Nhà văn - Nhà Báo - Bùi Quang Thanh

XANGSANE Cơn cuồng nộ thế kỷ

02:50, 06/07/2011AdminTruyện - Ký
(0 Đánh giá)
XANGSANE
CƠN CUỒNG NỘ THẾ KỶ
                                                         Bút ký
 
I. Bão sẽ về từ hướng mũi Tiên Sa  
Chiều ngày 30/9, tôi phóng xe sang bán đảo Sơn Trà, dọc theo đường Ngô Quyền về mũi Tiên Sa. Theo dự báo, bão số 6 sẽ thẳng hướng tây, tâm bão nằm trên vĩ độ 15, nghĩa là Đà Nẵng sẽ có dịp tận hưởng khoảng lặng trong "mắt bão", nghĩa là mũi Tiên Sa sẽ là điểm đất liền đầu tiên đón cơn cuồng nộ thế kỷ 21. Gió đã mạnh lên cấp 5, cấp 6. Đường ít người đi ra phía ấy, chỉ một số xe quân sự biển đỏ chạy tới lui. Bên trái tôi, âu thuyền Thọ Quang đã đặc kín tàu bè. Vũng biển của X50 Hải quân thường ngày vẫn có nhiều tàu lớn vào sửa chữa hoặc chờ giao nhận giờ đây chỉ có tàu cá, tàu hàng cỡ nhỏ. Các tàu lớn đã rời khỏi đây để tránh va đập.
 Anh Lê Hữu Cầu, trực ban trưởng của Xí nghiệp bốc dỡ Tiên Sa thuộc Cảng Đà Nẵng dẫn tôi ra bãi hàng và cầu cảng. Nhiều công nhân mặc quần áo mưa, mũ bảo hộ nhựa đang chuyển bao cát lên mái kho. Cả 3 kho hàng Tổng hợp (CFF) sát mép biển và 2 kho ICD tại bãi đã được chằng chống tứ bề, mái được dằn kỹ bằng hàng trăm bao cát; hàng hoá trong kho đã được tủ bạt che mưa. Trên 350 contennơ thường ngày chồng cao 3 lớp được xếp hàng thẳng băng giữa bãi, tất cả được hạ xuống nằm dưới đất, nép sát vào nhau; 2 cổng trục 40 đến 50 tấn cao gần 30m được chèn chống, "tăng đơ" bằng cáp níu về 4 phía. Tất cả xe cần cẩu, dù lớn dù bé, dù cao dù thấp được hạ cần nằm sát xuống đất đề phòng gío xô. Anh Cầu cho biết: Cảng Tiên Sa nằm ngay đầu mũi tây bắc của bán đảo Sơn Trà có gần 1000 mét bờ biển được xây bờ kè chắn sóng. Biển ở đây rất sâu, sát bờ kè độ sâu đã đạt tới 11m, vì vậy đây sẽ nơi đối đầu trực tiếp với sự tàn phá của "con voi dữ" Xangsane. Vốn có kinh nghiệm phòng và chống bão, lãnh đạo đơn vị đã không hề chủ quan, cũng không hề hoảng loạn. 100% quân số đựơc huy động thường trực, 12 phương tiện tốt nhất: xe ô tô, cần cẩu, đầu kéo, máy xúc đã đủ cơ số nhiên liệu; lương thực thực phẩm đủ đầy...
Quay về biển Mân Thái, Thọ Quang - vùng tiền tiêu phía đông nam núi Sơn Trà, các ngư dân đã kéo hết thuyền lên bãi, lên đà. Không một con tàu nào nép ở vũng này, tất cả chuyển về mạn sông Hàn tránh sóng. Nhìn những mái nhà dân, dù ở ngay mặt tiền của con đuờng lớn ven biển nhưng lụp xụp và cũ kỹ, tôi không hình dung đụơc họ sẽ chống chọi với siêu bão ra sao. Cuối chiều, sóng đã bắt đầu xõa bọt, réo rắt xô nhau lao thẳng vào vách núi Bãi Bụt, vào bờ cát.
 Tại Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực miền Trung, Trưởng phòng Tổng hợp Bùi Nguyên cho tôi biết: đơn vị có 3 tàu cứu nạn , một cái đang sửa chữa lớn, còn lại 2 tàu. Chiếc SAR 412 trực ngay bên sông Hàn. Con tàu này có tầm hoạt động (đi-về) 500 hải lý, nghĩa là có thể ứng cứu người ở cự ly 250 dặm biển. Một tàu nữa trực tại Nha Trang. Cán bộ, thuỷ thủ cả 2 tàu đang sẵn sàng chờ lệnh...
Không khí chiến đấu bao trùm thành phố: cảnh sơ tán dân, di dời tàu thuyền, chống nhà, dằn mái... Bóng những người dân, người lính chống bão lũ với tấm áo phao màu lửa như cháy trong màn mưa và màn đêm đã rây đều .
 
   II. Đà Nẵng đêm kinh khủng
   Vậy là đêm nay, chắc chắn đêm nay bão số 6 sẽ vào. Không ai còn hoài nghi điều đó. Các kênh đài truyền hình đều đặn báo tin bão khẩn cấp. Hầu hết dân chúng đều nhìn thấy "mắt bão" tròn vo, xanh lét trên màn hình đang nhìn họ chăm chăm như doạ dẫm sẽ nuốt chửng tất cả trên đường hành trình. Tôi liên tưởng đến một bài báo của tờ báo nào đó sáng nay cũng doạ dẫm: không một công trình nào trụ nổi? Vậy thì lo lắng mà làm gì. Tôi nạp lại pin máy ảnh, máy điện thoại, máy ghi âm. Sẽ mất điện là cái chắc. Chiều nay Phương Thảo - cô cán bộ văn phòng đã kịp mua mấy cây nến thật to. Áo mưa, mũ bảo hiểm cũng đã sẵn sàng, xăng đã đổ đầy bình xe máy... tôi như một ngươì lính đầy đủ súng đạn đang chờ giặc tới, chỉ thiếu bộ áo phao.
24h ngày 30/9: Chỉ còn VTV3 là thức với tôi trong căn phòng kín và chắc của trụ sở cơ quan đại diện miền Trung. Tiếng mưa rào rào ngoài cửa kính, tiếng gió giật ầm ầm, u u từ các khe cửa gỗ. Tôi biết "lão voi dữ" đã về. Tiếng thở của lão, dù đang cách 160 cây số cũng đã rung chuyển không gian, vũ trụ. Tôi điện sang hỏi Thượng tá Hải quân Bùi Quang Phú đang trực ở gần Cảng Tiên Sa, biết được gió đã giật cấp 10. Chập tối đến giờ, nhiều cú điện thoại của cơ quan, bạn bè, người thân, đồng nghiệp từ khắp nơi gọi về hỏi thăm tin bão. Lòng tôi thấy ấm lại khi biết miền Trung không đơn lẻ trước phong ba. Cả nước đang coi đây là tiền tuyến, bằng chứng là những đồng chí lãnh đạo cao cấp bậc nhất Chính phủ đang trực tiếp ở Bộ Chỉ huy tiền phương và bao nhiêu là cố gắng của cả nước cho trận sống mái đêm nay.
Khoảng 2h sáng ngày 01/10, điện tắt phụt. Trời đất tối om, gió giật mưa gào ngày một dữ hơn. Cái cổng sắt của cơ quan đổ đánh rầm... Không biết bao nhiêu gió, bao nhiêu mưa, bao nhiêu ầm ĩ đã bay qua ngôi nhà tôi đang ở. Khi trời mờ sáng, tôi trèo lên tầng tư ngôi nhà đang xây dở để mục sở thị Lão quái Xangsane. Mấy anh em thường trực chống bão của Viện Phúc thẩm tại Đà Nẵng cũng đã trèo lên đây. Cách chúng tôi không xa là toà nhà đang xây của Trung tâm tin học Đà Nẵng cao 24 tầng. Hàng trăm cái cửa như tổ tò vò chưa có cánh trở thành lỗ hổng đen ngòm hút gió vào, phun mưa ra, rít lên những âm thanh quái đản, kinh dị. Hầu hết cây cổ thụ trên đường Lý Tự Trọng đã bị vặt cành, vặt lá, nhiều cây bật gốc đổ chỏng chơ. Không gian mịt mờ mưa. Lá cây, rác rưởi, tấm tôn, hộp xốp, thùng các tông... bay loạn xạ, xoáy thành vòng. Có thể thấy được bọn gió chạy theo đường trôn ốc, ma quái, nghịch ngợm, tàn ác. Chúng "ngốn" những thứ trên đường di chuyển, tung lên, reo hò rồi nhả ra cuồn cuộn. Những mái nhà ngói, nhà tôn bị bốc hết tấm lợp trơ những sườn gỗ và từ đó, mọi thứ bay được cứ tuôn ra. Những tấm tôn sắc lẹm như lưỡi dao bào chém vèo vèo trong không gian, có tấm bị xé nhỏ thành sợi, vặn vẹo trên cành cây, trên dây điện, cột đèn. Cách một quãng dăm chục mét, lưới visac của bưu điện Lý Tự Trọng bị giật đứt dây neo, bị xé toạc phần dưới quay như chong chóng; mái nhà rất cao của Toà án TP Đà Nẵng bị bốc lên, hạ xuống như đang nằm trên nhịp thở của một con...voi. Cả khu vực xung quanh tôi, tiếng cửa kính đổ vỡ rào rào, mảnh vung loạn xạ. Ngôi nhà cấp 4 đối diện mái tôn bị bốc hết, năm sáu người cả đàn ông, đàn bà, trẻ con nép vào nhau run rẩy bên bức tường phía trước. Ở đó có một cái góc được hợp lại bởi tường dọc tường ngang. Sau lưng họ chỗ bức tường che khuất là 2 cây sữa cổ thụ đang quằn quại trong gió bão có thể bị nhổ phăng hay bẻ gẫy bất cứ lúc nào. Tôi phải gào lên, mấy anh lái xe, thường trực của Viện Phúc thẩm 2 cũng gào lên báo cho họ biết nguy hiểm và tìm cách mở cổng đưa họ sang chỗ chúng tôi. Trong taymột người đàn ông là đứa bé chưa đầy năm, ướt mèm, tím tái vì lạnh. Tôi quay về phòng, nai nịt bằng áo mưa, mũ xe máy, mặc thêm tấm áo choàng mưa bên ngoài túi máy ảnh, chọn đôi dép vừa chắc vừa dễ cởi bỏ đề phòng có sẩy chân thì còn kịp gỡ dép vì như vậy chắc sẽ ...lâu chìm hơn. Có điện thoại, Toàn Vũ báo Công lý kêu cứu: "Anh sang cơ quan em giúp anh Hà. Bên ấy cửa đã bị đánh vỡ rồi". Điện cho Hoàng Hà, tiếng hắn mừng rỡ: " Anh sang với em nhé". Tôi lội dọc đường Lý Tự Trọng ra Bạch Đằng, cũng không phải vì hắn cô đơn cố thủ trong nhà mà vì muốn ghi hình ảnh gió bão trên sông Hàn, vả lại có hắn đi cũng đỡ cô đơn. Nước sông Hàn dâng lên, tràn qua Bạch Đằng làm ngập đến góc Trần Phú. Cây cối trên đường Trần Phú gãy đổ ngổn ngang gần như không thể len chân đi bộ được. Cổng toà Phúc thẩm tối cao ở Bạch Đằng khoá trong, tôi hét mấy lần mới thấy cái đầu của nhà báo Hà lập lò ở cánh cửa sắt vừa hé, trông như đầu con chuột ló khỏi hang quan sát. Hà nói gì đó, ngược gió bão tôi không nghe nhưng qua điệu bộ và tay hắn chỉ, tôi biết hắn bảo tôi quay lại đường Trần Phú mà vào. Tôi vừa hét vừa chỉ cho hắn cùng sang khách sạn Sông Hàn chụp ảnh. Cái khách sạn ngày trước đông đúc là thế, giờ chỉ còn 1 chú bảo vệ ngẩn ngơ giữa bao đổ nát. Toàn bộ cửa kính bị xô đổ, cả những bức tượng bằng đá Non Nước đang trưng bày ở đây, có cái cao gần 2 mét, đỗ vỡ lăn lóc. Một du khách người Ý tò mò đứng trên cầu thang ngó xuống, thấy tôi liền gật đầu chào. Anh ta tên là Tôni, vừa đến Đà Nẵng mấy ngày. Bập bõm mấy câu tiếng Việt, anh cứ xuýt xoa: "Kinh khủng quá! Tuyệt vời quá". Tôi chẳng hiểu ý anh chàng khen cái gì tuyệt vời. Chẳng lẽ tôi đến với anh ta đúng lúc anh ấy cô đơn và sợ hãi. Tôi hỏi anh đã bao giờ gặp cảnh tương tự thế này, Tôni xua tay: "Nâu! Nâu!..."
Tôi và Hoàng Hà men theo đường Bạch Đằng đến số 2 Trần Quý Cáp hy vọng nắm tình hình qua báo Nhân Dân. Phòng trực toà báo Đảng cũng tan hoang rồi: mảnh kính tung toé, vách ngăn đổ chỏng chơ. Khai, lái xe của báo Nhân Dân cho biết các phóng viên đi vắng cả, điện thoại mất liên lạc, mái nhà bị tốc hết rồi.
13 giờ, Hà Nội điện vào: Đà Nẵng có 2 người chết, 70 người bị thương; tàu Hải quân cứu được 30 tàu dân bị bão cuốn. Chưa bắt liên lạc được với Hội An và các đảo Cù lao Chàm, Lý Sơn... Thế có buồn không? Mình ở ngay tâm bão mà mù tịt thông tin, thật là bẽ bàng. Tôi rủ Hà quay về lấy xe máy, lách qua cây đổ và các vật cản đi quanh thành phố.
 
III. Không phải tất cả đều do trời!
Phải nói rằng, lực lượng bảo đảm giao thông ở Đà Nẵng trong bão Xangsane làm việc quá tốt. Ngay trong bão tố, ầm ầm cây đổ tôn bay, các đường phố Bạch Đằng, Quang Trung... đã có mặt họ. Áo mưa trùm kín người, không phù hiệu biển tên, họ lặng lẽ chặt, cưa, lôi, kéo tất cả các vật cản ra 2 phía mở đường cho người và phương tiện ứng cứu bão lũ. Tôi đùa với một công nhân trong số họ: "Các ông giải quyết hiện trường nhanh quá làm tôi không ghi được hình". "Nhà báo ơi! Đổ nát nhiều quá làm sao cho xuể đây?"
Tan hoang! Đúng là tan hoang quá. Thiệt hại lớn nhất, và có lẽ còn lâu mới khắc phục là cây xanh. Những phố phường xanh rợp bóng cây đại thụ sẽ còn rất lâu mới có lại được. Tôi để ý thấy loài phượng, loài sữa tuy giòn cành nhưng đó lại là lợi thế. Cành gẫy sớm đã giúp cho cây đỡ bị gió xô bật gốc. Trái lại các loài xà cừ , bàng, cành lá rậm rì, dai dẳng mà rễ lại nông choèn, vì thế gió xô là ngã chỏng chơ. Tại công viên 29/3, quang cảnh thật là nẫu lòng khi hàng trăm cây đại thụ thi nhau gục ngã. Bên dưới những xác cây đại thụ là những vườn cây cảnh, hoa các loại từng là niềm kiêu hãnh của chợ hoa thành phố bị vầy vò tan nát. Chiếc tàu đánh bắt xa bờ cỡ lớn bị nhấn chìm trên sông Hàn; Nhà sách Đà Nẵng, Đại lý YaMaHa... không còn hình thù của một công sở. Hầu như tất cả các nhà bằng mái tôn, mái ngói đều bị hư hỏng. Các nơi trọng điểm như Hoà Minh (Liên Chiểu), Mân Thái, Thọ Quang (Sơn Trà)... bị tổn thất nặng nề về nhà cửa và rất nhiều người bị thương do bão. Chúng tôi thực sự đau xót trước cái chết thương tâm của em học sinh lớp 11 Lê Đức Phước Tựu. Nhà Tựu ở trong kiệt 14 Hoàng Diệu (Quận Hải Châu). Em sống cùng mẹ và bà ngoại, gia đình là hộ thuộc diện nghèo. Lúc 8h30 phút sáng, khi cơn bão gầm rú cực mạnh, cái cần cẩu cao ngồng của đơn vị xây dựng đang thi công nhà cao tầng cho Hoàng Anh Gia Lai ở góc đường Hoàng Diệu và Nguyễn Văn Linh bị gãy ngang đổ ập xuống khu dân cư ở kiệt 14 làm sập một lúc 3 căn hộ trong đó có nhà em. Tựu bị đập nát đầu chết ngay tại chỗ. Bà ngoại, mẹ và dì ruột em cùng một người hàng xóm bị thương nặng đang đi cấp cứu ở bệnh viện. Gặp các nhà báo, người dân ở khu phố này ai cũng thương xót em và trách móc hành vi thiếu trách nhiệm của những người phụ trách thi công công trình Hoàng Anh Gia Lai. 14h20 phút, khi chúng tôi sang chỗ em Tựu nằm chờ được mai táng cách đó vài chục mét, chị và anh họ Tựu vừa bê về một phần đầu và mặt của em bị cần cẩu đập nát vừa tìm được. Cả hai khóc nức nở, họ cho chúng tôi biết từ sáng tới giờ chưa hề có ai bên chủ phương tiện sang thăm nom. Lẽ ra các ông chủ công trường này phải biết hạ cẩu xuống tránh bão chứ sao lại liều lĩnh và vô trách nhiệm đến vậy? Sao họ không sang cảng Tiên Sa mà học các đồng nghiệp bên đó? Hơn 6 tiếng đồng hồ rồi em Tựu nằm đó mà chưa có được một nén nhang, còn cả nhà em đang cấp cứu trong bệnh viện nữa?
Trên đường Phạm Văn Đồng nhà cửa còn thưa thớt nên sức tàn phá có vẻ ít hơn. Tuy nhiên hầu hết các cây đèn cao áp ở đây đề ngã rạp, không phải gió quật gãy mà bị xô "bật rễ". Những cây đèn quá đẹp đẽ và chắc chắn với các cụm bóng đắt tiền được chưng ở con đường ra bãi tắm chưa lâu, trên đầu cũng treo rất gọn nhẹ, vậy mà cứ chỏng vó cả lên. Nhìn kỹ dưới chân cột, chúng tôi giật mình vì các trụ đế bê tông quá bé nhỏ và mảnh mai, Hoàng Hà đo được mỗi cột có kích thước 50(cm)x70x25 được đổ bằng xi và cuội, mà hình như xi măng thì quá ít nên không đủ độ bền vững trước sức gió. Hoá ra không phải mọitổn thất đều do bão gây ra. Trong trường hợp này bão Xangsane chỉ góp phần làm cho bản chất công trình làm ẩu, thiếu trách nhiệm sớm tòi ra ánh sáng.
 
Qua thông tin dù chưa chính xác lắm mà chúng tôi nhận được, dù tổn thất là không tránh khỏi nhưng trước một cơn đại cuồng phong chưa từng có như bão Xangsane, chúng ta đã hạn chế tối thiểu sự tàn phá của nó và khẳng định rằng: nếu không chủ quan, biết đoàn kết, chủ động và có trách nhiệm thì chẳng có gì chúng ta chịu bó tay hết cả. Từ bão Chan Chu đến Xangsane, mới chỉ có 6 trận. Mùa bão này hẳn còn nhiều thách thức. Mong rằng chúng ta không gặp lại “Lão quái đông phong.”.
 Đà Nẵng, 02/10/2005