NHỮNG BÔNG HOA TRÊN “ CÁNH ĐỒNG THỜI GIAN
(* thơ Bùi Quang Thanh, NXB Hội Nhà Văn -2015 *)
1 - Tên tập thơ mà tác giả chọn có ngụ ý, anh ươm những mầm thơ trên cánh đồng thời gian và mong có một vụ mùa sáng tạo, có những vần thơ hợp ý, hợp tình mình gửi gắm. Có thể nói trong số các tác giả ở vùng đất Hồng Lam này anh là người đi nhiều nhất, sống khá nhiều vùng đất khách. Hôm ở Đà Nẳng mai ở Đà Lạt, lúc địa đầu miền Nam khi biên giới phía Bắc , lúc Tây Nguyên khi vùng Đất Mũi…Yêu cầu làm báo buộc anh di chuyển nhưng phần khác cũng do sở thích cá nhân. Đi nhiều, biết nhiều khung cảnh, gặp nhiều số phận để chuyển vào nhiều tứ thơ đa sắc, đa màu. Anh viết về vùng Thạch Hãn, về các chàng trai Nam Yết , về hoàng hôn Ải Bắc, về hồ Trại Tiểu, về địa đạo Vĩnh Mốc, về đêm Cao Bằng , rồi suối Hương Ngàn, mùa màng Mộc Châu, em gái Tiền Giang, mùa hoa trẩu Phia Đén, về đền đài Angkovat, Angkothom…Chỉ nghe tên các bài thơ cũng hình dung ra cung độ, cự ly các quãng đường anh di chuyển. Nói vậy để thấy cái chất sống phong phú mà anh thu nhận được tạo nên cái tính thông tấn khá rõ nét trong thơ anh. Tuy nhiên như người xưa nhắc nhở, có phong cảnh năm châu bốn bể , nhưng cái chính là cái điều đọng lại trong hồn, cô lại trong trái tim, thăng hoa thành dấu ấn từng con chữ để thành thơ chứ không dừng lại ở trang báo. Cái khó là ở đấy và Bùi Quang Thanh đã vượt qua được. Bạn anh viết: “ Thơ Bùi Quang Thanh theo gió lên trời theo tâm xuống đất, thả tình vào mọi ngõ ngách của không gian. Vịn tay lên vai tất cả mọi thành phần từ trẻ nhỏ đến người đạp xích lô, từ mẹt hoa của bà lão nông dân đến ni sư trong chùa, đến cả Thần , cả Thánh…” (Nguyễn Tiến Chương- Lời giới thiệu). Đi qua Ninh Bình, qua Bích Động, Kim Sơn, Phủ lý …bao nhiêu cảnh lạ, nhưng đọng lại nơi anh một cảm xúc đằm sâu theo tiếng chuông thu không : “ Chuông chùa đâu vang ngân/ Sông Đáy chiều ửng mặt/ Nỗi nhớ nặng ngàn cân/ Đường xa tình muôn nỗi…” ( Nẻo về) hay đêm nghe bão đổ về miền Trung với bao tàn phá “băng tràn lũ quét”,…thì niềm đau nhức vẫn là “…Mà chiều nay sóng cồn lên từng đợt/ Gió gầm gào xua cát nát lòng ta” (Đêm nay bão số 10 vào miền Trung).
Quả thơ Bùi Quang Thanh giàu tính thông tấn nhưng không vượt ra ngoài quỹ đạo của thể tài mà nó chỉ làm đậm thêm chất sống, cũng như tính hiện thực mà thôi.
2 - Tập thơ này là tập thơ thứ sáu của anh, vẫn một bút pháp truyền thống lấy cảm hứng trữ tình làm chủ đạo, tác giả bày tỏ những suy cảm của mình với con người, với thời cuộc. Bám sát đời sống, tập thơ trong niềm yêu thương quê hương đồng bào, có cái nét mới là anh bày tỏ niềm thông cảm với những số phận éo le, những nghịch lý trong đời sống người dân quê, những gợn u hoài nơi quê kiểng, khác mạch thơ hào hùng trước đây. Cám cảnh đôi bạn già, hơn tám mươi tuổi vẫn phải tần tảo vất vả kiếm sống hằng ngày, bám vào các buổi chợ, chồng chiếc xích lô, vợ mẹt hàng tạp vặt. Đêm mưa gió cũng như ngày nắng đổ “ hai thân già xe-gánh những buồn vui” họ cùng nhau sống “ xuyên cay đắng ngọt bùi”. “No vui. Đói buồn. Bến xe. Cửa chợ/ Giữa thị thành hỗn tạp đủ sắc âm”( Đôi bạn già). Câu thơ ngắt quãng như tiếng nấc nghẹn của một kiếp người lưu lạc , lênh đênh. Hay cảnh một bà già thất cơ lỡ vận, một kẻ gốc Tràng An xưa, nay “ bên góc đường Đội Cấn, Mẹ ngồi với mấy bó nhài tươi….đường đông xe cộ theo dòng cuốn, Bụi bay, khói tỏa, khét mù xăng”, mong ai mua dùm mấy bó nhài tươi độ nhật. ( Một thuở Tràng An). Người dân trong thời buổi khó khăn, phần do thiên tai bão lụt, phần bởi nhiều vấn nạn nhân sinh khiến bao người bỏ quê ra đi tha phương cầu thực:
Hết tết rồi bà con lại tha phương
Tay xách nách mang, xe Nam, tàu Bắc
Vạt ruộng sau những ngày giá buốt
Nhỏn mạ trắng đồng như tay vẩy run run
…Bà con mình cứ lũ lượt chào quê
( Ghi sau này tết)
Ghi nhận sự mạnh dạn của BQT, khi anh trình bày những nghịch cảnh , những tai vạ gây nên do tham nhũng khiến nhiều người dân lương thiện mất đất đai, cửa nhà , nay dự án mai di dời khiến cầu sập, đường nát, anh đã lên tiếng: Ta về gõ trán mấy quan / Vì sao dân phải chết oan thế này? ( Sập cầu ở ChuVa) hay Dân còn khổ nỗi quan tham/ Quan tham bao nỗi cơ hàn cho dân (Về quê).
Bài “Về quê” là một khái quát tâm trạng của những người con xa quê lâu ngày trở về. Một nỗi buồn miên man. Cái nên thơ đầy kỷ niệm thì đã mất, cái mới sinh thì nhạt nhẽo rỗng tuếch. Nghèo cứ nghèo, khổ cứ khổ:
Làng tôi! Đò vẫn cắm sào
Mẹ già đầu thấp váy cao ruộng bùn
Một đời gan ruột rưng rưng
Mồ hôi lưng mẹ ngập ngừng mắt con
…Xa quê một năm mấy lần
Thăm quê thăm mẹ héo dần ruột gan.
Những vần thơ có phần xót xa trong “Cánh đồng thời gian”, ta không nghĩ tác giả bi quan hay “ bôi đen” cuộc sống đương đại mà ta cảm nhận được cái nhìn tỉnh táo đầy trách nhiệm trước những mặt tối cuộc đời mà bây giờ nổi rõ không còn chìm khuất đâu đó. Những vần thơ đầy tính phản biện, giàu cảm xúc nhưng cũng đầy suy tư.
Một mạch thơ không kém phần sâu sắc trong “Cánh đồng thời gian” là mạch thơ giàu xúc cảm của “ hồn thơ người lính” với cảm hứng lan tỏa nhiều phía trong đời sống thường nhật. BQT có nhiều năm trong quân ngũ, nếp nghĩ, tình cảm lính được hòa nhập trong nhiều kỷ niệm . Gặp một lính trẻ đồng hương “tuổi mới tròn đôi mươi, đã hai năm giữ đảo” tác giả vô cùng xúc động “ Gặp một nụ cười xứ biển/ Ngẩn ngơ răng bắp trắng ngần/ Tô điểm biển trời Nam Yết”. Kỷ niệm đời lính dù năm tháng qua mau không nhạt phai trong ký ức đồng đội. Những gì được mất, cái chính là quãng đời đẹp nhất , tính cách, số phận được tô đậm, bồi đắp bằng xương máu tuổi trẻ:
Xắn quần lội về quá khứ
Lật từng hạt đất mẩu bùn
Xới lên niềm đau một thuở
Máu mình máu bạn mà run?
( Cánh đồng thời gian)
Viết về chiến tranh về sự hy sinh mất mát, tác giả không lướt qua , không thiên về mặt hào hùng, cũng như không bi lụy. Một cái nhìn tỉnh táo có nghĩ suy, một tình cảm đằm thắm đầy trách nhiệm, nhắc nhở những ai hưởng kết quả của bao sự hy sinh!
Pháo hoa đỏ trời. Đèn trôi kín sông
Thạch Hãn đêm nay sóng vỗ nghẽn lòng
Vạn đèn hoa, vạn bàn tay vẫy
Nhân thêm mất mát, bồi thêm thương mong
…
Ai biết chăng ai một thời trận mạc
Bao tuổi đôi mươi chợt thành bùn đất
Biết mấy măng tơ đi mãi không về
Để những lời ca như là tiếng nấc
( Đêm Thạch Hãn )
Bài thơ với những hình ảnh thật gợi cảm , nó day dứt mãi trong lòng người đọc:
…Đò ai gác chèo trôi trong mông lung?/ Áo trắng chờ ai hỡi vạn anh hùng.
…Cỏ non nhớ ai tha thiết cổ thành?/ Khói hương lên trời mà thành mây trằng.
( Đêm Thạch Hãn )
3 - Cảm hứng về lịch sử cũng là một nội dung khá nổi trội của tập thơ. Điều đáng ghi nhận là tác giả luôn đặt lịch sử trong mối quan hệ với hôm nay, tự hào về quá khứ phải có trách nhiệm với hiện tại. Từ nơi an nghỉ của vị tướng quân tác giả suy nghĩ :
Nghe quốc kêu da diết những năm trường
Thấy nhà nát của kiếp dài nô lệ
Trang lịch sử xót dặm dài sông bể
Giã mái trường Thầy giáo hóa Tướng quân
(Nơi an nghỉ của tướng quân)
Những người anh hùng của chúng ta trở thành anh hùng trong đời thường , nếu không có chiến tranh thì Đại tướng vẫn chỉ là Thầy giáo, cũng như “ Nếu không vì họa giặc Ân/ Chắc chàng Gióng sẽ nông dân suốt đời”. Viết về những anh hùng trong quá khứ cũng như hiện đại, tác giả luôn nói đến cái gốc rễ bền chặt của họ với nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì cộng đồng mà chiến đấu hy sinh không màng chút danh lợi “ Tình quê như ngọn lửa hồng/ Mà Người - đền miếu, tượng đồng trơ trơ”. Tứ của bài thơ có những chi tiết gây ấn tượng : dẹp tan giặc rồi Gióng về Trời, để lại “Mẹ già cánh võng cô đơn/ Mắt mờ ngó đỉnh Trường Sơn lệ nhoà” và giờ đây nhớ Phù Đổng xưa, xóm làng với những cô Mận cô Mơ “gạo cơm, khoai sắn, dưa cà/ gom nồi bảy , góp nồi ba đợi chờ”. Họ mong Gióng trở về cùng với bao “tráng sĩ tuổi tràn sức xuân/ bỏ mình vì nước vì dân/ Họ tên còn khuyết mộ phần chưa xây”. Câu thơ là một lời nhắc nhở trách nhiệm đối với bao liệt sĩ bỏ mình vì quê hương.
Lịch sử và hôm nay , tập thơ đã kết nối lòng yêu nước của nhân dân trong quá khứ và hiện tại. Trong thời cuộc đầy biến động của hôm nay, lúc tình nghĩa bạn thù đầy xáo động, thử thách, một vấn đề rất nhạy cảm, nhưng tác giả đã chọn cho mình một chỗ đứng đầy thuyết phục để lên tiếng, đó là tấm lòng là quan điểm của nhân dân. Tư tưởng “thân Dân” mà Nguyễn Trãi đã từng nêu lên, chiến đấu vì nhân nghĩa. Phân biệt giai cấp thống trị và nhân dân, quyền lợi và sự đau thương , được và mất … ?
Hàng vạn dân thường
Hàng vạn chiến binh
Gian khổ ba mươi năm chưa được hưởng hòa bình
Nước có giặc lại lên đường đánh giăc
Họ ngã xuống giữa biển Nam, rừng Bắc
Vì lòng tham vì sự phản trắc..,.
Bài thơ “ Hoàng hôn Ải Bắc”, một bài thơ đã được tác giả Nguyễn Chân chuyển ngữ ra bốn thứ tiếng Anh, Pháp, Trung, Nga, giới thiệu trên cơ quan truyền thông các nước đã nói rõ một sự thực lịch sử cũng như cách nhìn cùa người dân đối với cuộc chiến tranh hai nước. Nhắc lại chuyện xưa, khi kiêu tướng Liễu Thăng rơi đầu ở Ải Bắc giữa hàng vạn tinh binh “ biển tinh kỳ tơ tướp hóa rừng lau”, cho đến nay “Hồn bại tướng vật vờ trong lau gió/ Cõi thâm u khát một giọt cam lồ”, tác giả nêu lên một tư tưởng đầy nhân văn mềm mại nhưng rất rắn rỏi, có ý nghĩa thức tỉnh:
Hoàng hôn này bên bệ đá nàng Tô
Vẳng tiếng trẻ khóc cha từ bờ kia biên ải
Sương hóa lệ. Cánh dơi chiều chững lại
Mã Yên Sơn vẫn dáng ngựa tung bờm…
Liễu tướng chết , mộng xâm lăng tan tành và cho dù có thành công đi nữa thì cái kết cục người dân vẫn lãnh đủ “Vẳng tiếng trẻ khóc cha từ bờ kia biên ải. Sương hóa lệ…”. Một chân lý lịch sử đã khẳng định: chiến tranh phi nghĩa sẽ thất bại, nỗi đau chung người dân hai nước đều phải chịu! Bút pháp tương phản mà tác giả xử dụng trong bài thơ khá đắc địa:
…mười vạn tinh binh - tinh kỳ tơ tướp
…hồn bại tướng vật vờ - một giọt cam lồ
…tiếng trẻ khóc cha - sương hóa lệ
…cánh dơi chiều chững lại - dáng ngựa tung bờm
Một lời nhắc nhủ có lẽ còn dài lâu cùng lịch sử với người láng giềng Bắc quốc: “Người khôn phải biết ấm lưng/ Cậy nhau tối đèn tắt lửa”.
4 - Về Tình yêu. Tiếp tục truyền thống dòng thơ trữ tình xứ này, BQT trong tập “Cánh đồng thời gian” có một mảng thơ tình khá phong phú. Tuy trên dưới chỉ mươi bài nhưng anh cũng đã thể hiện khá sinh động các diện mạo, sắc thái tình yêu của lứa tuổi. Từ những tình cảm mơ màng thoáng qua nhân một cơ may gặp gỡ nào đấy trên đường công tác, một dịp thăm viếng bạn bè cho đến những kỷ niệm sâu sắc được gạn lọc qua thời gian đã để lại những dòng thơ chân thật mà sâu lắng. Vui , nhớ nhung, hò hẹn , buồn bã luyến tiếc đều được diễn tả bằng một ngôn ngữ mộc mạc, chân thành. Vui làm sao “ Bữa ấy nàng tiên trong áo tơi/ Nghiêng nghiêng đuôi mắt ngó anh cười” nhưng cũng buồn da diết “Một mối tình vừa ruồng rẫy ta đi…/Không thể ngủ ta thức cùng với biển”. Tình cảm có nhiều tình huống rất lạ, xáo trộn cả thời gian, trộn lẫn không gian, thoáng đọc thấy kỳ lạ nhưng lắng lại thấy đó mới thật là người, mới thật là tình nghĩa. Rất hư ảo “ Chếnh choáng trăng lên viền núi…Hình như người đẹp xuống bè”, có lạ lùng không khi đó là tình cảm của tác giả với kỷ niệm các cô gái Đồng Lộc ngày nào! Hay “ Gặp nâu sồng ở Chùa Am/. Hình như Nàng rẽ thời gian tìm về/ Dáng là dáng trúc dáng tre/ Tóc ven gáy trắng, nắng se nét buồn” Đó là giây phút tác giả nhớ về hoàng hậu Bạch Ngọc ngày xưa từng lập đất khai phá vùng này. Tác giả thấy họ bất tử, trẻ trung như ngày nào và làm rung động trái tìm yêu mến của mình.
Tình yêu với những nhân vật thời nay trong thơ anh cũng rất nhạy cảm, ngộ nghĩnh, đó là hình ảnh năm gã trai “chết đứng” trước cảnh cô gái tắm chiều bên suối, hay bị say liêu xiêu trước vẻ đẹp và tình cảm nồng nàn của cô gái Thái ở Mộc Châu trong đêm trẩy chợ tình đến quên đường về, sự ngất ngây đến dại khờ nửa thực nửa mơ trên đồi cà phê Ban Mê “ Ban Mê! Cõi thực ? Cõi mơ”/ Cho anh si tận bến bờ… cõi mê”. Cần phải nói rằng những cô gái tác giả gửi gắm tình cảm trong thơ thật hồn nhiên, đằm thắm. Từ một cô gái sông quê, một nàng Ni Na xứ bạn, đến một cô gái vùng cực Nam đất nước, họ đều mang hơi thở quê kiểng , hài hòa trong phong cảnh cũng như tình người. Một cô gái Mỹ Tho tác giả biết lần đầu nhờ chuyến thăm bạn Sông Tiền. Người miền này quá chân tình, cảnh miền này quá đẹp.
“Đêm men ủ. Trăng và sông lóng lánh
Sông Trăng ơi! Tình nghĩa tựa trăng rằm
Tôi - con thuyền buông neo về bến đợi
Rồi mai ngày lại rong ruổi xa xăm..”
Tình người, tình đất quá tha thiết nồng nàn như vậy, nên trên các chặng đường rong ruổi xa xăm cái hình ảnh tác giả nhớ mãi và làm người đọc cũng xúc động lây: “ Thương chén cơm em chờ chưa đụng đũa/ Nên xao lòng khi nghe nhắc Tiền Giang” ( Nhớ Tiền Giang).
Thơ tình BQT quả thật rất lãng mạn , một thứ tình yêu thoáng qua chưa chạm một chút nhục thể nào cả, như trong mơ, nhưng chuyển hóa thành kỷ niệm thì có thể giúp người thêm niềm vui , thêm sức mạnh mà sống.
Nếu có thể cầm tay dâng hoa thật,
Anh bay về trước ngày ấy, đợi dâng…
5 - Ở tập thơ này cũng như các tập trước sự tìm tòi đổi mới của BQT nghiêng nhiều về phía nội dung, ở vấn đề hơn là ở cách thức. Khuynh hướng độc đáo trong thơ anh là đưa cách nói bổ bã nhưng tinh tế của người dân xứ Nghệ gần với vè, giặm và những câu chuyện trạng diễn ra hàng ngày. Tự nhiên mà trau chuốt , ưa hài hước và có tính biểu tượng, ngụ ý. Một số bài thơ có tính truyện, có tứ lạ thể hiện bằng một ngôn ngữ rất dân dã được người đọc nhớ lâu. Bài thơ “Người đàn bà truột mấn” kể lại câu chuyện có thực thời Xô Viết Nghệ Tĩnh, chị Trần Thị Hường đấu tranh chống sự đàn áp của lính Pháp bằng cách hô hào chị em truột mấn ( váy) xông lên và bọn lính từ ngơ ngác đến sợ hãi phải bỏ chạy. “Những chiếc mấn nu của một kiếp đói nghèo/ Được phất lên làm lá cờ xung trận…Và tất cả bọn Tây bỏ chạy”. Có một cái gì ngộ nghĩnh hài hước ở đây, nhưng một triết lý ẩn dưới ngôn ngữ bài thơ mà không phải ai cũng nhận thấy: Tất cả có thể thành vũ khí, hãy vượt lên những mặc cảm bình thường để đi vào trận đánh!
Bài thơ “ Kính lão”là một thể hiện độc đáo nữa của bút pháp B Q T: ngộ nghĩnh mà sâu sắc. Thơ trẻ con mà người lớn cũng thích suy ngẫm. Chiếc kính lão tự thị vì khi thì vắt vẻo trên mũi, khi thì oai vệ víu vào tai ba , khoe mình có công chỉ đường, có vị trí cao… nhưng than ôi “Thì ra lão mù tịt/ Khi rời khỏi mắt ba ”. “Kính lão” biểu tượng cho những kẻ sống nhờ, mượn uy danh kẻ khác.
BQT là một thi sĩ có nghề, đa tài, ngoài thơ anh còn viết báo, nhiếp ảnh, từng đạt nhiều giải thưởng địa phương cũng như quốc gia. Tập thơ mới “Cánh đồng thời gian” là một đóng góp của anh cho sự nghiệp sáng tác của mình, cũng làm phong phú thêm nền văn học địa phương và đất nước bằng đóng góp rất riêng, rất chất …“Nghệ”.
05-2015
Nha Van Ha Quang
Nhà thơ Bùi Quang Thanh
Sinh: 05/5/1950
Quê quán: Giếng Vàng, Cẩm Tiến, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Bộ đội chống Mỹ tại chiến trường B3; Nhà văn, Nhà báo; Nguyên Chánh văn phòng Hội VHNT Hà Tĩnh; P/v, Biên tập viên Tạp chí Hồng Lĩnh; Nguyên Trưởng Cơ quan đại diện Miền Trung – Tây Nguyên báo Bảo vệ pháp luật của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Hội viên Hội Văn nghệ Hà Tĩnh
Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng
Tác phẩm tiêu biểu:
1, Một thời sao lãng quên. (tập thơ) Hội VHNT Hà Tĩnh 1994
2, Hạt đắng (tập thơ) NXB Thanh niên 1998.
3, Đò dọc - sông đêm (tập thơ) NXBHNV 2002
4, Ngọn gió - Dòng sông (tập thơ) NXBHNV 2003
5, Mật ong vàng lũng núi (tập thơ) NXBHNV 2007
6, Cánh đồng thời gian (tập thơ) NXBHNV 2015
7, Bùi Quang Thanh THƠ (tuyển chọn) NXBHNV 2020.
Giải thưởng văn học:
- Giải thưởng Tạp chí Văn nghệ quân đội tại cuộc thi: Hướng tới giao thừa thiên kỷ (1998 – 1999) cho bài thơ “Lời hương khói”
- Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần 2.
- Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần 3.
- Giải thưởng cuộc thi văn chương Hà Tĩnh nhân 170 năm.