Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

Tha thiết Buôn Đôn

01:48, 02/07/2011AdminTruyện - Ký
(0 Đánh giá)
;  
   Tha thiết Buôn Đôn
; Bút ký
 
Tôi quả quyết với các bạn rằng, con đường 14 – quãng Thành phố Pleiku đi về Buôn Ma Thuột – vào mùa cúc quỳ nở là con đường đẹp nhất của chúng ta. Mùa cúc quỳ nở là giao điểm giữa mùa mưa và mùa khô, những ngày cuối năm, cúc quỳ càng nở rộ. Xuyên giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh, hàng hàng lối lối như những binh đoàn “tiêu binh&rdquo xuyên giữa những rừng thông nhiều tuổi mượt mà quyến rũ; xuyên giữa những cánh đồng; xuyên qua bao làng mạc phố xá... là con đường hoa vàng rực rỡ, dài tới vài trăm cây số…những hoa. Màu hoa vàng lan chậm rói từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, từ đồi cao xuống lũng thấp, lan dần “theo cái nắng, theo cái gió” tưởng chừng vô tận.
Sau một mùa mưa dai dẳng, vậy mà cao nguyên chẳng có vẻ gì là dư thừa nước? Hình như nước trời vừa đủ mát cho đất hồi sinh; cho sự sống trở lại ban đầu, trẻ trung và thanh khiết. Hình như quy luật tuần hoàn của thiên nhiên, của vũ trụ điều tiết ý nghĩa Nắng – Mưa. Hoa cúc quỳ thoảng hương sắc hoa mai, gợi cho người ta cảm giác mùa xuân đã tới. Mùa xuân Tây Nguyên, những dòng sông đã trở lại hiền hòa, xanh trong, duyên dáng. Phố làng chen nhau, ngô sắn chen nhau; tiêu, cà phê, cao su cài vào nhau từng lô từng mảng. Sức sống cao nguyên cũng lộ rõ dần theo màu hoa vàng ấy mà chảy từ bắc vào nam.
Hầu như muôn người xuôi ngược trên con đường xuyên Việt này không ai là không muốn dừng chân ít lâu trên Thành phố Buôn Ma Thuột bên dòng Sê Rê Pốc, dòng sông được sinh ra từ 2 con sông Krông Nô và KrôngNa - một Đực, một Cái - len qua bao cánh rừng đại ngàn thâm u để tìm về với nhau, giao duyên với nhau tạo nên dòng thủy lưu vĩ đại chảy về tây. Chẳng hiểu trên hành trình từ non về biển ấy, con sông đầy ắp huyền thoại ngàn xưa đã tạo ra bao ghềnh thác cho vẻ dáng duyên thêm phần hùng vĩ, cho sự huyền bí thêm vẻ thâm u, cho đất trời cao nguyên càng bao la, sảng khoái. Và, chính những ào ạt cuồng điên từ những dòng thác cuồn cuộn ấy, như cho ta biết rằng, sức sống tràn dâng của mảnh đất này là bất tận. Rất nhiều thác nước đẹp đến mộng mơ do dòng Sê Rê Pôc sinh ra: Trinh Nữ, ĐraySáp, Đray H’linh, Gia Long… Trước khi chảy qua biên giới Việt – Miên ở Buôn Đôn, dòng sông dịu hiền trở lại, lai láng chảy giữa rừng đại ngàn Jooc Đôn rồi như nuối tiếc đất Mẹ, sông gồng lên để thành thác Bảy Nhánh trước khi đổ về “xứ người”, tiếng gầm âm âm như đàn voi Buôn Đôn đang rống.
Buôn Đôn, làng cổ gần cuối dòng sông kỳ vĩ ấy là xứ sở của những Dũng sĩ săn voi, đời nối đời họ làm chủ núi rừng, làm chủ thiên nhiên hoang dã. Khi dòng Sê Rê Pôc qua đây, những gốc si táo tợn xô xuống dòng nước xiết như muốn níu giữ những gì đang xuôi với dòng thời gian. Nước và cây quyến luyến không rời để người về Buôn Đôn, dù một lần cũng không thể nào dứt áo.
Tôi quả quyết với các bạn rằng, dù đi ngang trời dọc đất, các bạn cũng chẳng tìm được một “chàng si” thứ hai có thể sánh với chàng si ở Buôn Đôn. Cũng như những trang huyền thoại từ cao nguyên xanh thắm này, chẳng biết tự bao giờ giữa dòng sông sâu lại nhô lên một lùm xanh cây lá. Cây si vĩ đại ấy có muôn vạn thân cành, như chui lên từ nước, như rơi xuống từ trời; những cành biếc lộc, những rễ siêng năng mọc miên man đến hàng ngàn mét vuông, tạo ra một khu rừng độc đáo. Khu rừng có đến 3 cụm tách rời nhau nhưng gần như chung một cội nguồn, sống cộng sinh, gắn bó và ngày càng xích lại gần nhau.
Để chiêm ngưỡng và khám phá kỳ quan vừa thiên tạo, vừa nhân tạo ấy, những đầu óc phát minh của thời “cơ chế thị trường” đã đánh đu các “tập đoàn cây” lại với nhau bằng những chiếc cầu tre xinh xắn, mảnh mai mà chắc chắn bởi xuyên ngang những lóng tre lóng trúc là những sợi dây cáp lụa chống rỉ được ghim rất chắc vào các gốc si. Hệ thống cầu nối giữa các “đảo si” có đến cả chục chiếc “đàn T’rưng” đong đưa với tổng chiều dài đến nửa cây số. Những chiếc “đàn” này ngắn dài khác nhau, chiếc nối những lối mòn từ nhà sàn xuống các lùm si, chiếc nối cây này với cây kia, có chiếc nối bờ bắc sang đảo Eanô nằm cô đơn ngoài mênh mông sóng nước như một cù lao đầy bí hiểm...
 Theo Giám đốc Khu du lịch Buôn Đôn Nguyễn Văn Hòa thì tác giả những nhịp cầu - những cây đàn T’rưng ấy là ông Lý Trọng Minh, Trưởng phòng tổng hợp của Công ty du lịch BanMeCo - đơn vị đầu tiên kinh doanh du lịch ở Buôn Đôn, cách nay đã trên chục năm. Không biết đã có bao bàn chân du khách nhún nhảy trên những lóng tre trơn bóng ấy; không biết đã có bao bàn tay tinh nghịch trượt trên những đòn vịn mảnh mai mà tin tưởng ấy. Cái cảm giác an tâm được đu đưa trên cánh võng tre, dưới chân là gầm gào dòng chảy xói xiết, bất tận như cợt đùa, như dọa dẫm, tạo “cảm giác mạnh” cho những người ưa mạo hiểm, làm thót tim những người “yếu gan, bé mật”.
Cũng theo anh Hoà, Buôn Đôn có từ trên 300 năm nay, là quần cư của người Êđê, Mơ nông, Lào. Sau này có nhiều người Kinh và một số đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Thái... từ Bắc vào lập nghiệp. Trước đây đa số đồng bào sống tự cung tự cấp, trao đổi hàng hóa tại chỗ, đời sống đơn giản. Khi chiều hướng du lịch gia tăng, đặc biệt sức hấp dẫn của những chú voi được thuần dưỡng; những truyền thuyết về các dũng sĩ săn bắt voi rừng, những di tích từ hàng trăm năm trước được lưu giữ; sự kỳ diệu của gốc si và đặc biệt là lòng mến khách của dân bản với những ché rượu cần YMiên, YGiao; với những tiếng T'rưng thánh thót như gió ngân nước thoảng; những giàn trống chiêng xập xỡnh điệu xoang, điệu chúc...Buôn Đôn đang là trung tâm thu hút du khách từ mọi miền đất nước về đây.
Mở cửa và hội nhập là yếu tố hàng đầu của du lịch, đương nhiên sự bảo tồn bản sắc truyền thống là sức hút chính để mời gọi. Du lịch ở Buôn Đôn phần nào đó làm được những yêu cầu ấy. Từ các đơn vị làm du lịch, thương mại, bảo tồn văn hoá của nhà nước trước đây, bây giờ ở Buôn Đôn đã hình thành rất nhiều "cách" làm du lịch: các Công ty cổ phần, Công ty TNHH, các gia đình, cá nhân cũng tự đổi mới và phát triển ngành nghề, đáp ứng cung và cầu tại chỗ. Đồng bào các dân tộc tự dệt nên những tấm vải thổ cẩm truyền thống của mình để có những bộ trang phục đẹp, rẻ và tốt; các chàng trai với con voi "nhà" - vật gia bảo lâu đời của người Buôn Đôn - đã trở thành phương tiện vận tải hành khách đi thăm thú nơi nơi để những "ông Tây", "bà Ta" ngất ngưỡng trên bành. Người nông dân đó có chổ bán từng khúm mta để khách đút cho voi... Rồi hàng mỹ nghệ, rồi các lễ hội truyền thống, những đêm lửa trại ngây ngất say bên ché rượu cần cứ dày hơn, đông hơn lên. Bây giờ ở Buôn Đôn ai ai cũng biết nhảy, biết múa hát khi có hội hoặc khi đón khách. Khi có lễ hội thì vui ca tự nguyện, khi có khách yêu cầu thì nhiều người trong số họ trở thành diễn viên để phục vụ có thù lao. Đồng bào ở Buôn Đôn và vùng phụ cận có khả năng chưng cất rượu cần từ các loại lá rừng đặc trưng, rất ngon nhưng hạn chế về khối lượng và nhỏ lẻ, ít vốn liếng. Làm rượu cần, vốn để sắm bình (ché) đựng là rất lớn. Gần đây, một chàng trai quê lúa Thái Bình tên là Miên được một người dân tộc thiểu số nhận làm con nuôi nên có tên là Y Miên và một người nữa là YPao học được bí quyết chưng cất rượu cần, đã sản xuất loại rượu có chất lượng phục vụ nhu cầu thị trường Buôn Đôn và cả vùng Nam Tây Nguyên.
Về Buôn Đôn, bạn sẽ hết sức thú vị khi được cùng một nữ “Buôn Đôn học” có tên là Hà làm hướng dẫn viên du lịch. Cô gái xinh xắn trong trang phục người Êđê ấy có một sự hiểu biết đến kinh ngạc về phong tục, truyền thống, văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần của Buôn Đôn. Nàng sẽ dẫn bạn đến khu văn hóa nhà mồ có mộ cổ của vua săn voi Khunjiunob – vị tù trưởng người M’Nông đầu tiên đặt chân đến Buôn Đôn; đi thăm khu nhà sàn có trên 100 năm tuổi được chế tác bằng gỗ đặc biệt với những viên ngói cũng bằng gỗ. Trong ngôi nhà cổ của Vua săn voi này, các loại vũ khí, công cụ của các dũng sĩ săn voi từ rất nhiều đời được lưu giữ. “Nhà Buôn Đôn học” – với lòng yêu tha thiết bản xứ và sự mến khách, sẽ cho người xem dù tỉ mỉ, khó tính đến đâu thỏa mãn một thời đã qua của xứ voi này. Bạn sẽ biết đến những cái tên như trong cổ tích YThuK’nl (KunDunop) – người đã từng bắt được voi trắng tặng vua Xiêm; AMakông – Dũng sĩ săn voi số một của cao nguyên, đã từng chinh phục hơn 300 con voi rừng về thuần dưỡng. AMaKông cũng từng bắt được voi trắng, thần linh tối thượng của người Tây Nguyên tặng cho Bảo Đại. Giờ đây, AMakông đó “bách niên”, ông như biểu tượng một thời của quá khứ cho người đời chiêm ngưỡng. Cánh cửa du lịch mở ra một trang mới cho người bản xứ, cũng mở ra một cách làm ăn mới của gia đình Già. Thời trai trẻ, AMakông có món thuốc lá rừng có thể hàn gắn rất nhanh vết thương cho các dũng sĩ khi đi săn voi. Sau những cuộc rượt đuổi quây bắt ác liệt giữa đại ngàn rậm rì gai góc, những chàng tượng binh thân trần mông khố bị xây xát, thương tích đầy mình nhưng nhờ thuốc của Vua săn voi, họ nhanh chóng bình phục và cường tráng. Ngày nay thứ thuốc gia truyền của AMakông hấp dẫn du khách gần xa bởi khả năng tăng cường sinh lực cho cánh nam nhi.
 Giám đốc Trung tâm du lịch Buôn Đôn Nguyễn Văn Hòa khẳng định: Buôn Đôn đang và sẽ trở thành Trung tâm du lịch của tỉnh ĐakLak và Tây Nguyên. Anh cho biết về viễn cảnh về ngày mai, rất gần của Buôn Đôn, rằng đến đây du khách có thể nghỉ lại trong các nhà sàn, thưởng thức cơm lam và các đặc sản của núi rừng sông suối Tây Nguyên như gà tre nướng, cà đắng, cá lăng đuôi đỏ, cá mõm trâu, chình suối... với rượu cần và thưởng thức các điệu múa của Tây Nguyên. Với rất nhiều lễ hội: cồng chiêng, té nước, lăm vông, đâm trâu, bỏ mả, đua voi, đua thuyền độc mộc... miền sơn cước heo hút này sẽ nhanh chóng sầm uất về mật độ dân, phát triển về kinh tế, văn hóa và vững vàng về an ninh biên giới. Với những gì đã có, đang và sẽ có, Buôn Đôn là địa chỉ mời gọi tha thiết của hôm nay và của ngày mai.
 
;  Xuân 2007