cùng tôi đến thăm, anh đang ngồi một mình trên chiếc ghế tựa đặt ở cửa nhà nhìn lơ đễnh ra mặt đường, Chiếc xe đi qua cửa nhà để tìm chổ đậu, chúng tôi quay lại ngõ nhà anh thì bất ngờ chưa, đã thấy anh lao từ trong nhà, chệnh choạng ra đón, suýt ngã. May có mấy cháu trông thấy chạy theo đỡ. Hóa ra anh nhận ra chúng tôi qua cửa kính ô tô và không tự chủ được anh lao ra để gọi. Cả Đức Ban và tôi đều rưng rưng nước mắt. Đó cũng là lần cuối cùng anh về quê thắp hương cho mẹ cha và tiên tổ, sống cùng người thân, chia tay bạn bè, em út và một số cây viết mà anh từng dìu dắt, gắn bó; vĩnh biệt họ để ra đi.
Dù đi xa quê từ năm 13 tuổi, bị cuốn vào phận sự của người lính cũng như sự đam mê và trách nhiệm của người nghệ sĩ trên nhiều lĩnh vực, với quê hương Hà Tĩnh, anh Phạm Ngọc Cảnh hết sức quan tâm. Họ Phạm của anh ở Đại Nài những năm sau ngày thống nhất đất nước vẫn rất tự hào về anh, về nhà thơ nổi tiếng của dòng họ mình. Các ông bà kể rằng, mỗi lần về thăm là ông Cảnh hỏi xem con cháu học hành ra sao. Anh treo giải cho đứa nào đậu đại học ra Hà Nội anh sẽ lo một phần kinh phí học hoặc nhà trọ. Dù không biết lời hứa ấy thực hiện ra sao vì Đại tá nhà thơ cũng rất nghèo, lai phải chăm bà vợ hàng chục năm nằm liệt giường vì bệnh bại liệt nhưng lời động viên của anh có tác dụng rất lớn đến sự phấn đấu học hành của thế hệ trẻ họ Phạm Đại Nài. Khi Khu kinh tế Vũng Áng hình thành, có lần chúng tôi đưa anh vào thăm cảng. Tôi chở anh bằng xe máy, dọc đường đi anh bảo tôi ghé mộ Anh hung liệt sĩ Phan Đình Giót và kể tôi nghe chuyện anh gặp anh Phan Đình Giót ở Điện Biên Phủ khi tiểu đội Phan Đình Giót đang đào chiến hào vây lấn, còn Phạm Ngọc Cảnh là văn công đi hát phục vụ chiến đấu. Khi chia tay nhau, anh Phan Đình Giót đã đọc cho Phạm Ngọc Cảnh viết hộ lá thư cho vợ mình ở xã Cẩm Quan và nhờ Phạm Ngọc Cảnh có dịp nào đó mang về quê. Sau ngày hòa bình, một lần anh Cảnh tìm về quê anh Giót thì người vợ góa của Anh hùng Phan Đình Giót đã đi bước nữa. Sau chuyến đi Vũng Áng ấy, Phạm Ngọc Cảnh viết bài ký “Chân đèo nắng nhuộm” nói về vùng Đèo Ngang, về miền Kỳ Hoa xưa cũ của lịch sử và triển vọng trước cánh cửa tương lai. Trong bài ký ấy, anh báo động cho những người lãnh đạo tỉnh nhà, rằng cảng Vũng Áng là tương lai cho thông thương quốc tế, rằng những con đường xuyên đông xuyên tây, xuyên nam xuyên bắc sẽ qua đây và khu công nghiệp này sẽ được những nhà đầu tư khắp nơi ngó tới. Nhưng nếu Hà Tĩnh không chú trọng đào tạo con người có kỹ năng, có học vấn, có văn hóa, có lòng tự tôn, tự trọng để hòa nhập và làm chủ thì dù sự phát triển nhanh đến đâu, lớn đến đâu, chúng ta cũng chỉ có những quán hàng cơm phở lèo tèo, những công nhân làm phu bốc vác hoặc những cô gái quán ba, quán nhậu hoặc ca ve phục vụ mà thôi. Và anh đề xuất đào tạo con người đón đầu đúng hướng, đúng nhu cầu của tương lai…
Sinh thời Phạm Ngọc Cảnh từng đánh giá mình, anh không thỏa mãn với những gì mình đã làm được dù đã làm rất, rất nhiều. Anh tự thú với Mẹ: “Mẹ cõng con đi men theo cầu sông Cụt / Rồi một đời hun hút trông theo/ Vô tích sự thằng con trai mẹ/ Năm Tuất lùi xa. Năm tuất lại về/ Vô tích sự thằng con trai mẹ/ Găng cổ hát khắp rộng dài sông bể/ Câu dặm buồn năm tuất ai nghe?”Sự không tự bằng lòng với mình khi mẹ đã mang nặng đẻ đau để sinh ra mình mà mình còn phí phạm cuộc sống ấy đã thúc giục anh sáng tạo, cống hiến nhiều hơn, cũng nhắc nhở, giục giã chúng ta sống gấp hơn, tốt hơn nữa.
Phạm Ngọc Cảnh ơi! Vũ Ngàn Chi ơi! Giáp tuất 1934 mẹ sinh ra anh. Tròn tám mươi năm sau - giáp ngọ 2014- mẹ và đất quê lại đón anh về. Vòng đời một số phận người kể vậy cũng là dài, nhưng ham muốn dương gian thì chẳng bao giờ thấy đủ. Chừng ấy thời gian, người lính - nhà thơ – nghệ sĩ - nhà văn – nhà báo Phạm Ngọc Cảnh đã làm được rất nhiều việc phải làm, rất nhiều việc mà không phải ai cũng làm được. Anh ra đi thanh thản và để lại bao thương tiếc cho nhân gian nhưng anh sẽ tồn tại với thời gian bởi tác phẩm của anh, cống hiến của anh vẫn còn lại cùng hậu thế.
Trên xe Văn Minh Hà Tĩnh- Hà Nội,
21h50ph ngày 21/10/2014.