;Nụ cười và tấm lòng
vị Tổng chỉ huy
Siêu bão Cimaron với sức gió trên cấp 17, như một con bò điên đang lừ lừ tiến vào biển Đông, dự kiến sẽ lại tàn phá miền Trung Việt Nam một lần nữa. Sở chỉ huy tiền phương chống bão Cimaron (bão số 7) nhanh chóng được thành lập và triển khai công tác phòng chống bão trên diện rộng từ các tỉnh Bắc Trung bộ vào đến Quãng Ngãi. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng – người nhận trọng trách Tổng chỉ huy chiến dịch này – đã xông xáo khắp các tỉnh từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế để tận mắt chứng kiến, trực tiếp chỉ đạo cuộc chuẩn bị chiến đấu của quân và dân các địa phương nơi đầu gió. Xung quanh ông là các sĩ quan cao cấp của quân đội và lãnh đạo các các bộ, ngành trong Sở chỉ huy tiền phương. Một phương án chống bão tích cực nhất được đặt ra; nhiều tình huống, khả năng được đề cập đến; tất cả các tàu thuyền dù xa hay gần bờ đều được hướng dẫn vào nơi trú ẩn; các tàu lớn của Hải quân và lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuẩn bị ra khơi tiến về gần tâm bão sắn sàng ứng cứu; hàng chục vạn dân trong các vùng nguy hiểm đã rục rịch “di tản&rdquo tất cả nhà cửa mái lán đã được giằng néo… Người miền Trung, lần thứ 3 trong năm này lại gồng mình lên trước bão tố để giành và giữ sự sống, cuộc sống của mình.
Nhưng thật may mắn (có thể nói vậy), con “Bò điên” hung dữ ấy lại không vào miền Trung nữa. Chắc “quá tam ba bận” mà nó bỏ về hướng bắc chẳng? Người miền Trung, người cả nước thở phào. Sở chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng như trút được gánh nặng khôn lường và vị Tổng chỉ huy đã nở một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt mấy ngày nay đăm chiêu, lo lắng. Đến lúc này ông mới tâm sự cùng chúng tôi, những nhà báo vô duyên dù đã 6 giờ chiều vẫn chưa chịu “buông tha” ông: “Thú thực là mình lo quá. Bão lớn chưa từng có, lại vào đúng nơi bão số 6 vừa càn quét tan hoang. Dân đã kịp khắc phục hậu quả đâu, nhiều nhà dân cho đến giờ vẫn đói ăn từng bữa. Hôm qua mình vào bếp một nhà dân ở Hòa Vang, giở vung nồi cơm ra thì chỉ còn mấy hạt nguội ngơ, bếp lạnh tanh, gạo dự trữ chỉ còn vài lon, bến cạnh đó là cái rổ với mấy cọng rau cải xác xơ vì gió cát. Thương quá”. Rồi ông quay sang phía nhà báo Trần Danh Lân (báo Nhân Dân): “Phải nói thực điều này cho lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các địa phương và nhân dân cả nước biết để có phương án giúp dân vượt qua khó khăn, đứng vững trước thiên tai. Báo chí cũng phải làm tốt việc đó. Mình càng hiểu thấu hơn câu nói lá lành đùm lá rách. Lúc này, hơn lúc nào hết phải biết đùm bọc lấy nhau; phải biết sống vì dân…”.
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và tác giả
Tôi chợt nhớ trong buổi họp chiều nay, Thượng tướng Nguyễn Văn Được báo cáo tinh thần sắn sàng tham chiến của quân đội xong, quay lại phía Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: “Chúng tôi sẽ đi đến bất cứ đâu khi dân cần, nếu Phó Thủ tướng không đi được tôi cũng sẽ đi” thì ông cười: “Tôi sẽ đi chứ! Sẽ đi!” và cuối buổi họp, sau khi nghe thông tin bão số 7 có nhiều khả năng không quay lại Việt Nam, Phó Thủ tướng đã hỏi ông Trần Văn Minh – Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng: “Anh Minh có rượu gì mở uống mừng đi?” Ông Trần Văn Minh đang lúng túng thì Phó Thủ tướng đã cười: “Nói vậy thôi, không có uống đâu nhé. Chúng ta không được lơ là chủ quan, mọi kế hoạch, phương án vẫn giữ nguyên như cũ; các Bộ, ngành triển khai ngay về phía Bắc chỉ đạo chống bão, bố trí cho học sinh đến trường; các tỉnh miền Trung, miền Nam theo dõi diễn biến của bão để có thể cho tàu thuyền ra khơi!”
Nhìn vị Tư lệnh bất đắc dĩ với chiếc áo màu gụ đã bạc, chân đi đôi tông Thái màu xanh cũng đã cũ (cả ngày nay đi thị sát tình hình ở Thừa Thiên –Huế ông cũng “xài” đôi dép ấy) đang còn vương đất bùn, chúng tôi không nỡ ngồi thêm nữa. Ông tiễn chúng tôi ra ngoài hành lang khách sạn, ân cần: “Ra Hà Nội nhớ đến mình chơi”.
; 11/2006
; Bùi Quang Thanh