Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

Người trong kí ức

01:20, 02/07/2011AdminTruyện - Ký
(0 Đánh giá)
Người trong kí ức
 
Nhận lời mời của thượng tá Trịnh Nông - Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 5 và thượng tá Bình (Phó Viện trưởng), tôi đến một quán nhỏ trên đường Hàm Nghi. Đón tôi ở cầu thang bằng gỗ, thượng tá Bình hỏi nhỏ: “Anh có biết cu Theo không?” “Theo nào?” Tôi ngơ ngác hỏi lại. “Cu Theo của ông Tố Hữu ấy.” “A! Có phải Nguyễn Văn Hoà không?” “Đúng là người ấy. Anh Hoà đang có mặt ở đây.” Tôi mừng quá. Con người đã đi vào sử sách, thi ca lúc còn rất bé bởi chiến công oanh liệt của mình và cũng nhờ những vần thơ giản dị đến thần tình của nhà thơ xứ Huế mà ai ai cũng nhớ đến anh, tôi chưa một lần được gặp, chỉ nhớ anh trong thơ thôi, còn người thật, tôi cứ nghĩ anh chỉ là huyền thoại bởi lâu lắm rồi chẳng nghe ai nhắc đến, hoá ra người anh hùng một thuở đang sống ở đây. Cu Theo chẳng hề xúc động khi có một người lạ hoắc biết rất rõ về ngày xưa của mình. Anh lặng lẽ gật đầu chào tôi sau lời giới thiệu của Trịnh Nông. Câu chuyện quanh bàn rượu hôm đó xoay quanh bài thơ của Tố Hữu rồi lan sang những nhân vật dũng sĩ tí hon một thời với Cu Theo: những Nguyễn Văn Tư, Trần Phước Tới... Anh Tư bây giờ làm giám đốc một công ty tư nhân, anh Tới thì chẳng phải ai xa lạ, đó là đại tá Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương bây giờ. Trước khi ra Hà Nội để thay Thiếu tướng không quân Nguyễn Đăng Kính về nghỉ hưu, anh Tới là Viện trưởng VKSQS Quân khu 5. Còn Cu Theo của chúng ta ngày ấy bây giờ là Phó ban tổ chức Tỉnh uỷ Thừa Thiên-Huế. Tôi đang say với quá khứ của những anh hùng tí hon ngày nào thì một vị khách nữa xuất hiện. Đó là một người phụ nữ dáng nhỏ nhắn, tươi vui, có khuôn mặt thật dễ mến. Chị tên là Nhung, Chánh văn phòng Ban Tổchức Thành uỷ Đà Nẵng. Chị Nhung là người quen cũ của Nguyễn Văn Hoà. Một thời họ là thiếu niên miền Nam được ra Bắc học tập để đào tạo nguồn cho cách mạng. Sự chăm sóc từ rất sớm của Đảng đã giúp họ trưởng thành và họ thật xứng đáng với lòng tin cậy đó. Khi nghe Trịnh Nông giới thiệu tôi là người Hà Tĩnh, chị Nhung chợt hỏi: “Anh có thể giúp em một việc không?” “Chị cứ nói. Nếu có thể, tôi sẽ nhiệt tình.”
Chị Nhung kể: Năm 1968, chị vừa tròn 10 tuổi. Điện Bàn quê chị vốn là mảnh đất cách mạng, nơi quân Mĩ phong toả dày đặc, càn quét triền miên. Để đảm bảo an toàn cho lớp trẻ đồng thời đào tạo thế hệ ngày mai, chị Nhung và nhiều thiếu niên, nhi đồng trong vùng được Đảng bố trí ra Bắc. Đường đi vô vàn gian truân, từ Điện Bàn lên căn cứ của cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam -Đà Nẵng bởi theo tuyến giao liên bí mật, phải băng rừng vượt thác. Những người trong đoàn đi A hầu hết là thương binh, bệnh binh nặng và trẻ con. Bàn chân đứa bé lên mười phải lê theo đoàn chiến thương thật là vất vả. Sau một thời gian bám đuôi, Nhung bị ssốt rét phải nằm lại các trạm giao liên và bãi khách, rồi Nhung được ghép vào một đoàn chiến thương khác để tiếp tục cuộc hành trình. Trong đoàn có một chú bộ đội quê Hà Tĩnh là bệnh binh bị bệnh khá hiểm nghèo phải tự mình lặn lội ra Bắc theo đoàn. Thương bé Nhung nhỏ yếu, mặc dù sức vóc chẳng còn là bao, chú bộ đội người Hà Tĩnh ấy vẫn cõng, vẫn dìu bé Nhung ròng rã 3 tháng trời đến tận đất Bắc. Có những quãng đường xa, chú mang cả gùi của Nhung, cả ba lô của chú, hai bên hông đeo hai bi đông nước lặc lè bước thấp bước cao. Đoàn đi ai cũng hoặc bị thương hoặc bị bệnh, hoặc phải khiêng cáng, gùi đồ đạc nên ít người có điều kiện dìu Nhung giúp chú ấy. Ra đến đất Bắc (cõ lẽ là Quảng Bình), đoàn chiến thương đã có ô tô chở nên chú cháu xa nhau lúc nào không biết nữa. Từ ấy đến nay, trong tâm khảm Nhung không sao nguây ngoai hình ảnh chú ấy. Nhung tự trách mình ngơ dại để đến nỗi không nhớ rõ họ tên quê quán của chú. Hình như mang máng chú ấy tên là Hiếu, vóc người thấp đậm, nước da trắng xanh như tàu lá vì sốt rét, từng chiến đấu ở mặt trận Quảng Đà.
Ngồi giữa thanh thiên bạch nhật, giữa những người lính từng dạn dày trận mạc mà mắt Nhung rưng rưng. Tôi hứa với chị tôi sẽ có cách tìm bằng được người bộ đội quê Hà Tĩnh ấy, miễn là anh vẫn còn sống đến bây giờ. Mà hình như tôi ngờ ngợ quen quen ông chú bộ đội của Nhung. Những người lính một thời như vậy ở Hà Tĩnh hoặc người Hà Tĩnh ở khắp nơi tôi đã gặp cả trăm, cả gặp ngàn. Chỉ tiếc không biết rõ ai là chú Hiếu của chị ngày xưa. Tôi hứa với chị Nhung mà nghĩ mãi không có cách gì có thể lặn lội đi tìm người trong kí ức tuổi thơ cho chị. Chị Nhung trầm ngâm: “Chắc là chú ấy sẽ nhớ một đứa bé gái mà chú đã cưu mang bằng chút sức lực ít ỏi của mình, nếu như có ai gợi lên hình ảnh ngày ấy. Em cứ ước ao có một phép thần kì nào đó mà chú cháu em được gặp nhau hoặc biết tin về nhau. Nhất định em sẽ mời chú ấy vào Đà Nẵng chơi, anh ạ. Và cũng từ dạo ấy, Hà Tĩnh trở nên thân thương với Nhung, gặp ai ngoài ấy vào Nhung cũng kể lại kỷ niệm ấy để mong tin của chú.
Và, để thực hiện lời hứa với Nhung, tôi gửi về báo Hà Tĩnh bài viết nhỏ này mà mong rằng, qua sự tiếp cận độc giả của tờ báo, biết đâu người chiến sĩ bệnh binh năm xưa sẽ liên lạc được với đứa cháu bé dại, yếu ớt ngày nào trên đường Trường Sơn.