SÂU NẶNG NGHĨA TÌNH
; Ghi chép của Bùi Quang Thanh
Sau những lần tìm kiếm hết sức kỳ công và cẩn trọng, hôm nay gia đình tôi quyết định vào Bình Định để bốc thi hài liệt sĩ Bùi Quang Lục, người chú ruột của tôi hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ để đưa về quê.
Đoàn đi Bình Định có 6 người : chú ruột tôi - ông Cẩm Kỳ - là cán bộ Tổng cục Bưu điện vừa nghỉ hưu, tôi với hai đứa em, một người bạn tôi và cậu Lộc lái xe. Biết tin ông Cẩm Kỳ tìm được mộ em trai, Bưu điện Hà Tĩnh đã vui lòng cho mượn chiếc Uoat để tiện vượt núi trèo đèo và “cả hai bên đỡ khó xử nếu có phải kéo dài thêm thời gian” – theo như lời anh Đại – Giám đốc Bưu điện tỉnh. Thế là một khâu quan trọng được giải quyết. Nhưng nghe nói đi bốc mộ, chủ xe nào cũng ngại ngùng.
Đêm ngủ lại thị xã Đông Hà, các anh lãnh đạo Bưu điện Quảng Trị đến chơi tới khuya. Sáng dậy sớm, một lèo từ Đông Hà chúng tôi vào thẳng huyện Hoài Ân, điểm dừng chân cuối cùng của chuyến đi, cách mộ chú út chừng dăm cây số. Anh Hai Đi, Trưởng phòng Bưu điện Hoài Ân ra đón, báo tin:
- Gía các anh vào sớm thì gặp lễ cắt băng khánh thành Bưu cục Ân Nghĩa rồi. Vui lắm. Tôi về trước vì sợ các anh vào chẳng biết mô tê. Ở đây chỉ có một nơi có phòng khách.
; Anh dẫn đoàn sang nhà khách ủy ban huyện, chỉ từng phòng nghỉ, phòng tắm rồi dặn:
- Chiều nay, nhà tôi làm cơm, mời các anh sang cả nhé. Có bạn bè nữa đấy.
; Để khỏi phiền gia đình anh và còn chuẩn bị hương lễ cho việc đại sự ngày mai, chỉ có chú Kỳ và tôi sang dự bữa cơm chiều. Ngoài vợ chồng nhà chủ còn có anh Mười Thi – Bí thư huyện ủy và mấy cán bộ Hoài Ân nữa.
; Anh Mười Thi nâng cốc:
; - Tôi đã được đọc “Bông sen vàng” của anh Kỳ. Hôm nay nghe anh vào tìm mộ thân nhân liệt sĩ đã hy sinh trên đất Hoài Ân, tôi không những muốn đến chào mà còn muốn giúp đỡ các anh, nếu có thể.
Sau những lời chúc, câu chuyện rôm rả dần. Từ chuyện chúng tôi may mắn tìm được mộ người thân, câu chuyện quay sang bưu điện Hoài Ân vừa cùng một lúc khánh thành trụ sở trung tâm và bưu điện Ân Nghĩa (địa phương có núi Chân Voi - nơi chú út tôi hy sinh trong trận đặc công sư đoàn Sao Vàng tập kích cứ điểm 300 của Mỹ tháng 4/1970), chuyện kinh doanh có khả quan và tác dụng của các điểm bưu điện văn hoá xã mà ngành bưu điện chủ trì xây dựng, đầu tư. Rồi mọi người bắt tôi đọc thơ. Trong men say và bâu không khí thân tình giữa những người anh em quê Bình-Hà kết nghĩa, tôi đã trình làng bài thơ “Gửi quê dừa tấm lòng Hà Tĩnh” mà tôi viết cách đây 25 năm khi nghe tin Bình Định giải phóng.
Chẳng hiểu bài thơ dài của tôi có nhiều hình ảnh so sánh, ràng buộc, đồng điệu giữa hai vùng quê khao khát nhớ thương nhau trong những năm chiến tranh gian khổ, thuyết phục người nghe ra sao, tôi chỉ biết hai tai tôi ù lên, tóc tôi như rây rây có từng đàn kiến bò và tôi phải gắng lắm mới đọc hết được bài thơ ấy trước các thính giả là “nhân vật” trong tác phẩm.
; Anh Mười Thi chấm những giọt nước mắt trên mi rồi nắm chặt tay tôi:
;- Cám ơn anh. Rất cám ơn. Mối tình kết nghĩa giữa Bình Định và Hà tĩnh trong chiến tranh chống Mỹ đẹp đẽ và cảm động vô cùng. Chúng tôi biết ơn nhân dân hà tĩnh anh em. Tôi cũng có một người bạn gái quê Cẩm Xuyên đã chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất này.
- Người Cẩm Xuyên? Anh có biết cô ấy ở xã nào không?
- Cẩm Duệ. Cô ấy tên là Bích. Y sĩ Bích.
- Sao lại là Bích? Ngọc chứ ạ?
- Anh cũng biết cô ấy ư? Đúng rồi! Là Ngọc - Bích Ngọc. Nhưng dọc đường hành quân chúng tôi cứ gọi cô ấy là Bích, vào đây cũng gọi vậy.
Tôi nghèn nghẹn:
- Nếu phải là Ngọc thì cô ấy cùng lứa với tôi, nhà sát bờ sông Ngàn Mọ. Tôi biết Ngọc nhân một lần học sinh chúng tôi làm thủy lợi ở quê cô ấy. Sau ngày giải phóng, tôi nghe anh Lượng - anh trai của Ngọc – bảo rằng: sau khi tốt nghiệp y sỹ, Ngọc vào Nam và đã hy sinh, mà không biết mộ ở đâu.
- Đúng! Đúng! Anh Lượng là trưởng phòng văn hóa huyện đã nghỉ hưu. Rồi anh Mười bồi hồi:
- Em hy sinh cách đây 3 cây số. Đó là một ngày cuối năm 1973. Mặc dù đã có Hiệp định Paris về ngừng bắn nhưng tụi Ngụy vẫn liên tục lấn chiếm vùng giải phóng và máy bay trọng pháo của chúng vẫn bắn phá thường xuyên. Bích là y sỹ của trạm xá huyện, cơ quan đóng bên một bìa rừng. Hôm ấy có một bệnh nhân tâm thần do bị địch bắt, tra tấn ở Côn Đảo đến mức loạn thần kinh mới được trao trả, anh ấy chạy ra khỏi bìa rừng trong lúc máy bay địch đang oanh tạc. Bích nhảy lên khỏi hầm, lao theo níu kéo đồng chí ấy lại và một quả bom đã rơi trúng chỗ hai người.
Nuốt nước bọt anh Mười kể tiếp:
- Hồi đó tôi ở bên dân vận, đóng cách đó không xa. Nghe tin em hy sinh, tôi băng rừng sang thì thi thể em đã được đồng đội gom góp, chôn cất em tại gần nơi cơ quan đóng và tôi cùng bạn bè vẫn đến chăm sóc phần mộ của em. Thực tình, tôi không biết xã em ở, chỉ biết là Cẩm Xuyên và đã mấy lần nhắn qua thông tin đại chúng. Năm kia đi học chính trị ở Hà Nội, tôi ghé vào gặp anh Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên nhờ anh Bình tìm giúp và tôi đã liên lạc được với anh Lượng. Gia đình đã vào đưa mộ Bích về rồi.
- Anh quen Ngọc từ ngoài Bắc à?
- Năm 1972, đoàn chúng tôi ghép với nhau ở Đan Phượng để đi B dài. Tôi và Bích ngồi chung xe ô tô vào đến ngã ba biên giới. Đến đó, 7 người tách đoàn rẽ về Bình Định trong đó có tôi và em. Rồi hai chúng tôi cùng được điều về Hoài Ân.
Tôi hình dung rất rõ người con gái mười bảy, mảnh mai và hiền dịu có mái tóc buông lưng, cứ chiều chiều khi hoàng hôn xuống lại đi đón đàn bò đang bơi qua dòng sông Ngàn Mọ về chuồng. Em thường đứng ở gò đất nhô ra ngoài sông, sau lưng em , những bụi tre gai buông đám lá cành lướt thướt soi bóng dòng xanh. Gió từ rừng Kẻ Gỗ thổi về, mái tóc đen bay lõa xõa làm xao động tâm hồn tôi – gã trai mười bảy mộng mơ, đa cảm.
Xúc động đến thắm thiết, chúng tôi uống khá nhiều. Ba cán bộ huyện Hoài Ân, cả vợ chồng anh Hai Đi đều là cán bộ kháng chiến đã lặn lội bám trụ trên quê hương, chú Kỳ là người viết sử ngành bưu điện, tôi là cựu binh của Quân khu 5, ông chú tôi đã từng chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất này được giao bưu địa phương chôn cất, được nhân dân Ân Nghĩa chăm sóc khói hương… Tất cả những gắn bó đó, cộng với sự tình cờ gặp gỡ của tôi và anh Mười Thi về một người bạn chung đã nằm lại nơi đây làm chúng tôi không muốn rời nhau. Anh Mười gục vào vai tôi:
- Mình đã một lần ngỏ lời với cô ấy, cô ấy chỉ cười: ráng đợi hết chiến tranh. Thế còn cậu?
- Em chỉ biết Ngọc lúc cô ấy học xong cấp hai đang ở nhà chăn bò. Chẳng hiểu sao mà trí nhớ em lại lưu giữ hình ảnh cô ấy lâu đến thế. Chắc là để cho cuộc hội ngộ hôm nay đây.
Vâng! Cuộc hội ngộ hôm nay đây, tôi mang ơn biết bao người, cả những người đã khuất và cả người đang sống quanh tôi.
Ngày mai, chúng tôi sẽ đưa được hài cốt người thân về miền Bắc, cho dù còn một mẩu xương, một nắm đất hay chút di vật của người xưa. Chàng trai trẻ ngày ấy lên đường giã biệt mẹ cha, bè bạn với nụ cười thơ ngây mà đầy ý chí: “Nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực”. Mấy chục năm sau ngày chiến thắng, mẹ già chờ anh mắt đỏ lệ khô. Chúng tôi quyết thỏa mãn nguyện ước của Người khi đi xa là: tìm lại dù một phần nào thi thể của đứa con út để đưa về nằm bên cạnh Người. Trong việc tìm kiến ấy, chúng tôi đã gặp bao may mắn nhờ sự chí tâm giúp đỡ của đồng chí, bạn bè, đặc biệt là ngành bưu điện Việt Nam. Nhớ những lần đi trước, đến địa phương nào chúng tôi cũng được các cơ sở BĐ ở đó tiếp chân tình. Hồi tìm kiếm ở Quảng Nam, anh Vân – Giám đốc Bưu điện Tam Kỳ cũng chạy ngược chạy xuôi săn tin, cố vấn. Nhiều bữa anh còn nhận được điện thoại của các đồng nghiệp ở các huyện báo tin kết quả mà anh nhờ họ tìm kiếm. Rồi bữa vào Bình Định, cả ban lãnh đạo BĐ tỉnh đến hỏi thăm và ngày sau cho mượn hẳn chiếc xe 4 chỗ của giám đốc đưa chú cháu tôi rong ruổi khắp đất Bình Định – Quy Nhơn, lùng sục tận từng nghĩa trang, hẻm núi. Ở Quy Nhơn hai ngày, chị trưởng phòng hành chính BĐ tỉnh lại là người quen biết của chú Kỳ hồi ở Hà Nội. Hôm nào đến bận cơm chị cũng gọi điện hẹn giờ và chị cũng dành mười lăm phút cho chúng tôi vào mâm cơm rồi mới cáo từ ra về. Chồng chị - một đại tá đặc công đã nghỉ hưu và các cháu đang đợi chị. Chú Kỳ khuyên chị đừng quá chu đáo mà vất vả, chị cười:
- Công việc của em mà. Có phải chỉ riêng đón anh đâu. Khách nào đến bọn em cũng phải chu đáo cả.
Có bận, anh Thịnh giám đốc xuống ăn cơm cùng chúng tôi ở nhà khách. Anh đến đúng giờ, xong xin phép về ngay. Ai cũng bận bịu công việc, có ít thời gian ngồi với nhau như vậy là quý lắm rồi. Tranh thủ trận chung kết bóng đá giữa Việt Nam và Thái Lan tại Cup Tiger ở Brunây, đồng chí Phó giám đốc bưu điện tỉnh xuống xem tại phòng chú Kỳ. Tôi biết rằng chỉ lúc đó anh mới được xả hơi với bạn bè một tí.
Phải nói rằng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, sự hy sinh của nhân dân miền Trung Trung Bộ, đặc biệt ở Bình Định là vô kể. Cái địa thế bên núi, bên biển vừa hẹp vừa dài, vừa kín vừa hở ấy phơi lườn ra trước mũi pháo hạm của hải quân Mỹ, là vành đai phía đông cao nguyên Trung phần, đa số là rừng dừa, núi trọc. Giặc Mỹ đổ vào đây một lực lượng tinh nhuệ bậc nhất của cuộc chiến tranh cục bộ (chỉ riêng tỉnh Bình Định đã có: sư đoàn “Mãnh hổ” Nam Hàn, sư đoàn “kỵ binh bay” số 1 Mỹ, sư doàn 22 ngụy, chưa kể sư đoàn 23 từ Tây Nguyên sẵn sàng núng xuống, các đơn vị dù, lính thuỷ đánh bộ hễ động là nhào vô). Lực lượng của ta chủ yếu chỉ có sư đoàn 3 Sao Vàng, một số đơn vị cơ động của Quân khu 5 và bộ đội địa phương, dân quân du kích. Nhưng đối lại, ta có cả toàn dân một dạ theo cách mạng, theo Đảng. Cuộc chiến giành đất, giành dân ở đây cực kì quyết liệt. Sự hy sinh là vô bờ bến. Tôi đã ngồi cả một ngày tại phòng chính sách Bộ chỉ huy quân sự Bình Định cùng các sĩ quan của phòng này lục tìm hàng trăm bản danh sách liệt sỹ hy sinh ở đây. Mắt đọc như lướt mà lướt cả ngày không hết. Bao nhiêu người quen thân của tôi đã chiến đấu ở đây không trở về mà tôi chỉ tìm được mỗi một người. Có thể họ còn nằm trong số liệt sĩ vô danh, hoặc đang âm thầm trong nơi âm u rừng suối mà gia đình, Nhà nước chưa có khả năng tìm về. Tôi đặc biệt chú ý đến số liệt sỹ ở ngành bưu điện, họ nhiều lắm. Đúng thôi, họ là mạch máu chủ yếu, có thể nói là duy nhất để đảm báo tính thống nhất, tập trung của chủ trương, chiến lược, chiến dịch, chiến thuật từng khu, từng miền. Những người lính giao bưu âm thầm và quả cảm bám tuyến, bám mặt trận và họ lặng lẽ hy sinh trước bom đạn, trước cạm bẫy, trước sự đeo bám săn đuổi của quân thù, trước đói khát bệnh tật.
Đã lâu lắm rồi, tôi không có được cảm giác ấm áp, dịu ngọt trước cuộc sống, trước tình người bao la như trong chuyến đi này. Trên quãng đường gần 800 cây số, trong mùi hương ngào ngạt cháy liên tục trước vong linh chú tôi, tôi cứ băn khoăn: tại sao có một ngành kinh doanh trong cơ chế thị trường hiện đại, ồn ào sự được thua, chóng mặt bởi đổi thay, tăng trưởng… lại tình nghĩa với dồng nghiệp, với bạn bè đến vậy. Tôi biết tình cảm, sự đóng góp của họ một phần dành cho chú Kỳ tôi – một đồng nghiệp của họ đang chờ nghỉ hưu – và một phần linh hồn của người chú liệt sĩ của tôi và chúng tôi cũng được thơm lây. Tôi đem những nhận xét đó nói với chú Kỳ, chú chỉ cười không nói.
Và rồi, tại bưu điện tỉnh Quảng Trị, chú kéo tôi đến phòng giao dịch, chỉ tấm biển ghi lời hứa danh dự của cán bộ công nhân viên ngành BĐVN. Trên đó có một dòng ghi đậm: “Nghĩa tình với đồng chí, đòng nghiệp và những người đã khuất”
Thành Sen tháng 12/1999
B.Q.T