Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

TIẾNG CHIM RỪNG BẠCH MÃ

19:02, 22/05/2011AdminTruyện - Ký
(0 Đánh giá)

Bùi Quang Thanh

 

TIẾNG CHIM RỪNG BẠCH MÃ
Truyện kí*

 

;Bên một hẻm phố của cố đô Huế, gã trai quê xanh gầy đứng chào bán một con chim lạ. Con chim nặng cỡ vài kí, lông màu mun có những chấm sáng sao, đuôi dài lết thết có dễ đến vài mét, trên chỏm đầu nhỏ thó luôn nghiêng ngó dáo dác có chiếc mào màu trắng dài chảy nghiêng một bên mắt. Nhìn con chim dở công dở phượng ai cũng trầm trồ thán phục nhưng chẳng ai biết là chim gì, ăn uống nuôi nấng ra sao, để làm cảnh hay để giết thịt... vì vậy anh chàng nhà quê ấy đứng suốt mấy tiếng đồng hồ, giữa sự tò mò hiếu kì của trẻ con và người lớn cả đường phố, vẫn chưa có ai cất tiếng trả một câu. Xế trưa thì có hai người đàn ông đi xe máy sán đến. Họ ngắm nghía con chim, gang tay đo sải đuôi, hỏi cách chăm nuôi, giá cả. Sau khi ngã giá một cách dễ dàng, hai người bảo gã trai quê xách chiếc lồng ngồi lên sau xe về nhà nhận tiền. Anh chàng lóng ngóng ngồi sau lưng người lái, người còn lại ngồi phía sau cùng, dùng tay đỡ chiếc lồng chim với lý do là “sợ gãy chiếc đuôi dài tuyệt đẹp”. Chỉ một loáng, cả ba người và chú chim dở công dở phượng ấy đã ngồi trước bàn làm việc của thường trực Chi cục kiểm lâm. Gã trai quê ngồi nghe những cán bộ kiểm lâm vạch tội mình vi phạm những điều này điều nọ trong lâm luật mà ngớ ra, mà sợ toát mồ hôi. Gã khai: gã là Trương Cảm, quê ở Phú Lộc, bố mẹ làm ruộng, gã làm nghề săn bắn và bẫy chim thú. Con chim này gã đánh bẩy bắt được ở một mỏm đồi “yên ngựa” trong rừng Bạch Mã. Cũng qua mấy cán bộ Kiểm lâm, gã biết tên con chim này có tên là Trĩ sao, một loài chim quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ thế giới. Trương Cảm chẳng biết sách đỏ thế giới là gì, loài trĩ này quý đến đâu, với ai. Chỉ biết rằng ở rừng Bạch Mã có nhiều, gã đã từng nhờ chúng mà có thu nhập và chính tay gã đã bắt sống đến vài trăm con.

 

 

; Chim bị tịch thu, người bị giữ lại lập biên bản, lấy lời khai. Trương Cảm chẳng hề dấu diếm, hỏi chi nói nấy, gã nói cả những điều cán bộ kiểm lâm chưa hỏi, ví như rừng Bạch Mã có những loài chim gì, thú gì cánh rừng nào nhiều chim này (Trĩ sao) nhất, gấu ngựa sống nơi nào trong điệp trùng Bạch Mã kia... Đương nhiên gã chẳng nói đến việc gã đã từng dùng súng AR15 bắn hạ đến vài chục chú gấu ngựa có cái yếm chữ “Vê” màu trắng đeo trước cổ. Thấy gã trai quê phạm trọng tội này có vẻ chất phác, thật thà và am hiểu núi rừng đến kì lạ, những người kiểm lâm thay đổi thái độ, vui vẻ chuyện trò và xế chiều thì giục cậu ta ra về, còn gửi cho 15 ngàn đồng để làm lộ phí. Trương Cảm cũng hứa như chém đá là từ nay không đi rừng nữa.

 

Đó là chuyện của người cán bộ kiểm lâm đang làm nhiệm vụ cùng bảy đồng nghiệp cai quản 1700 héc ta rừng nguyên sinh đặc dụng trong tổng thể 22031 héc ta vườn Quốc gia Bạch Mã. Chuyện của mười sáu năm về trước. Sau lần bị mất chim đó, Cảm giữ đúng lời nguyền, không tơ hào gì đến những cám dỗ của rừng thiêng, ở nhà cấy hái. Có được ít vốn cu góp thời săn bắn, gã đào ao nuôi cá, mở mang vườn tược, định bụng kiếm cô vợ nhà nông theo nghề cấy hái an phận thủ thường. Bỗng một hôm có đoàn người cả ta cả Tây kéo về tìm Cảm. Hoảng sợ vì nghĩ họ về để bắt tội ngày trước, Trương Cảm chuồn một mạch vào rừng không dám ở nhà. Khi đã yên ắng, Cảm lần về nhà thì nhận được một lá thư gửi lại. Nội dung lá thư đề nghị hợp tác để tìm, xác định nơi sinh sống của loài trĩ sao ở khu vực khe Ao - Nam Đông trong rừng Bạch Mã. Chưa hết hoài nghi, Cảm im lặng không trả lời. Nhờ ông bà Trương (bố mẹ Cảm) và chòm xóm động viên, thuyết phục, Cảm đã đồng ý dẫn Tiến sĩ Cray cùng ba đồng nghiệp của ông lặn lội suốt ba ngày trong rừng để chứng kiến 4 chú trĩ sao bị mắc bẫy treo của Trương Cảm. Chỉ một đoạn dây ni lông màu trong suốt và rất bền, Cảm vít một cây rừng nhỏ xuống làm chiếc cần bẫy. Một tiếng “Vút” nhẹ là chú trĩ diêm dúa kiêu sa đã giãy đành đạch, treo lơ lửng giữa lối đi. Chính nhờ minh chứng này mà dự án đưa Bạch Mã trở thành vườn Quốc gia được đẩy nhanh tới hiện thực. Tháng 8 năm 1988, anh Huỳnh Văn Kéo ở Cầu Hai vào tìm Cảm khi anh chàng đang gặt lúa ngoài đồng. Anh Huỳnh Văn Kéo (nay là Tiến sĩ, Giám đốc vườn Quốc gia Bạch Mã) với tư cách là Trưởng ban rừng cấm Bạch Mã đã nhận thấy sự cần thiết trong cơ quan mình có những người am hiểu rừng và động vật, tài nguyên rừng Bạch Mã như Trương Cảm và Cảm trở thành người nhà nước từ dạo ấy.

 

   Ở độ cao 1450 mét so với mặt biển, tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, ưỡn ngực trước biển Đông bao la, dưới chân là đầm Cầu Hai và Lập An kéo dài song song cùng quốc lộ 1A, phía nam liền cùng đỉnh Hải Vân chất ngất, khí hậu ôn hòa, nắng mưa điều độ, vì vậy hơn ở đâu hết rừng Bạch Mã có rất nhiều chim thú. Chim ở Bạch Mã có đến 333 loài, loài sống trên cây, bay lượn trên trời “đi mây về gió”, cũng không ít loài sống dưới đất, bơi trên hồ nước, ăn bụi ngủ bờ. Nhưng có thể nói rằng: Trương Cảm là một con chim kì lạ nhất. Anh ta có thể hót đủ thứ tiếng chim từ khướu bạc má, khướu đen, khướu khoang cổ, họa mi, cu rúc, cuốc, chèo bẻo, trĩ, gà lôi... Không chỉ là bắt chước tiếng hót, tiếng kêu, tiếng gáy đơn thuần mà anh còn diễn đạt tình cảm, trạng thái của chúng nữa. Tôi đã cùng Cảm vào rừng để chứng kiến cảnh trò chuyện của “con chim” nặng sáu mươi hai lô này với một rừng chim tự nhiên bằng ngôn ngữ của nhiều loài giữa một buổi trưa yên ắng. Dừng xe máy trên đường ô tô, chiếc xe thứ hai mà vợ chồng anh sắm để anh đi “công vụ” trên những con đường rừng dốc ngược, anh dẫn tôi men một con đường mòn giữa rừng nứa rậm rì, thứ nứa thân nhỏ như trúc để làm cần câu, lặng tờ như đang say trong giấc trưa giữa miền xanh mát rượi. Yên vắng quá. Cảm bảo tôi, bây giờ đang là giờ âu yếm nhau của các loài chim ca sĩ. Sau một buổi sáng kiếm ăn, chúng xuống suối, xuống khe tắm rửa rồi lên vắt vẻo trên cành mớm hơi, tỉa lông bắt chấy, tâm sự cùng nhau, những lúc này không mấy loài chim vô duyên “cao thanh” phá sự yên tĩnh của chòm xóm, nhưng nếu có một ai đó lên giọng sẽ được đáp ứng ngay. Cảm bảo tôi ngồi xuống dưới một bụi nứa cong cong thành một cái vòm, ra hiệu ngồi yên rồi bụm miệng, bàn tay phải đặt bên mép song song với sống mũi. Một âm thanh trong như tiếng sáo vút lên, bàn tay Cảm ngọ nguậy, tiếng hót lảnh lót của loài khướu xao động một góc rừng, tôi ngạc nhiên ngó quanh tìm kiếm, không phải tiếng chim rừng mà tiếng hót bay ra từ phía Cảm. Chỉ dạo một đoạn, Cảm dừng hót, nghiêng tai nghe ngóng. Trong yên ắng trưa rừng, đột ngột có tiếng chim xa xôi vọng lại. Hình như tiếng khướu? Lại nghe tiếng dè dặt: Cù rúc... cù rúc... khá gần, Cảm chụm hai bàn tay lại, đặt môi vào kẽ hở của hai ngón cái: Cù rúc...cù rúc...cù rúc. Lần này thì có tiếng đáp của nhiều loài như trỗi lên ngay sau kẽ lá, gốc cây. Rồi như có sức lan tỏa, tiếng chim ngày một tràn đầy. Cảm thì thào: “ Tiếng cà rích... cà rích ấy là chào mào. Khi hắn kêu Kích! Kích! Cà rích chích cù... như vậy là hắn gọi bạn, hắn tìm đàn. Nếu hắn kêu: Quých! Quých! là báo động cho nhau sự không bình yên. Bọn khướu kêu: Trè! Trè ... kéo dài là tức giận, dọa nạt. Loài khướu hót hay nhưng vì cái tính hiếu thắng và hay ghen ăn tức ở với nhau, hễ thấy mặt nhau, nghe tiếng nhau là sinh sự nên con người tinh quái dễ lừa bắt được chúng. Khi âu yếm, khướu bạc má có âm thanh nhỏ dần: cục cục cù quyu...; khi sợ sệt hoặc thua cuộc chúng kêu ti ti...ti ti kéo dài. Loài khướu thích ăn côn trùng như châu chấu, giun, mối. Chào mào thích xài nhiều loại quả như đa, đậu, mâm xôi, ráy quả đỏ.” Say chuyện, anh bảo tôi: “Rừng Bạch Mã nhiều nhất là khướu khoang cổ, cu rúc, gà lôi trắng. Loài trĩ sao ngày xưa cũng nhiều nhưng mai một do săn bắt. Bây giờ có cơ chế bảo vệ nghiêm ngặt, mật độ trĩ sao hiện nay đã là 0,9 con/km2 rồi. Đó là một con số lý tưởng.”. “Thế gà lôi và trĩ sao sống ở vùng nào?”. “Họ nhà gà ở đây có đến mấy chục loại. Riêng gà lôi có trên một chục, trĩ có đến 7 loài. Gà lôi lam trắng Bạch Mã là loại chim đã tưởng là mất nòi từ 70 năm nay hóa ra lại có nhiều ở Bạch Mã. Gà lôi sống thành đàn ở độ cao trên 800 mét so với mặt biển, đến mùa động dục chúng mới tách thành từng đôi, cũng có khi một con trống gạ được vài ba chị mái đi làm tổ. Tổ của chúng thường làm trong các bụi tre nứa rậm rì rất khó tiếp cận. Gà lôi trống nặng cỡ vài kí. Hồi còn là lâm tặc em đã tóm khá nhiều bọn này rồi. Hồi đó mình điếc không sợ súng mà”. “Thịt gà lôi và trĩ có ngon không?”. “Chả biết nữa. Bán kiếm tiền chứ đâu dám xài sang vậy. Còn loài trĩ thì chỉ sống độ cao dăm trăm mét”.

;   Chuyện Cảm gặp trĩ sao là do một lần đi tìm trầm hương trên lối mòn ở quảng cây số 8 đường lên Bạch Mã - nay gọi là đường mòn du lịch Trĩ sao, tình cờ anh chàng phát hiện một con chim lạ có đuôi dài, lông màu hung với nhiều chấm sao sáng đang múa lượn một mình trên một bãi đất bằng phẳng được dọn rất sạch sẽ . Anh chàng tò mò ngồi ngó trộm tay diễn viên kì diệu với điệu vũ mê hồn đang tự mình thưởng thức tài nghệ của mình. Hóa ra chẳng phải gã chim đẹp mã đó chỉ có một mình, lát sau một con chim cái sà từ trên cây xuống, ý chừng cô ả quan sát anh chàng múa máy từ lâu. Sau một hồi ve vãn, chúng tự tình theo kiểu các loài lông vũ rồi dìu nhau đi kiếm mồi. Con chim đực khoái chí thốt lên những tiếng “toóc... toóc... ù ơ...ù ơ...” tựa như tiếng vượn kêu. Trương Cảm chợt nảy ra ý định bắt chước tiếng tỏ tình của loài chim lạ đó để lừa chúng vào bẫy và chính đôi chim ấy là nạn nhân đầu tiên của gã. Cũng từ mẹo vặt này mà hắn đã bắt chước được nhiều tiếng nói của các loài chim ở Bạch Mã.

  Tất cả những quá khứ tội lỗi với muông thú, với rừng thiêng ngày xưa luôn thường trực trong ý nghĩ, trong trái tim người cán bộ kiểm lâm bây giờ. Như để chuộc cái tội sát sinh bậy bạ ngày ấy, Cảm lao vào công việc chăm sóc, bảo vệ rừng một cách say sưa, tự nguyện. Chiếc xe máy của anh vất bất cứ đâu trên con đường ngược lên đỉnh cao Bạch Mã cả buổi, cả ngày để ông chủ lặn vào trong bạt ngàn xanh cây lá, theo dõi động tĩnh của kẻ lạ có ý định chấm mút tài nguyên, có hành vi gây hại cho môi sinh và động thực vật ở đây. Nhờ am hiểu chim muông qua ngôn ngữ của chúng, Cảm biết được thiên nhiên gắn bó với cuộc sống của muôn loài mật thiết ra sao. Ví như chỉ nghe tiếng dồn dập của chim cu rúc là biết trời sẽ nắng hạn dữ dằn, chuẩn bị mà phòng chống cháy rừng. Tiếng tắc kè kêu chẵn lẽ cũng cho anh biết trời mưa hay nắng. “Cư dân” ở rừng cũng như dưới xóm nhà Cảm, có kẻ tốt người xấu. Ví như loài chim tìm vịt có tiếng kêu hèn mọn “ri ri... hết...hết...hết...” là kẻ tiểu nhân nhất ở đây. Những ả tìm vịt sau khi ngứa nghề liền tìm đến tổ chim sâu, chim khuyên, nấp rình cạnh đấy chờ cho các chị chim xinh xắn mà ngờ nghệch bay ra khỏi tổ đi kiếm mồi là chúng sà vào chén sạch những quả trứng nhỏ xíu rồi rặn trứng của mình vào, tẩu mất dạng. Tội nghiệp mấy chị khuyên, sâu hiền giả hóa ngu xoãi cả cánh cả đuôi ra mà ôm ấp mấy quả trứng to đùng của lũ “điểu tặc”, lại còn gò lưng nuôi lũ quái con có cái xác to gấp mấy lần mình để đến khi chúng đủ lông cứng cánh là tè ra mấy bãi rồi dông mất tiêu theo bầy đàn nhà tìm vịt đểu giả. Mỗi khi thấy bóng dáng loài quỷ sứ ấy là Cảm nhặt sỏi ném vù vù xua đuổi. Cũng chỉ cho bõ ghét thôi, dù thế nào đi nữa thì chúng cũng là công dân hợp pháp của rừng xanh, chẳng ai có quyền giết bỏ chúng. Trái ngược với chim tìm vịt “ích kỉ hại nhân” là loài chèo bẻo “dũng sĩ”. Cảm coi chèo bẻo là kẻ quân tử nhất đời. Đội cảm tử quân này sinh ra để bảo vệ sự bình yên cho đồng loại, xua đuổi hung thần quạ đen, ác là, diều hâu, cắt cắt... Cả khu rừng đang ríu rít yên vui bỗng một bóng đen cú vọ xéo qua, lập tức âm thanh ríu ran im bặt nhường chỗ cho tín hiệu hiểm nguy đe dọa. Ai lo thân nấy, cả làng chim vội vàng lẩn trốn bọn săn mồi. Chính khi ấy, những chiếc “Mích” nhỏ xíu với chiếc mỏ nhọn hoắt xòe cặp đuôi dài hình chữ V như đuôi én vút thẳng lên không trung, bám sát những cánh bay ác quỷ và tới tấp những đòn búa bổ nhằm vào chỗ hiểm của lũ chim ăn thịt không biết tanh ấy. Không phải một chiếc “Mich” mà hai, mà nhiều mũi lao đen nhánh đồng loạt công kích đối phương. Họ hàng nhà chèo bẻo, ai có khả năng xung trận đều xông ra nghênh địch. Chỉ có kẻ quá liều lĩnh hoặc dại khờ mới lần khân trước đàn chim dũng sĩ này. Trời lại quang, mây lại tạnh, đàn chèo bẻo lại trở thành những nghệ sĩ với tiếng hót trong veo, với chiếc đuôi dài xòe ra như đuôi én nhún nha nhún nhảy trước sự biết ơn công lao che chở của làng chim “vô tích sự”. Tôi bảo Cảm: chim chèo bẻo là thần tượng của người Tây Nguyên, ở trên ấy người ta gọi chúng là chim Chơ rao, anh kinh ngạc và cảm động hỏi: “Thật thế ư? Em đọc thuộc trường ca Chim Chơ rao của Thu Bồn mà nào có biết Chơ rao là chim gì. Nếu phải vậy thì quá xứng đáng.”

  Sau buổi đi rừng với Cảm, tôi trở lại tổ kiểm lâm của anh để chờ xe xuống núi. Cảm vội về vì chiều nay anh có việc dưới nhà. Những phút lân la cạnh các chàng trai giữ kho vàng xanh này, tôi biết thêm rằng trong 16 năm công tác ở đây, Trương Cảm đã được tặng nhiều bằng khen của ngành, của tỉnh, được bầu là chiến sĩ thi đua, đã từng được Đài truyền hình trung ương tặng Huy chương bạc về giải “Người gọi chim trời 2004”. Hóa ra là nhiều người đã biết đến anh rồi. Chẳng hiểu những điều tôi ghi ra đây có lạc hậu lắm không?

 

 

;  Bạch Mã, 14/7/2004

 

* Đã in trên Văn nghệ (Hội Nhà văn VN, Báo BVPL)