Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

Những con đường ma quỷ

08:20, 02/06/2011BQTTác phẩm báo chí
(0 Đánh giá)
Bài in trên báo BVPL
NHỮNG CON ĐƯỜNG MA QUỶ
Phóng sự điều tra của Thanh Quang
 
Lời Tòa soạn: Liên tiếp những năm gần đây, TAND các cấp đã mở những phiên tòa lớn để xét xử bọn tội phạm buôn bán chất ma túy. Đã có rất nhiều hình phạt nghiêm khắc dành cho bọn chúng, tuy vậy có vẻ như pháp luật dù đã rất thẳng tay vẫn không ngăn nổi khát vọng làm tiền của những kẻ tội đồ.
Ngày 16/05/2003, Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh ra cáo trạng số 47/KSĐT – TA/AN quyết định truy tố bị can ra trước TAND tỈNH Hà Tĩnh để xét xử về các tội “Mua bán, vận chuyển trái phép chết ma túy”. Đây là một vụ án lớn, có nhiều đối tượng tham gia, có địa bàn hoạt động quyên suốt từ miền Trung vào thành phố Hồ Chính Minh, sang Lào, với thời gian dài, phạm tội nhiều lần với số lượng lớn thuốc phiện và Hêrôin. Vì sao từ những người làm ăn lương thiện trở thành tội đồ deo rắc cái chết tắng cho xã hội và cho cả chính mình? Vì sao những tên tử tù đang chờ ngày thi hành án lại phải ra hầu tòa lần nữa để nhận về những hình phạt còn nặng nề hơn cả cái chết? Đặc san cuối tháng của BVPL đăng phóng sự điều tra của nhà báo Thanh Quang để bạn đọc rõ thêm về đường dây ma túy nguy hiểm này.
                                                               Báo Bảo vệ pháp luật
 
1. Ma đưa lối, quỷ dẫn đường
Dương Đức Sơn - sinh năm 1959, quê tại Sơn Phố, Hương Sơn, Hà Tĩnh cùng Đinh Nho Hòa và Bùi Quang Phong (đều có hộ khẩu thường trú tại huyện Hương Sơn) mang 3 cỗ máy phát điện chạy bằng tuabin hơi nước cỡ nhỏ sang lắp bán cho các gia đình bên bản Lào. Sau khi lắp máy xong, vì những người Lào mua máy không đủ tiền để trả nên họ trả bằng 1,4kg…thuốc phiện. Sau khi mang được số thuốc phiện về nước, Dương Đức Sơn tìm bán cho Trần Thanh Hùng ở phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh rồi chia tiền cho Phong và Hòa. Lời lãi ăn chia không thoả đáng, họ bất bình với nhau, Phong và Hòa không làm ăn với Sơn nữa.
Tháng 4/1996, Sơn một mình lặn lội vượt biên sang bản 2 xã Nậm Xắc, huyện Căm Cớt của Lào để tìm mua thuốc phiện. Vốn thạo tiếng Lào, Sơn đã nhanh chóng thu gom được 2,3kg nhựa thuốc phiện với giá 1,5 triệu đồng/kg rồi đem về cất dấu ở nhà mà không cho vợ con biết. Dây mơ rễ má thế nào đó mà Đào Viết Sửu ở thị trấn Phố Châu lại dẫn Nguyễn Khắc Thủy đến mua số nhựa phiện này với giá 2 triệu đồng/1kg. Thủy giao cho vợ là Vũ Thị Tiến, Tiến gọi em chồng là Nguyễn Khắc Hùng đến mang đi tiêu thụ, Hùng bán cho Nguyễn Văn Thắng ở xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Chuyến hàng thứ hai này, Sơn lãi được 1,5 triệu đồng. Từ đầu mối Thủy, Tiến, Hùng ở phưởng cửa Nam - Thành phố Vinh, con đường vào “nghề” của Dương Đức Sơn đã mở rộng thênh, chúng ngoắc tay nhau hợp tác làm ăn mà không phải qua môi giới Đào Viết Sửu nữa.
Lần thứ 3 vượt biên sang Lào, Sơn đã gặp hai người đồng hương là Nguyễn Sĩ Bàn và Phan Thúc Định đang lang thang làm ăn bến đó. Cả ba đồng tình chung vốn để mua nhựa phiện mang về Việt Nam bán kiếm lời. Chúng gom được 12kg nhựa phiện, bỏ vào xô nhựa rồi thay nhau gùi vác, xuyên núi cắt rừng, đưa hàng về dấu ở nhà Sơn. Sau khi nghe ngóng động tĩnh, Sơn và Bàn lai nhau mang hàng ra giao cho vợ chồng Vũ Thị Tiến. Số lãi và gốc lần này chúng không chia chác ngay mà hùn vốn để tiếp tục làm ăn to hơn nữa, lâu dài hơn nữa. Lần thứ tư với số nhựa phiện mang về là 12 kg; lần thứ 5:12kg; mặc dù vất vả và hiểm nguy là vậy, qua dăm lần đi, mỗi đứa vẫn chỉ lãi được 6 triệu đồng, Phan Thúc Định và Nguyễn Sĩ Bàn chia tay với Sơn, giã từ con đường tử địa để tìm phương kế khác.
Một buổi chiều tháng 6/1996, Nguyễn Khắc Hùng từ Vinh tìm lên nhà Sơn cùng với một người lạ nữa để hỏi mua thuốc phiện. Nguyễn Khắc Hùng vốn làm nghề lái xe, sinh năm 1965 ở xã Hưng Thịnh, Hưng Nguyên, Nghệ An. Y còn một tên gọi nữa là Hùng Con, vốn không biết chữ, chẳng hiểu bằng cách nào mà y học nổi nghề lái xe ô tô, thi lấy bằng lái xe? Hùng vốn có nhiều tiền án: năm 1991 bị TAND Thành phố Hồ Chí Minh phạt 3 năm tù giam về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy” và đã chấp hành xong hình phạt, được trả tự do vào tháng 6/1993; tháng 4/1994 Hùng lại vào “bóc lịch” 3 năm cũng ở Thành phố Hồ Chí Minh do trộm cắp tài sản; năm 1996 được ra khỏi trại giam, Hùng tiếp tục phạm tội “mua bán chất ma túy” với nhiều đường dây khác và trước khi xảy ra vụ án này, ngày 26/02/2001 y đã bị TAND Tỉnh Hà Tĩnh tuyên án tử hình về tội buôn bán 25 bánh Hêrôin trong vụ án Lê Văn An, Hoàng Văn Thịnh và đồng bọn. (Vụ án này có đến 7 án tử hình, trong đó có 6 tên đã đền tội, riêng Hùng chưa bị thi hành án).
Hôm ấy, Sơn lưu Hùng cùng người khách ở nhà mình rồi phóng xe lên Sơn Hồng tìm Nguyễn Tiến Dũng. Dũng dẫn Sơn xuống Sơn Hà, vào nhà ông Hiến là cậu ruột của Dũng để lấy 1,6 kg thuốc phiện mà Dũng cất dấu tại đây. Số phiện này do Dũng đổi hàng nhu yếu phẩm cho dân Lào từ trước. Ngã giá với nhau là 3,2 triệu đồng, Sơn mang về qua tay cho Nguyễn Khắc Hùng để ăn lời 300 ngàn đồng.
Trần Thanh Lâm làm nghề buôn bán hàng vặt, ở xã Sơn Hồng người ta  vẫn gọi hắn là Lâm Cúc, là gọi ghép cả tên mẹ của Lâm. Buôn nhỏ chẳng thấy ăn thua, đầu năm 1997 Lâm tìm đến Sơn kết bạn, chung vốn để đi buôn thuốc phiện. Lại những chuyến vượt biên, gom hàng, đóng gùi mang phiện về đất Việt. Chuyến đi chung của một kẻ mang tên “rừng”, một kẻ mang tên “núi” này - chuyến thứ 7 trong hành trình tội ác của đường dây, 9kg thuốc phiện được tuồn từ Lào về xã Hưng Long, Hưng Nguyên cho Nguyễn Văn Thắng nào đó theo tuyến Vũ Thị Tiến- Nguyễn Khắc Hùng. Cứ vậy, chuyến thứ 8 : 10kg; chuyến thứ 9: 8,5kg; chuyến thứ 10: 4kg; chuyến thứ 11: 7kg; chuyến thứ 12: 2,8 kg (chuyến này do Nguyễn Thanh Hường người Sơn Hồng mang về, Sơn môi giới bán cho Vũ Thị Tiến kiếm lãi); chuyến thứ 13 thì hai nhân vật nữa lại vào cuộc: đó là Lê Hồng Qúy và Lê Văn Tám cùng ở xã Sơn Hồng. Nguồn gốc 4,7 kg thuốc phiện từ đâu ra không rõ nhưng hai thanh niên này mang xuống nhờ Sơn đổi hộ xe máy. Sơn chở Qúy và số thuốc phiện ra Vinh đặt vấn đề với Tiến và Thủy. Sau một hồi ngã giá Nguyễn Khắc Thủy đã đổi chiếc xe máy của em trai mình là Hùng cho Qúy để lấy toàn bộ số thuốc phiện 4,7 kg, ngang ngửa chiếc xe 11 triệu đồng.
Như vậy là từ năm 1993 đến tháng 8/1997, bằng nhiều nguồn nhiều cách, với nhiều đối tượng tham gia, Dương Đức Sơn và đồng bọn đã vận chuyển vào Việt Nam 87,3 kg nhựa thuốc phiện để tiêu thụ ngay tại Nghệ Tĩnh.
 
Từ “cơm đen” đến “hàng trắng”
Từ những năm 1998 đến đầu 1999, vì không có nơi tiêu thụ thuốc phiện nên Dương Đức Sơn tập trung buôn bán xe máy. Là kẻ thông thạo đất Lào đã mấy năm nay, Lê Hồng Qúy biết được bên đó có nhiều nơi có thể mua được Hê rô in bèn bàn với Sơn chuyển đổi mặt hàng. Hai đứa mò xuống Vũ Thị Tiến để bàn chuyện làm ăn mới. Thị Tiến động viên Sơn, Qúy bằng cách cho tạm ứng 7000 USD để làm vốn sang Lào mua Hê rô in. Tháng 3 năm ấy, chúng sang bản Na Pê thuộc thị trấn Lạc Xao mua của một dân Lào có tên Lanh Xô một bánh Hê rô in với giá 4500 USD. Mua xong, Sơn theo đường 8A qua cửa khẩu Cầu Treo về trước, Qúy cùng Lanh Xô mang hàng cắt rừng về sau. Bọn chúng hẹn nhau ở một địa điểm cách cầu Treo 3km về phía Đông. Sơn đã đợi sẵn xe máy chờ ở đó. Hai đứa đưa hàng về cho Vũ Thị Tiến. Tiến chê hàng xấu nhưng cũng trả cho chuyến hàng này 5500 USD. Tiến còn hướng dẫn tỷ mỉ cho Sơn và Qúy cách kiểm tra Hê rô in khi mua. Thời gian này Thủy - chồng Tiến – đang đi thi hành án ở trại giam số 6 nên Tiến một mình ôm bánh Hê rô in nhảy tàu vào Thành phố Hồ Chí Minh bán cho Trần Thị Hồng – tức Hồng Tài, một trùm ma túy – ở nhà 386B đường Cách Mạng Tháng Tám thuộc phường 10, Quận 3 với giá 6000 đôla.
Thấy đi Hêrôin gọn nhẹ mà lãi lớn, mấy ngày sau Sơn và Qúy lại sang Lào bằng cửa khẩu Cầu Treo. Lần này chúng cũng mua được một bánh Hê rô in từ Lanh Xô, cắt rừng về nước, thị Tiến tiêu thụ, hai đứa lãi 1000 USD, còn thị Tiến không bán cho Hồng Tài nữa mà bán cho con dâu bà ta là Võ Thị Liên. Hai thị gặp nhau chỉ một lần ở nhà bà Hồng khi Tiến vào giao hàng lần trước, “ngưu tầm ngưu”, chúng ngoéo tay nhau, những bánh bột trắng được dập nổi con số 999 và in hình 2 con mãnh sư chầu lên quả cầu, từ tay bọn người Lào phía bên kia dãy Trường Sơn vượt biên về Việt Nam, từ Hương Sơn ra Vinh rồi vào Thành phố Hồ Chí Minh để vào tận nhà từng con nghiện. Tiếp những chuyến hàng tội lỗi: chuyến thứ 17: 1 bánh; chuyến thứ 18: 2 bánh; chuyến thứ 19: 4 bánh; chuyến thứ 20: 2 bánh; chuyến thứ 21: 8 bánh… Mỗi bánh Hê rô in trung bình mỗi đứa lãi 1000 USD. Đồng tiền và những chuyến hàng trót lọt đã làm cho bọn chúng lao vào như thiêu thân thấy lửa. Nhưng đến chuyến thứ 21 này thì “trùm Vinh” Võ Thị Tiến ngán. Nhà cửa đã xây chất ngất 3 tầng giữa thành Vinh, bên một hồ nước rộng mênh mông, sát ngay ngã tư của đại lộ về thị trấn Nam Đàn. Căn biệt thự này chính vợ chồng thị đã xây nên từ những đồng tiền gây nên chết chóc cho xã hội đó, với những phòng khách, phòng ngủ đầy đủ tiện nghi, những tường, trần, sàn đều ốp bằng gỗ gọ bóng lộn nhắc nhở cuộc sống đế vương. Rồi những bản án nghiêm khắc dành cho những kẻ buôn bán ma túy nơi này nơi nọ…phải chăng đã gieo vào lòng thị nỗi sợ hãi một ngày nào rơi vào bàn tay sắt của luật pháp? Thị không tiếp tục cuộc chơi nữa. Tám bánh Hê rô in mà tên Kủa người Lào bán chịu cho, Sơn và Qúy chưa có nơi tiêu thụ đành đem về dấu ở nhà Qúy tại thị trấn Nghèn, Can Lộc.
 
Cốc mò, cò xơi
Tháng 2/2000, Dương Đức Sơn rủ Phùng Mai Khôi quê ở Phố Châu vào Thành phố Hồ Chí Minh tầm xe máy không giấy tờ về bán. Cửa khẩu Cầu Treo những năm này rất nhộn nhịp, hàng lậu qua đường cửu vạn giăng giăng khắp nơi trong rừng, dưới suối. Xe thồ, xe lai nở rộ, mà những gã xe lai thì có cần gì giấy tờ, càng rẻ càng tốt.
Sơn đưa Khôi về ở nhà bà Dương Thị Sửu – cô ruột của mình – được 4 ngày thì cơn nghiện ma túy nổi lên hành hạ y. Nàng tiên nâu đã bám theo hắn từ những ngày trèo đèo lội suối cõng ả về qua biên giới. Giữa đô thành xa lạ mà lượng Hê rô in mang theo dùng đã hết, Sơn nhờ người em con cô là Lê Cao Huyền đi tìm mua hộ 300.000đ để “cấp cứu”. Huyền nhờ một gã xe lai mua được 200.000đ bột trắng ấy cho Sơn. Trước khi ra về, Sơn dặn Lê Cao Huyền tìm mối tiêu thụ Hê rô in tại Sài Gòn. Mấy ngày sau Huyền báo ra “đã có khách ăn hàng”, Sơn và Qúy về Nghèn lấy 1 trong 8 bánh Hê rô in đang cất dấu tại nhà Qúy mang vào Thành phố Hồ Chí Minh. Qua Huyền, một người bán lẻ các tép bột trắng này có tên Phi tìm đến khách sạn Hoa Hồng gặp Sơn. Qua Phi, Sơn gặp Chiêm Văn Beo, tức Hoàng, sinh năm 1967, hiện trú ở 248/3 Khu phố 2 , phường An Thới, Quận 12. Beo làm nghề lái xe tắcxi, là kẻ có nhiều thành tích bất hảo: từ năm 1991, Beo đã bị tòa án Thành phố Hồ Chí Minh kết án 8 năm tù về tội cướp tài sản và hiếp dâm, vừa được ra tù từ tháng 4/1998. Bánh Hê rô in đầu tiên mà Sơn, Qúy nhảy dù vào thành phố được thỏa giá rất nhanh: 7500 USD. Béo bở quá. Trừ chi phí đi về, hai đứa đã lãi 3000 đô la Mỹ. Còn Beo bán lại cho tên Buối ở quận 6 để ăn lời 500 USD.
Lấy Chiêm Văn Beo làm cơ sở để tiêu thụ, tháng 5/2000 Sơn và Qúy mang nốt 7 bánh Hêrôin còn lại bán cho Beo. Beo và Ngô Văn Nam, tức Tính, tức Lê Hoàng Anh Tuấn ra ga Sài Gòn đón bọn Sơn về nhà Beo. Xem kỹ hàng, Beo đồng ý mua cả 7 bánh với giá thỏa thuận là 7500USD/bánh. Beo trả tiền một bánh trước để Sơn và Qúy tiêu dùng trong khi nghỉ ở khách sạn Hoa Hồng chờ lấy tiền. Mấy ngày sau Beo đến thanh toán, có 2 bánh bị hãm giã, một bánh bị trả lại vì chất lượng xấu. Tuy vậy Sơn, Qúy vẫn thu lợi 9000 USD, Beo và Nam thu lợi 3000 USD. Sang chuyến hàng thứ 23 thì Sơn, Qúy vớ phải hàng rởm, 4 bánh bột trắng mà  tên Kẹo từ Viêng Chăn lên Lạc Xao bán cho chúng chỉ một lớp mỏng Hêrôin tráng bên ngoài. Lại phải mang từ Thành phố Hồ Chí Minh về Hương Sơn, qua Lào trả lại.
Chuyến thứ 24+25 có thêm Phùng Mai Khôi. Khôi tìm đến Sơn và Qúy xin nhập hội mua bán Hê rô in. Cả 3 đứa sang Lào bằng đường “hợp pháp” ở Cầu Treo. Đến Lạc Xao chúng mua của tên Kủa 2 lần 6 bánh Hê rô in. Chiêm Văn Beo và Ngô Văn Nam mua trả sòng phẳng, cả 3 tên nhận đủ gần 30.000 đô la. Beo, Nam chia lẻ bán cho A Tỷ, A Hùng lãi 6000 USD. Chuyến thứ 26, cũng hành trình từ Lào về Hương Sơn bằng việc mướn người mang qua biên giới. Do Sơn bị ốm nên chỉ để Qúy và Khôi vào Thành phố tìm Beo. 4 bánh Hêrôin lần này bị Nam và Beo gạt bằng cách gọi điện cho Qúy báo là Beo bị công an bắt. Hoảng sợ cả bọn bỏ của chạy lấy người chỉ mang về được 12000 trong số 28000 đô la đã thỏa thuận. Dầu bị đoạt mất hơn một nửa số tiền lần trước, vậy mà Sơn, Qúy, Khôi không tỉnh mắt ra. Đầu năm 2001, khi Beo điện ra là đã được thả, cả bọn lại tiếp tục mua bột trắng mang vào Thành phố. Những lần sau này, chúng thuê xe du lịch 4 chỗ ngồi từ Phố Châu vào Sài Gòn với giá 4.500.000đ/chuyến vào, ra. Đến chuyến đi thứ 30, trò cũ lại được tái diễn: một cú điện thoại báo đến khách sạn Hoa Hồng, nơi Sơn, Qúy, Khôi đang có Beo đến chơi là công an vây bắt tên Nam, cả bọn lại mất toi 3 bánh Hê rô in nữa. Tay trắng lại hoàn trắng tay. Thật đúng là “cóc mò cò xơi”.
 
Điều gì đến, sẽ đến!
Mất vốn, Dương Đức Sơn bàn với Qúy và Khôi không đi mua bán Hê rô in nữa. Tháng 11 năm 2001 Sơn đưa con vào Thành phố Hồ Chí Minh ôn thi đại học. Hai cha con ở nhờ nhà bà Dương Thị Sửu. Trong lúc đi tìm mua Hê rô in lẻ để sử dụng, Sơn gặp Lê Tùng Lâm, một con nghiện ma túy và làm nghề bán lẻ ma túy ở đường Dạ Nam, Quận 8. Tìm được nơi tiêu thụ, Sơn lại trỗi dậy ý định làm giàu bằng con đường cũ. Cuộc sống ăn chơi, tiêu xài, hút sách đã ngốn sạch số tiền mà y kiếm được trong mấy năm đi gùi thấn chết trên vai. Phải đi buôn Hê rô in để nuôi cái nghiện càng ngày càng ác liệt trong cơ thể hắn. Phùng Mai Khôi cũng vậy, cũng bị cơn nghiện dày vò không kém. Vì vậy, tháng 10/2001 Sơn và Khôi cắm 2 xe máy lấy tiền theo đường dây thông hành sang nhà tên Chăn ở Lào mua 1 bánh Hê rô in đưa vào Sài Gòn cho Lâm tiêu thụ. Chuyến thứ 32 lại 2 bánh nữa qua tay Lâm, chuyến 33: 2 bánh do Lâm bán cho tên Dũng ở Cầu Kho.
Sau đó là những ngày giáp tết âm lịch năm con Rồng. Vũ Thị Tiến, bạn hàng ngày xưa lên hỏi thăm bột trắng. Sơn nghĩ rằng làm ăn với Tiến tuy lời lãi không nhiều nhưng an toàn hơn, một mình hắn mò sang Lạc Xao mua về 2 bánh Hê rô in, qua vai gùi thuê là Trần Quốc Tuấn – một kẻ đang trốn lệnh truy nã vì buôn bán ma túy tại lào – mang qua biên giới. Sơn đưa xuốngVinh giao cho Tiến. Hóa ra Tiến nói vậy nhưng chưa tìm được nơi tiêu thụ, hai ba lần xuống đòi tiền không được, Sơn và Khôi mang của nợ đó về và tháng 3/2002 Sơn thuê một chiêc ô tô 4 chỗ ngỗi của Phạm Xuân Bình cho Phùng Mai Khôi vào gặp Lê Tùng Lâm giao 2 bánh Hêrôin ấy. Nhưng Tùng Lâm cũng lại bày trò lừa Khôi, y điện báo cho Khôi rằng trên đường đi, do bị công an rượt đã ném hàng xuống sông. Khôi đòi tiền để về, Lâm trả cho Khôi 75 triệu đồng. Về Hương Sơn, Khôi đưa Sơn 60 triệu, Sơn bảo Khôi ra Vinh mua 3000 USD sang trả nợ cũ bên Lào, còn lại ít nhiều, hai đứa bàn nhau đi cai nghiện.
Hơn ba chục chuyến ma túy trong đó tròn hai chục chuyến chạy Hê rô in từ Lào về Việt Nam, Dương Đức Sơn và đồng bọn đã mang 48 bánh chất bột hủy hoại con người từ nguồn đến ngọn. Nguồn là tận những kẻ chế tác, ngọn là đến những kẻ chia thành chỉ, thành tép bán cho con nghiện ở Thành phô Hồ Chí Minh, trong quá tình điều tra xét hỏi của công an Hà Tĩnh, y còn khai đã cùng một số đối tượng khác mua bán 12 lần nữa với 45,2 kg phiện và 18 bánh Hêrôin. Chưa xác minh được số liệu này nhưng chỉ với những gì đã phơi bày,  tội lỗi của chúng đã vô cùng nghiêm trọng. Với số lượng ma túy lớn như vậy, bao nhiêu sinh mạng nữa sẽ bị đầu độc, bị lây nhiễm?
Những kẻ gieo gió đã gặt bão, 13 (trong số 16) bị can liên quan đến vụ án đã nằm trong trại tạm giam Cầu Đông chờ ngày ra trước vành móng ngựa để trả lời về hành vi phạm pháp của mình và để nhận những hình phạt nghiêm khắc của pháp luật và công lý.
 
Lời kết
Chuyên án lấy bí số S.101 của Công an Hà Tĩnh mở ra bắt đầu từ 14h15 phút ngày 04/08/2002 khi tổ công tác của Phòng Cảnh sát chống tội phạm ma túy CA Hà Tĩnh bắt quả tang Phùng Mai Khôi đang vận chuyển 0,748g Hê rô in qua bờ nam cầu Bến Thủy và khép lại vào cuối tháng tư năm nay khi tất cả 13 bị can cả vụ án đặt bút ký vào kết luận điều tra của Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma tuý. Để xâu chuỗi sự kiện từ gần 1gam Hê rô in trong càng chống xe máy của tên Khôi đến 87,3kg nhựa phiện và 48 bánh Hê rô in (tương đương 16,8kg) của đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh đã bỏ nhiều công sức để hoàn thành nhiệm vụ. Biết rất rõ hành vi và hậu quả của việc buôn bán thứ độc được này, bọn tội phạm đã liệu trước mọi đường phòng khi bị bắt. Kẻ tính đường cao chạy xa bay như tên Nam, tên Qúy, tên Thắng. Kẻ lo phủi tay chùi dấu vết như thị Tiến, tên Thủy, kẻ hối hận hoàn lương nhưng đã muộn màng như tên Sơn, tên Khôi… Để chối tội, tránh bị pháp luật trừng trị, hầu hết bọn chúng đều cố gắng bưng bít sự thật. Sự kiên trì, lòng quyết tâm và trí thông minh đã giúp các chiến sĩ của chúng ta chiến thắng cái xảo trá được chuẩn bị rất kỹ, rất lâu trước đó. Thiếu tá Nuôi công tác ở Phòng CSĐT kể với tôi rằng, khi tiếp cận bắt Vũ Thị Tiến và chồng thị tại nhà riêng, thị hết sức bình tĩnh. Khám nhà thị, căn nhà nguy nga lộng lẫy là vậy mà trong két sắt to tướng chỉ duy nhất có 500…đồng tiền Việt và vài thứ giấy tờ lặt vặt. Có thêm 10.000 tiền won (Hàn Quốc) trị giá bằng 20.000đ Việt Nam. Thị một mực cãi là “vô tội”, là không liên quan gi đến tên Sơn, tên Khôi, chứng cớ là “dù biết công an đã bắt Khôi, thị vẫn không có ý định chạy trốn, vì thị vô tội”! Suốt mười ngày liền thị chối bay chối biến mọi hành vi liên quan tới ma túy. Thị đinh ninh sẽ thắng các chiến sĩ công an điều tra vì thời gian xảy ra sự việc đã khá lâu, vì thị đã rất thận trọng trong việc xóa dấu vết, vì thị đã dính chẳng riêng gì với một băng này mà còn liên quan đến nhiều vụ đã bị lộ và bị truy tố, riêng thị chưa bị ai động tới… Với tên Chiêm Văn Beo, sự gian ngoan lỳ lợm qua nhiều năm có “kinh nghiệm” với tù và nhiều năm lăn lộn trong thế giới bụi bặm giang hồ ở Sài Gòn được thể hiện trong những lần tiếp xúc để lấy cung của cán bộ điều tra. Lợi dụng việc tên Ngô Văn Nam chạy thoát không có đối chất, Chiêm Văn Beo đây đẩy chối bỏ mọi hành vi buôn bán ma túy và việc lừa gạt Sơn, Khôi để đoạt số tiền bán Hê rô in. Nhưng Chiêm Văn Beo đã gặp vận xui, trước mặt y là các cán bộ điều tra đã dày dạn kinh nghiệm phá án ma túy. Những vụ buôn ma túy xuyên quốc gia từ Thái qua Lào về Việt Nam trên trục Quốc lộ 8A những năm gần đây bị công an Hà Tĩnh triệt phá đều là những vụ lớn điển hình. Các chuyên án với bí số AD 99,9. 720SS đã lọai bỏ nhiều băng mafia âm mưu dùng mảnh đất giàu truyền thống văn hóa này làm nơi trung chuyển ma tuý từ các nước bên kia dãy Trường Sơn vào Việt Nam. Chỉ riêng vài năm gần đây đã có hai chục tên lãnh án tử hình vì ma túy. Qua từng vụ án, các trinh sát điều tra, các cán bộ công an chống ma túy càng dày dạn kinh nghiệm phá án. Họ đã không quản đường xa, dấu vết mịt mờ, lần tìm từng địa chỉ có liên quan tới vụ án. Có những nhà nghỉ bọn Sơn, Qúy làm đầu mối giao dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh mà tổ công tác phải tìm hết 6 quận mới lần ra, rồi những dấu vết của bọn tội phạm cứ rõ dần qua từng hóa đơn nhà nghỉ, qua mỗi bận tiêu xài. Có nhà nghỉ, Chiêm Văn Beo đã chi hết 10 triêu đồng cho bọn Sơn, Qúy ăn nghỉ trong dăm ngày. Và chính những chứng cớ ấy đã đánh gục tên Beo ranh mãnh, hắn đã cúi đầu nhận tội tiêu thụ 19 bánh (tương đương 6,65 kg) bột trắng chết người.
Trước khi bị bắt, Dương Đức Sơn đã âm thầm hối hận về tham vọng và lỗi lầm của hắn. Vì tham lam mà hắn đã chủ mưu đưa nhựa phiện về nước tiêu thụ, đã tổ chức đường dây buôn bán từ “cơm đen” đến “hàng trắng” dai dẳng gần mười năm trời. Cuối cùng thì “của phi nghĩa tìm đường tẩu tán”, dẫu hắn là kẻ “thật thà” trong giới buôn ma, dẫu cả quá trình mua đi bán lại hắn chưa lừa ai lấy một lần, cả khi bị bọn Beo, Nam, Lâm lừa đảo lấy đi gần hết số vốn liếng làm ăn, còn những đồng cuối cùng hắn vẫn sai Khôi mang 3000 USD sang Lào trả nợ, mong về cai nghiện để làm lại cuộc đời. Nhưng khốn khó đến với hắn từ chính tham vọng làm giàu của hắn. Khi nghe tin Khôi bị bắt, Sơn cực kì lo sợ sẽ đến lượt mình. Chạy sang Lào ư? Nghiện ngập thế này chắc cũng chết, mà chết ở đất nhà, vợ con còn thấy xác. Liệu Dương Đức Sơn có khi nào ân hận vì hắn mà bạn bè của hắn cũng dính vào vòng tội lỗi như Phong, như Hòa, những nông dân chất phác nơi miền sơn cước?
Khi tôi, được sự đồng ý của các cơ quan quản lý bị can của vụ án này đưa vào trại tạm giam chụp ảnh các can phạm, các tên Khôi, Sơn, thị Tiến, Beo được gọi ra ngoài trời. Cán bộ công an chỉ vào bức tường nhà giam xám xịt yêu cầu từng đứa đứng vào để chụp ảnh, qua ống kính, tôi thẩy tên nào cũng thảng thốt liếc nhìn bầu trời. Bầu trời tự do của mỗi con người, mỗi sinh vật,  với chúng bây giờ là ảo ảnh.
1/6/2003
Thanh Quang
Từ khóa: Thơ BQT