; Truy tìm ác quỷ của san hô
Người ta coi Sao biển gai là ác quỷ của những rừng san hô dưới đáy biển. Với hình thù kì dị gớm ghiếc, những quái vật này có từ 10 đến vài chục cái tay chõe ra tứ phía, thân mình như một đám bầy nhầy tua tủa gai nhọn, dài và cực sắc có thể đâm thủng thịt da, mỗi đầu gai nhọn như gai bồ kết ấy lại tiết ra chất độc khi châm vào đối thủ. Con Sao biển gai lớn nhất có thể có đường kính 0,8m. Là loài động vật sinh trưởng vô tính, Sao biển gai cái mỗi năm có thể đẻ đến 60 triệu trứng. Con cái và con đực cùng phóng trứng và tinh trùng vào nước biển để nở ra ấu trùng trôi nổi khắp nơi rồi bám vào các rạn san hô mà trưởng thành, mà ăn phá. Chúng cũng có thể tự phân thân, những cái tay lởm chởm lông gai ấy khi dứt ra lại tự phát triển thành một con khác. Đời một con Sao biển gai có thể chén hết 1/10 sào san hô non. Những rạn san hô khi bị Sao biển gai tấn công thì chỉ còn trơ gốc "rạ", trở thành những cánh rừng "chết".
Dưới đáy đại dương bí hiểm, những cánh rừng san hô đủ sắc màu tô điểm cho xứ sở của Thuỷ Tề sự phong phú, đa dạng, rực rỡ còn hơn cả những gì hiển hiện trên mặt đất. San hô không chỉ là cảnh quan mà còn là sự sống, là nguồn sống của muôn loài sinh vật biển. ở vịnh Nha Trang với sóng lặng nước trong, rừng san hô ở đây đã trở thành vô giá cho du lịch, cho bảo tồn và phát triển tài nguyên biển, phục vụ cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Cứ ngỡ những bông hoa đá vớt từ đáy đại dương kia chẳng liên quan gì đến đời sống của con người trên mặt đất ngoài vẻ lạ lẫm và những hình thù kì dị gây sự tò mò và sức liên tưởng của những người có máu...thi nhân, nhưng sự sinh tồn của san hô gắn liền với sự sống của thuỷ hải sản, nghĩa là gắn liền với sự tồn vong của con người. Sao biển gai - sát thủ của san hô - thời gian gần đây xuất hiện ngày càng dày ở vịnh Nha Trang, nơi cư ngụ của những rạn san hô muôn sắc. Dù chúng có hình thù là một chùm gai sắc nhọn, với năng lực tự vệ rất cao nhưng loài "quỷ" này vẫn là mồi cho một số loài cá, đặc biệt loài ốc Tù và. ốc Tù và là địch thủ kinh hoàng của Sao biển gai, chỉ một cú chích nhẹ vào huyệt là chú ốc hiền lành đã "hạ độc thủ" tên quỷ biển gớm ghiếc ấy. Tuy nhiên do nhu cầu cuộc sống, các loài cá và ốc Tù và lại là đối tượng truy bắt của con người. Mà con người đã thấy lợi thì... Vậy là nhờ con người, môi trường phát triển của Sao biển gai ngày càng thuận lợi bởi kẻ thù của chúng đã bị vơi dần.
Để cứu lấy những rạn san hô cho vùng vịnh biển đẹp nhất quốc gia - một trong 29 vịnh biển đẹp nhất thế giới, Ban quản lý Dự án Khu bảo tồn biển Hòn Mun đã mở chiến dịch thu mua Sao biển gai trong khu vực mình quản lý. Thu mua để... đào hố chôn. Những ngư dân bản địa dạn dày sóng nước lặn xuống những rạn san hô sâu từ 7 -15 sải nước, họ phải mang đồ lặn và ngậm ống cao su dẫn khí ô xi từ bình nén khí đặt sẵn trên thuyền, len lỏi tận hang cùng ngõ
hẻm để nhận diện Sao biển gai, rồi bằng một xiên sắt nhọn và dài họ xiên thẳng vào lưng loài quỷ biển, từ từ nâng nó lên khỏi đám san hô mà không làm gẫy những cái tay dài ngoằng của chúng. Bởi vì nếu gẫy, mỗi cái tay lại hoá thân thành một con quỷ nữa. Một lần lặn với rất nhiều lần xiên, họ ngoi lên cho người trên thuyền gỡ sản phẩm vào thùng. Những sản phẩm này được chở về Khu bảo tồn biển Hòn Mun, có người đón họ, kiểm diện số con trong khi chuyển chúng xuống mồ. Thủ tục thanh toán giản đơn, nhanh chóng. Mỗi con Sao biển gai dù lớn hay bé, nhân lên theo giá đã quy định, vào lấy tiền rẹc rẹc. Trung bình mỗi thuyền (có 3-4 ngư dân) đi bắt Sao biển gai mỗi ngày thu nhập khoảng 1.000.000đồng. Chỉ trong 4 ngày cao điểm chiến dịch do Khu Bảo tồn biển Hòn Mun phát động ( 17 - 21/5/2004) số tiền mà Khu BTB chi trả cho ngư dân bán xác Sao biển gai đã lên ngót trăm triệu.
Nhìn những con quỷ ghớm ghiếc đã chết tự bao giờ, xác nhiều con đã hôi thối mà vẫn có thể châm nọc độc vào tay những ai tò mò hay sơ ý đụng vào, mới biết dù có thu nhập kha khá nhưng những ngư phủ tham gia công việc này vất vả biết bao nhiêu. Lại càng thấy việc tiễu trừ loài ác quỷ của san hô dưới đáy đại dương bao la sâu thẳm này khó khăn và tốn kém biết ngần nào. Công việc tưởng chừng như "đáy bể mò kim" nhưng những người làm công tác bảo tồn biển ở Nha Trang đang coi phương án này là biện pháp hữu hiệu, vì ngoài việc diệt trừ được một phần Sao biển gai, chiến dịch này tác động trực tiếp đến các cơ quan, đoàn thể, chính quyền, đến mỗi công dân ở địa phương và du khách về nhận thức sự quan trọng và cần thiết phải bảo vệ môi trường của vùng biển có một không hai này.