Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

MỜ MỊT GIỮA TRÙNG KHƠI

01:34, 02/07/2011AdminTruyện - Ký
(0 Đánh giá)
     MỜ MỊT GIỮA TRÙNG KHƠI
; Bút ký
 
Một chiều, cách đây dăm hôm, tôi chợt nhận ra trên đường Bạch Đằng vàng rỡ lên một màu vàng là lạ của nắng quái. Cái màu vàng ấy hắt lên từ phía dãy Hải Vân, rạng cả một vùng vịnh đang lăn tăn gợn sóng. Chân trời tây, phía trên dãy núi xa mờ có những vằn mây tạo ra như nước xô sông chảy. Tôi vác máy ảnh đi săn phút hoàng hôn là lạ ấy.
Đường Nguyễn Tất Thành, phía sau lưng quận Thanh Khê vẫn bình thản cuộc sống thường ngày: lũ trẻ cởi trần tranh nhau trái bóng sát mép biển; nhiều người già dạo bộ trên hành lang; một vài cái chợ xép của ngư dân bày vội bên đường... nhưng khác hẳn với sự phong phú của rất nhiều hải sản ngày nào, giờ đây chỉ lèo tèo vài miếng cá đuối, ít mớ ghẹ thiếu nhi. Chẳng thấy bóng dáng một mớ mực tươi nào cả. Tôi dừng xe bên một con lạch nhỏ từ phố đổ vào vịnh Hải Vân. Cái màu vàng quái đản bao phủ đất trời ấy, khi phản qua loáng nước lại cho tôi một suối vàng lóng lánh. Suối vàng ròng ấy chảy lai láng ra phía những con sóng cũng lóng lánh vàng. Trong ống kính của tôi, một hình hài đất nước bắt đầu từ miền Trung đổ ra phía bắc với vầng mặt trời vằn lên sắc đỏ thật huy hoàng. Tôi mải mê chớp lấy phút thần tiên ấy.
Một cụ già ngồi trên bờ xi măng ngăn sóng cạnh đó không biết tự bao giờ. Cụ lơ đãng nhìn công việc vô tích sự của tôi, lại nhìn ra xa vời cửa biển. Nhiều con tàu đang rẽ sóng chiều về nghỉ lại đây. Cụ già bảo tôi: "Đẹp thì có đẹp nhưng dân sẽ cực đấy chú ơi!" Tôi ngạc nhiên: "Sao vậy ạ?" "Trời này không yên lành đâu. Những thuyền câu xa khơi chắc gì về kịp." Tôi nhìn bầu trời đã chuyển màu tim tím, chợt nhận ra cụ già có lý. Trời vàng thì gió mà...
Đêm đó Đà Nẵng có mưa và gió. Mải mê với những trận cầu của các kỳ WORLD CUP lịch sử, tôi không hề biết tới tình hình thời tiết, cũng không hề biết bão Chan Chu đang tàn phá ngoài khơi. Cho đến sáng hôm sau, bàng hoàng khi đọc tin trên những tờ nhật báo...
 
Thanh Khê Đông, nguyên là làng Thanh Lộc Đán cũ, cái làng nổi tiếng thời đánh Mỹ mà biểu tượng anh hùng là bức tượng Mẹ Nhu sừng sững trên đường Điện Biên Phủ. Từ Ngã ba Huế đi vào, phía cánh tay Mẹ Dũng sỹ chìa ra như một mũi lê là làng chài một thời lam lũ mà quật cường. Bây giờ phố phường rộng mở, người trăm ngả đổ về lập nghiệp, các cơ quan doanh nghiệp lấn chen, những người dân xóm chài ngày nào lẫn vào giữa đô hội. Tuy vậy, nghề nào nghiệp ấy, hàng trăm hộ dân Thanh Lộc Đán cũ vẫn lấy biển làm kế sinh nhai; hàng chục chủ tàu đánh bắt xa bờ vẫn cùng chúng bạn bám ngư trường miền Trung, thậm chí vươn xa ngoài hải phận quốc tế để đưa đặc sản biển về đất liền. Họ sống nhờ biển và rất nhiều trong số họ cũng đã chết vì biển. Nhưng chưa một lần nào cái làng vạn chài ven vịnh Hải Vân này tang tóc như hôm nay.
9 giờ sáng ngày 20/5, chỉ mấy phút xe máy tôi đã rón rén vào ngồi thu mình giữa gian bảy nhà anh Ngô Văn Sửu ở 117 Kỳ Đồng (anh Sửu là chủ của 3 con tàu đang lâm nạn). Hàng mấy chục người, hầu hết là đàn ông luống tuổi, người già, phụ nữ và trẻ con bám xúm vào chiếc máy Icom thu tín hiệu liên lạc từ ngoài khơi về. Lọc trong tiếng sóng gào gió hú và tiếng máy tàu nổ âm âm là những giọng chát chúa đứt quãng của con người. Tôi căng đến nhức tai cũng không tài nào phân diễn được tình thế của họ qua âm thanh hỗn tạp ấy. Ghé tai vào một người có vẻ đang bình tĩnh hơn cả, tôi được anh cho biết, anh là Hiệp ở tổ 42 Thanh Khê Đông, có anh vợ là Nguyễn Văn Dũng đang mắc nạn ngoài khơi. Anh Sửu ngồi ôm khư khư chiếc Icom, tai dán vào nơi miệng loa mà mắt thì ráo hoảnh. 3 con tàu, mỗi tàu trên 1 tỷ đồng, đến bây giờ duy nhất một chiếc 90351 của anh thoát nạn đang lồng lộn tìm kiếm bạn chài trên biển; 2 tàu còn lại nghe tin đã bị chìm là tàu 90093 do bố anh là Ngô Văn Chiếu chỉ huy và chiếc 90079 mang tên người anh ruột Ngô Tấn Nhất do anh Hùng phụ trách giờ chưa có tăm tích. 25 thuỷ thủ trên tầu 90351 còn sống sót, 40 người còn lại chưa biết sống chết ra sao. Anh Sửu nhìn tôi cau có: "Nhà báo ghi chép gì thì phải thận trọng, chính xác. Dân đang hoang mang, đau xót, đường tung tin thất thiệt mà họ còn đau hơn, hoảng loạn hơn." Tôi không hề tự ái với anh; muốn chia sẻ nỗi đau cùng họ mà không biết phải làm gì. Muốn hỏi han, tìm hiểu mà không dám cựa quậy. Thật là thừa, thật là bất lực.
Lệch nhà anh Sửu vài chục mét phía tay phải là nhà chị Mười, vợ anh Đào Ngọc Trúc chủ tàu ĐNA 90321. Ngoài hiên và vệ đường cả chục người phụ nữ và con nít đứng ngồi lổm xổm, ai cũng sưng húp mặt vì khóc lóc vật xã mấy ngày rồi. Họ ngồi đứng ngồi xổm, ai cũng sưng húp mặt vì khóc lóc vật vã mấy ngày rồi. Họ ngồi bên này mà mắt chong chong sang nhà anh Sửu chờ tin. Mấy phóng viên trẻ tay sổ tay bút sán vào hỏi han bị họ quay mặt lảng tránh. Tôi chưa biết tiếp cận bằng cách nào để thăm hỏi họ thì một cụ bà tóc trắng như mây, mắt mũi đờ đẫn hỏi tôi: "Chú ơi! Tàu Trung Quốc họ vớt được người thì họ có báo ngay cho ta không?" "Dạ! Thường thì khi vớt được người họ phải cấp cứu đã cụ ạ. Với lại ngôn ngữ bất đồng, họ chưa thể khai thác thông tin ngay. Phải cố mà chờ thôi ạ...". "Chú ở trên về à? Có tin gì cho bà con không?" "Dạ, lúc nãy qua máy Icom, nghe ngoài khơi thông báo cho các tàu tiếp cận tàu Trung Quốc mang số hiệu IMO9379466 để được tiếp tế dầu và lương thực cụ ạ. Chắc là tàu bạn đã đến rồi..." Cụ Tâm - 79 tuổi, mẹ của chị Mười ứa nước mắt bảo nhỏ tôi khi chị Mười bế đứa bé gái chừng 3-4 tuổi đi vào nhà: "Nhà Trúc đi đã được hơn tháng rồi. Trong 18 người bạn thuyền cùng đi có em ruột nó và đứa cháu gọi tôi bằng bác ruột." Rồi cụ quay sang nạt át mấy đứa trẻ ngồi cạnh: "Nín cả đi. Khóc thêm rối ruột các cháu ơi!" Không chịu nổi cảnh thương tâm đó, nhân có 2 chiếc xe con biển xanh đỗ trước nhà Sửu, tôi tạm biệt bà cụ đi sang. Hoá ra Phó Chủ tịch TP Trần Văn Minh và Phó CT quận Thanh Khê Nguyễn Thanh Xuân đến thăm hỏi bà con. Nhiều người dân đang dạt ra đợi chờ đâu đó chạy đến vòng trong vòng ngoài. Họ đang khao khát một nguồn tin. Mấy vị lãnh đạo vào, chủ nhà dậy đón và ngồi vào bàn nói chuyện. Tôi chẳng nghe ra họ nói gì, bởi tiếng rào rào từ máy Icom như sóng xô gió thổi; chỉ thấy những gương mặt xúc động và xót xa như nhau, san sẻ cùng nhau. Qua cử chỉ trân trọng của những người dân đang cực kỳ đau xót ấy với đại diện chính quyền, tôi biết dân cần bao nhiêu sự quan tâm của các nhà chức trách.
Buổi chiều, tôi cùng nhà báo Lê Anh Dũng (Báo QĐND) tìm đến nhà chị Lê Thị Huệ, một phụ nữ tuổi tứ tuần, là nông dân sản xuất giỏi của Quận Thanh Khê mấy năm nay. Ngôi nhà rất khang trang nằm sâu trong kiệt cũng xấp xổm những người già và trẻ con ngồi ngóng tin. Chị Huệ, đôi mắt mở to mà như vô hồn, không cảm được có ai đang đến nữa. Chị ngồi giữa sân, dưới giàn dây leo sập sìu những hạt mưa vừa rớt. Bên cạnh là ông Nguyễn Văn Trà (67 tuổi), bố chồng của chị. Anh Út Thanh vừa là chủ của 4 con tàu đánh bắt xa bờ, vừa trực tiếp là tài công tàu ĐNA90053. Trong cơn phong ba ấy, tàu của Út Thanh đã bị nhấn chìm. 32 anh em thuỷ thủ trên tàu hầu hết là bà con ruột rà giờ đây chưa rõ sống chết ra sao. Ông Trà nhìn chúng tôi, lắc nhẹ đầu ra ý bảo đừng gợi thêm nỗi đau của chị Huệ. Mưa nặng hạt, chị Huệ như sực tỉnh. Chị đứng dậy mời chúng tôi vào nhà lánh mưa. Tôi đọc nhanh những bằng khen của quận, TP treo trên tường và biết chính từ những con tàu xa bờ kia mà gia đình chị hoàn thành vượt mức thuế, là gia đình sản xuất giỏi, đánh bắt có năng suất và chất lượng... Hình như để san sẻ nỗi cô đơn, chị Huệ cho biết 3 tàu còn lại của gia đình, dù tàu tàn lực kiệt sau cơn bão vẫn đang lăn xả cứu đồng bạn ngoài khơi. Chị nói trong nước mắt: "Mờy lâu nay dầu tăng giá, làm ăn khó khăn, vợ chồng em bàn nhau thôi nghề cho sớm. Ngặt nỗi hơn 5 tỷ tiền vốn bỏ ra chưa giải được; mỗi con tàu ngân hàng chỉ cho vay 200 triệu thôi, còn lại vay ngoài với lãi suất gấp 3 lần. Vả lại còn bạn chài không công ăn việc làm nữa. Gần trăm con người thất nghiệp nếu mình bỏ nghề chứ phải ít đâu..."
Tại trực ban Tham mưu Bộ đội Biên phòng ĐN, qua sự chỉ dẫn trên tấm bản đồ Biển Đông, thượng tá Lê Tiến Hưng cho chúng tôi hình dung được diễn biến của cơn bão Chanchu và hành trình gặp nạn của gần 30 tàu đánh cá ngư dân miền Trung. Nơi họ thường đánh bắt cá mực là xung quanh quần đảo Hoàng Sa, ngoài lãnh hải quốc tế. Khi cơn bão số 1 (bão Chanchu) từ Philippines thẳng hướng tây tiến vào biển Đông, như thường lệ ngư dân lánh lên phía Bắc vào vùng biển Đài Loan tránh bão. Khi Chanchu đột ngột đổi hướng thẳng lên phía Bắc và quần nát họ ở biển Đài Loan với sức gió kinh hồn, nhiều tàu không kịp trở tay. Phần nữa, tàu câu mực là loại tàu nhỏ, bằng gỗ lại có nhiều chồng giàn phơi mực cao lêu nghêu, thượng đại hạ tiểu nên dễ bị gió xô nghiêng, sóng đánh chìm. Nhiều tàu dám phá giàn phơi, quẳng bớt lưới, bớt hàng thì còn có cơ trốn thoát được. Hơn chục chiếc tàu mà hầu hết của ngư dân Thanh Khê đã không tránh được nanh vuốt tử thần. Nơi gặp nạn, theo các cán bộ Biên phòng là cách Đà Nẵng gần ngàn hải lý, trong vùng biển Trung Quốc, vì vậy mặc dù BĐBPĐN sau khi bắn pháo hiệu chế độ bão gần, kéo cứu sà lan và các tàu kéo bị mắc cạn ven biển Đà Nẵng và tham gia cứu kéo gần 1200 phương tiện vào nơi an toàn đã chuẩn bị sẵn lực lượng sẵn sàng chiến đấu gồm 170 chiến sỹ, nhiều tàu xuồng, ô tô... nhưng cho đến ngày hôm ấy và cả những ngày sắp tới vẫn sẽ không có một phương tiện cứu hộ nào từ Việt Nam đến được nơi có biển để giúp đỡ ngư dân. Nét đau xót và bất lực hiện lên trên mặt người sỹ quan biên phòng, anh cho chúng tôi biết biện pháp khẩn cấp duy nhất mà họ có thể là gửi công điện gửi Bộ Tư lệnh BĐBP và UBQG tìm kiếm cứu nạn, đề nghị Chính phủ can thiệp với phía Trung Quốc cho tàu cứu hộ tìm kiếm và tiếp tế dầu, lương thực thực phẩm cho các tàu ngư dân Việt Nam đang tham gia cứu nạn, các vật phẩm bảo quản xác chết và chở thi thể nạn nhân về Việt Nam.
14h chiều nay (21/5), SAR411 và SAR412 -2 con tàu cứu hộ hiện đại nhất miền Trung của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải mới được lệnh xuất phát. Họ đi đón những con tàu hoạn nạn đang chở các nạn nhân về đất liền. Nếu thuận lợi thì phải đến ngày 24 các nạn nhân mới cập bờ được. Bây giờ các con tàu ấy đang cách Đà Nẵng đến 700 hải lý.
Mười con tàu không trở về (7 chìm, 3 mất tích) với 229 nhân mạng, cho đến chiều ngày hôm nay mới chỉ biết ngư dân vớt được 57 người sống và 21 người chết. Vậy ai còn ai mất giữa trùng khơi? Câu hỏi cháy lòng ấy xoáy mãi vào trái tim mỗi người dân Việt. Miếng cơm manh áo thời bình mà phải đổi bao nhiêu sinh mệnh con người. Cả thành phố Đà Nẵng, cả miền Trung gian khó những ngày này như ngồi trên lửa đỏ, nước sôi.
Trước biển cả, chúng ta vẫn vô cùng nhỏ bé và bất lực!