Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

Thơ Lính & Lính Thơ

22:14, 24/09/2020AdminTrong mắt bạn đọc
(0 Đánh giá)
Có thể xét về một số mặt : Vũ khí, binh chủng, quân trang, quân dụng…quân đội Việt nam mặt này mặt khác còn chưa hẳn sánh kịp quân đội một sốS nước. Nhưng về Thơ và Lính Thơ thì không phải quân đội nước nào cũng hùng hậu và tinh thuệ như QĐND VN.

Tương Mai Cư Sĩ (TMCS):

Suy nghĩ về

THƠ LÍNH và LÍNH THƠ

(Đọc Bùi Quang Thanh - Thơ)

Bùi Quang Thanh (BQT) là một LÍNH CHIẾN- một LÍNH THƠ thực thụ. Người lính này sử dụng đồng thời hai loại vũ khí:
• Khẩu súng do QĐND trang bị
• Thơ do truyền thống mấy ngàn năm văn hiến của Dân tộc VN hun đúc cùng với lòng yêu nước và chí căm thù quân xâm lược !
Quý bạn đọc nước ngoài thân mến,
Quý bạn đang nghiên cứu Việt nam học thân mến,
Nếu các bạn thực sự thành tâm muốn hiểu thơ Lính Vn, trước tiên các bạn phải tìm hiểu cuộc sống của bản thân những người Lính làm thơ, không chỉ qua những chiến công hay những mất mát của họ mà trước hết hãy tìm hiểu những nét đời thường về họ, về gia đình , bè bạn, đồng bào đồng đội trong Thơ họ… Không hiểu những nội dung cơ bản đó, dù bạn có sưu tầm “thiên kinh vạn quyển” cũng chỉ là công dã tràng mà thôi !Thơ tức là Đời, Thơ Lính lại càng như vậy !
Mời các bạn cùng tìm hiểu GỐC GÁC người lính chiến thực thụ - BQT- dạn dầy bom đạn với sự việc anh trở về sau cuộc chiến được ví như chút gì may mắn còn lọt lại trên mặt sàng khốc liệt của chiến tranh ! Người lính chiến ấy là con của người lính chiến bố, hai thế hệ cha và con lần lượt cầm súng xả thân vì Tổ quốc ,vì làng xóm và gia đình thân yêu. Người lính chiến ấy - BQT -suy nghĩ thế nào, trong Thơ anh ta viết gì về người lính Cha mình , về Mẹ mình và về anh chị mình? Ta hãy đọc trích đoạn bài thơ ”Mẹ chọn năm sinh tôi” để hiểu về anh ta trước khi tìm hiểu nghệ thuật Thơ anh ta (vẫn là nguyên tắc mà TMCS theo đuổi: hiểu Người trước để hiểu Thơ sau) :
Cha tôi: vầng mặt trời
Gần thì bỏng rát
Xa thì nhớ mong
Mẹ là tấm gương
Không! Mẹ là vầng trăng
buồn và trong dẫu đầy dẫu khuyết
Tấm gương - vầng trăng, phản hình bóng cha
vào tôi âm thầm mãnh liệt
Tôi hấp thụ Người cả lúc xa xôi
….
Tuổi hai lăm
Cha nhận sứ mệnh của người vệ quốc
Hăm hở ra đi như ra hội ra đình
Mẹ lặng lẽ gánh phần cha để lại
Một nửa việc nhà
Một nửa - cuộc chiến tranh
….
Anh tôi, chị tôi và tôi
Líu ríu trong thúng đời của mẹ
Mẹ đang kì son trẻ
Yếm trắng che khoảng áo ngực để hờ
Khoảng áo ngực dành cho tôi bú
Những bữa chiều vơi bát nheo, khô
Bầu vú mẹ là món quà duy nhất
thường xuyên tôi được nhận
Là nắm cơm ngon nhất tôi được ăn
Là quả thị thần tiên trong cổ tích
Là chiếc kẹo cu đơ vĩnh cửu ngọt ngào
Khoảng yếm mẹ là bầu trời tôi sờ được
từng vân mây
Tôi vuốt được từng sợi tóc
Nơi mẹ thường cúi xuống nựng tôi
Giọt mồ hôi trên môi Người mặn chát
(Ảnh TMCS sưu tầm ứng với ý thơ BQT:
Mẹ lặng lẽ gánh phần cha để lại
Một nửa việc nhà
Một nửa - cuộc chiến tranh)
Đúng là ngôn ngữ lính , Thơ lính- Cha, Mẹ, Anh, Chị và gia cảnh từ tấm bé qua giọng thơ lính nói lên rõ ràng, không úp mở, vòng vo…Chả có gì phải dấu diếm : Cha đi trận như đi trảy hội ở tuổi hăm nhăm, vạt yếm mẹ, bàu sữa mẹ, sợi tóc mẹ, ba anh chị em líu ríu quanh mẹ hiền tần tảo… những hình tượng, cảnh ngộ ấy vây quanh BQT kết thành chiếc nôi để từ đó BQT lớn lên và trở thành một anh lính chiến - lính thơ là quá đỗi gần gũi thân thương với mỗi người VN. Chả biết các bạn đọc Âu Mỹ , các bạn VN hải ngoại chưa một lần đến hay về thăm tổ quốc nghĩ sao, cảm thấy thế nào, nhưng TMCS cũng như mỗi người VN đã trải qua mấy cuộc KC lâu dài thì qua mấy câu thơ trên thấy rõ mồn một hình hài và tâm hồn không chỉ một BQT mà cả thế hệ BQT, có khi cả lớp trước và lớp sau, trong đó có một số nét ở họ hao hao bản thân mình và người thân trong gia đình, làng xóm , phố xá mình… Cái chất lính trong bài thơ ấy có nét riêng, ai dám bào là thua kém về nghệ thuật so với nhiều bài thơ bác học, đài các của một vài nhà thơ VN nổi tiếng, đôi lúc mang hơi hướng điển tích Tàu hoặc hình tượng Tây…còn ở ngôn ngữ lính BQT - tất cả là THUẦN VIỆT !
Những chiến dịch, những trận đánh ác liệt đã luyện BQT thành Thép- Nhưng chất Thép “bất khả xâm phạm” trước quân thù đó, trong đời thường lại quá đỗi hiền hoà, êm dịu và bình dị. Đâu phải cứ THƠ NHÀ BINH là trước hết phải ầm ầm bom đạn, hoặc tang tóc đau thương…Tất nhiên khó tránh khỏi, nhưng tuỳ lúc…
Ta hãy đọc vài câu trong bài “Đi tàu cùng người đẹp”. Người đẹp trên tàu vào trong thơ tác giả vẫn chưa là gì cả, chỉ mới là một cô Nàng chưa quen mà BQT chợt thấy là đẹp, chưa hề quen biết nhưng BQT rất “ vui” được ngồi cạnh và làm chỗ dựa cho Nàng vô tư ngả người ngon giấc trong một chuyến tàu đêm xình xịch chạy với ánh đèn le lói trong mỗi toa…
Nhà tàu đèn tắt đi thôi
Để người ngon giấc, để tôi khỏi nhìn
Và BQT "ghen " với người xung quanh:
Nhà tàu đèn tắt đi thôi
Bao nhiêu cặp mắt săm soi kia kìa!
Nhưng “nhà tàu" không chiều nguyện vọng vô lý của BQT nên đèn vẫn sáng, như vậy ngủ đi thì “ uổng " quá, nhà thơ của chúng ta thức để được ngắm nhìn, nhưng ra bộ tự nguyện thức canh cho giấc ngủ của Nàng:
Con tàu lao suốt đêm khuya
Và tôi hóa đá làm bia cạnh người.
Người lính Thơ BQT đang “vi vu” đấy, anh ta hoá đá sao được, đây chỉ là giây phút “lặng người” không nhúc nhích thôi, con tim anh ta đang xao động đến mức tràn ra cả mấy câu lục bát . Đúng là lính ! cả lính chiến lẫn lính thơ…cả hai đều một giuộc cả, không vòng vo…điệu bộ…giữ mẽ….Có tội lỗi chi đâu mà không dám viết…tuốt tuồn tuột.
Và đây nữa, đôi nét chấm phá rất đời thường của BQT mà “cao tay điêu luyện “làm sao ! Hoá ra bao nhiêu bom đạn của quân cướp nước cũng không mảy may làm khô cằn được tâm hồn đa cảm của người lính Thơ Việt nam :
GỬI HẠNH THUYỀN
Bùi Quang Thanh
Chắp tay một vái. Chia đường
Bóng người lẫn giữa phố phường đua chen
Chỉ còn lại ánh mắt đen
Nụ cười nửa miệng sư em để dành
Mười năm lên núi tu hành
Vẫn chưa nắn nổi một vành môi cong
Nâu sồng mà thắt lưng ong
Làm sao ngăn nổi nhớ mong hỡi người...
Cửa thiền ai cấm xinh tươi
Thi nhân ai cấm nói lời trái tim.
Đà Lạt - Sài gòn- 10-2002
Giời ạ !
Thì ra BQT còn là tác gia viết một đoạn truyện tuyệt vời, là hoạ sĩ vẽ một bức tranh siêu việt :
“Truyện” viết rằng:
“Một hôm, trên con phố đông, một sư EM - có chút gì hơi khác sư CÔ đấy- sau mười năm tu hành trên núi cao hạ sơn. Nàng vẫn thế: vẫn ánh mắt đen, vẫn vành môi cong, trong bộ nâu sồng vẫn đáy lưng ong. Nàng chắp tay vái như khi thành kính Mô Phật trên chùa trong phút giây từ biệt……
Và câu kết THIÊN THẦN của bài THƠ:
Cửa thiền ai cấm xinh tươi
Thi nhân ai cấm nói lời trái tim”.
Ta như bị lẫn lộn: Mình đang đọc Thơ, xem Truyện hay ngắm Tranh ? Tất cả làm nên bởi một người Lính Chiến, đó mới là điều còn trên cả TUYỆT VỜI !
Riêng câu kết đã toát lên toàn bộ cái thần của bài thơ - của đoạn văn- của bức tranh BQT !
Bao nhiêu năm xông pha khói lửa chinh chiến, khoảng đời thiếu nữ đẹp nhất đã hiến dâng cả cho sự nghiệp chung, chuyên riêng tư thôi đành dang dở…Không ít các nữ TNXP- nữ chiến sĩ, sau cuộc chiến đã sống cuộc đời âm thầm đơn chiếc và một số đã tìm nương chốn cửa thiền…(TMCS từng ứa nước mắt khi được biết sau nhiều năm Liên xô tan rã, một số chị trong đại đội pháo binh anh hùng “ Xê Gái” ( C nữ) ở miền Trung, do cuộc sống lủi thủi cô quạnh, cách biệt… đã không biết gì về sự kiện ấy !) Với bài thơ Gửi Hạnh Thuyền, phải chăng BQT muốn đánh thức chút hi vọng mong manh đang héo tàn trong tâm hồn những số phận lỡ thì…Rất thấm thía…rất nhân văn…Một v/đ xã hội thời hậu chiến nghiêm túc được nhìn nhận theo cách nhìn của một nhà THƠ-LÍNH, cũng là tình nhân ái của một người LÍNH-THƠ !
(Trong thời chiến, chúng ta có lí khi phải “vạn bất đắc dĩ” né tránh v/đ hậu quả cuộc chiến. Nhưng thời hậu chiến đòi hỏi ta phải nhìn thẳng vào sự thật mà g/q những hậu quả ghê gớm không chỉ trên cơ thể mà trong tâm tư con người …Còn nhớ, vào thời mà một số phim Xô viết như Đàn sếu bay qua (The cranes are flying : Летят журавли), Bài ca người lính ( Ballade of a soldier : Баллада о солдате)… về chiến tranh được hoan nghênh nhiệt liệt khắp thế giới và được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá… thì ở ta lại bị phê phán là phim xét lại, cấm chiếu…Bây giờ thời đại và hoàn cảnh đã khác, chúng ta cần có cách nhìn chín chắn và có chiều sâu nhân ái hơn…
TMCS chợt nhớ tới cố thi nhân Phạm Tiến Duật với biệt danh Thi sĩ Trường sơn , nổi tiếng với Trường sơn đông, Trường sơn tây, Tiểu đội xe không kính… được Giải thưởng Nhà nước năm 2001, truy tặng Giải thưởng HCM năm 2012, Huân chương LĐ hạng Nhì trước khi vào cõi vĩnh hằng… đã từng lao đao, lận đận chỉ vì tám câu thơ “dại dột” một thời. Bây giờ đọc lại thì thấy chuyện như cái “lông hồng” (ngôn ngữ đường phố - street language : “Nhỏ như con Thỏ”). Đó là bài Vòng Trắng :
VÒNG TRẮNG
Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong yên lặng
Cái yên lặng bình thường đêm sau chiến tranh
Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang, vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi, ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong.
8 – 1974
(in lần đầu trên tạp chí Thanh niên)
PHẠM TIẾN DUẬT
Ôi! làm thơ khó thật ! đâu chỉ bởi ngôn ngữ và thi pháp…Mà cũng chả nên bàn thêm nữa, vì bây giờ đâu cần gì bàn ….)
TMCS đã ngẫu hứng dịch sang Anh và Hán bài Gửi Hạnh Thuyền như sau:
ANH (TMCS Oct-2016)
TO HẠNH THUYỀN-THE BUDDHIST-NUN
Poem by Bùi quang Thanh- Translation by TMCS
Clasping hands and making a kowtow, we parted.
Into the crowd of that street, your figure blended
As a buddhist-nun, you have saved till now
Your black eyes and your half-smile
In the mountains, after ten years of leading a nun’s life
You haven’t any change, even your lip curvature.
Although you are in the nun’s brown.
But how are they missing your waist being so slender.
At the temple they never forbid prettiness
And heart words can be spoken there by poets.
Dịch nghĩa bản Anh:
GỬI NI CÔ HẠNH THUYỀN
Thơ Bùi Quang Thanh - TMCS dịch.
Chắp tay, cúi đầu vái, chúng tôi chia tay.
Bóng hình em hoà vào đám đông trên con phố ấy.
Là một ni cô, em vẫn giữ đến nay
Đôi mắt huyền và nụ cười nửa miệng của em.
Sau mười năm sống cuộc đời ni cô trên núi
 
Em chưa thay đổi gì cả, dù chỉ làn môi cong.
Mặc dầu em khoác áo nâu sồng
Mọi người vẫn xiết bao tơ tưởng eo lưng thon thả của em!
Chùa chiền chả bao giờ cấm đoán sự xinh tươi,
Nơi đó thi sĩ có thể cất lên tiếng nói của trái tim.