Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

Lúa thơm lấp ló

01:17, 02/07/2011AdminTruyện - Ký
(0 Đánh giá)
    Lúa thơm lấp ló
; ; Bút ký
 
;  Tôi lớn lên trên mảnh đất đồng chua nước mặn ấy, mảnh đất chỉ biết lấy củ khoai lang làm đặc sản. Mà củ khoai lang vỏ đỏ ruột trắng ấy cũng đẵ ba tran bảy trọc, lăn lốc giữa mưa nắng, giữa bão gió mới cho ra được những củ sâm chống đói cho người nông dân cả nghìn đời nay. Người ta, khi ca ngợi quê hương mình giàu đẹp, hầu như ở đâu cũng đều khoe “gạo trắng nước trong”, còn người Cẩm Xuyên chúng tôi đẵ nghe người trước lấy nước lã ở giếng Vàng, lấy củ nâu nhuộm áo ở Chợ Chùa, lấy củ khoai lang ở đất Mục Bài để rủ rê chúng bạn về với quê mình : Nước giếng Vàng vừa trong vừa mát/ Nâu chợ chùa nhuộm lạt lâu phai/ Cá Cửa Nhượng, khoai Mục Bài/ Em về huyện Cẩm kẻo một mai tiếc thầm
;  Chàng thi sĩ quê tôi chẵng còn gì mà khoe, mà tán nữa. Lạy trời, nhờ câu thơ thật đến da diết mà cái nghèo cái khó của một miền quê trở thành niềm tự hào của rất nhiều thế hệ để câu ca ấy còn sống đến hôm nay, và những người bạn tình tìm về làm bạn với nhau ở đất Cẩm Xuyên hầu như đều sẵn sàng thắt lưng buộc bụng cho cái đói xéo dày, và ai ai cũng biết trồng khoai tủ. Người Hà Tĩnh đi giữa nắng giữa mưa thường lấy tơi che. Cái tơi lá xù như lông nhím là bảo bối của họ chống lại cái khắc nghiệt của đất trời miền Trung. Có lẽ cái phát minh vĩ đại của thời tiền sử ấy đã được ứng dụng vào công nghệ trồng khoai vụ thu của Cẩm Xuyên chăng? Để chống đói cho giêng hai, phải trồng từ tháng tám tháng chín. Giữa mùa lụt trôi trâu, những dây khoai tơ non vừa vùi xuống luống đất cao như chiến luỹ đẵ được tủ ngay những rơm, những rạ hoặc lá chuối còn xanh. Vồng khoai và dây khoai được lợp một lớp tranh như vậy vừa tránh nắng nung, tránh mưa trôi, vừa ủ ấm dây lang đang chờ bén rể. Ngày tết, ở đâu hoa tươi bánh lạ, ở đâu quả ngọt hương thơm, người nông dân Cẩm Xuyên đang còn ít luống khoai lang chưa dỡ là cả một gia sản rồi. Rơm rạ còn phải dành chống đói và chống rét cho trâu bò, người ta dùng lá chuối để che đậy cho khoai. Những cây chuối mật mốc trổ vào dịp ấy đã bị chặt trụi nên cho quả nhỏ, hạt nhiều như chuối hột. Mà lứa chuối này lại chín vào dịp tết nên đến cả vong linh tổ tiên cũng chẵng có lấy một nải chuối cho tươm tất ngó coi. Thương lắm một thủa dằng giặc đói nghèo của mẹ của cha, của tổ tiên ông bà. Thương lắm tuổi thơ tôi và bạn bè trang lứa thời tôi, cái đói, cái thèm từ củ khoai hạt tấm như không bao giờ nguôi ngoai trong ký ức.
;  Cuộc kháng chiến chống Mỹ huy động gần như toàn lực người và của cải của quê tôi. Lên đường đánh giặc là nghĩa vụ, là vinh quang, là ước mơ của nhiều người. Không ít người thân, bạn bè tôi ngã xuống chiến trường chưa có lấy một bữa cơm no. Cho mãi tới những năm hoà bình xây dựng, dù đã xa cái mốc ngày toàn thắng vài thập kỷ thì cái nghèo, cái đói cũng chưa chịu buông tha…
;  Vậy mà nay, nông dân Cẩm Xuyên đang hè nhau trồng lúa thơm, cái giống lúa lai đẩu đâu bên Trung Quốc, hạt nhỏ, trong veo và thơm lựng. Người ta đồn rằng, đi qua những cánh đồng trồng lúa LT2 ấy, cánh mũi ta cũng phập phồng hương lúa mới, mùi thơm cứ như chõ xôi khổng lồ ai vừa mới mỡ nắp vung phía trên hướng gió. Mùi thơm ngây ngất của giổ tết, của hội hè, của đồng nội quấn quýt quanh ta. Mùi thơm ấy bay ra không chỉ từ hạt thóc cao sang mà cả từ cọng rơm gốc rạ của loài lúa lạ này. Tôi đã từng về Xứ Voi (Kì Anh) quê nội, nơi sản sinh ra những chiếc bánh tày Voi từng làm mê hoặc khách muôn phương. Bánh tày Voi nhờ nếp thơm xứ Voi thơm và dẻo. Loài nếp tiên mà trời đất ưu đãi cho xứ sở trù phú sầm uất phía bắc Hoành Sơn chỉ trồng được trong vùng đất có địa thế núi non khe suối lạ kì. Đó là một mảnh đất đầy sình lầy chạy men giữa hai sườn núi đá, thiếu nắng nỏ nhưng thừa sương sa gió sỉa. Cây lúa nếp ấy chỉ chịu sống ở đây, xa cuộc sống ồn ào chen chúc, hít lấy khí trời thanh cao, gom hạt sương vừa chớm nụ, lặng lẽ dâng ngọt lành cho người đời đã nặng công, nặng tình nâng niu chăm sóc chúng. Bà tôi kể rằng, để có hạt lúa thần tiên ấy, những người nông dân Xứ voi phải cấy trỉa hết sức công phu và độc đáo: khe núi đầy sình lầy, người chẳng thể nào lội xuống mà cày bừa cấy hái. Họ lùa cả đàn trâu sức vóc nhất xuống đầm rồi người đầu bờ khe, người cuối lạch nước hò hét cho trâu đầm nát cả cỏ lác trên đám bùn ấy. Những con trâu tinh khôn bốn chân ngập chìm trong đất nhão, nhờ cái bụng to phè áp lên mặt ruộng mà co từng chân lên tiến bước. Rồi khi cấy, người ta dùng tấm ván có buộc dây thật dài, người đi trên hai bờ núi kéo tấm vám chở người và mạ nếp trượt đị mà ném mạ xuống bùn…Tôi nhớ lúc tôi lên mười, ngồi hau háu nhìn bà nội tôi rang nếp thơm làm cốm trên chiếc nồi rang bằng đất nung, những hạt cốm dẹp dậy tròn, nổ lốp đốp toả ra mùi hương ngây ngất, tôi buột miệng xuất khẩu :
Bà ngồi rang cốm nếp thơm
Con gà nằm ấp trong rơm cũng thèm
;  Cứ mỗi năm một lần mùa thu hoạch nếp thơm, mỗi nhà chỉ có dăm mủng nếp thơm đủ rang mẻ cốm ngày xuân vừa cúng tiền nhân vừa làm quà đãi khách là đã sang rồi. Còn hạt nếp thơm nào nữa thì con buôn đã tích lại chỉ để bán cho các quán bánh tày thôi. Có tiền chắc gì đã mua được cái bánh tày Voi bằng nếp thơm không pha trộn…
 
Thế mà, bây giờ có cả cánh đồng, hơn thế, có nhiều cánh đồng chuyên cấy lúa thơm ?
Nguyên Phó chủ tịch huyện Cẩm Xuyên vừa nghỉ hưu - kĩ sư nông nghiệp Phạm Hữu Lượng cười tủm tỉm nhìn tôi :
- Chú lạ quá hả? Lạ là phải thôi. Mà thực chất cũng chẵng có gì phải lạ. Thời buổi khoa học kỹ thuật cơ mà. Đã qua cái thời cơm độn, đã qua cái thời không dám ăn gạo mới vì sợ… tốn cơm.
- Anh có cân gạo thơm nào trong nhà không?
Bốc cho tôi xem nắm gạo hạt nhỏ, dài vừa trắng vừa trong, mùi thơm dìu dịu, anh Lượng bảo :
-Nhiều người đã nghiện thứ gạo mới này rồi. Cả nghiện ăn và nghiện trồng nó nữa.
;  Rồi say sưa, anh kể cho tôi nghe xuất xứ của thứ lúa này: Đó là một thứ giống lúa lai từ lúa Tiên và lúa Cánh của Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam những năm 2000. Thời gian sinhb trưỡng ở vụ Đông Xuân là 130 ngày đến 135 ngày,vụ Hè Thu thì ngắn hơn vài chục ngày. Lãnh đạo huyện đã ra tận Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam yêu cầu phối hợp giúp đỡ để trồng thí điểm giống lúa LT2 này. Đầu năm 2002, Cẩm Xuyên đưa về 520 cân giống và phát không cho ba điểm: Cẩm Nam, Cẩm Thịnh, Cẩm Thăng. Ba điểm có điều kiện đất đai khác nhau, thói quen nghề nghiệp khác nhau , và tất nhiên, trình độ canh tác cũng khác nhau. Ruộng Cẩm Thăng pha cát, ruộng Cẩm Nam nhiều sét, ruộng Cẩm Thịnh lẫn sổi đá với đất bồi. Kết quả vụ đông xuân vừa qua, cả ba nơi đều cho năng suất 50 đến 55 tạ trên một héc ta. Xã Cẩm Thịnh có thửa ruộng đạt 64 tạ/ha. Thành công ban đầu của sản lượng lúa thơm đã khích lệ bà con nông dân và cán bộ cơ sở. Vụ hè thu năm nay, cả huyện có tới 350 héc ta lúa thơm và năng suất vẫn giữ 50 đến 60 tạ/ha. Như vậy là với một héc ta ruộng bất kỳ, nếu trồng LT2, một năm cho năng suất từ 10 đến 12 tấn. So với các loại lúa đang trồng hiện nay cho năng suất bình quân 9,2 tấn/ năm thì LT2 vượt trội hẳn.
  Tôi vốn chẳng phải dân trồng trọt nên việc cấy hái lơ tơ mơ. Ngồi với một kỹ sư nông nghiệp già đời, lại là Phó Chủ tịch của một huyện hàng chục năm nay là trọng điểm lúa của tỉnh, của cả nước, biết chẳng “môn đăng hộ đối “gì. Nhưng là chổ quen thân, tôi cứ tấn :
   - Năng suất là một vấn đề. Nhưng làm kinh tế thì phải cân đối xem giá thành chi phí cho một tấn này và một tấn kia; cho một héc này với một héc kia, cho việc thâm canh trong cùng một thời gian trên cùng một diện tích; rồi lại sức lao động bỏ ra. Nghĩa là...
;  - Đương nhiên là phải hạch toán. Không hạch toán làm sao tìm ra hơn thua, được mất. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng với người nông dân không thể nói suông, cũng không thể chỉ kêu gọi, động viên chung chung được. Phải thuyết phục được họ bằng chính hiệu quả của các cuộc cách mạng cụ thể. Thay một giống cây này bằng một giống cây kia; nuôi loại con này để thay một loại con kia chẳng dễ dàng đâu chú ạ. Ngàn đời rồi. Quen vậy rồi. Bỏ thói quen để tập cái chưa hề biết, mà lại liên quan ngay với cái dạ dày của bao người, đâu phải chuyện đùa. Chú xem ngành giáo dục đào tạo chỉ đảo chữ E lên thay chữ A trong bộ sách tiếng Việt mà người ta chẳng để cho yên. nông dân không như học trò vỡ lòng đâu chú ơi. Họ chỉ nghe chúng tôi khi chúng tôi đúng, chúng tôi đưa cái mới mà có lợi cho họ.
-Cụ thể trong cái anh LT2 này?
-Trước hết nói về giống, lúa thơm hạt nhỏ nên đỡ tốn giống hơn lúa khác. Nếu lúa thường mỗi héc canh tác phải gieo từ 95 đến 100 cân thóc giống thì lúa thơm chỉ hết 80 cân. chu kỳ sinh trưởng khoảng 4tháng, như vậy nếu vụ hè thu gieo vào tháng 5, đến tháng 9 dương lịch đã thu hoạch và đến tháng hai năm sau mới gieo tiếp vụ Đông Xuân. Thời gian nghỉ trồng lúa của đất là 5 tháng, lại vào dịp mưa nhẹ, đất ẩm phù hợp với việc trồng rau, trồng màu, đất có điều kiện thay đổi môi trường, tăng độ xốp, độ tơi và dinh dưỡng. Như vậy một năm hai vụ lúa, một vụ rau màu, cứ tính sơ sơ theo năng suất ban đầu ấy, tổng thu nhập bình quân cho một héc phải từ 35 đến 40 triệu đồng. Trong khi giống lúa cũ chỉ đạt được hai phần ba.
-Năng suất lúa chênh nhau không đáng kể sao có thu nhập chênh nhau ngần ấy?
-Vấn đề là ở chỗ ấy. Là do giá trị. Thị trường hiện nay giá gạo LT2 cao hơn lúa thông thường từ 1,5 đến 1,7 lần. Phần nữa các loại lúa kia không cho thời gian luân phiên dài như LT2. Mà chú biết không? Thằng cha lúa thơm này có khả năng chống sâu bệnh rất tốt, vì vậy giảm chi phí chăm sóc, đảm bảo an toàn về môi trường nông nghiệp. Mà ít dùng thuốc sâu sẽ có lợi cho việc nuôi trồng thuỷ sản trong chân ruộng lúa nước, đảm bảo vệ sinh cho lương thực và thực phẩm nữa. 
Phạm Hữu Lượng hăng hái. Tôi phanh lại :
-Thực chất đến nay, Cẩm Xuyên đã hết đói chưa mà đã dám xài sang như vậy?
-Chỉ giảm thôi. Giảm nhanh hơn kế hoạch là tốt rồi. Hiện nay toàn huyện mới đạt bình quân lương thực quy thóc là 560 ky lô, cộng các khoản thu nhập khác nữa, hàng năm chỉ được 200 đô trên một đầu người trong khi nhu cầu tối thiểu phải có 300 đô. Tuy nhiên về giá trị kinh tế của lúa thơm cao hơn rất nhiều các loại nông sản khác, nó sẽ thúc đẩy tăng thu nhập, và nói thật với chú, nông dân đâu đã dám xài. Trồng lúa là để làm hàng hoá. Cũng như người nuôi tôm, nuôi cua, nuôi ba ba, hươu, gấu … người ta đang bấm bụng nhịn thèm mà tích luỹ, để mà vựơt lên. Bán ít để mua nhiều chính là xoá đói.
-Nó đã đáng kể gì chưa trong mô hình kinh tế của huyện ?
- Tổng diện tích gieo trồng của huỵện năm nay là hăm bốn ngàn héc. Riêng cho lúa là 17 ngàn, lúa thơm là 305 héc trong chừng ấy diện tích canh tác thì chú sẽ hình dung ra vị trí của nó.Nhưng mới bắt đầu từ vaif ba nawm nay, mới thử nghiệm trong dawm mùa. Vấn đề là nó đã tự khẵng định và chắc chắn nó sẽ đứng được trên đồng đất Cẩm Xuyên. năm 2003, chúng tôi đưa diện tích cấy trồng loại này lên hơn 2500 héc ta. Và đương nhiên, để tránh độc canh, chúng tôi đồng thời đưa các gioosng lúa mới khác cũng có ưu việt nhất định vào như: X123, XN30, Nhị ưu 388, KD18...vv
-Nếu như lúa thơm LT2 chiếm lĩnh được thi trường nội địa, anh có nghĩ nó sẽ có khả năng lấn sân các thứ các gạo ngon khác trong khu vực như nếp và gạo Thái lan hay không ?
-Sao lại không? Gạo Thái tuy thơm, tuy giẻo nhưng chóng mất mùi. Nếu anh đã dùng LT2 chắc anh phải mê. Buwxa trưa ăn không hết, tối anh cắm nồi điện hâm lại vaaxn nguyên hương vị ấy. Chúng tôi đang có kế hoạch tìm đối tác liên doanh, tìm thị trường tiêu thụ gạo thơm trước khi sản xuất đại trà.; 
Chợt nhớ đến lời Chủ tịch huyện Cẩm Xuyên Trần Đình Tiến sáng nay:
- Cẩm Xuyên nhất định không phụ công đầu tư về các công trình đại thuỷ nông mà Đảng và nhân dân cả nước đã ưu đãi cho mảnh đất nghèo nầy. Đúng là nhất nước. Ngoài nghĩa đen về kinh nghiệm trồng trọt “nhất nước nhì phân” thì người Cẩm Xuyên phải biết rằng, món nợ có những công trình tưới tiêu hoàn thiện, quy mô, đắt giá nhất cả nước phải được đền đáp bằng chính sản phẩm nông nghiệp để xứng với giá trị của sự đầu tư ấy. Người Cẩm Xuyên phải tự xoá lấy đói nghèo và hơn thế, phải hỗ trợ các địa phương khác xoá hết đói nghèo.

Tôi bỗng lâng lâng một cảm giác như mới mẻ lại như xa xăm của tuổi thơ ấu dắt trâu trên cánh đồng quê. Cái mùi khét lẹt của trâu, của nắng, của bùn đất không còn bám theo áo, theo tóc tôi và những chú mục đồng nữa. Đồng quê, đâu cũng ngát hương thơm của lúa, đến nỗi lũ trẻ chăn trâu ở cánh đồng về thơm ngây ngất tựa như vừa bước ra khỏi chốn thần tiên.